Không tăng thời gian làm việc tại trường, giáo viên đừng nghĩ đến tăng lương

30/01/2021 06:30
HOÀI THANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tôi cho rằng nếu tăng lương, tăng cường cơ sở vật chất, mọi người đều thương yêu học sinh,… thì thời gian làm việc tại trường 8 giờ/ngày là một ý tưởng tuyệt vời.

Hiện nay, vấn đề tăng thời gian làm việc tại trường của giáo viên lên mức 8 giờ/ngày, 40 giờ/tuần và tăng thời gian làm việc cụ thể là tăng số tiết dạy định mức của mỗi giáo viên được giáo viên bàn tán sôi nổi, trong đó có nhiều bình luận, ý kiến đồng tình lẫn phản đối.

Tiếp tục bàn luận về đề tài này, người viết xin được nêu quan điểm cá nhân về những mặt tích cực của việc thay đổi thời gian làm việc, tăng thời gian làm việc tại trường, tinh giản biên chế bộ máy để nâng cao hiệu quả và tập trung nguồn lực ngân sách tăng lương cho giáo viên, tiến tới lực lượng giáo viên tinh, gọn, làm việc hiệu quả, chất lượng.

Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Có nhiều ý kiến trái chiều liên quan đến đề xuất giáo viên làm việc 8 tiếng ở trường. (Ảnh chỉ mang tính chất minh họa, tác giả: Lã Tiến)

Công việc giáo viên hiện nay nhiều hay ít?

Trong bài viết “Đề xuất giáo viên làm 8 tiếng ở trường, không mang việc về nhà rất đáng xem xét” tác giả Bùi Nam đã nêu những công việc chính của giáo viên đứng lớp tại các cơ sở giáo dục như sau:

Đứng lớp giảng dạy với số tiết, số giờ quy định tùy theo cấp học, bậc học (tiểu học 23 tiết/tuần, trung học cơ sở 19 tiết/tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần);

Công tác chủ nhiệm nếu có đề ra kế hoạch, quản lý học sinh, sinh hoạt chủ nhiệm cuối tuần, hoạt động ngoài giờ lên lớp;

Thực hiện hồ sơ sổ sách kế hoạch bài dạy, kế hoạch giáo dục, sổ điểm, sổ chủ nhiệm (nếu có);

Chấm bài kiểm tra học sinh;

Thực hiện bồi dưỡng thường xuyên hiện nay việc bồi dưỡng thường xuyên thực hiện trực tuyến và trực tiếp trên phần mềm taphuan.csdl.edu.vn;

Họp tổ chuyên môn 2 lần/ tháng, họp hội đồng sư phạm 1 lần/tháng, họp đột xuất, nếu là đảng viên họp chi bộ 1 lần/tháng,…;

Tham gia các phong trào thi giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi, sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học,… (tự nguyện);

Dự giờ, hội giảng, thao giảng,… (hiện nay không bắt buộc, tùy theo trường)

Hướng dẫn học sinh tham gia các phong trào khoa học kỹ thuật, văn nghệ, thể dục thể thao,..;

Các công việc khác như xử lý học sinh, giải quyết các tình huống phát sinh trong nhà trường, và các công việc đột xuất khác,…

Cũng là giáo viên tôi rất đồng ý với những trình bày trên, đó hầu như là các công việc thường xuyên, lập đi lập lại của giáo viên, nếu làm việc nhiệt tình, có trách nhiệm thì giáo viên nếu có tăng thêm tiết dạy, thực hiện công việc 8 giờ/ ngày tại trường thì không chỉ không cần đem việc về nhà mà còn dư thời gian tại trường để sinh hoạt chuyên môn, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, hướng dẫn học sinh vui chơi, trải nghiệm,… vì các lý do sau:

Hiện nay việc soạn bài như kế hoạch bài dạy (giáo án), kế hoạch giáo dục cá nhân, giáo án điện tử,… được thực hiện hầu hết trên máy vi tính, mọi người có thể tham khảo tư liệu, bài giảng của giáo viên khác nên việc soạn bài hầu như khá đơn giản, các tổ chuyên môn mỗi tuần có thể soạn cho cả tháng dạy.

Ví dụ: Tổ Toán của bậc trung học cơ sở có 5 giáo viên, sau khi dạy xong tổ trưởng phân công mỗi người soạn 1 bài, 5 người soạn được 5 bài, sau đó mỗi người trình chiếu cả 5 bài cho cả tổ góp ý, thống nhất và sản phẩm được dùng chung cho cả tổ.

Việc dạy trên lớp thì tùy tình hình giáo viên có thể gia giảm thêm cho phù hợp tình hình.

Như vậy, chỉ cần vài buổi trong tuần là giáo viên có thể soạn được cả một tháng, học kỳ nó thực chất và hiệu quả.

Nếu tổ đông hơn thì việc thực hiện dễ dàng hơn, góp ý hiệu quả hơn.

Đây là những giáo án, kế hoạch dạy học do giáo viên thực hiện, dưới sự góp ý của đồng nghiệp nên những bài soạn này đều hiệu quả, không phải là những giáo án sao chép, trao đổi trên mạng,… không kiểm chứng.

Việc soạn giáo án điện tử, thực hiện sáng kiến kinh nghiệm, đồ dùng dạy học,… nếu thực hiện tại trường dưới sự đóng góp, hỗ trợ của giáo viên, tổ chuyên môn sẽ đơn giản và hiệu quả hơn nhiều so với việc giáo viên tự thực hiện ở nhà không ai góp ý, không ai đóng góp, hỗ trợ chỉnh sửa,…

Thông qua các buổi họp chung mà giáo viên chia sẻ kinh nghiệm hỗ trợ lẫn nhau nâng cao trình độ công nghệ thông tin, ngoại ngữ, sẽ đoàn kết hơn.

Tôi cho rằng hiện nay vấn đề các mà giáo viên thường hay than thở là việc chấm bài cho học sinh tốn nhiều thời gian, có khi phải chấm đến khuya để kịp nộp bài hầu như đã không còn.

Hiện nay, theo quy định mới hầu như ở bậc phổ thông chỉ còn 2 bài kiểm tra gồm 1 bài kiểm tra giữa kỳ (giống kiểm tra 1 tiết) và 1 bài kiểm tra cuối kỳ (kiểm tra học kỳ), còn lại là từ 2 – 4 bài kiểm tra thường xuyên (có thể kiểm tra 15 phút, kiểm tra miệng, kiểm tra vở ghi bài, kiểm tra sản phẩm học tập, kiểm tra vận dụng, thực hành, thí nghiệm,…).

Do đó, việc kiểm tra hiện nay chỉ còn 2 bài giữa kỳ và cuối kỳ là giáo viên phải chấm bài trực tiếp, các bài kiểm tra thường xuyên khác giáo viên chủ động, linh hoạt áp dụng hình thức cho khác nhau, không nhất thiết phải kiểm tra giấy, bài làm của học sinh.

Nếu giáo viên thực hiện làm việc 8 giờ tại trường thì nếu tổ linh hoạt thì giáo viên có thể hỗ trợ chấm bài lẫn nhau để công việc hoàn thành sớm.

Ví dụ môn Toán khối 6, 9 kiểm tra giữa kỳ tuần 9 thì giáo viên khối 6, 9 trên cộng với giáo viên khối 7, 8 hỗ trợ chấm, nếu khối 7, 8 kiểm tra giữa kỳ tuần 10 thì giáo viên khối 6, 9 hỗ trợ chấm, vừa chính xác vừa tăng tính đoàn kết.

Đó chính là 2 công việc chính tốn nhiều thời gian của giáo viên, còn các công việc còn lại chủ yếu là phong trào, các hoạt động khác như tập huấn, bồi dưỡng,… thì hầu như thực hiện toàn bộ tại trường.

Giáo viên đã chuẩn bị bài dạy hoàn chỉnh, phù hợp thì lên lớp rất chuẩn, thì những công việc còn lại không đáng kể.

Nếu như vậy mọi công việc được giải quyết êm đẹp tại trường về nhà giáo viên chỉ việc nghỉ ngơi cho đủ sức khỏe, tinh thần chuẩn bị cho ngày hôm sau.

Bên cạnh đó, định hướng học sinh tiến tới cả nước học 2 buổi/ ngày, thì đa số ở trường dưới sự giáo dục, giám sát, hướng dẫn của giáo viên, nếu học sinh học tập, sinh hoạt tại trường, trong trường lực lượng giáo viên đầy đủ thì việc học sinh sẽ rất ít vi phạm, nếu có vi phạm ở trong nhà trường thì việc xử lý sẽ dễ dàng, đơn giản hơn.

Học sinh giỏi sẽ nâng lên, học sinh yếu sẽ giảm đi dưới sự bồi dưỡng, giám sát của giáo viên.

Hiện nay, học sinh khi học 1 buổi, 1 buổi còn lại đi chơi, tuổi trẻ thì còn bốc đồng, nông nổi, nóng tính nên nhiều vụ bạo lực học đường, nhiều vụ việc vi phạm khác xảy ra, nếu học sinh học tập và sinh hoạt gần như ở trong trường thì sẽ rất ít vi phạm, bạo lực học đường giảm, phụ huynh yên tâm hơn.

Nếu học sinh có vi phạm thì trong khuôn viên trường sẽ không quá phức tạp, học sinh học tại trường 2 buổi không chỉ học kiến thức mà còn kỹ năng sống, thể dục thể thao, tình yêu quê hương đất nước, lòng hiếu thảo,… nên các em càng ngày càng hiểu biết rộng hơn, đoàn kết hơn,… do đó chắc chắn vi phạm ít hơn, động cơ và thái độ học tập đúng đắn sẽ được nâng lên.

Tôi cho rằng nếu tăng lương, tăng cường cơ sở vật chất, mọi người đều thương yêu học sinh, có trách nhiệm, có kế hoạch cụ thể (hiệu trưởng khá, giỏi)… thì thời gian làm việc tại trường 8 giờ/ ngày và 40 giờ/ tuần là một ý tưởng tuyệt vời, chắc chắn sẽ mang lại hiệu quả tích cực.

Phải tăng thời gian, hiệu quả làm việc mới nghĩ đến tăng lương

Với thời gian làm việc, số lượng biên chế giáo viên, khối lượng công việc và hiệu quả việc làm hiện nay của giáo viên thì việc tăng lương là rất khó khi ngân sách nhà nước eo hẹp, khó khăn.

Hiện nay, nhiều giáo viên cứ kêu ca, than thở rất nhiều về nghề, về lương,… nhưng một sự thật là việc làm không tương xứng, nếu không tăng thời gian làm việc, không giảm biên chế, không mở rộng trường dân lập, tư thục, bán công,… thì với lượng giáo viên cả nước như hiện nay thì không ngân sách nào kham nổi chứ đừng nói tăng lương nhà giáo, tăng lương đặc thù cho nghề.

Đã qua rồi cái giai đoạn, đi dạy rồi làm việc “tàng tàng”, “sáng cắp cặp đi chiều cắp cặp về” vào trường dạy cho hết giờ, hết tiết rồi về nhà, rồi trông chờ mỗi tháng nhận lương, rồi còn đòi hỏi lương tăng cao khi không mang lại hiệu quả, chất lượng.

Phải tiến tới giai đoạn giáo viên đến trường tập trung làm việc hết khả năng trí lực, sức lực, làm việc tại trường 8 giờ mỗi ngày hiệu quả như những cán bộ, công chức, viên chức khác, chỉ có như vậy mới nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục cũng như nghĩ đến việc tăng lương nhà giáo trong tương lai cao, lương đặc thù cho nghề giáo cao, phù hợp.

Khi tăng thời gian làm việc thì sẽ tiến tới tinh gọn bộ máy, đội ngũ nhà giáo, khi đó mọi giáo viên đều nỗ lực hết mình để giảng dạy trên lớp nếu không sẽ phải tiến tới bị đào thải, tinh giản khi đó sẽ có lực lượng giáo viên đồng đều, giỏi trong tương lai.

Như thế sẽ dần dần loại bỏ giáo viên nào yếu kém chuyên môn hoặc lười biếng, giáo viên sẽ dành tâm sức, trí tuệ cho việc dạy trên lớp, việc dạy thêm tràn lan đương nhiên sẽ hạn chế, chắc chắn học sinh học sẽ tốt hơn, tự học tốt hơn, tiếp xúc điều hay lẽ phải, cái tốt nhiều hơn, lúc đó các em cũng không cần phải học thêm nhiều, nhiều gia đình cũng sẽ đỡ gánh nặng vì tiền học thêm, cũng không còn lo lắng con mình bị o ép học thêm thu tiền,…

Vì những lý do trên, tôi cho rằng phải tiến tới việc giáo viên làm việc 8 giờ/ ngày tại trường và 40 giờ/ tuần, tăng tiết dạy của giáo viên so với hiện nay và mọi công việc giải quyết tại trường là việc làm tất yếu, đáng được nghiên cứu, xem xét tiến tới công bằng trong giáo dục, công bằng xã hội và nâng cao chất lượng và hiệu quả giáo dục một cách tốt nhất.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

HOÀI THANH