Lắp camera trong lớp học lợi cho an ninh, hại cho tâm lý cả thầy và trò

11/10/2019 06:16
Như Hải
(GDVN) - Nhà trường cần có lực lượng bảo vệ, giám thị chuyên trách. Lực lượng này phải có năng lực và được tập huấn nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn bạo hành.

Sau sự việc cô giáo tiểu học ở Thành phố Hồ Chí Minh có hành vi bạo hành với học sinh được camera ghi lại đã dấy lên tranh cãi có nên lắp camera trong lớp học hay không để chống báo lực học đường?

Vấn đề này đang thu hút nhiều phụ huynh và các nhà quản lý giáo dục quan tâm. Bởi điểm lợi lắp camera được nhiều người ủng hộ vì tin rằng cách làm này ghi lại được hành vi bạo hành, khiến các thầy cô giáo sợ bị phát hiện nên không còn bạo hành học sinh nữa.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây việc lắp camera ảnh hưởng như thế nào đến công tác dạy và học của thầy và trò dường như chưa được quan tâm, tìm hiều thấu đáo.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, lắp Camera khiến lớp học mất tự nhiên (ảnh do nhân vật cung cấp).
Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, lắp Camera khiến lớp học mất tự nhiên (ảnh do nhân vật cung cấp).

Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với thầy Nguyễn Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Marie Curie Hà Nội.

Theo thầy Nguyễn Xuân Khang, việc lắp camera trong lớp học đã có ở nơi này nơi khác từ mười mấy năm trước, từ mầm non đến bậc trung học phổ thông.

Ngay từ những ngày đó, thầy Nguyễn Xuân Khang cũng đã đưa vấn đề này tham khảo ý kiến các thầy cô trong trường.

Qua thảo luận có thể thấy có nhiều điểm lợi và không lợi khi tiến hành lắp camera!

Phía sau cái camera quay lén lớp học
Phía sau cái camera quay lén lớp học

Cụ thể thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, về an ninh thì có lợi, nhưng về tâm lý cả thầy và trò thì không có lợi.

Khi có camera thì lớp học sẽ mất tự nhiên, thêm căng thẳng vì bị soi xét thường xuyên nhất cử nhất động...

Vì thế cho đến bây giờ thầy cũng chỉ cho lắp camera ở cổng, sân trường, hành lang, phòng ăn, nhà để xe... chứ không lắp trong lớp học.

Thầy Nguyễn Xuân Khang cho rằng, việc lắp trong lớp học nên ở các lớp mầm non, các cháu quá bé dễ bị “bắt nạt” (bạo hành); giám sát các cô, buộc các cô phải chu đáo và kiềm chế nóng giận.

Hiện nay, bạo lực học đường diễn ra rất nguy hiểm: bằng lời trực tiếp hoặc gián tiếp (mắng chửi, sỉ nhục, đe dọa nhau bằng lời nói hoặc dùng mạng xã hội...); bằng hành vi (bắt quỳ, uống nước bẩn, liếm ghế, nhéo tai, tát, đấm, đá...); bằng dụng cụ (gậy gộc, dao kéo, gạch đá...)...

Muốn đẩy lùi hiện tượng này cần các giải pháp căn cơ như phải xác định trách nhiệm của cán bộ, giáo viên, nhân viên của các cơ sở giáo dục.

Thầy cô phải nhận thức sâu sắc về pháp luật, về nghiệp vụ sư phạm, phải trau dồi đạo đức, phải có lòng nhân ái, có kỹ năng ứng xử thích hợp, biết kiềm chế cảm xúc...

Sinh hoạt của hội đồng giáo dục ở cơ sở phải thường xuyên nhắc nhở, kiểm điểm, rút kinh nghiệm từ các sự việc cụ thể diễn ra ở trường mình hoặc trường khác.

Giáo dục học sinh: tôn trọng luật pháp, nội quy nhà trường; lòng nhân ái, nhường nhịn, vị tha; kiềm chế cảm xúc;

Tôn trọng nhân phẩm, danh dự người khác; sống có trách nhiệm với bản thân mình... làm những việc tử tế để thành người tử tế.

Nhà trường cần có lực lượng bảo vệ, giám thị chuyên trách. Lực lượng này phải có năng lực và được tập huấn nghiệp vụ, kịp thời phát hiện và ngăn chặn các vụ việc gây mất an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên…

Như Hải