Lẽ nào vụ án gian lận điểm năm 2018 lại…bế tắc?

13/07/2019 07:45
NGUYỄN NGUYÊN
(GDVN) - Chỉ có một phụ huynh duy nhất là ông Phạm Văn Khuông là bị điểm tên, chỉ mặt. Còn lại, hàng trăm phụ huynh khác hoặc chối tội, hoặc chỉ “nhờ xem điểm trước”…

Một năm sau tiêu cực trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa được làm sáng tỏ.

Dư luận hy vọng mọi góc khuất, mọi vùng cấm sẽ được đưa ra ánh sáng nhưng với diễn biến ở thời điểm hiện tại thì rất khó có thể đi đến tận cùng sự thật. Vẫn chỉ là những nhà giáo và một số cán bộ an ninh bị truy tốt, bắt giam và tới đây sẽ đem ra xét xử.

Những phụ huynh có con được nâng điểm xem chừng vẫn là những người vô can bởi vì chỉ có một số phụ huynh “nhờ xem điểm trước”, một số thì "không hiểu vì sao" con họ được nâng điểm.

Các cơ quan chức năng chưa làm rõ được việc "nhờ vả" nâng điểm của các phụ huynh. (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Các cơ quan chức năng chưa làm rõ được việc "nhờ vả" nâng điểm của các phụ huynh. (Ảnh minh họa: Báo Vietnamnet)

Đến thời điểm hiện nay chỉ còn Hòa Bình là chưa được tỏ tường vì địa phương này được Bộ Công an điều tra còn Hà Giang, Sơn La thì có lẽ trắng đen đã cơ bản rõ ràng.

Ngoài trường hợp ông Phạm Văn Khuông- nguyên Phó Giám đốc Sở giáo dục và Đào tạo Hà Giang được xác định là nhờ vả nâng điểm cho con, còn lại phụ huynh của 106 thí sinh ở Hà Giang và 44 thí sinh ở Sơn La không thấy được đề cập và chưa có ai bị truy tố.

Cơ quan điều tra của 2 tỉnh này không làm rõ được dấu hiệu đưa nhận tiền để chạy điểm.

Ngay cả địa phương Sơn La- địa phương đã có 8 bị can với tội danh lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gồm: Trần Xuân Yến- nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục; Lò Văn Huynh- nguyên Trưởng Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục;

Nguyễn Thanh Nhàn- nguyên Phó Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục; Nguyễn Thị Hồng Nga- nguyên chuyên viên Phòng khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục;

Đặng Hữu Thủy- nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Tô Hiệu; Cầm Thị Bun Sọn - nguyên Phó trưởng Phòng chính trị - tư tưởng; Đinh Hải Sơn và Đỗ Khắc Hưng - nguyên cán bộ Công an tỉnh Sơn La.

Trong số 8 bị can đã bị truy tố thì có tới 4 bị can (Nguyễn Thị Hồng Nga, Lò Văn Huynh, Cầm Thị Bun, Đặng Hữu Thủy) khai nhận là đã nhận tiền của một số phụ huynh, người trung gian để giúp sửa bài, nâng điểm cho thí sinh.

Lẽ nào vụ án gian lận điểm năm 2018 lại…bế tắc? ảnh 2Giám đốc Sở chỉ nhờ xem mà cấp phó lại nâng điểm, lạ thật!

Số tiền lên đến trên 3 tỉ đồng. Thế nhưng, những cá nhân được các bị can khai đã đưa tiền thì họ không thừa nhận đã đưa tiền cho 4 bị can này.

Vì thế, Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La xác định là ngoài lời khai của 4 bị can và số tiền đã nộp cơ quan điều tra, không có tài liệu chứng cứ nào khác để chứng minh.

Vậy nên, không đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự về các tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ.

Như vậy, Sơn La là địa phương duy nhất được các bị can đã khai nhận cụ thể về số tiền họ đã nhận được từ phụ huynh và những người trung gian đưa để nâng điểm cho thí sinh thì cơ quan điều tra xác định đây chỉ là “lời khai một chiều” và không làm sáng tỏ được người đưa tiền cho các bị can.

Có điều, số tiền tỉ ấy được các bị can nộp lại cho cơ quan điều tra và nghiễm nhiên số tiền này thành những đồng tiền “vô chủ”!

Hà Giang- nơi có nhiều thí sinh được sửa điểm nhất, nơi được phát hiện ra tiêu cực sớm nhất, nơi đã xác định ra 210 phụ huynh có con được nâng điểm và bị đề nghị kỷ luật, xử lý nhưng hình như việc xử lý vẫn…khó hiểu.

Rốt cuộc cũng chỉ dừng lại ở 5 bị can, trong đó có 4 lãnh đạo của Sở Giáo dục. Đó là các bị can Vũ Trọng Lương, Nguyễn Thanh Hoài, Triệu Thị Chính, Phạm Văn Khuông và bị can Lê Thị Dung- nguyên cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang.

Lãnh đạo tuyên bố xử nghiêm, không có vùng cấm...

Bên hành lang phiên họp Quốc hội sáng nay 22/5/2019, ông Triệu Tài Vinh là Bí thư tỉnh ủy Hà Giang lúc bấy giờ đã chia sẻ với báo chí: “Cái gì cũng có quy trình của nó, khởi tố vụ án còn liên quan đến người nào, trách nhiệm thế nào.

Thậm chí tôi còn muốn làm nhanh hơn. Hôm nay, tôi vừa gọi điện về bảo khẩn trương làm cuộc kiểm điểm đi. Tôi biết anh quan tâm tới gì. Tôi còn nóng hơn anh.

Vấn đề là xử lý những người có tên liên quan, ví dụ như cá nhân tôi đúng không? Tôi thì dư luận phán xét xong rồi”.

Cũng bên hành lang Quốc hội sáng 31/5/2018, ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư thường trực tỉnh ủy Sơn La đã trả lời báo chí về thông tin xử lý vụ gian lận điểm thi bằng thái độ dứt khoát:

Lẽ nào vụ án gian lận điểm năm 2018 lại…bế tắc? ảnh 3Cuối tháng 4/2018 đã nhờ vả, việc nâng điểm có thể đã diễn ra từ năm trước?

“Khi chỉ đạo xử lý vụ việc, tôi cũng đã nói rằng đây là tôi đang cứu vớt các đồng chí, hãy tự giác đi, sau này sẽ có hình thức giảm nhẹ. Còn nếu ai mà không nhận thì sau này sẽ chịu xử lý rất cao, có tăng nặng.

Nói như thế để thấy là chúng tôi làm kiên quyết chứ không có bao che”.

Mới đây, vào ngày 6/7/2019, tại buổi làm việc của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, trưởng Ban Tổ chức trung ương Phạm Minh Chính với Ban thường vụ Tỉnh ủy Hà Giang sau khi kiện toàn nhân sự ở Hà Giang.

Lúc đó, ông Nguyễn Văn Sơn – Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Giang đã nhấn mạnh: “Tỉnh ủy kiên quyết xử lý những cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm trong vụ gian lận thi cử năm 2018.Tinh thần là xử lý đến cùng, không có vùng cấm”.

Và, rất nhiều lãnh đạo có trách nhiệm cũng đã từng chia sẻ về vấn đề này với một tâm thế sẽ làm đến cùng, xử lý nghiêm khắc những người liên quan đến sai phạm trong kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia năm 2018 ở Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình.

Thế nhưng, đến thời điểm bây giờ, khi mà Hà Giang chuẩn bị đem ra xét xử vụ án tiêu cực ở địa phương này, Sơn La cũng đã hoàn tất cáo trạng nhưng chúng ta thấy chỉ có những nhà giáo trực tiếp sửa điểm và một vài cán bộ an ninh gửi gắm thí sinh bị truy tố.

Chỉ có một phụ huynh duy nhất là ông Phạm Văn Khuông là bị điểm tên, chỉ mặt. Còn lại, hàng trăm phụ huynh khác hoặc chối tội, hoặc chỉ “nhờ xem điểm trước”…

Ngay cả như ông Hoàng Tiến Đức, Nguyễn Duy Hoàng, Phan Ngọc Sơn, Nguyễn Ngọc Hà…những người đã đang giữ những cương vị trọng trách của ngành giáo dục Sơn La cũng chỉ mới thấy ông Hoàng Tiến Đức bị kỷ luật về mặt Đảng.

Nếu các cơ quan chức năng của Hà Giang, Sơn La chỉ xử lý như vậy, e rằng kỷ cương phép nước chưa được thực hiện nghiêm minh.

Và, sự việc tiêu cực của kỳ thi năm 2018 không chỉ là thất bại của riêng ngành giáo dục mà còn thất bại ở nhiều ngành khác nữa. Bởi, một điều mà dư luận vẫn đang thấy hiển hiện là một “vùng cấm” ở các địa phương này!

Tài liệu tham khảo:

//tuoitre.vn/vu-gian-lan-thi-cu-son-la-can-co-quan-dieu-tra-cap-cao-hon-20190710153756944.htm

//tuoitre.vn/chu-tich-ha-giang-khong-vung-cam-xu-ly-ca-bo-me-la-can-bo-co-con-duoc-nang-diem-2019070616553889.htm

//thanhnien.vn/thoi-su/bi-thu-trieu-tai-vinh-noi-ve-vu-gian-lan-thi-toi-thi-du-luan-phan-xet-xong-roi-1084427.html

NGUYỄN NGUYÊN