Kỳ thi trung học phổ thông năm 2019 đã đang diễn ra nhưng sự việc tiêu cực của năm 2018 vẫn còn rất nhiều điều để ngỏ.
Ngoài việc một số nhà giáo và cán bộ an ninh bị khởi tố, bắt giam thì những phụ huynh liên quan trực tiếp đến việc nâng điểm của con mình vẫn đang ung dung đứng ngoài cuộc.
Những thí sinh bị trả về, bị buộc thôi học thì cũng đã đang tham dự kỳ thi năm 2019, những thí sinh đủ điểm chuẩn năm 2018 vẫn tiếp tục học tại các trường đại học. Xem chừng, những phụ huynh và thí sinh trực tiếp trong vụ việc này không bị ảnh hưởng nhiều.
Vụ việc tiêu cực trong kỳ thi năm 2018 chỉ mới khởi tố một số nhà giáo và cán bộ công an. (Ảnh minh họa: VTV.vn) |
Những người trực tiếp nâng điểm, chỉ đạo nâng điểm cho thí sinh đã bị khởi tố cũng đồng nghĩa sẽ được đem ra xét xử trong thời gian tới đây.
Nhưng, điều mà dư luận trông chờ trong thời gian qua là các địa phương xử lý những phụ huynh là cán bộ, là công chức, viên chức nhà nước như thế nào?
Song, một năm rồi trôi qua kể từ khi phát hiện ra gian lận và kết quả điều tra ở Hà Giang, Sơn La cũng đã có hơn 3 tháng nhưng diễn biến xử lý sự việc xem chừng quá chậm trễ và chưa có tính răn đe.
Mặc dù lãnh đạo tỉnh Hà Giang nói “không có vùng cấm, không bao che” nhưng sau khi có thông tin tỉnh này yêu cầu cán bộ, đảng viên có con được nâng điểm phải giải trình…rồi đi vào im lặng.
Cơ quan điều tra đã xác định số thí sinh được sửa điểm ở Hà Giang là 107 thí sinh và có 210 phụ huynh có con được nâng điểm.
Con số này cho ta thấy một số lượng gian lận điểm quá lớn và những cán bộ trực tiếp nâng điểm cho thí sinh cũng rất chuyên nghiệp bởi họ chỉ mất 6 giây để sửa điểm 1 thí sinh.
Nhờ nâng điểm, nhờ xem điểm…thôi đừng diễn nữa! |
Nhưng xử lý ra sao khi mà con của Bí thư tỉnh ủy được nâng 5,4 điểm? Muốn xử lý phụ huynh một cách thấu đáo, tường tận thì việc đầu tiên ông Triệu Tài Vinh phải gương mẫu đi đầu.
Thế nhưng, vì con của Bí thư tỉnh ủy thì “học giỏi” mà ông Triệu Tài Vinh thì đã chia sẻ với báo chí là “tôi thì dư luận đã phán xét xong rồi” nên có lẽ những phụ huynh khác có lẽ cũng đã…xong rồi.
Không chỉ Hà Giang mà địa phương Sơn La, Hòa Bình cũng chưa thấy xử lý phụ huynh một cách căn cơ. Những phụ huynh là cán bộ các ban ngành của địa phương ở Sơn La vẫn tại vị và nhiều người vẫn một lòng bảo vệ quan điểm “chỉ nhờ xem điểm trước”.
Trong 3 tỉnh có thí sinh được nâng điểm thì mới chỉ có Sơn La sẽ mở rộng điều tra ở giai đoạn 2 vì bị can Trần Xuân Yến khai ra ông Hoàng Tiến Đức- tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Giáo dục “gửi gắm” 8 thí sinh để nâng điểm.
Ông Hoàng Tiến Đức cũng vừa bị Ban Bí thư kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả các chức vụ trong Đảng.
Ngoài sự việc cơ quan điều tra phải điều tra vào giai đoạn 2 ở Sơn La thì 2 địa phương còn lại gần như chưa thấy có điều gì mới. Có lẽ vì vậy mà Hà Giang cũng “nhẹ nhàng” trong xử lý cán bộ của mình chăng?
Nếu sự việc chỉ dừng lại có vậy, chỉ xử lý chừng ấy con người đã bị khởi tố thì e rằng chưa thật sự công bằng và chưa đủ tính răn đe cho những người đã “góp phần” làm cho bức tranh tiêu cực thi cử năm 2018 thê thảm ra như vậy.
Trong số phần lớn phụ huynh có con được nâng điểm ở 3 tỉnh đều là đảng viên, là cán bộ, công viên chức nhà nước.
Xử lý phụ huynh ở Hà Giang sẽ rất khó khăn |
Muốn xử lý họ về mặt chính quyền thì trước hết phải xử lý về mặt Đảng nhưng chúng ta chưa thấy ai bị khai trừ khỏi Đảng thì rõ ràng mặt xử lý chính quyền không thể nào áp dụng hình thức nặng được.
Có thể nhiều phụ huynh sẽ chối, có thể nhiều phụ huynh sẽ “rút kinh nghiệm sâu sắc" cho bản thân mình, hoặc cao thì nhận mức kỷ luật khiển trách…
Từ sự việc tiêu cực lớn như vậy trong một kỳ thi ở 3 tỉnh nhưng quan điểm xử lý mỗi tỉnh mỗi khác. Nhưng, có một điểm chung là đến thời điểm này chưa có địa phương nào xử lý nghiêm khắc phụ huynh.
Chưa có phụ huynh nào bị khởi tố về tội đưa hối lộ dù thông tin ở Sơn La mỗi suất chạy điểm là 1 tỉ đồng.
Rõ ràng, sự việc càng để lâu càng khó xử lý bởi gần như tất cả các phụ huynh, các thí sinh đều có những phương án để chuẩn bị cho riêng mình. Phụ huynh thì đa phần phủ nhận chạy điểm, nhờ vả, thí sinh thì không hay biết và các em đã bước vào kỳ thi trung học phổ thông quốc gia năm 2019.
Những thí sinh không bị trả về có thể các em cũng sẽ được an phận tại các trường đại học. Những điều này cho thấy rằng, có lẽ mấy lãnh đạo quản lý giáo dục của 3 tỉnh này đã “tự ý” nâng điểm cho thí sinh!
Nhưng, có một điều này là sự thật. Trong số những học viên bị các trường công an, quân đội trả về địa phương, số sinh viên các trường dân sự bị buộc thôi học không hề có em nào làm đơn khiếu nại, kiện cáo.
Nếu gia đình các em không có tác động để nâng điểm, các em bị oan thật thì lẽ nào các em này lại chấp nhận sự thật này?