Lí do khiến một bộ phận giáo viên rất nhàn nhã

27/02/2020 06:00
Ánh Dương
(GDVN) - Không những một bộ phận giáo viên mà cả Ban Giám hiệu, nhân viên cũng nhàn nhã là có thật!

Đa số giáo viên dạy đủ tiết nghĩa vụ                   

Vừa qua, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải hai bài viết “Có bộ phận giáo viên rất… nhàn nhã” (Hữu Sơn) và “Có một bộ phận giáo viên nhàn nhã thật không?” (Hồng Nhung) nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc.

Trong gần 15 năm hành nghề, vì những lí do khác nhau, chúng tôi đã trải qua 3 trường công lập và nhận thấy không những một bộ phận giáo viên mà cả Ban Giám hiệu và nhân viên cũng nhàn nhã là có thật.

Vậy, lí do nào khiến họ làm việc nhàn nhã nhưng vẫn nhận đủ lương tháng?

Chúng tôi sử dụng cụm từ “một bộ phận” chứ không phải đa số bởi ngành giáo dục giao đủ chỉ tiêu biên chế cho từng đơn vị sự nghiệp công lập (trường học) dựa theo số lượng học sinh đang theo học.

Bài viết này chúng tôi không đề cập đến bậc mầm non, tiểu học (có đặc thù riêng) mà chỉ nói đến bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Đa số giáo viên dạy đủ tiết nghĩa vụ. (Ảnh minh hoạ: vi.pngtree.com)
Đa số giáo viên dạy đủ tiết nghĩa vụ. (Ảnh minh hoạ: vi.pngtree.com)

Nhìn chung, đa số giáo viên đều được Hiệu trưởng phân công tiết dạy đủ chuẩn theo quy định (bậc trung học cơ sở 19 tiết/tuần, trung học phổ thông 17 tiết/tuần).

Nếu giáo viên thiếu tiết thì được dạy thêm môn gần với chuyên ngành đào tạo (chủ yếu bậc trung học cơ sở).

Chẳng hạn như giáo viên Toán thì dạy thêm Công nghệ, giáo viên Ngữ văn dạy Lịch sử… (đa số chỉ còn ở vùng cao, vùng sâu vùng xa…)

Giáo viên cũng có thể kiêm nhiệm thêm một số công việc như làm chủ nhiệm (đa số), văn phòng, thiết bị, thí nghiệm… sao cho đủ tiết chuẩn.

Ngoài ra, nếu trường nào có số lượng học sinh giảm thì giáo viên được điều động đến những trường còn thiếu ở trong huyện, tỉnh.

Và gần như trường không tuyển thêm biên chế để đảm bảo phân công lao động công bằng, hợp lí.

Nhưng cũng có một bộ phận giáo viên rất thảnh thơi

Có bộ phận giáo viên rất... nhàn nhã
Có bộ phận giáo viên rất... nhàn nhã

Thế nhưng, vì những lí do khác nhau khiến một bộ phận giáo viên, Ban Giám hiệu, nhân viên ở nhiều trường làm việc nhàn nhã, thảnh thơi hơn đồng nghiệp.

Thứ nhất, Ban Giám hiệu của một số trường ăn cắp tiết chuẩn nên làm việc thiếu công bằng với giáo viên.

Theo quy định hiện hành, Hiệu trưởng phải dạy 2 tiết/tuần, Hiệu phó là 4 tiết/tuần để quản lí chuyên môn.

Nhưng rất nhiều vị thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm cho cấp dưới với lí do công việc nhiều. Dễ thấy nhất là Hiệu trưởng thường nói chuyện vài ba chục phút tiết sinh hoạt thứ 2 dưới cờ và coi như xong nhiệm vụ giảng dạy.

Hiệu trưởng như thế rõ ràng là nhàn, vì nếu phải dạy một lớp khoảng 40 học sinh cho “nên người” không phải chuyện dễ.

Còn Hiệu phó thì thường không đến nỗi như vậy, nhưng sự thật cũng có những vị chẳng biết quản lí chuyên môn, cơ sở vật chất mà vẫn yên vị hưởng lương rất nhàn.

Bạn đọc nghe có vẻ lạ tai, nhưng chúng tôi thì gặp không ít trường hợp như thế. Bởi đó là những Hiệu phó chưa từng kinh qua tổ trưởng chuyên môn, không được giáo viên tín nhiệm từ cơ sở mà do Phòng, Sở Giáo dục bổ nhiệm xuống hoặc từ trường khác đến.

Vậy công việc của họ ai làm? Dĩ nhiên họ cũng làm gọi là cho có, nhưng với những việc quan trọng như xếp thời khóa biểu, sắp lịch kiểm tra thường giao cho thư kí hội đồng.

Với những lãnh đạo như thế, chắc chắn giáo viên, nhân viên cũng chẳng ai phục nhưng vẫn không làm được gì. Họ thường tại vị đủ 2 nhiệm kì, nếu hết tuổi thì về hưu, còn tuổi được chuyển trường khác vì “chỗ dựa” của họ vững như bàn thạch.

Thứ hai, có những giáo viên bỗng nhiên được dạy ít tiết, nhàn nhã là do được Hiệu trưởng ưu ái hoặc có phần may mắn.

Ở trường học, thường gặp thầy A hay cô B dạy không đủ tiết nhưng những giáo viên này vẫn không kiêm nhiệm, rõ ràng là có sự ưu ái. 

Một số giáo viên toàn được dạy lớp khá giỏi, lớp chọn hoặc giao chủ nhiệm lớp ngoan, lớp tốt.

Ngược lại, cũng trong một tập thể nhưng còn không ít giáo viên mãi chủ nhiệm lớp yếu cả học tập lẫn kỉ luật, hay chuyên dạy lớp yếu. Bởi phân công công việc là quyền Hiệu trưởng, giáo viên có được bốc thăm chọn lớp đâu (có chăng cũng rất ít).

Từ 1/7 hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên không còn biên chế suốt đời
Từ 1/7 hiệu trưởng không còn là công chức, giáo viên không còn biên chế suốt đời

Họ là ai? Đó có thể là giáo viên ruột, thân tín, người nhà hay cùng hội cùng thuyền với Hiệu trưởng. Hoặc là những kẻ đi nhẹ, nói khẽ, cười duyên, gọi dạ bảo vâng, thậm chí xun xoe điếu đóm.

Bên cạnh đó cũng còn những giáo viên làm việc qua ngày đoạn tháng, không nhiệt tình, thiếu cố gắng hay ganh đua cầu tiến. Cuối năm họ chỉ cần hoàn thành tốt nhiệm vụ, năm sau chỉ ở mức hoàn thành nhiệm cũng được, vì ỷ lại chế độ viên chức suốt đời.

Những người này thường chẳng bao giờ đụng chạm đến ai, đi ra đi vào đúng giờ vì thế nên được an yên.

Cá biệt, chúng tôi đã chứng kiến giáo viên đi dạy chỉ để lấy cái mác làm thầy nhằm phục vụ cho công việc “tay trái”, ví như kinh doanh để cam kết chữ “tín” với khách hàng.

Vì công việc “tay trái” hơn hẳn công việc “tay phải” nên họ rất biết “quan hệ” với lãnh đạo và dạy làng nhàng, nhẹ nhàng lắm.

Còn giáo viên may mắn được dạy ít tiết là do cấp trên giao thừa biên chế nhưng Hiệu trưởng không thể từ chối. Và trường nào đã đủ vị trí việc làm thì nghiễm nhiên giáo viên không phải kiêm nhiệm gì cả.

Ngoài giáo viên, nhân viên trường học hiện nay cũng rất nhàn nhã, đó là kế toán, thủ quỹ… Một tháng họ chỉ cần làm khoảng trên dưới 10 ngày là xong công việc. Vì thế thời gian còn lại họ thường ngồi bấm điện thoại, chơi game…

Hơn nữa, bộ phận văn phòng thường là những người có “mối quan hệ” với Hiệu trưởng (thường được Hiệu trưởng tuyển, hoặc Phòng, Sở đưa về) nên cũng chẳng mấy ai giám sát kĩ ngày giờ công của họ. 

Thầy cô đôi khi chỉ cần đi trễ đôi ba phút là đã đến tai Hiệu trưởng, nhưng nhân viên có lúc nghỉ cả ngày, khi giáo viên có việc cần đến, lãnh đạo lại bảo đi công tác lên Phòng, lên Sở, đi kho bạc… thì cũng chẳng ai biết “tổ con chuồn chuồn”.

Thực tế có một bộ phận giáo viên, nhân viên ở trường học nhàn nhã như thế. Việc này khiến những giáo viên chân chính, nhiệt huyết với nghề rất buồn lòng.

Suy cho cùng, chừng nào trường học còn mất dân chủ, giáo viên chân chính không dám lên tiếng, vẫn tồn tại giáo viên chọn nhầm nghề và lãnh đạo thiếu tâm, tầm thì hiện thực như đã nói không dễ gì giải quyết một sớm một chiều.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/gdvn/co-bo-phan-giao-vien-rat-nhan-nha-post207097.gd

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/co-mot-bo-phan-giao-vien-rat--nhan-nha-that-khong-post207235.gd

[3] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/lam-giao-vien-ruot-cua-hieu-truong-co-suong-khong-post205878.gd

Ánh Dương