Lời cảnh tỉnh của Giáo sư Đào Trọng Thi qua vụ Hiệu trưởng bị bắt vì lạm thu

14/10/2017 07:19
Vũ Phương
(GDVN) - Các khoản thu đầu năm không công khai, minh bạch bị biến tướng bắt học sinh phải đóng tiền dưới danh nghĩa tự nguyện là thực tế đáng báo động tại các trường.

Ngày 10/10, cơ quan công an tỉnh Hưng Yên đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với bà Nguyễn Thị Quyên, Hiệu trưởng Trường tiểu học Lệ Xá (huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên).

Theo đó, cơ quan điều tra đã khởi tố bà Nguyễn Thị Quyên về hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và mua, bán trái phép hóa đơn, đồng thời áp dụng biện pháp ngăn chặn, bắt bị can để tạm giam trong thời hạn 4 tháng để phục vụ điều tra.

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội phân tích: “Nếu anh thu tiền của học sinh một cách công khai minh bạch và số tiền đó hoàn toàn chi tiêu cho mục đích giáo dục vì học sinh thì không nói.

Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng, cần thiết phải có quy định chặt chẽ về những khoản thu thêm như thế nào để đảm bảo đồng tiền phụ huynh đóng cho con em họ học tập chứ không phải vào túi giáo viên. Ảnh: giaoduc.net.vn
Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng, cần thiết phải có quy định chặt chẽ về những khoản thu thêm như thế nào để đảm bảo đồng tiền phụ huynh đóng cho con em họ học tập chứ không phải vào túi giáo viên. Ảnh: giaoduc.net.vn

Còn trường hợp anh lại biến tướng thu tiền của học sinh một cách vô tội vạ, những khoản rất vô lý và phụ huynh bắt buộc phải đóng nhưng lại dưới danh nghĩa là thu “tự nguyện”, nhưng đồng tiền đó lại được sử dụng không đúng mục đích vì học sinh mà rơi vào túi hiệu trưởng là vi phạm pháp luật, chiếm đoạt tài sản.

Trường hợp hiệu trưởng bắt học sinh đóng tiền nói vì giáo dục nhưng thực ra là vì mục đích cá nhân, trục lợi khác hoàn toàn với các trường kêu gọi phụ huynh xã hội hóa đóng tiền trên cơ sở công khai minh bạch nhằm mục đích nâng cao chất lượng”.

Nói về tình trạng lạm thu đầu năm học diễn ra gần như các tỉnh, thành trên cả nước khiến dư luận bức xúc và đã không ít hiệu trưởng bị kỷ luật, thậm chí cách chức.

Lời cảnh tỉnh của Giáo sư Đào Trọng Thi qua vụ Hiệu trưởng bị bắt vì lạm thu ảnh 2

Khởi tố, bắt giam một Hiệu trưởng lạm thu

Giáo sư Đào Trọng Thi cho rằng: “Vấn đề phải nhìn từ hai phía chứ không thể cứ trường nào đóng ngoài tiền theo quy định là nói họ lạm thu, phản đối gay gắt thì không nên.

Thực tế, ngân sách nhà nước đã rất ưu tiên và có gắng cho ngành giáo dục, nhưng cũng chỉ đáp ứng được phần nào.

Trong khi đó nếu thu đúng quy định chỉ có học phí và một số khoản đóng khác cũng khá thấp nên đòi hỏi chất lượng đào tạo quốc tế, đạt tiêu chuẩn sẽ rất khó.  

Bài toán đặt ra đó là yêu cầu chất lượng đào tạo cao, cơ sở, điều kiện vật chất tốt mà chi phí bỏ ra thấp thì khó có thể giải quyết được vấn đề”.

Cũng theo Giáo sư Đào Trọng Thi, cần nhìn nhận một cách đúng đắn và khách quan việc xã hội hóa, phụ huynh học sinh đóng thêm tiền để cùng với nhà trường xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đào tọa, trang bị phòng học…thì nên ủng hộ.

Tuy nhiên, không chấp nhận đối với việc dùng tiền của học sinh sai mục đích để tư túi, trục lợi. Để đảm bảo tiền học sinh đóng vì mục đích giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục thì việc công khai, minh bạch rất cần thiết.

Nhưng việc đóng góp thêm đó trên cở sở tự nguyện đúng nghĩa, nguyện vọng của phụ huynh học sinh và cũng phải phù hợp với khả năng tài chính của họ.

Phụ huynh Trường tiểu học Lệ Xá phản ánh nhiều khoản thu vô lý đầu năm. Ảnh: QH.
Phụ huynh Trường tiểu học Lệ Xá phản ánh nhiều khoản thu vô lý đầu năm. Ảnh: QH. 

Giáo sư Đào Trọng Thi đặt vấn đề: “Cần thiết phải xem lại quy định về đóng góp mà ngành giáo dục đưa ra đã hợp lý hay chưa.

Ngân sách nhà nước mà chi được hết cho giáo dục thì tốt, còn không thì cần phải có đánh giá được bao nhiêu phần trăm để đảm bảo chất lượng giáo dục, cơ sở vật chất.

Từ đánh giá đó sẽ biết được cần phải huy động từ học sinh thêm những khoản đóng góp nào để đảm chất lượng giáo dục. Khi đánh giá xong rồi thì có thể đưa ra quy định để hợp pháp từ đó phụ huynh và nhà trường nắm để thực hiện cho đúng.

Nếu số tiền đóng hợp lý với khả năng tài chính của phụ huynh và đảm bảo số tiền họ bỏ ra đúng mục đích vì con em họ thì chắc chắn họ sẽ ủng hộ”.

Lời cảnh tỉnh của Giáo sư Đào Trọng Thi qua vụ Hiệu trưởng bị bắt vì lạm thu ảnh 4

Hiệu trưởng trường Lệ Xá trực tiếp chỉ đạo thu nhiều khoản trái pháp luật

Giáo sư Đào Trọng Thi phân tích, có thể thấy hiện kinh phí ngân sách cấp cho giáo dục như hiện tại thì khó có thể đảm bảo điều kiện học tập được nâng cao như phòng học có điều hòa, máy chiếu, phần mềm học tập…

Cần thiết phải có quy định chặt chẽ về xã hội hóa giáo dục để đảm bảo nhà nước và nhân dân cùng làm vì mục đích nâng cao chất lượng giáo dục. Tránh việc lợi dụng quy định để trục lợi, biến tướng như thời gian qua.

Từng đồng tiền của phụ huynh đóng phải đảm bảo đồng tiền đó đóng cho con em họ trong quá trình học tập chứ không phải họ đóng tiền vào túi giáo viên. 

Vũ Phương