Luật GD Đại học: Sao không chờ Nghị quyết của BCH Trung ương Đảng?

24/05/2012 11:41
PV (Thực hiện)
(GDVN) - GS. Trần Hồng Quân: "Tổng quát mà nói thì tôi vẫn không hiểu vì sao gần 60 năm không có Luật ĐH, ta chịu được mà chỉ còn 4 tháng nữa BCH TƯ Đảng sẽ ra nghị quyết về "Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam" mà không chờ được, nhất thiết phải thông qua Luật Giáo dục Đại học trong kỳ họp này?"

Thưa Giáo sư, ngày 25/5 tới đây Quốc  hội sẽ thảo luận để thông qua Dự luật Giáo dục Đại học. Đến giờ này, Giáo sư còn có băn khoăn gì về dự thảo cuối cùng?

GS.Trần Hồng Quân: Tổng quát mà nói thì tôi vẫn không hiểu vì sao gần 60 năm không có Luật ĐH, ta chịu được mà chỉ còn 4 tháng nữa BCH TƯ Đảng sẽ ra nghị quyết về "Đổi mới căn bản và toàn diện nền Giáo dục Việt Nam" mà không chờ được, nhất thiết phải thông qua Luật Giáo dục Đại học trong kỳ họp này?

Ta phải hiểu rằng đổi mới CĂN BẢN và TOÀN DIỆN đúng nghĩa là tận gốc và rộng khắp theo tinh thần triệt để của NQ Đại hội 11. Để chuẩn bị cho Hội nghị TƯ tháng 10/2012 , đòi hỏi phải đánh giá một cách căn bản và toàn diện nền giáo dục để có những chủ trương giải pháp đổi mới tương xứng. Hiện nay, ta đã hình dung được hết đâu. Chúng tôi đã nhiều lần, ở nhiều nơi bày tỏ ý kiến này.


GS. Trần Hồng Quân: Quy định về phân tầng trong dự luật không rõ ràng, cho nên sẽ rất nguy hiểm với các trường cả công lập và tư thục
GS. Trần Hồng Quân: Quy định về phân tầng trong dự luật không rõ ràng, cho nên sẽ rất nguy hiểm với các trường cả công lập và tư thục

Thưa Giáo sư, trong dự thảo lần này có điều 8 về phân tầng các cơ sở giáo dục đại học, được nhiều người quan tâm. Giáo sư có quan điểm gì về phần nội dung này?

GS. Trần Hồng Quân: Đó là một điều khoản rất gay go cho phần lớn các trường cả công lập lẫn tư thục. Tiêu chí để phân tầng rất chung chung. Luật giao cho Chính phủ quy định khung xếp hạng và công nhận sự xếp hạng, còn cách phân tầng, ai phân tầng, Luật không quy định.

Ở đây có nguy cơ là sự phân tầng, xếp hạng được tiến hành bằng cách áp đặt của cơ quan quản lý như dán một lá bùa số phận gắn với "thương hiệu" của từng trường trong một thời hạn tương đối dài,  rồi dựa vào đó mà hạn chế mức độ được quyền tự chủ và các quyền lợi khác. Thử hỏi các trường được xếp đẳng cấp thấp làm sao phát triển? Nếu  nói phân tầng để xây dựng kế hoạch đầu tư có trọng điểm và có cơ chế quản lý đặc thù , thì đó là cần quy hoạch chứ không cần phân tầng. Các nước khác thường xếp hạng trên cơ sở kiểm định khách quan và xếp hạng thường xuyên để kích thích phấn đấu phát triển, chịu áp lực phải vươn lên chứ không phải cam chịu một số phận được áp đặt.

Thưa Giáo sư, về quyền tự chủ của các trường,Dự thảo lần này đã thanh thoát chưa?

GS. Trần Hồng Quân: Trước hết, ở điều 33 kể một loạt các điều khoản khác có nội dung về tự chủ, như vậy có vẻ nhiều. Thực ra các điều 13, 14, 15, 16, 17, 18, 29, 30, 31, 32, không có gì về tự chủ. Mặt khác , ở khoản 2 - của điều 33 nói "Các cơ sở giáo dục đại học không còn đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ, hoặc vi phạm pháp luật trong quá trình thực hiện quyền tự chủ, thì tuỳ thuộc mức độ , bị hạn chế quyền tự chủ, đình chỉ hoạt động...".

Như vậy thì ai đánh giá các trường còn hay không còn khả năng thực hiện quyền tự chủ? Càng không nên dùng quyền được tự chủ làm chế tài, làm "khoản tiền phạt" khi vi phạm luật pháp.

Tuy nhiên, về khoản này cũng có một sự tiến bộ đáng hoan nghênh. Dự thảo trước ghi "… các cơ sở  giáodục Đại học không có đủ năng lực để thực hiện quyền tự chủ...", lần này viết tốt hơn "… các cơ sở giáo dục Đại học không còn đủ năng lực...". Như vậy phải hiểu các trường khi được phép thành lập là vốn có đầy đủ quyền tự chủ. Chỉ khi không còn đủ năng  lực thực hiện các quyền ấy thì mới bị hạn chế... Và cũng cần khẳng định rằng quyền tự chủ không phụ thuộc vào sự xếp hạng.
Còn với vấn đề sử dụng cán bộ lãnh đạo của các trường ngoài công lập, Dự luật có gì thể hiện sự hạn chế không, thưa Giáo sư?
GS. Trần Hồng Quân: Ở các trường này thì với hiệu trưởng không nên hạn chế chỉ hai  nhiệm kỳ liên tục, cũng không nên hạn chế tuổi tác (Điều 19); Ở Điều 67, khoản 3 đáng lẽ cần quy định:

1 - Tỷ lệ tối thiểu quỹ học phí phải sử dụng phục vụ công tác đào tạo, nhằm bảo đảm quyền lợi cho người học.

2 - Tài sản phải được quản lý minh bạch thành ba loại sở hữu: Của nhà nước (nếu có), của nhà trường từ nguồn hiến tặng, của các cá nhân góp vốn kể cả các giá trị khác quy ra vốn. Tài sản tích luỷ cũng gắn với từng loại sở hữu nói trên.

3 - Chính sách đầu tư của nhà nước và chính sách thuế, đất đai... phải được nhà nước quy định theo từng loại hình vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận.

Ngoài ra, trong khoản mục này không nên quy định cái gì khác. Nếu viết như Điều 67 làm lẫn lộn các loại sở hữu trong các trường tư thục, khó thu hút đầu tư cho các trường này.

Trân trọng cảm ơn Giáo sư!

Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

PV (Thực hiện)