Mất giấy báo thi vẫn được dự thi Đại học

28/06/2011 00:53
Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh có nhiều thắc mắc liên quan đến giấy báo thi cũng như cách xử lý khi gặp những tình huống ngoài ý muốn.

Chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ sắp diễn ra, thí sinh có nhiều thắc mắc liên quan đến giấy báo thi (GBT) cũng như cách xử lý khi gặp những tình huống ngoài ý muốn.

Ông Đỗ Thành Duy - thành viên Ban chỉ đạo tuyển sinh của Bộ GD-ĐT - nói:

- Nếu đến nay vẫn chưa nhận được GBT, thí sinh cần liên hệ ngay với nơi mình đã nộp hồ sơ, sở GD-ĐT hoặc phòng đào tạo của trường ĐH, CĐ để tìm hiểu. Qua đó thí sinh sẽ biết được thông tin cụ thể, xác định GBT bị trục trặc, thất lạc ở khâu nào để khắc phục.

* Nếu bị thất lạc hay làm mất GBT, thí sinh có được đến dự thi tuyển sinh không, thưa ông?

- Nếu xảy ra trường hợp xấu nhất là thất lạc, mất, hỏng GBT, thí sinh vẫn được dự thi. Thí sinh cần chủ động liên hệ với nơi đã nộp hồ sơ để được xác nhận xem trường ĐH, CĐ đã gửi GBT cho mình hay chưa.

Đến gần ngày thi vẫn không tìm thấy GBT, thí sinh cần liên hệ trực tiếp với phòng đào tạo của trường ĐH, CĐ đã ĐKDT để có được thông tin về số báo danh, địa điểm thi, phòng thi... của mình.

 


Thí sinh cần lưu ý một trường ĐH, CĐ có thể có nhiều điểm thi và nằm ở nhiều địa điểm khác nhau, có thể rất xa cơ sở chính của trường. Nếu thí sinh không tìm hiểu trước có thể sẽ bị động, chậm trễ, ảnh hưởng đến việc dự thi. Vì vậy, thí sinh phải có mặt tại đúng điểm thi của mình trong buổi làm thủ tục dự thi để giải quyết vấn đề GBT trước khi bước vào hai ngày thi chính thức.

Khi đi làm thủ tục dự thi phải mang theo giấy tờ tùy thân hợp lệ, có dán ảnh, tờ phiếu số 2 có đóng dấu giáp lai trong bộ hồ sơ ĐKDT, giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời (đối với thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2011), các giấy chứng nhận ưu tiên nếu có, giấy chứng minh nhân dân... Thí sinh cần thông báo với cán bộ làm thủ tục dự thi tại phòng thi của mình để trường đối chiếu với hồ sơ gốc và danh sách lưu tại trường.

Nếu xác minh được các thông tin là chính xác, thí sinh sẽ được làm giấy cam đoan và chụp ảnh tại chỗ để làm thẻ dự thi bổ sung hoặc cấp lại GBT (nếu GBT kiêm luôn thẻ dự thi). Sau đó thí sinh sẽ được dự thi bình thường. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường đều phải tạo mọi điều kiện thuận lợi tối đa cho thí sinh được dự thi, tuyệt đối không được gây khó dễ cho thí sinh.

* Những trường hợp nhận được GBT nhưng trên đó các thông tin quan trọng bị sai sót, ví dụ như sai tên đệm hay đối tượng, khu vực ưu tiên, phải xử lý như thế nào?


- Thường có hai dạng sai sót thông tin trên GBT. Một là sai sót thông tin trên GBT do chính thí sinh đã khai hồ sơ bị nhầm lẫn hoặc thiếu các giấy tờ cần thiết. Sau khi nộp hồ sơ ĐKDT xong, thí sinh mới phát hiện. Hai là sai sót so với hồ sơ, xảy ra trong quá trình nhập liệu, xử lý thông tin tại các hội đồng tuyển sinh.

Tất cả sai sót mà thí sinh phát hiện đều có thể được chỉnh sửa, bổ sung nếu thí sinh có đầy đủ giấy tờ hợp lệ để minh chứng. Có điều thí sinh cần lưu ý mọi yêu cầu và các thông tin chỉnh sửa, bổ sung chỉ có giá trị trước khi thí sinh bước vào dự thi chính thức. Vì vậy, nếu phát hiện GBT có thông tin nào sai sót hoặc chưa chính xác, thí sinh nhất thiết phải có mặt tại phòng thi trong buổi làm thủ tục dự thi của từng đợt thi (ngày 3-7 đối với thí sinh dự thi khối A, V, ngày 8-7 đối với thí sinh dự thi các khối B, C, D và năng khiếu, ngày 14-7 đối với thí sinh dự thi các trường CĐ có tổ chức thi).

Thí sinh mang theo tờ phiếu số 2 và những giấy tờ liên quan, hợp lệ như giấy chứng nhận hưởng tiêu chuẩn ưu tiên đối tượng, ưu tiên khu vực... đề nghị cán bộ làm thủ tục dự thi chỉnh sửa trên GBT, trên tờ phiếu số 2, trên hồ sơ gốc và cập nhật thông tin mới chính xác vào máy tính tuyển sinh để đảm bảo quyền lợi trong quá trình xét tuyển sau này. Thí sinh cần lưu ý mọi chỉnh sửa đều bắt buộc phải có ký xác nhận của cán bộ làm thủ tục và của hội đồng thi mới có giá trị.
 

Thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển trong 15 ngày

* Công khai thông tin thí sinh

Ngày 27-6, Bộ GD-ĐT đã có hướng dẫn chính thức về việc thí sinh được rút hồ sơ đăng ký xét tuyển (ĐKXT) nguyện vọng (NV) 2 hoặc NV3 đã nộp để xét tuyển trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011.

Theo đó, thí sinh được rút hồ sơ ĐKXT đã nộp trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày bắt đầu thời hạn nộp hồ sơ của mỗi đợt ĐKXT. Thí sinh trực tiếp hoặc có thể ủy quyền cho người khác đến trường để rút hồ sơ ĐKXT đã nộp. Trong trường hợp ủy quyền, thí sinh phải viết giấy ủy quyền và người được ủy quyền đến rút hồ sơ ĐKXT phải mang theo giấy ủy quyền kèm chứng minh nhân dân của mình. Lệ phí ĐKXT của thí sinh rút hồ sơ ĐKXT đã nộp do hiệu trưởng các trường xem xét quyết định và công bố công khai.

Trong văn bản gửi tới các trường ĐH, CĐ, Bộ GD-ĐT yêu cầu trong thời hạn nhận hồ sơ ĐKXT quy định đối với NV2 và NV3, hằng ngày các trường phải cập nhật thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh vào máy tính bằng phần mềm tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2011 và công bố công khai trên website của trường. Thông tin về hồ sơ ĐKXT của thí sinh phải công bố công khai bao gồm: họ và tên, ngày tháng năm sinh, số báo danh, đối tượng, khu vực, điểm thi từng môn và tổng điểm ba môn thi, số thứ tự hồ sơ, mã ngành ĐKXT, ngày nhận hồ sơ ĐKXT, ngày trả hồ sơ ĐKXT (nếu có).


Theo Tuổi Trẻ