Môn Sử “trượt dốc”: Lời than vãn lặp lại, chưa có lối thoát?

02/08/2011 10:47
(GDVN) -Kết quả thi đại học môn sử thấp không ngờ trở thành thông tin nóng trên mặt báo những ngày qua.

(GDVN) - Điệp khúc "Chưa có năm nào kết quả môn Sử lại thấp như năm nay” được báo Đại Đoàn Kết nhận định là đã xuất hiện từ năm 2005 chứ không phải bây giờ mới "bàng hoàng"; tìm đến PGS. TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TP.HCM thì Vietnamnet nhận được lời đề nghị: "Đưa môn sử ra khỏi thi ĐH "ba chung"';... GS Văn Như Cương thì thở dài, lo lắng về chất lượng của những "kẻ trồng người" theo bộ môn lịch sử rồi sẽ thế nào?

Câu chuyện về điểm thi ĐH môn lịch sử có tới hàng ngàn điểm 0, xã hội thờ ơ với lịch sử vẫn tiếp tục là tâm điểm giáo dục trên các báo ngày hôm nay. Giáo dục Việt Nam xin điểm qua một số tiêu điểm chính.

Chỉ là lời than vãn lặp lại, chưa có lối thoát?

Báo Đại Đoàn Kết ra ngày 2/8 có đặt câu hỏi: Vì đâu phải đến bây giờ, năm thứ 11 của thế kỷ XXI, nền giáo dục Việt Nam mới có hiện tượng này?

Ngay từ năm 2005, năm thứ 4 thực hiện kỳ thi đại học 3 chung, cả xã hội "bàng hoàng” về môn Sử (Báo Tuổi trẻ ngày 4-8-2005). Trong tổng số 23.588 thí sinh dự thi khối C thì có đến 13.820 điểm dưới 1 (chiếm 59%), tập trung chủ yếu vào môn Sử và chỉ có 2.296 thí sinh đạt điểm trên trung bình (9,7%).

Dư luận lúc ấy đã than vãn: "Chưa bao giờ kết quả thi môn Sử lại đáng báo động như kỳ thi đại học, cao đẳng năm 2005 vừa qua”.

Đến năm 2011, lời than vãn ấy dường như lặp lại: "Chưa có năm nào kết quả môn Sử lại thấp như năm nay”, thấp không ngờ, thấp thê thảm, thấp nhất trong lịch sử thi đại học môn Lịch sử...

Tuy nhiên, cổ nhân đã từng dạy "Lịch sử là thầy giáo của cuộc sống”, "Lịch sử là bó đuốc soi đường đi tới tương lai”, nó góp phần lớn trong việc hình thành nhân cách công dân.

Liệu xã hội có phát triển một cách cân bằng hay không khi một bộ phận tinh túy của xã hội, những chủ nhân tương lai của đất nước bị "mất đuốc”? Sẽ là "thảm họa” cho thế hệ học sinh hôm nay nếu cho rằng hàng ngàn điểm 0 không phải là "thảm họa”!

Đưa môn sử ra khỏi thi ĐH "ba chung"

Trong khi đó, PGS. TS Hà Minh Hồng, Trưởng khoa Lịch sử, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn thuộc ĐHQG TP.HCM thì có một đề nghị rất hùng hồn trên báo Vietnamnet: Đề nghị đưa môn sử ra khỏi thi ĐH ‘ba chung’

Đưa môn Lịch sử ra khỏi môn thi bắt buộc của kỳ thi ĐH “ba chung” không phải là sự rút lui của môn sử ra khỏi kỳ thi đại học, mà là đưa môn sử trở lại đúng vị trí cần thiết của nó - khoa học chuyên ngành và liên ngành.

Việc tổ chức thi đại học ở Việt Nam ngày nay nếu so với yêu cầu mục đích của tư tưởng căn cơ của lịch sử nền giáo dục nước nhà, thì có thể yên tâm để kiên định với “ba chung”.

Bởi “ba chung” không chỉ là thể diện quốc gia mà còn là cách thể hiện vai trò chức năng của cơ quan nhà nước trong tổ chức quản lý đào tạo bậc đại học; bởi thực tế “ba chung” đã tạo ra mặt bằng sàn như là chuẩn mực chung, bậc thềm chung, nấc thang chung đầu tiên để mọi người bước đến khi tham gia quá trình đào tạo bậc đại học; bởi trên cơ sở “ba chung”, các đại học đã sử dụng để tự nhận biết được đầu vào của mình như thế nào khi thực hiện quá trình đào tạo.

Nhưng “ba chung” ấy đã đến lúc phải thể hiện đúng nội dung và bản chất đích thực của nó, chứ không thể chỉ là hình thức thể hiện bề ngoài như bấy lâu nay.

Chung đề thi nhưng nhiều khối thi và do đó cũng nhiều đề thi thì khó có kết quả sàn chung. Chung đợt thi nhưng thực chất 3 đợt, từ chỗ gây tốn kém và mệt mỏi, đưa đến sự suy giảm ngày càng nhiều ý chí đồng tình chung của xã hội.

Chung kết quả thi nhưng không thể chung chỉ tiêu và tiêu chí tuyển sinh của tất cả các đại học trong lúc hệ thống đại học Việt Nam ngày càng phình to và đa dạng.

Đã đến lúc phải chỉnh lại “ba chung” như thế thành một kỳ thi quốc gia với chỉ 1 đợt thi (cố định hàng năm), chỉ 1 khối thi (Toán-Văn-Anh), cộng 1 môn thi chuyên ngành (tùy theo từng loại trường, tự chủ theo yêu cầu của từng trường, thậm chí xét tuyển từ kết quả học phổ thông). Có thể hiểu, kỳ thi quốc gia ấy là “Thi đại học khối D+”, trong đó phần tổ chức quản lý của nhà nước chung (Bộ) là phần khối D (75%), phần của từng trường là phần + (25%).

Không chỉ thấy cây, mà phải thấy rừng!

Trên báo Người lao động, TS Phạm Ngọc Trâm (Khoa Sử - Trường ĐH KHXH - NV TPHCM) cho rằng, việc kỳ thi ĐH có quá nhiều điểm 0 môn sử là một... sự trả giá.

Trước hết, chương trình môn học lịch sử ở bậc phổ thông (của Bộ GD - ĐT) là rất “nặng” vì đã đưa ra hàng vạn sự kiện, bắt người học phải nhớ hết. Trên thực tế, các em không nhớ nổi, phải học đi học lại mãi, rồi chán nản; kể cả đối với người dạy.

Chính vì phải dạy quá nhiều sự kiện nên người dạy sử không có điều kiện đi sâu vào bản chất lịch sử trong từng giai đoạn cụ thể. Đây là vấn đề mấu chốt. Để không quên những vấn đề, những sự kiện quan trọng của lịch sử, việc dạy và học lịch sử nên chú trọng đến việc cung cấp những vấn đề nhận thức lịch sử, làm cho người học không chỉ thấy được “cây” mà phải thấy cả “rừng”.

Hậu quả của việc học sử và dạy sử thể hiện qua điểm thi đại học môn sử thấp kỷ lục như năm nay còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân, như chương trình và phương pháp giảng dạy chưa phù hợp; thái độ ứng xử của chính quyền và xã hội, kể cả người học đối với mốn sử cũng chưa đúng mức.

Do vậy, đây là một sự trả giá. Đúng như Ra-xun Ga-Ma-Tốp (nhà văn xứ Đa-ghét-xtan - Liên Xô cũ) từng nói: “Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục, thì tương tai sẽ nã vào anh bằng đại bác”.

4 lí do vì sao HS không thích môn lịch sử

 

Tuần Việt Nam ngày 2/8 thì cho rằng, chúng ta phải nhìn thẳng vào vấn đề để tìm ra những căn nguyên của sự học sinh chán học Lịch sử (thờ ơ, không thích, không chú ý lắm... chỉ là cách làm mềm đi những vết cắt nhọn sắc của nỗi đau lòng).

Thứ nhất, việc "xơ cứng" hóa lịch sử đã bào mòn tính hấp dẫn, bất ngờ, sinh động của các diễn biến, nhân cách hoặc sự kiện lịch sử nhiều biến động, nhiều thăng trầm. Nếu lịch sử (tức là cuộc đời) mà chỉ có thắng và thắng, không đau đớn, không sai lầm thì chẳng ai tin.

Thứ hai, trong 9 năm học (từ lớp 4 đến lớp 12), học sinh phải học đi học lại 3 lần lịch sử từ cổ đại đến hiện đại. Các cấp học đó cao hơn về nguyên tắc nhưng trên thực tế không hề làm cho lịch sử mới hơn, hấp dẫn hơn mà chỉ làm cho nó dài thêm, nhọc nhằn hơn và nặng nề hơn. Tại sao chúng ta không chịu hiểu ông cha đã nhắc nhở rằng: Rượu nhạt uống lắm cũng say/ Người khôn nói lắm dẫu hay cũng nhàm?

Thứ ba, SGK khô khan và liên tục biến lịch sử thành sự áp đặt của người biên soạn. Sự khiên cưỡng và tẻ nhạt của vấn đề làm cho lịch sử trở thành môn học của máy móc, thuộc lòng. Khi những con người trẻ tuổi cảm thấy bị áp đặt nhận thức, họ sẽ tìm cách thoát ra cho bằng được.

Thứ tư, nếu suốt đời 1 môn học chỉ bị coi là môn phụ thì lẽ dĩ nhiên nó sẽ phải bị đối xử một cách tàn tệ. Tại sao không coi lịch sử là một phần không thể thiếu được của văn hóa - đạo đức học- giáo dục công dân- truyền thống và lòng yêu nước?

Tại sao không thể vừa giáo dục đạo đức, văn hóa và truyền thống thông qua một bài học lịch sử cụ thể từ một nhân vật lịch sử cụ thể.

Người giỏi không theo ngành sư phạm lịch sử

GS.Văn Như Cương
GS.Văn Như Cương
 Trên báo Bee.net.vn, Giáo sư Văn Như Cương cho rằng, khi học sinh sợ học môn sử thì đầu vào sư phạm sẽ kém, kéo theo dạy và học sử ngày càng tồi tệ.

Theo Giáo sư Văn Như Cương, việc học sinh không yêu mà càng chán sử, đó là một thực tế mà chúng ta phải thừa nhận. Chúng ta vẫn nói “dân ta phải biết sử ta”, nhưng thực tế, rất nhiều học sinh sợ phải học lịch sử.

Trong kết quả mà chúng ta nhận hôm nay có nguyên nhân từ sách giáo khoa (SGK), nguyên nhân từ cách dạy, từ cách học, nhưng căn bản nhất, theo tôi, vẫn là từ suy nghĩ thực tế của học sinh. 

Thực tế này, không thể coi đây là chuyện bình thường được. Chúng tôi là người đi dạy, với chúng tôi, một điểm 0 đã là không bình thường rồi, huống chi là 98% điểm sử dưới trung bình. Cần phải nghiêm túc xem nó không "bình thường" ở chỗ nào.

Phải nhìn nhận lại vấn đề từ đầu và quan trọng nhất là phải nhìn vào cơ chế thị trường để đặt câu hỏi: Học lịch sử để làm gì? Yêu sử đến mấy thì để kiếm sống, học sinh cũng không thể lao vào học ngành lịch sử được.

Với định hướng ấy thì chúng ta thấy người giỏi không vào học khoa sư phạm lịch sử và hệ quả là chúng ta càng ngày sẽ càng tồi tệ hơn trong việc dạy và học lịch sử.

 Hà Hải (tổng hợp)
{iarelatednews articleid='9068,8853,8775,8701,7671,6961,1372,9330,9247,9242,9358'}