Muốn giáo dục phát triển đúng, phải để giáo viên chọn sách giáo khoa

22/12/2019 06:53
Thùy Linh thực hiện
(GDVN) - Đó là ý kiến của chủ biên chương trình môn Vật lý trong chương trình giáo dục phổ thông mới khi chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

LTS: Một trong những điểm mới của chương trình giáo dục phổ thông  2018 là khi dạy học có thể dùng nhiều nguồn tư liệu khác nhau để thực hiện được mục tiêu giáo dục đã quy định ở chương trình giáo dục phổ thông. Tức là, giáo viên có thể dùng bất cứ sách giáo khoa nào để dạy học. Điểm mới quan trọng này khác hẳn với thói quen của nhiều thế hệ giáo viên Việt Nam.

Trước sự đổi mới này Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh – chủ biên chương trình môn Vật lý và cũng là người đang trực tiếp tập huấn giáo viên thành phố Hà Nội.


Phóng viên: Năm học 2020-2021 cả nước bắt đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, xin ông cho biết sự khác biệt giữa chương trình mới và chương trình hiện hành là gì?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh:
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 và giáo dục hiện hành có nhiều điểm khác biệt. Sau đây nhấn mạnh một số khác biệt cốt lõi nhất.

Thứ nhất, thay mục đích truyền thụ kiến thức thành mục đích phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của người học.

Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!
Làm không nổi một bộ sách giáo khoa, Bộ Giáo dục đang buông bỏ trách nhiệm!

Chúng ta đều biết rằng, mục đích dạy học là giúp người học hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực, tức là người học "thụ" và "hành" được kiến thức (mà giáo viên) đem ra dạy, chứ không phải mục đích là kiến thức đó.

Mục đích của ăn uống là giúp con người tồn tại và phát triển, chứ không phải mục đích là thức ăn, thức ăn chỉ là nguyên liệu! Cũng như vậy, trong dạy học, kiến thức chỉ là nguyên liệu để hình thành, phát triển phẩm chất, năng lực người học.

Hiện nay, chúng ta đang coi kiến thức vừa là “chất liệu”, tức là “đầu vào” vừa là “kết quả”, tức là “đầu ra” của quá trình giáo dục.

Vì vậy, học sinh được yêu cầu học và ghi nhớ rất nhiều nhưng thực tế thì học sinh nhận thức được chưa nhiều và đặc biệt là “hành” được kiến thức, kĩ năng đã học thì còn rất hạn chế. Nếu chưa nhận thức, tức là chưa “thụ” được kiến thức thì chưa “hành” được kiến thức đó mà chưa “hành” được thì đương nhiên chưa thể có phẩm chất cũng như năng lực.

Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh (cầm micro)– chủ biên chương trình môn Vật lý và cũng là người đang trực tiếp tập huấn giáo viên thành phố Hà Nội (Ảnh thầy Khánh cung cấp)
Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh (cầm micro)– chủ biên chương trình môn Vật lý và cũng là người đang trực tiếp tập huấn giáo viên thành phố Hà Nội (Ảnh thầy Khánh cung cấp)

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo mô hình phát triển năng lực. Theo đó, năng lực được hiểu theo nghĩa là “thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện, cho phép con người huy động tổng hợp các kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,... thực hiện thành công một loại hoạt động nhất định, đạt kết quả mong muốn trong những điều kiện cụ thể”.

Theo định nghĩa năng lực này, kiến thức, kĩ năng và các thuộc tính cá nhân khác như hứng thú, niềm tin, ý chí,...là nguyên liệu đầu vào để giúp người học hình thành, phát triển năng lực của mình.

Hơn nữa, các nguyên liệu đầu vào này phải được kết hợp một cách khoa học thì mới tạo điều kiện cho người học hình thành, phát triển được năng lực, tức là biến điều được học thành cái của bản thân mình. Dạy nhồi nhét kiến thức thì chưa chắc gì học sinh nhận thức được và đặc biệt là thể hiện được điều đã học, nói gì đến hình thành, phát triển được năng lực!

Chính vì thế, mục đích giáo dục trong chương trình giáo dục phổ thông 2018 không phải chỉ để truyền thụ kiến thức mà nhằm giúp học sinh hoàn thành các công việc, bước đầu giải quyết được các vấn đề phù hợp trong học tập và đời sống nhờ vận dụng hiệu quả và sáng tạo những kiến thức, kĩ năng đã học.

Tức là thông qua những kiến thức, kĩ năng cơ bản, thiết thực, hiện đại và các phương pháp tích cực hóa hoạt động của người học để giúp học sinh hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực mà nhà trường và xã hội kỳ vọng; kết hợp phát triển năng lực với phát triển phẩm chất. Quan điểm này được thể hiện nhất quán ở nội dung giáo dục, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục.

Thứ hai
, từ định nghĩa năng lực có thể rút ra những điểm cốt lõi về dạy học như sau:

Năng lực là thuộc tính cá nhân được hình thành, phát triển nhờ tố chất sẵn có và quá trình học tập, rèn luyện cho nên cần phải dạy học phù hợp với người học, tức là phải thực hiện dạy học phân hóa.

Có 32 sách giáo khoa chính thức được đưa vào nhà trường 

Biểu hiện của năng lực là kết quả huy động tổng hợp các nguồn lực (kiến thức, kĩ năng thuộc các lĩnh vực khác nhau và hứng thú, niềm tin, …) cho nên phải thực hiện dạy học tích hợp.

Năng lực chỉ có thể hình thành, phát triển qua hoạt động; thể hiện ở hiệu quả của hoạt động, vì thế dạy học và đánh giá phải thông qua HOẠT ĐỘNG của học sinh.

Chính vì phẩm chất và năng lực chỉ có thể phát triển và thể hiện ra ở hoạt động, cho nên, nếu dạy học mà không tổ chức được hoạt động HỌC để học sinh tự chiếm lĩnh kiến thức và rèn luyện kĩ năng thì kiến thức, kĩ năng của bài học cũng không thể biến thành tri thức của học sinh, do đó, cũng không thể góp phần hình thành phát triển phẩm chất chủ yếu và năng lực chung của người học.

Cần nhấn mạnh rằng, cùng một kiến thức khoa học cốt lõi nhưng việc tổ chức dạy học khác nhau sẽ góp phần phát triển phẩm chất và năng lực một cách khác nhau.

Ví dụ, nếu dạy học hệ tuần hoàn bằng thuyết trình thì học sinh có thể chỉ nhớ được tim là một bộ phận trong hệ thống này.

Tổ chức để học sinh mổ ếch bằng dụng cụ thực hành thì học sinh nhận thức được sâu sắc hơn; đồng thời, qua hoạt động học bằng cách này có thể góp phần giúp học sinh hình thành phát triển được phẩm chất chung (như trung thực); nếu để học sinh mổ ếch theo nhóm, thì có thể góp phần giúp học sinh hình thành, phát triển được năng lực giao tiếp và hợp tác.

Hơn nữa, có thể góp phần giúp học sinh phát triển năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo qua việc tổ chức hoạt động mổ ếch với mức độ hướng dẫn đầy đủ hay không.

Thứ ba, trong đánh giá kết quả giáo dục, coi trọng đúng mức đánh giá quá trình thay vì chỉ coi trọng đánh giá sản phẩm.

Hiện nay, kết quả đánh giá chưa đạt được mục đích cung cấp thông tin chính xác, khách quan, có giá trị, kịp thời về mức độ đạt chuẩn chương trình của học sinh cho nhà quản lí và giáo viên để hướng dẫn và điều chỉnh các hoạt động dạy học.

Giáo viên và học sinh có xu hướng dạy và học để ứng phó với kì thi, chạy theo thành tích, thay vì hướng đến việc đạt được mục đích giáo dục. Do đó, các kì thi và kiểm tra đã tạo ra nhiều áp lực cho học sinh, giáo viên, cha mẹ học sinh và xã hội nói chung.

Thay vì chú trọng đánh giá kiến thức như hiện hành, ở chương trình giáo dục phổ thông 2018, căn cứ đánh giá là các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn học/hoạt động giáo dục.

Đánh giá thường xuyên do giáo viên phụ trách môn học tổ chức, dựa trên kết quả đánh giá của giáo viên, của phụ huynh học sinh, của bản thân học sinh được đánh giá và của các học sinh khác trong tổ, trong lớp.

Đánh giá định kì do cơ sở giáo dục tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng ở cơ sở giáo dục và phục vụ việc phát triển chương trình.

Đánh giá trên diện rộng ở cấp quốc gia, cấp địa phương do cơ quan chuyên trách tổ chức để phục vụ công tác quản lí các hoạt động dạy học, bảo đảm chất lượng đánh giá kết quả giáo dục ở cơ sở giáo dục, phục vụ việc phát triển chương trình và nâng cao chất lượng giáo dục.

Sách Toán hiện hành phải giáo sư toán học có trình độ tốt mới hiểu hết được

Để đánh giá được phẩm chất, năng lực thì phải căn cứ vào hành vi, quá trình và hiệu quả hoạt động của học sinh. Tức là không chỉ đánh giá sản phẩm mà phải thực hiện đúng mức đánh giá quá trình hoạt động của học sinh.

Trong đánh giá năng lực học sinh, đánh giá quá trình đặc biệt quan trọng. Một kì thi, dù có được tổ chức khoa học đến thế nào đi nữa thì cũng không thể qua kết quả đó mà đánh giá được đầy đủ phẩm chất và năng lực học sinh. Nói cách khác, nếu không thực hiện đánh giá quá trình một cách khoa học thì cũng không thể giúp người học hình thành, phát triển phẩm chất và năng lực một cách tối ưu được. Vì thế; đối tượng đánh giá là sản phẩm và quá trình học tập, rèn luyện của học sinh.

Ví dụ, một người được giao nhiệm vụ đưa thư từ địa điểm A đến địa điểm B, trong thời gian 1 giờ. Người ấy xuất phát tại A lúc 7:00, đến giao thư trọn vẹn tại B trước lúc 8:00. Mặc dù thực hiện vượt thời hạn đề ra, nhưng hoạt động đi từ A đến B của người ấy chưa đủ cơ sở để đánh giá vì có thể trong quá trình đi, người ấy đã phạm luật giao thông hoặc gây ra tai nạn rồi bỏ chạy…

Đối với chương trình mới thì vai trò của sách giáo khoa là như thế nào và việc thầy cô tổ chức các hoạt động giáo dục theo mục tiêu chương trình để học sinh lĩnh hội và vận dụng kiến thức, biết tự học quan trọng ra sao, thưa Phó giáo sư?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh:
Hiện nay, do đặt mục đích là kiến thức, kĩ năng và trong thời gian dài chúng ta chỉ có một bộ sách giáo khoa, nên giáo viên đang có thói quen dạy học theo nội dung bài dạy ở sách giáo khoa.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo hướng mở, thể hiện ở việc không quy định chi tiết về nội dung dạy học mà chỉ quy định những yêu cầu học sinh cần đạt; chỉ quy định thời lượng cho chủ đề, không quy định chi tiết đến từng bài học.

Trên cơ sở bám sát mục tiêu và đáp ứng yêu cầu cần đạt đã quy định, các tác giả sách giáo khoa chủ động, sáng tạo triển khai các nội dung dạy học; giáo viên có thể lựa chọn, sử dụng một hay kết hợp nhiều sách giáo khoa, nhiều nguồn tư liệu khác nhau để dạy học. 

Như vậy, sắp tới đây, giáo viên dạy học phải đạt được các yêu cầu cần đạt về phẩm chất và năng lực được quy định trong Chương trình tổng thể và Chương trình môn học/hoạt động giáo dục chứ không phải lệ thuộc vào nội dung của bài học ở sách giáo khoa.

Nếu giáo viên dạy học dựa vào nhận thức và tâm huyết với nghề thì tùy vào bài dạy mà có thể tham khảo nội dung ở các sách giáo khoa và các học liệu khác nhau.

Trên thực tiễn hiện nay, bên cạnh một số giáo viên lệ thuộc vào sách giáo khoa thì cũng có không ít giáo viên đã căn cứ vào nhiều tư liệu khác nhau để soạn bài dạy học.

Để giáo viên thực hiện được đúng thiên chức của mình, nhà nước chỉ cần quản chuẩn dạy học (learning outcomes) thể hiện bằng các “yêu cầu cần đạt” đã quy định chi tiết trong các Chương trình môn học/hoạt động giáo dục còn việc dạy ra sao, chọn lựa tư liệu, sách giáo khoa nào để dạy đạt chuẩn ấy thì phải để giáo viên quyết định.

Nói cách khác, muốn giáo dục phát triển đúng, phải để giáo viên chọn sách giáo khoa.

Cũng như bác sĩ phải được quyền chọn lựa thuốc cho việc kê đơn của mình, nếu kê đơn theo thuốc người khác chọn thì đơn thuốc ấy làm sao phát huy được tài năng, y đức của người kê đơn! Càng cứng nhắc trong việc chọn sách giáo khoa, càng làm thui chột quyền tự chủ và sự sáng tạo của giáo viên! Mà sáng tạo là một trong những đặc thù của nghề dạy học!

Xu thế tiến bộ của giáo dục là người dạy phải tự chọn tư liệu để thực hiện bài dạy của mình. Chẳng hạn ở Cộng hòa Pháp, nhà nước không kiểm soát việc xuất bản và cũng không phê duyệt sách giáo khoa mà chỉ đưa ra chương trình giáo dục quốc gia, các nhà xuất bản tự do thiết kế tài liệu, giáo viên toàn quyền chọn sách giáo khoa.

Ta đang xử lí không đúng về sách giáo khoa và cách làm không đúng đó sẽ gây tác hại cho dân tộc, chứ không phải chỉ là việc của ngành giáo dục!

Được biết, đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội là địa phương duy nhất mà giáo viên ở các môn học được các tác giả chương trình môn học trực tiếp tập huấn. Theo ông, điều này mang lại lợi thế gì cho giáo viên?

Phó giáo sư Nguyễn Văn Khánh: Như đã biết, từ trước đến nay ta chưa có điều kiện xây dựng một chương trình giáo dục phổ thông hoàn chỉnh, các thế hệ giáo viên của chúng ta hầu hết thực hiện mục tiêu giáo dục dựa vào sách giáo khoa. Điều này đã gây ra nhiều hệ lụy từ nhận thức của giáo viên, của xã hội cho đến việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa.

Giáo viên chưa đạt chuẩn, có cần chạy bằng không?

Một chương trình giáo dục dù có tốt đên đâu đi nữa, nếu đội ngũ giáo viên không thực hiện tốt thì chương trình giáo dục ấy sẽ thất bại. Xu thế của giáo dục thế giới hiện nay là để thực hiện chuẩn dạy học, giáo viên có thể lựa chọn và sáng tạo trong sử dụng học liệu.

Muốn thực hiện được tư tưởng tiến bộ này, giáo viên phải thấu hiểu chương trình giáo dục phổ thông. Chính vì thế, tập huấn cho giáo viên về chương trình giáo dục phổ thông là điều vô cùng quan trọng, nhất là trong điều kiện chúng ta chỉ quen dạy theo sách giáo khoa. Việc tập huấn có thể được thực hiện bằng nhiều cách. Tập huấn cho toàn thể giáo viên như Hà Nội đang làm sẽ mang lại nhiều lợi thế cho giáo viên.

Khi chương trình mới ban hành thì tác giả chương trình môn học/hoạt động giáo dục là những người am hiểu sâu sắc nhất sản phẩm của mình vì họ đã trải qua nhiều thời gian nghiên cứu kinh nghiệm của các nước trên thế giới, tổng kết kinh nghiệm phát triển chương trình và sách giáo khoa phổ thông Việt Nam, cũng như tiến hành các thực nghiệm sư phạm cần thiết.

Vì thế họ sẽ là những người tập huấn hiệu quả nhất. Hi vọng là, theo thời gian, sẽ có nhiều hơn nữa các chuyên gia am hiểu chương trình, để việc tập huấn chương trình đạt kết quả.

Trân trọng cảm ơn Phó giáo sư. 

Thùy Linh thực hiện