Muốn huỷ thi tốt nghiệp 2020, phải sửa Luật trước

03/08/2020 06:37
TẤN TÀI
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều ý kiến cho rằng nên huỷ kỳ thi tốt nghiệp 2020 và chuyển sang xét tốt nghiệp vì dịch bệnh covid-19, nhưng phương án này được cho là trái Luật giáo dục.

Việc tổ chức thi hay huỷ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong điều kiện có dịch bệnh covid-19 đang tồn tại nhiều quan điểm, ý kiến trái chiều nhưng cần phải quyết định nhanh, không chần chừ.

Đó là quan điểm của nhiều chuyên gia về giáo dục khi nói về kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 trong bối cảnh dịch bệnh covid-19 lây lan mạnh trong cộng đồng, và đã có ca tử vong.

“Huỷ hay thi cũng cần quyết nhanh”

Phó Giáo sư Nguyễn Quang Linh - Giám đốc Đại học Huế cho biết, hiện Bộ Giáo dục cũng như Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của các chuyên gia giáo dục về việc có nên tổ chức thi kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020.

Hàng ngàn học sinh lớp 12 đang khấp khởi trước thông tin có nên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 hay không? Ảnh: TT

Hàng ngàn học sinh lớp 12 đang khấp khởi trước thông tin có nên tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 hay không? Ảnh: TT

“Theo quan điểm của tôi, với tình hình dịch bệnh hiện tại thì nên tiến hành xét tốt nghiệp cho học sinh, không tổ chức thi nữa.

Thời gian đã rất cận kề, bởi nếu thi thì ngày 9 và 10/7 là thi rồi. Còn hơn một tuần nữa thôi nên vấn đề đang rất cấp bách. Nếu không quyết định ngay thì rất gay.

Lúc đầu, có những xu thế là thi hai đợt. Trong đó, những tỉnh nào thuận lợi thì thi đợt 1, tỉnh nào khó khăn do dịch bệnh thì thi đợt 2.

Như Đà Nẵng, Quảng Nam không thể thi trong đợt 1 rồi. Nhưng vấn đề đặt ra là dịch bệnh nguy hiểm như thế, nếu thi thì không đảm bảo, rất nguy hiểm. Nên quan điểm của tôi là ủng hộ xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông”, thầy Linh nói.

Tuy nhiên, Giám đốc Đại học Huế cũng đặt ra vấn đề, “xét công nhận tốt nghiệp” thì quan ngại lớn nhất là vướng luật, vướng quy chế tuyển sinh. Khoản 3 điều 34 Luật giáo dục có nêu rõ:

“Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông.

Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”.

Như vậy, Luật giáo dục quy định rõ học sinh được cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi dự thi và thi đạt yêu cầu.

Còn trong quy chế tuyển sinh Đại học, Cao đẳng 2020 cũng đặt yêu cầu học sinh phải có bằng tốt nghiệp.

“Quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục ban hành nên mình có thể thay đổi. Còn Luật thì do Quốc hội quyết định mà Quốc hội thì chưa thể họp gấp để quyết định được”, thầy Linh thông tin.

Nếu huỷ thi cũng sẽ tuyển sinh được

Cũng theo thầy Linh, khi đã đống ý và thống nhất xét công nhận tốt nghiệp (huỷ thi) thì các trường Đại học, Cao đẳng vẫn có thể tuyển sinh theo phương thức xét học bạ.

"Giờ phương án thi đầu vào, đánh giá năng lực của các trường Đại học là không kịp nữa rồi. Nhưng trong công tác tuyển sinh lại có sự mâu thuẫn giữa ngành tóp trên và các ngành khác.

Trong đó, các ngành tóp trên thì lúc nào cũng đặt ra yêu cầu khắt khe hơn, họ muốn thi để xét tuyển nhằm tin tưởng hơn. Nếu như trước đây thì mình ủng hộ phương án thi chứ không phải xét tuyển.

Nhưng trong điều kiện dịch bệnh covid-19 diễn biến phức tạp như hiện nay thì mình ủng hộ phương án xét tuyển.

Giờ chỉ có thể căn cứ vào kết quả học tập 3 năm trung học phổ thông (xét học bạ), dù nhiều trường có vẻ quan ngại về việc học bạ không đảm bảo hoàn toàn tin tưởng 100%”, thầy Linh nói.

Giáo sư Trần Văn Nam, nguyên Giám đốc Đại học Đà Nẵng cũng đồng tình với phương án huỷ kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 bởi tình hình dịch bệnh covid-19 quá phức tạp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ.

“Ở Đà Nẵng thì mới thấy rõ những nguy hiểm của tình hình dịch bệnh như thế nào. Nếu để hàng ngàn học sinh đến trường thi thì rất nguy hiểm, đó là chưa kể đội ngũ cán bộ coi thi, giáo viên…

Phụ huynh thì không dám cho con em đi thi. Rồi hàng loạt vấn đề nảy sinh khác khi thi như: phân loại học sinh như thế nào, sau này chấm thi thì bài thi đó ra sao? tâm lý học sinh thi trong điều kiện dịch bệnh như vậy có đảm bảo hay không?…”, thầy Nam chia sẻ.

Cũng theo thầy Nam, vấn đề lớn nhất trong việc huỷ kỳ thi tốt nghiệp là vướng mắc Luật giáo dục. Bởi trong Luật giáo dục không quy định việc xét công nhận tốt nghiệp mà phải tổ chức thi, thi đạt yêu cầu mới cấp bằng tốt nghiệp.

“Vấn đề này thì cần phải có ý kiến của Thường vụ Quốc hội. Nhưng dù phương án nào cũng cần phải công bố sớm để thí sinh và các trường chủ động.

Về mặt chuẩn bị kỳ thi thì các địa phương vẫn phải chuẩn bị thôi vì phải làm theo Luật. Giờ muốn huỷ thì phải có quy trình, huỷ như thế nào, đó là một cái khó.

Ngoài ra, nhiều trường khi tuyển sinh thì không lấy kết quả từ học bạ nên họ muốn kết quả thi”, Giáo sư Nam cho hay.

TẤN TÀI