Nguyên Thứ Trưởng Bộ GD&ĐT, GS Trần Xuân Nhĩ:

"Năm nào tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cũng cao gần 100% thì thi để làm gì?"

05/08/2013 09:02
Xuân Trung (thực hiện)
(GDVN) - Chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về quan điểm bỏ thi hay không nên bỏ thi tốt nghiệp THPT, GS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng, thi hay không thi không quan trọng, quan trọng là cách đánh giá học sinh như thế nào cho chính xác sau 12 năm học.

Phải thay đổi cách đánh giá người học

PV: Vừa quan, trong một cuộc Hội nghị bàn về đóng góp và xây dựng nền giáo dục đào tạo, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan có đề nghị Bộ GD&ĐT xem xét nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT, ông suy nghĩ gì về ý kiến này, quan điểm của ông thế nào về bỏ kỳ thi này?

GS Trần Xuân Nhĩ: Tôi hiểu ý của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan là: “Nếu như  tổ chức thi cử như thế này, hàng năm vẫn gần 100% thí sinh đỗ tốt nghiệp, hai kỳ thi lại gần như như vậy thì nên bỏ thi tốt nghiệp”.

Quan điểm của tôi thi phổ thông là phải đánh giá, lâu nay bộ chỉ đánh giá học sinh ở một thời điểm, trong khi đó việc đánh giá một con người là phải đánh giá một quá trình chứ không thể đánh giá ở một thời điểm.

Học cái gì thì đánh giá cái đó, không thể giải thích chuyện bốc thăm cho môn này thi môn kia không được thi, môn Sử quan trọng tới mức thế nhưng lại không được thi tốt nghiệp.

Theo GS Trần Xuân Nhĩ, cách đánh giá học sinh ngày nay cần nhanh chóng phải thay đổi.
Theo GS Trần Xuân Nhĩ, cách đánh giá học sinh ngày nay cần nhanh chóng phải thay đổi.

Tôi nói phải đổi mới cách đánh giá, đổi mới mà không tốn tiền lại có chất lượng. Vấn đề ở chỗ đó, nhiều cái đổi mới bây giờ đòi hỏi tốn nhiều tiền, nhưng đổi mới cách đánh giá học sinh lại không tốn tiền mà còn lợi tiền, còn đem lại chất lượng.

Vậy phải đổi mới như thế nào? Trước kia chúng ta chỉ đánh giá học sinh vào một thời điểm, chọn một số môn vào thời điểm để đánh giá thì học sinh không cần học. Mười mấy môn học mà đánh giá có 6 môn qua kỳ thi tốt nghiệp, học mà không đánh giá thì học sinh rõ ràng cần gì phải học.

Ở nước ngoài họ thi nhưng thi không nặng nề như ở Việt Nam mà người ta căn cứ vào kết quả của phổ thông, chỉ cần xem học bạ tốt hay không tốt, đó là cả quá trình. Cho dù học sinh có gian lận đi nữa nhưng cũng không thể gian lận suốt mấy năm được.

Mấu chốt hiện nay là yêu cầu bộ, học cái gì đánh giá cái đó, đánh giá cả quá trình, nếu không phải từ cấp 2 thì ít nhất là cấp 3 (6 học kỳ).

Tuy nhiên bộ lại lập luận rằng với 6 học kỳ đó không tin được thầy giáo, nếu nói không tin ở người thầy thì chỉ có nước “dẹp tiệm”, nếu nói như vậy là xúc phạm tới danh dự của người thầy.

Vậy nói như ông, kỳ thi tốt nghiệp không nên bỏ mà cái bỏ là bỏ cách đánh giá như hiện nay qua kỳ thi này?

GS Trần Xuân Nhĩ: Đúng vậy, vấn đề thi cử phải đổi mới, đổi mới bằng đánh giá cả quá trình chứ không thể đánh giá theo thời điểm. Như Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã băn khoăn, nếu năm nào tỉ lệ đỗ tốt nghiệp cũng cao gần 100% như vậy thì thi để làm gì, câu hỏi ở đây là thi để làm gì?

Thi phổ thông trên thế giới này không nước nào bỏ cả, có bỏ thì chỉ có bỏ cách đánh giá của Bộ GD&ĐT hiện nay, phải tìm một cách đánh giá mới, nghĩa là đánh giá phải là một quá trình, học cái gì đánh giá cái đó, và cuối cùng làm một cuộc thi gồm các môn: Toán, Tiếng Việt, Ngoại ngữ...

Việc thi tốt nghiệp nên giao cho các địa phương làm, đỡ tốn tiền hơn.

Ông đã từng làm Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, vậy thời của ông, ông đã đưa ra những ý kiến này hay chưa và được tiếp thu như thế nào?

GS Trần Xuân Nhĩ: Thời của tôi cũng có hoàn cảnh, thời đó cũng có đánh giá cả quá trình của học sinh, chứ không phải tổ chức kỳ thi là duy nhất. Thời đó chỉ thi có 4 môn chứ không nhiều như bây giờ.

Vậy kỳ thi tốt nghiệp phải làm như thế nào, có chăng chỉ là chốt lại, đánh giá lại cả quá trình học sinh học phổ thông?

GS Trần Xuân Nhĩ: Đúng, cũng có nhiều cách làm. Ta lấy học kỳ trong ba năm, điểm của các môn cộng lại để lấy trung bình. Nếu thi phổ thông mà có môn Toán thì cộng môn Toán này vào như là một thành phần của các môn thi, tất cả đều giao cho Sở làm để không phải có kỳ thi Quốc gia gây tốn kém.

Ví dụ học sinh nếu gian lận chỉ gian lận một lần thôi, chứ không lẽ lại gian lận cả 6 lần thi học kỳ? Nếu đánh giá cả quá trình thì học sinh học liên tục, không thể lơ là và chơi được, ai chơi, lười học là biết ngay.

Chúng ta đang lãng phí sức của tuổi trẻ

Có một bất cập, mình học thì học nhiều môn nhưng lúc thi lại không thi hết các môn đó, thưa ông?

GS Trần Xuân Nhĩ: À không, do đó mình phải đánh giá cả quá trình, học cái gì đánh giá cái đó, cái gì cũng phải có “chứng chỉ” của nó.

Ở Singapore chẳng hạn, người thầy chỉ giao bài tập, học sinh học theo nhóm, thảo luận theo nhóm và mỗi người một ý kiến tổng hợp lại, đến tiết học thầy chỉ việc gọi người đại diện nhóm lên bảo vệ quan điểm của nhóm. Như vậy học sinh có cơ hội học liên tục, tự do bày tỏ ý kiến, quan điểm riêng của mình. Như thế là học cho mình, học để biết chứ không phải học để lấy cái bằng.

Cách tổ chức học của Việt Nam bây giờ là tổ chức học lấy tấm bằng, các nước học để biết, biết để làm. Muốn có chất lượng thì mình phải đổi, muốn đổi thì cái đầu của những người lãnh đạo phải đổi.

Làm được như vậy  thì kết quả thi tốt nghiệp đã có và giao cho các trường ĐH, CĐ tự tổ chức tuyển sinh chứ không theo ba chung nữa.

Ví dụ, dựa vào tất cả kết quả của phổ thông như vậy, tổng cộng lại có một mức điểm trung bình nào đó. Cũng dựa vào đó một số trường ĐH tốt chỉ lấy học sinh từ 8 điểm trở lên, sau khi tổng kết cả nước sẽ cho ra được một mức phổ điểm từ 1 triệu học sinh đạt 8 điểm là có bao nhiêu em, đến 7 điểm có bao nhiêu...,  theo đó sẽ cho phép 10 trường tốt nhất nước lấy tất cả học sinh đạt điểm 8 mới được vào học.

10 trường này để đào tạo nhân tài, người giỏi. Khi đó, đã có sẵn ý tưởng thì học sinh sẽ phấn đấu để học, để đạt được giấc mơ  của mình, theo hình thức này thì hoàn toàn không có thi cử. Còn các mức điểm khác tương ứng với các trường đào tạo để ra làm việc cho xã hội.

Theo tôi, học sinh phổ thông học tới tháng 6 hàng năm là xong nên cho các em về vùng nông thôn, miền núi để cùng ăn, cùng ở với nhân dân, giúp nhân dân làm đường, giúp dân xóa mù chữ..., 1 triệu học sinh tính ra 3 tháng có hàng trăm triệu ngày công, ở nông thôn mỗi ngày công chỉ tính 100 nghìn đồng thì thành một số tiền rất lớn.

Tôi nghĩ chính học sinh lại thích đi như vậy, vừa qua có các học kỳ quân đội, cái này cũng tốt nhưng tôi thích cho học sinh về nông thôn để cho các em hiểu được nhà quê như thế nào. Chứ không thể thi xong phổ thông lại lăn lộn đến mấy lò luyện thi nóng nực như vậy, lại bia rượu...

Hiện chúng ta đang lãng phí vô cùng sức của tuổi trẻ. Làm như tôi nói thì không tốn tiền, có ích cho xã hội. Quan điểm của tôi đổi mới phải làm như trên chứ không phải đổi mới là bỏ nhiều tiền vào để đổi mới. Chỉ cần một khâu đó là sẽ có chất lượng.

Đây là một ý tưởng hay, nhưng nhiều người còn băn khoăn thời của ông làm ông đã từng đưa ý kiến này ra chưa, đã được tiếp nhận không?

GS Trần Xuân Nhĩ: Tôi cũng đã nêu nhưng nhiều ông bộ trưởng cũng bảo thủ, tôi nói điều này cũng không có gì là mới mà chỉ học hỏi, tổng hợp từ các nước lại mà thôi. Tôi rất tiếc trong ba tháng, học sinh chúng ta chỉ ăn chơi, thi những cái vô bổ. Tại sao không đem 1 triệu học sinh này về nông thôn, về miền núi để biết được cuộc sống khổ sở như thế nào. Chính cái đó gọi là kỹ năng sống, cái này đoàn thanh niên, nhà trường có thể làm được.

Hiện chúng ta 3.800 xã ở miền núi, chúng ta giao cho 1 trường phụ trách 10 xã, như vậy là rất đơn giản. Môi trường bẩn thì rọn, không có cây thì trồng. Hiện có 2.700 trường cấp ba, vậy thì 1 trường cấp ba/1 xã có phân được không? Cái này có thể làm được.

Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này.

Xuân Trung (thực hiện)