Nâng chuẩn giáo viên thì Bộ nên bớt chỉ tiêu đào tạo sư phạm để đỡ lãng phí!

09/03/2021 06:21
NGUYỄN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu những năm tới đây, Bộ không giảm chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm thì tình trạng sinh viên sư phạm ra trường sẽ càng khó khăn hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm.

Luật Giáo dục 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 yêu cầu chuẩn trình độ giáo viên mầm non là cao đẳng sư phạm; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở có bằng cử nhân sư phạm trở lên và hiện nay các địa phương đã có phương án, kế hoạch nâng chuẩn bị cho những thầy cô chưa đủ chuẩn trình độ bắt đầu từ năm 2021 này.

Việc nâng chuẩn trình độ cho những thầy cô giáo chưa đủ chuẩn là một chính sách rất nhân văn bởi giáo viên đi học sẽ không mất tiền học phí, được chi trả các chế độ lương, phụ cấp bình thường và điều quan trọng là vẫn giữ được vị trí việc làm của mình.

Điều này cũng đồng nghĩa các trường đại học sư phạm ở các địa phương trong những năm tới đây sẽ luôn luôn có những lớp nâng chuẩn giáo viên theo trình độ và số lượng tương đối nhiều.

Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.

Ảnh minh họa, nguồn: VTV.vn.

Vì thế, những trường, những khoa sư phạm mà lâu nay khó tuyển sinh thì trong những năm tới sẽ đảm bảo được nguồn tuyển và đào tạo trong nhiều năm trời.

Tuy nhiên, việc nâng chuẩn cho đội ngũ nhà giáo chưa đủ chuẩn cũng sẽ tạo ra một thách thức lớn cho sinh viên sư phạm khi ra trường. Nếu như những năm tới đây mà Bộ không giảm chỉ tiêu tuyển sinh hàng năm thì tình trạng sinh viên sư phạm ra trường sẽ càng khó khăn hơn khi tìm kiếm cơ hội việc làm.

Những giáo viên nào sẽ phải bắt đầu nâng chuẩn từ năm 2021 này?

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thì số lượng giáo viên từ cấp mầm non đến trung học cơ sở chưa đạt chuẩn trình độ như sau:

“Tổng số giáo viên phải thực hiện nâng trình độ chuẩn (tính đến thời điểm chiết xuất cơ sở dữ liệu ngành giáo dục ngày 10/3/2020) là 256.492 người (công lập: 207.606 người; dân lập, tư thục: 48.886 người).

Trong đó giáo viên mầm non: 87.903 người (công lập 41.021 người, ngoài công lập 46.882 người). Giáo viên tiểu học: 116.846 người (công lập 115.010 người, ngoài công lập 1.711 người).

Giáo viên trung học cơ sở: 51.868 người (công lập 51.575 người, ngoài công lập 293 người)”. [1]

Vậy trong số lượng 256.492 giáo viên chưa đạt chuẩn theo Luật Giáo dục năm 2019 thì những thầy cô nào bắt buộc phải nâng chuẩn?

Tại Điều 2 của Nghị Định 71/2020/NĐ-CP của Chính phủ đã hướng dẫn khá cụ thể về việc nâng chuẩn giáo viên, đó là: giáo viên mầm non chưa có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Đối với giáo viên tiểu học chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên tiểu học hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 08 năm công tác (96 tháng);

Đối với giáo viên có trình độ trung cấp, còn đủ 07 năm công tác (84 tháng); đối với giáo viên có trình độ cao đẳng đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Giáo viên trung học cơ sở chưa có bằng cử nhân thuộc ngành đào tạo giáo viên hoặc chưa có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp và có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm trở lên, tính từ ngày 01/7/2020 còn đủ 07 năm công tác (84 tháng) đến tuổi được nghỉ hưu theo quy định.

Như vậy, về cơ bản thì những giáo viên từ mầm non đến trung học cơ sở chưa đủ chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục 2019 tính đến ngày 01/7/2020 mà còn 7 năm công tác đối với hệ đào tạo cao đẳng và 8 năm đối với hệ đào tạo trung cấp thì sẽ phải thực hiện việc nâng chuẩn trình độ theo quy định.

Bộ nên giảm chỉ tiêu đào tạo sư phạm trong những năm tới đây

Từ cuối tháng 11/2020 thì chính sách hỗ trợ sinh hoạt phí giúp sinh viên sư phạm yên tâm học tập, thu hút người giỏi và nâng cao chất lượng đào tạo đã có hiệu lực.

Theo chính sách này thì ngoài việc được Nhà nước hỗ trợ 100% tiền đóng học phí, nay sinh viên sư phạm còn được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt. Điều này cũng đồng nghĩa mỗi năm Nhà nước sẽ phải hỗ trợ một khoản kinh phí rất lớn cho hàng trăm ngàn sinh viên các khóa đang theo học ở các trường sư phạm trên cả nước.

Thêm vào đó, lộ trình nâng chuẩn giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ sẽ được triển khai từ năm 2021 này và kinh phí đào tạo được lấy từ nguồn kinh phí của ngân sách của các địa phương.

Chẳng hạn như tỉnh Nghệ An hiện nay có gần 2000 giáo viên chưa đủ chuẩn trình độ theo Luật Giáo dục năm 2019 và Ủy ban nhân dân tỉnh này cũng đã dự kiến trong năm 2021- năm đầu tiên thực hiện nâng chuẩn cho giáo viên thì nguồn kinh phí tỉnh cấp để nâng chuẩn cho giáo viên là gần 11 tỷ đồng. [2]

Các địa phương khác cũng đã có số liệu thống kê số lượng giáo viên phải thực hiện nâng chuẩn trình độ với số lượng tương đối lớn và cũng đều có kế hoạch nâng chuẩn từ năm 2021 này.

Chính vì thế, ngân sách Nhà nước chi cho sinh viên sư phạm chính quy hàng năm về học phí, sinh hoạt phí và thực hiện nâng chuẩn cho giáo viên chưa đủ chuẩn sẽ là rất lớn.

Trong khi, giáo viên chưa đủ chuẩn đi học vẫn được hưởng lương và các chế độ đãi ngộ bình thường của một viên chức ngành giáo dục thì sinh viên sư phạm ra trường sẽ còn phải lo lắng tìm kiếm việc làm.

Nhưng hiện nay tình trạng các địa phương thừa thiếu cục bộ giáo viên đang xảy ra. Có những môn, những cấp học thiếu giáo viên nhưng lại có những môn, những cấp học thừa giáo viên.

Vậy nên, nhiều ngành học nếu không được tính toán kỹ thì sinh viên ra trường rất khó tìm việc làm và thực tế hiện nay đang có rất nhiều sinh viên sư phạm ra trường nhiều năm chưa tìm được việc.

Vì thế, chúng tôi cho rằng Bộ và các địa phương cần cân nhắc, tính toán kỹ chỉ tiêu đào tạo sư phạm bắt đầu từ năm học 2021-2022 tới đây để sau khi học xong sinh việc không phải thất nghiệp.

Sinh viên ra trường thất nghiệp không chỉ lãng phí về nguồn nhân lực mà chúng ta phải chịu lãng phí kép khi phải chi tiền đào tạo cho sinh viên và nâng chuẩn cho giáo viên nhưng nhiều sinh viên sư phạm học xong lại không thể tìm được việc.

Trớ trêu ở chỗ là tại khoản 4, điều 85 Luật Giáo dục năm 2019 đã hướng dẫn như sau: “Học sinh, sinh viên sư phạm được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt trong toàn khóa học.

Người được hỗ trợ tiền đóng học phí và chi phí sinh hoạt sau 02 năm kể từ khi tốt nghiệp nếu không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định thì phải bồi hoàn khoản kinh phí mà Nhà nước đã hỗ trợ. Thời hạn hoàn trả tối đa bằng thời gian đào tạo”.

Điều này cũng đồng nghĩa nếu sinh viên sư phạm ra trường mà “không công tác trong ngành giáo dục hoặc công tác không đủ thời gian quy định” thì phải trả lại kinh phí đào tạo cho Nhà nước nhưng nếu không xin được việc thì lấy đâu cơ hội “công tác trong ngành giáo dục”?

Tài liệu tham khảo?

[1] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/hon-40-000-giao-vien-vao-dien-neu-2-nam-lien-khong-dat-chuan-se-phai-sang-lam-viec-khac-644885.html

[2]//baonghean.vn/gan-2000-giao-vien-nghe-an-se-duoc-dao-tao-de-dat-chuan-281773.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

NGUYỄN NGUYÊN