Ngán ngẩm với bản tường trình của giáo viên ném vở học sinh

20/10/2019 07:11
CAO NGUYÊN
(GDVN) - Nhìn bản tường trình của cô N.T.T., (Trường tiểu học C Vĩnh Thanh, Bạc Liêu) nhiều người thốt lên rằng, làm giáo viên mà viết thế này thì dạy thế nào?

Bản tường trình sai từ hình thức đến nội dung

Vừa qua, báo chí đăng tải hình ảnh chụp lại bản tường trình của cô N.T.T., về việc ném vở học sinh (Trường tiểu học C Vĩnh Thanh, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu) khiến nhiều người chỉ biết lắc đầu ngao ngán.

Về hình thức, chữ cô viết xấu như học sinh lớp 1, lớp 2, không mềm mại, thiếu ngay ngắn, không đúng quy chuẩn đối với giáo viên tiểu học.

Bên cạnh đó, cô giáo tùy tiện gạch ngang đầu dòng khi tường trình các nội dung, cũng là cách trình bày sai văn phong.

Về nội dung, cô giáo mắc hàng loạt lỗi, từ cách viết hoa (không đúng/tuỳ tiện), viết sai chính tả, câu văn lủng củng, sai lỗi ngữ pháp, tối nghĩa cho đến việc sử dụng ngôn ngữ nói trong văn bản hành chính.

Bản tường trình của cô Nguyễn Thị T., về việc ném vở học sinh (Ảnh: Báo Người lao động).
Bản tường trình của cô Nguyễn Thị T., về việc ném vở học sinh (Ảnh: Báo Người lao động).

Theo nội dung văn bản tường trình của cô giáo, có thể kể ra cô mắc hàng loạt lỗi như sau:

Thứ nhất: sai về lỗi viết hoa không đúng phần quốc hiệu và tiêu ngữ (Lập, Do, Phúc); viết hoa tùy tiện chữ “Tạo” (đào Tạo); viết thường chữ “thắng” (địa danh Tường Thắng).

Thứ hai: tên loại và trích yếu nội dung của văn bản không chính xác khi dùng cụm từ “tờ tường trình”; không ghi đơn vị hành chính – “huyện” (trước danh từ Phước Long).

Thứ 3: viết sai chính tả “bụt giảng” (viết đúng phải là “bục giảng”); phai bút (mạng xã hội – Facebook), quay líp (đoạn phim ngắn - clip).

Thứ 4: sử dụng ngôn ngữ nói trong văn bản hành chính “tôi không phải cố tình làm như vậy đâu”.

Thứ 5: cách viết đoạn văn lủng củng, rối rắm, câu sai ngữ pháp, tối nghĩa. Chẳng hạn như đoạn “Hôm nay vào lúc 13 giờ 30 phút tôi phát hiện trên phai bút đăng tải mạng xã hội là quay líp của tôi lúc đang chấm bài”.

Hoặc đoạn: “Qua sự việc hôm nay tôi nhận thấy tôi làm chưa tốt về hành vi sai phạm của tôi”.

Thứ 6: lẫn lộn giữa bản tường trình với bản kiểm điểm thông thường của học sinh: “Nay tôi làm bản tường trình này kính đến Phòng Giáo dục Đào tạo huyện Phước Long. Kính đến Ban giám hiệu Trường THC (tiểu học C) xã Vĩnh Thanh tôi xin hứa và khắc phục từ nay về sau tôi không tái phạm nữa.”

Tạm đình chỉ công tác nữ giáo viên ném vở học sinh xuống đất sau khi chấm bài
Tạm đình chỉ công tác nữ giáo viên ném vở học sinh xuống đất sau khi chấm bài

Thất vọng với cô giáo, nhà trường và các cấp quản lí

Theo quy định, giáo viên dạy bậc tiểu học thì phải có bằng tốt nghiệp, thấp nhất là trung cấp sư phạm.

Quá trình học hai năm, sinh viên ngành sư phạm được đào tạo rất “đa năng”, từ chuyên môn đến nghiệp vụ. Họ cũng được rèn luyện ở rất nhiều lĩnh vực để sau này có thể giảng dạy nhiều môn học khác nhau.

Cùng với đó, sinh viên ngành này phải trải qua các kì thi cuối học kì để hoàn thành nhiệm vụ học tập.

Sau cùng, họ cần một khoảng thời gian thực tập giảng dạy, nếu đạt yêu cầu thì mới được tham dự kì thi tốt nghiệp để cấp bằng.

Để được hành nghề ở môi trường công lập, giáo viên phải trải qua kì thi/xét tuyển viên chức thông qua hội đồng tuyển dụng. Tại đây, họ sẽ được kiểm tra về nghiệp vụ chuyên môn và năng lực giảng dạy thông qua bài thực hành trực quan.

Như thế để thấy rằng, để đào tạo được một giáo viên và để được làm nghề dạy học, người thầy phải trải qua quá trình, quy trình khắt khe, chặt chẽ.

Trở lại với câu chuyện cô giáo T., viết bản tường trình, chúng tôi cứ mãi băn khoăn, với kiến thức, trình độ như vậy, không biết bằng cách nào cô có thể tốt nghiệp ngành sư phạm?

Giả sử cô chỉ tốt nghiệp ở mức trung bình, thì bao nhiêu năm dạy học (cô giáo khoảng ngoài 40 tuổi) cô không hề cứ học, tự rèn luyện để nâng cao chuyên môn nghiệp vụ.

Và đồng nghiệp, người quản lí chuyên môn cũng không hề phát hiện ra những yếu kém của cô để có biện pháp chấn chỉnh.

Trong khi một năm học, giáo viên phải dạy nhiều tiết thao giảng cho đồng nghiệp, Ban giám hiệu dự giờ, rồi cấp Phòng Giáo dục và Đào tạo thanh kiểm tra thường niên.

Học sinh tiểu học như tờ giấy trắng, chúng tiếp thu những điều cô dạy sai trái như thế, thử hỏi các em sẽ trở thành người như thế nào?

Việc cô giáo ném vở học sinh chỉ có thể kỉ luật ở mức cao nhất là cảnh cáo theo Luật Viên chức. Tuy nhiên, nếu cứ để cô tiếp tục giảng dạy thì chắc chắn sẽ gây hậu quả khôn lường cho các thế hệ học sinh về sau.

Như Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đã đưa tin, ngày 16/10 trên mạng xã hội lan truyền một clip ghi lại cảnh một nữ giáo viên sau khi ngồi chấm bài xong, đã ném vở của học sinh xuống đất, rồi gọi học sinh tới nhặt đem về.

Theo báo cáo ban đầu của Trường tiểu học C Vĩnh Thanh, clip này xảy ra tại lớp 1C, do cô N.T.T giảng dạy, ở một điểm lẻ của trường tại ấp Tường Thắng A, xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu.

Qua bản tường trình, cô T. cũng đã thừa nhận về hành vi sai trái của mình.

Ngày 17/10/2019, lãnh đạo Trường tiểu học C Vĩnh Thanh đã tạm đình chỉ công tác đối với cô N.T.T. vì những hành vi phản sư phạm. 

Tài liệu tham khảo:

[1] giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/tam-dinh-chi-cong-tac-nu-giao-vien-nem-vo-hoc-sinh-xuong-dat-sau-khi-cham-bai-post203502.gd

[2] https://thanhnien.vn/giao-duc/du-luan-phan-no-canh-co-giao-nem-vo-hoc-sinh-xuong-dat-1138151.html fbclid=IwAR3FZvUS5agEjxg2vb6QBJbT2VrpCIIqMds_zulx3FRxkCHoXe3m5rE27LU

CAO NGUYÊN