Ngành giáo dục Quảng Ninh nói về việc HS lớp 7 xem 'phim có cảnh nóng'

18/10/2013 09:43
Xuân Trung
(GDVN) - Xung quanh câu chuyện học sinh lớp 7 Trường THCS Cao Xanh (Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được nhà trường cho đi xem phim miễn phí tại rạp Phương Nam, thay vì xem những bộ phim phù hợp thì các em lại “đỏ mặt” vì phải xem phim người lớn.
Câu chuyện trên vừa xảy ra tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 18 vừa diễn ra ở Quảng Ninh từ ngày 14 - 16/10/2013. Để hưởng ứng cho Liên hoan phim Sở GD&ĐT tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo cho một số trường học cử học sinh đi xem phim phù hợp với lứa tuổi.

Tuy nhiên, sự việc học sinh “đỏ mặt” vì phải xem những cảnh nóng trong phim “Scandal - Bí mật thảm đỏ" đã khiến hoài nghi về chuyện cách bố trí phim có phần vô trách nhiệm của Ban tổ chức?

Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Văn Hạnh – Trưởng phòng Giáo dục Tp. Hạ Long cho biết, đợt xem phim lần này không phải nhà trường tổ chức cho học sinh đi xem, mà thực hiện sự chỉ đạo của Sở GD&ĐT Quảng Ninh.

Trước vấn đề học sinh lớp 7 phải xem phim không phù hợp với lứa tuổi, nhiều cảnh nóng ông Hạnh nói rằng, Phòng không quản lí được mà trên Sở đã có văn bản, trong đó nói rõ chiếu phim hoạt hình cho học sinh cấp I, cấp II từ 10 đến 11 giờ trưa trong thời gian diễn ra Liên hoan phim.

Học sinh lớp 7 trường THCS Cao Xanh (TP. Hạ Long) được đưa đi xem phim "Scandal - Bí mật thảm đỏ".
Học sinh lớp 7 trường THCS Cao Xanh (TP. Hạ Long) được đưa đi xem phim "Scandal - Bí mật thảm đỏ".

“Chắc là hãng phim lại 'chiếu đểu' hay chiếu kiểu gì tôi không biết, thực ra tôi phải cử giáo viên đi trông coi rất mất thời gian. Tôi rất bực chuyện này, tôi cũng đã có ý kiến với Ban tổ chức, các anh chị làm như thế này tự nhiên tôi lại trở thành người mang tiếng, thầy cô giáo của chúng tôi đi còn vất vả ra, phải lo cả an toàn giao thông nữa. Bắt các cháu đi vỗ tay với đi xem như thế này thì chết dở, học sinh đang trong mùa học hành. Nhưng mình cấp dưới thì phải chấp hành. Cho đến hôm nay tôi mới biết (chiều ngày 17/10), tôi vẫn nghĩ phim nó lành mạnh có hình dung nó như thế đâu, chắc họ lại chiếu sai lệch phim hay thế nào đó”, ông Hạnh hoài nghi.

Về vấn đề này ông Ngô Văn Hợi – Phó giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, Sở đã có thống nhất chủ trương các đối tượng học sinh bao gồm lứa tuổi THCS, THPT và Cao đẳng Y trên địa bàn được đi xem phim trong Liên hoan phim.

Các học sinh THCS đi xem những phim dành cho thiếu nhi, học sinh THPT xem những phim bình thường mà không cấm học sinh dưới 16 tuổi và xem các buổi ban ngày, không xem buổi tối. Sinh viên Trường Cao đẳng Y sẽ xem phim dành cho người lớn (những phim cấm trẻ em dưới 16 tuổi). Đây là lệnh phát ra của Sở GD&ĐT. Ông Hợi cũng cho biết, Sở đã có phân định như vậy, nên các em học sinh THCS vào nhầm rạp thì trước hết Ban tổ chức phải chịu trách nhiệm, Sở không phải là chỉ đạo chung chung học sinh muốn xem gì thì xem.

“Tôi cũng có đi dự một buổi xem phim “Lấy chồng người ta”, tôi thấy cũng có một số em thiếu niên chưa chắc đã vượt quá 16 tuổi, tôi có hỏi quản lí (tình nguyện viên phát phiếu) có kiểm soát được những cháu này không vì trông có vẻ là chưa đủ tuổi. Tình nguyện viên có trả lời là đông quá cũng không để ý được, tôi bảo thế là không được. Chúng tôi xem những phim đó còn thấy khó chịu nữa là để những đứa chưa đủ tuổi xem”, ông Hợi chia sẻ.

Quan điểm của ông Hợi cho rằng, chủ trương vẫn là để cho các em học sinh xem đúng độ tuổi, trẻ em xem đúng phim dành cho trẻ em thì lúc đó các em thể hiện ý kiến ở các ô “thích và không thích” sẽ gần hơn, thống nhất không cho học sinh tiểu học đi xem vì đi đường xa khó khăn.

“Sự cố” khiến nhiều học sinh lớp 7 đỏ mặt khi xem “Scandal - Bí mật thảm đỏ" được lãnh đạo Sở GD&ĐT Quảng Ninh đưa ra nguyên nhân, nhưng đều khẳng định trách nhiệm thuộc về Ban tổ chức Liên hoan phim. Ông Hợi cho biết, nguyên nhân thứ nhất có thể  khi Ban tổ chức xây dựng danh sách phim không quán xuyến kĩ nội dung phim, nghĩ rằng phim nào có phụ đề nói rõ là “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” xem, những phim khác có thể là Ban tổ chức chưa được xem nội dung. Mặc dù phim không có phụ đề “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” nhưng có thể có một vài cảnh nóng mà không soát được.

Một trong những cảnh nóng của phim.
Một trong những cảnh nóng của phim.

Thứ hai, nếu phim có ghi “Cấm trẻ em dưới 16 tuổi” thì người đứng ở cửa các phòng chiếu có ít nhất 2 người, vừa để hướng dẫn và phát phiếu điều tra, họ phải làm việc đó. Ông Hợi khẳng định Sở không có ý gì làm việc tách trách vì hơn ai hết ngành Giáo dục đào tạo rất nhạy cảm chuyện trẻ em xem những phim không đáng xem.

“Năm nay Ban tổ chức có thể làm cũng hơi vội, huy động học sinh của chúng tôi cũng vội, quảng cáo cũng chậm và vướng vào quốc tang nữa nên việc theo dõi các khu vực chưa được chặt chẽ. Tôi ngại nhất  hôm 14/10 là hôm khai mạc nhưng vẫn chiếu, đích thân tôi phải đi xem đúng vào phòng chiếu phim dành cho người lớn và cấm trẻ em dưới 16 tuổi thì thấy là các em tình nguyện viên làm cũng nhiệt tình nhưng có thể ý thức các em chưa làm chủ được vấn đề đó”, ông Hợi lí giải.

Trước đó, như báo chí đã đưa tin, trong thời gian diễn ra Liên hoan phim tại Quảng Ninh, học sinh lớp 7 trường THCS Cao Xanh (Tp. Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh) được nhà trường tổ chức đi xem phim miễn phí tại rạp Phương Nam. Thay vì xem các bộ phim hoạt hình hay những bộ phim phù hợp với lứa tuổi, các em lại phải xem phim "Scandal - Bí mật thảm đỏ".

Tuy rằng đây là một trong những bộ phim được đánh giá cao nhưng đó là bộ phim hoàn toàn không phù phù hợp với độ tuổi 13, 14 của các em học sinh. Ngoài ra, tác phẩm này có chứa một số "cảnh nóng" và hình ảnh khiến người lớn cũng phải đỏ mặt.
Xuân Trung