Nghề giáo viên chủ nhiệm

02/08/2020 06:46
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Theo tôi cho dù là giáo viên dạy bộ môn ít tiết hay nhiều tiết thì các thầy cô đều cần có sự tận tâm với các con, cũng như sự nhiệt huyết trong giảng dạy.

“Sau 3 năm về giảng dạy tại trường, tôi được ban giám hiệu phân công làm công tác chủ nhiệm, thời điểm đó tôi được chủ nhiệm tiếp lớp 11, đây là lớp S liên kết chủ yếu học tiếng Anh, xu hướng của lớp này là sẽ đi du học.

Những ngày đầu tiếp xúc trải nghiệm cùng với lớp tôi thấy rất thú vị, cảm thấy mình cần có sự tin tưởng ở các con, như vậy mới có sự gắn kết sẻ chia giữa cô và trò.

Mỗi tuần tôi có 2 tiết dạy ở lớp đó và thêm 1 tiết sinh hoạt, với thời gian gần với lớp quá ít nên tôi đã tận dụng thêm tiết chào cờ, những lúc hoạt động ngoại khóa để tìm hiểu tâm tư các con.

Thậm chí những lúc ngồi trên xe đi dã ngoại tôi cũng trao đổi, cùng tham gia các hoạt động để từng bước gắn kết tình cảm cô và trò.

Tôi cũng thường xuyên nói chuyện với giáo viên bộ môn để nắm bắt được tình hình học tập của từng con, biết được em nào đang gặp khó khăn để kịp thời cùng với giáo viên bộ môn tháo gỡ”.

Cô Đào Thị Hiền giáo viên dạy môn Tin học - Chủ nhiệm lớp 12D II Trường trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) đã chia sẻ khi trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam.

Cô Đào Thị Hiền giáo viên dạy môn Tin học - Chủ nhiệm lớp 12D II Trường trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Cô Đào Thị Hiền giáo viên dạy môn Tin học - Chủ nhiệm lớp 12D II Trường trung học phổ thông Đoàn Thị Điểm (Hà Nội). Ảnh: Tùng Dương.

Cô Hiền cho biết: “Năm đó đang chủ nhiệm lớp 11 nhưng có một chuyện khiến tôi nhớ mãi, một em học sinh với hoàn cảnh gia đình khá đặc biệt nên con chểnh mảng dẫn tới sa sút trong việc học.

Khi tôi gặp thì con ngại ngùng không muốn chia sẻ và cũng lảng đi không muốn nói chuyện.

Tôi vẫn kiên trì dành nhiều thời gian hơn để gặp, cố tìm hiểu để mong tháo gỡ, dần dần con thấy tin tưởng hơn và muốn chia sẻ, khi đó tôi mới biết con bị trầm cảm và buổi chiều hàng ngày sau khi xuống xe tuyến con không muốn về nhà.

Đó là điều khiến tôi rất trăn trở và thấy khá nguy hiểm khi con cứ lang thang trên phố. Tôi đã gặp trao đổi với phụ huynh của con để cùng tháo gỡ, sau một thời gian con đã thông về tư tưởng vì có được sự chia sẻ quan tâm hơn từ phía gia đình.

Đồng thời tôi phối hợp với các giáo viên bộ môn, thầy giám thị lưu tâm hơn đến con trong giờ học cũng như giờ ra chơi ở trường.

Cũng rất tuyệt vời là ở trường chúng tôi thì thầy hiệu trưởng có tư tưởng luôn luôn muốn làm những gì tốt nhất cho học sinh, luôn quan tâm đến từng hoàn cảnh của các con.

Điều đáng mừng là em học sinh đó sau một thời gian đã lấy lại được tinh thần, học tập tiến bộ, đỗ tốt nghiệp loại tốt và đi du học ở Anh”.

Theo cô Hiền: "Khi mà các con đã thấu hiểu rằng giáo viên đang làm những điều tốt cho học sinh thì các con và kể cả phụ huynh sẽ thay đổi”. Ảnh cô Hiền cung cấp.

Theo cô Hiền: "Khi mà các con đã thấu hiểu rằng giáo viên đang làm những điều tốt cho học sinh thì các con và kể cả phụ huynh sẽ thay đổi”. Ảnh cô Hiền cung cấp.

Giáo viên dạy Tin học có làm tốt công tác chủ nhiệm?

Cô Hiền chia sẻ: “Hiện tại tôi đang chủ nhiệm lớp 12D II mà tôi đã gắn bó từ đầu năm lớp 10, giờ đây các con đang chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Nhớ ngày đầu tiên nhận lớp tôi cảm thấy khá lo lắng vì mình là giáo viên dạy môn ít tiết mà nhiều người vẫn gọi là môn phụ, tâm lý phụ huynh và các con đều muốn lựa chọn giáo viên bộ môn chính làm chủ nhiệm.

Cũng có nhiều phụ huynh hoài nghi, cho rằng giáo viên bộ môn chính sẽ sát sao về chuyên môn, nắm bắt nhanh hơn giáo viên môn phụ?

Ví dụ, giáo viên môn Toán khi dạy trên lớp nếu có học sinh nào chậm tiếp thu, học yếu hơn thì các thầy cô sẽ nắm bắt ngay.

Nhưng với giáo viên môn ít tiết như tôi lại phải quan sát các con từ bên ngoài tiết học, rồi phải trao đổi với giáo viên bộ môn Toán để nắm bắt tình hình.

Chính vì vậy tôi luôn luôn dành thời gian bám sát các giáo viên dạy bộ môn nhiều tiết để nắm bắt được việc học của các con trên lớp.

Thời gian đó vào đầu năm, lại là lớp mới đầu cấp nên sức học của các con trong lớp không đồng đều, phần lớn các con chuyển đến từ nhiều trường khác nhau và chỉ có một phần nhỏ là học sinh cũ của trường Đoàn Thị Điểm.

Nề nếp sinh hoạt cũng như văn hóa giao tiếp của các con rất khác nhau, các bạn mới chuyển sang thì khá là nhút nhát không tự tin và chỉ chơi với nhau, trong khi các bạn trường tư thục lại rất mạnh dạn, hòa đồng khi giao tiếp.

Vấn đề khó nhất ở đây là làm sao cho các con hòa đồng, gắn kết cùng cuốn theo một nhịp. Tôi đã dành rất nhiều thời gian trống hoặc những tiết sinh hoạt lớp để gần gũi các con.

Xác định mình phải là cầu nối để xóa đi mọi khoảng cách trong lớp nên tôi đã nói chuyện với từng nhóm nhỏ, chia xen kẽ học sinh mới và cũ thành từng tổ trong lớp.

Vào mỗi đầu giờ sáng tôi có 15 phút để tiếp cận với lớp mình chủ nhiệm, những lúc như vậy tôi hỏi chuyện xem tâm tư các con ra sao, các con từ trường nào chuyển đến, các con muốn gì ở cô…?

Ban ngoài giờ của nhà trường cũng rất lưu tâm đến vấn đề này nên thường xuyên có những buổi gặp gỡ các con thông qua những tiết học kỹ năng sống.

Dần dần sau khoảng 3 tháng các con cũng đã mở lòng để trò chuyện, và rất may mắn là các con đã chịu chia sẻ. Những tiết học, giờ ra chơi hay những cuộc đi dã ngoại của lớp tôi thấy các con đã vui vẻ, gắn kết và hòa đồng hơn”.

Cô Hiền chia sẻ: "Cũng rất tuyệt vời là ở trường chúng tôi thì thầy hiệu trưởng có tư tưởng luôn luôn muốn làm những gì tốt nhất cho học sinh, luôn quan tâm đến từng hoàn cảnh của các con". Ảnh cô Hiền cung cấp.

Cô Hiền chia sẻ: "Cũng rất tuyệt vời là ở trường chúng tôi thì thầy hiệu trưởng có tư tưởng luôn luôn muốn làm những gì tốt nhất cho học sinh, luôn quan tâm đến từng hoàn cảnh của các con". Ảnh cô Hiền cung cấp.

Luôn theo sát từng học sinh

Theo cô Hiền: “Ngày nào tôi cũng đến trường gặp các con kể cả những ngày không có tiết dạy, thông qua giáo viên bộ môn tôi nắm bắt những em nào tiếp thu bài chậm hơn các bạn.

Tôi thường hỏi các giáo viên bộ môn là ngày mai lớp sẽ học những phần nào? Tôi cũng xin kế hoạch dạy các bài trong tuần để nắm được và chủ động nhắc nhở hướng dẫn các con.

Tôi dành thời gian trống để ngồi kèm những học sinh tiếp thu chậm, hướng dẫn để con đọc và tìm hiểu trước bài mới, như vậy khi vào tiết học con sẽ không còn cảm giác bỡ ngỡ và cũng dễ tiếp thu bài mới hơn để theo kịp các bạn.

Cũng có những em tôi phải trao đổi với giáo viên bộ môn cần lưu tâm hơn trong giờ học và thường xuyên mời con lên bảng, như vậy sẽ khuyến khích được việc tự giác học tập.

Có một điều rất may mắn là các giáo viên trong nhà trường luôn luôn hợp tác với nhau, thường xuyên phối hợp trao đổi về từng học sinh, chính vì vậy mà sau một thời gian các con đều có tiến bộ”.

Cô Hiền chia sẻ: “Nghĩ lại trong buổi họp phụ huynh đầu năm lớp 10 tôi cảm nhận được sự hoài nghi qua nét mặt, cũng như sự chưa hài lòng của nhiều bậc phụ huynh trong lớp khi biết giáo viên chủ nhiệm dạy Tin học, họ vẫn muốn phải là giáo viên dạy những môn chính.

Nhưng dần dần hết học kỳ 1, qua trao đổi gặp gỡ và qua những việc làm cụ thể tôi dành cho các con thì các bậc phụ huynh cũng đã hiểu ra, rất mừng là cho đến nay qua 3 năm học tôi có được một tập thể ban phụ huynh rất tuyệt vời, rất ủng hộ, chia sẻ và luôn động viên tôi.

Tôi nhớ năm đó tôi quyết định siết chặt kỷ luật để các con tự giác vào nếp học, quan trọng nhất là các con phải tự giác học và ý thức kỷ luật phải tốt. Siết chặt kỷ luật tất nhiên sẽ phải đi kèm với một vài hình phạt như trực nhật, lau bàn ghế.

Nhưng các con đã phản ứng và không chấp nhận bị phạt, đồng thời cả lớp viết đơn gửi lên ban giám hiệu nhà trường yêu cầu đổi giáo viên chủ nhiệm, và người biết tin này sau cùng lại là tôi thông qua một phụ huynh gọi điện thông báo.

Tôi cũng thẳng thắn chia sẻ quan điểm rằng ý các con đã như vậy thì mọi quyết định thuộc về các con, còn nếu ban phụ huynh nhất trí với các con thì tôi cũng sẵn sàng.

Lúc đó tôi cũng rất buồn và có chia sẻ vấn đề này với cô Vũ Anh Tú là phó hiệu trưởng nhà trường, cô Tú đã chia sẻ những kinh nghiệm rất tuyệt vời để những giáo viên như chúng tôi vượt qua mọi thử thách.

Cô Tú đã đưa ra hướng xử chí rất hợp tình hợp lý, sau đó cũng rất may mắn là ban phụ huynh của lớp rất đồng tình và ủng hộ.

Các bác còn muốn tôi làm chặt hơn nữa về kỷ luật học tập, đích thân bác trưởng ban phụ huynh của lớp đã đến gặp ban giám hiệu nhà trường yêu cầu để cô gắn bó với các con cho hết lớp 12.

Buổi học sau đó tôi nhận thấy các con có thái độ ngượng ngùng, một vài con đã chủ động nhắn tin và xin lỗi tôi, tôi cũng rất mừng và coi đó cũng là một cái đòn bẩy để cô và trò gắn kết nhiều hơn, việc này cũng tác động rất nhiều đến việc học tập của các con”.

Học sinh và giáo viên Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) tham gia chương trình Mùa hè xanh 2020. Ảnh nhà trường cung cấp. Học sinh và giáo viên Trường Đoàn Thị Điểm (Hà Nội)
tham gia chương trình Mùa hè xanh 2020. Ảnh nhà trường cung cấp.

Thế mạnh của giáo viên "môn phụ"

Cô Hiền nhấn mạnh: “Theo tôi khi đã là giáo viên chủ nhiệm thì mình gần như là bố mẹ thứ hai của các con khi ở trường, người gắn bó với các con nhiều hơn so với các giáo viên bộ môn.

Là người để các con tin tưởng và chia sẻ những tâm tư, tình cảm hay những khúc mắc lứa tuổi học đường.

Vậy nên dù là giáo viên bộ môn chính hay bộ môn phụ thì các thầy cô đều cần sự tận tâm, nhiệt huyết với các con và công việc.

Tuy nhiên giáo viên bộ môn ít tiết có ưu thế là có nhiều thời gian dành cho các con hơn vì bản thân họ có ít tiết dạy ở trường, đây cũng là yếu tố quan trọng với công tác chủ nhiệm, bản thân tôi đã làm công tác chủ nhiệm cho đến nay đã được hơn 12 năm.

Tôi nghĩ rằng với các giáo viên nói chung và cá nhân tôi nói riêng thì tôi luôn luôn làm những gì tận tâm nhất có thể, cố gắng tất cả vì các con.

Khi mà các con đã thấu hiểu rằng giáo viên đang làm những điều tốt cho học sinh thì các con và kể cả phụ huynh sẽ thay đổi”.

Tùng Dương