“Tôi thấy ở địa phương xung quanh khu vực trường học có tình trạng ô nhiễm môi trường do bã cà phê được các hộ dân ở đây đổ ra dọc hai bên đường sau khi xay thu hoạch, số lượng bã khá lớn nên gây mùi hôi thối và còn làm ô nhiễm nguồn nước.
Xuất phát từ suy nghĩ như vậy và thấy trong chương trình phổ thông có hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, nên tôi và một số giáo viên của trường đã hướng dẫn các em đưa ra hướng xử lý bã cà phê đó, biến chúng thành những giá thể có ích để trồng rau”, trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, thầy Đinh Anh Công - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, cho biết.
Các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị đang chăm sóc những giá thể trồng rau xanh. Ảnh: Thầy Công cung cấp. |
Thầy Công chia sẻ: “Những bã cà phê sau khi xay xong đều bị đổ ra khắp nơi ngoài môi trường, trong khi có thể tận dụng nguồn phế liệu đó một cách có ích hơn.
Tôi đã hướng dẫn các em học sinh thu gom phơi khô bã cà phê đó, ủ theo công thức với vôi bột rồi đổ vào những thùng xốp cũ, biến chúng thành những giá thể trồng rau.
Thầy trò lại cùng nhau tìm tòi, nghiên cứu học hỏi cách làm giá thể, và sau một thời gian đã đạt được thành quả là những lứa rau mầm xanh tốt. Các em học sinh rất phấn khởi chia nhau thành từng tổ luân phiên trong tuần để tưới và chăm sóc cũng như thu hoạch.
Ưu điểm của giá thể bã cà phê này có rất nhiều chất dinh dưỡng, đường glucose nên phù hợp với trồng rau xanh, lượng nước tưới cũng không cần nhiều và đặc biệt là không phải dùng thêm các loại thuốc trừ sâu hóa học nên rau thực sự sạch.
Một yếu tố nữa là trường của chúng tôi ở cách xa trung tâm huyện hơn 25 km với giao thông không thuận tiện, và có hơn 60 em học sinh nội trú nên rất khó khăn về nguồn thực phẩm, đặc biệt là rau xanh, vậy nên nếu tự túc được thì là điều rất quý".
Đàn gia cầm do các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, chăn nuôi. Ảnh: Thầy Công cung cấp. |
Theo thầy Công: "Nguồn rau xanh trồng trên giá thể bã cà phê đã đủ cung cấp trực tiếp cho bếp ăn của nhà trường, số rau này nhà bếp trích kinh phí trả lại cho các em theo giá ngoài thị trường để học sinh gây quỹ hoạt động, chăn nuôi gia cầm, mua sách vở quần áo.
Ngoài tận dụng bã cà phê để trồng rau, các em còn hướng dẫn người dân ủ thành phân vi sinh có ích cũng như cách xử lý hợp vệ sinh, từng bước góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường tại địa phương.
Nhờ vậy người dân vừa có rau xanh sạch để ăn và không còn vứt bã cà phê ra ngoài môi trường. Sắp tới thầy trò chúng tôi sẽ thử nghiệm trồng thêm một vài loại rau, củ quả…trên những giá thể đó.
Không những trồng rau xanh, học sinh còn dùng tiền bán rau để mua gà, vịt giống…về chăn nuôi cải thiện trực tiếp bữa ăn của các em hàng ngày tại trường.
Hiện nay số lượng gà, vịt mà các em đang tự chăn nuôi lên đến hàng trăm con, đây cũng là nguồn cung cấp thịt, trứng tại chỗ rất quan trọng”.
Giao thông đi lại khó khăn thì nguồn gia cầm tự chăn nuôi được đã góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho các em học sinh Trường phổ thông dân tộc bán trú Trung học cơ sở Hướng Phùng, Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị. Ảnh: Thầy Công cung cấp. |
Cơm ở trường dân tộc bán trú ngon hơn ở nhà
Thầy Công cho biết: “Theo quy định các em học sinh nội trú thuộc diện vùng xa khó khăn được nhà nước hỗ trợ 25 nghìn đồng cho 3 bữa ăn trong ngày tại trường, số tiền đó bao gồm tất cả từ chất đốt cho đến lương thực, thực phẩm…
Chính vì thế khi giá thực phẩm tăng cao, giao thông đi lại khó khăn thì nguồn gia cầm tự chăn nuôi được đã góp phần đáng kể vào nâng cao chất lượng dinh dưỡng cho các em học sinh nội trú.
Thậm chí nhiều em học bán trú dù không nằm trong diện được nhà nước hỗ trợ tiêu chuẩn ăn, nhưng gia đình các em cũng đã tự đóng góp 8 nghìn đồng để các cháu ăn một bữa trưa với các bạn nội trú tại trường.
Nhiều phụ huynh rất hoan nghênh và đồng tình với mô hình này, hầu hết các gia đình bận đi làm cả ngày nên không có người chăm sóc các em sau giờ học buổi sáng.
Vậy nên một bữa ăn trưa với 8 nghìn đồng, đầy đủ chất dinh dưỡng lại đảm bảo hợp vệ sinh tại trường đã giúp cho nhiều bậc phụ huynh yên tâm.
Các bữa ăn tại trường được phụ huynh học sinh tham gia giám sát chặt chẽ nên chất lượng đảm bảo. Các cháu rất thích và còn nói rằng ăn tại trường nhiều thức ăn ngon hơn ăn ở nhà.
Hơn nữa, suốt từ năm 2016 đến nay sau những giờ học trên lớp, việc tăng gia trồng rau xanh, chăn nuôi gia cầm cũng góp phần rèn luyện các em học sinh biết yêu lao động, biết quý trọng những sản phẩm do mình làm ra”.
Thầy Công hy vọng: “Về lâu dài chúng tôi cũng tính đến việc giúp các em tìm đầu ra cho sản phẩm rau sạch, có thể sẽ là một dự án khởi nghiệp của học sinh để cung cấp rau cho người dân trên địa bàn.
Tôi cho đây sẽ là một dự án có ý nghĩa đối với các em học sinh dân tộc Pa Kô, Vân Kiều. Hy vọng dự án này thành công sẽ đem lại lợi ích về kinh tế cũng như mở ra một hướng đi mới cho các em ở vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn”.