Người dân sẵn sàng chi trả, sao không chuyển bớt trường công sang trường tư?

11/10/2019 06:20
Tùng Dương
(GDVN) - Khi mà chiếc bánh ngân sách nhà nước đã bé và hạn hẹp, thì vấn đề xã hội hóa giáo dục là tuyệt vời và người dân sẵn sàng đóng góp.

Ngày 9/10, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo chủ đề: “Thể chế hóa tầm nhìn, chỉ đạo của Trung ương về chuyển trường công lập sang tư thục ở địa bàn có điều kiện xã hội hóa cao”.

Tới dự Hội thảo, Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII Lê Như Tiến - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội, chia sẻ quan điểm về vấn đề này:

"Tôi xin phát biểu hai ý, thứ nhất là Trung ương có nghị quyết, Quốc hội có nghị quyết, thể chế hóa nghị quyết chủ chương của Đảng và Luật của Quốc hội.

Luật Giáo dục sửa đổi liên tục 3 lần và đã được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019.

Tôi xin nhấn mạnh và dẫn chiếu 2 điều là điều 16 và 17 của Luật Giáo dục mới nhất, mà đã thể chế hóa rồi, chỉ có điều thực hiện thể chế hóa của Luật Giáo dục như thế nào. 

 Điều 16. Xã hội hóa sự nghiệp giáo dục:

1. Phát triển giáo dục, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước và của toàn dân.

2. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp giáo dục. Thực hiện đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao.

3. Tổ chức, gia đình và cá nhân có trách nhiệm chăm lo sự nghiệp giáo dục, phối hợp với cơ sở giáo dục thực hiện mục tiêu giáo dục, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh.

4. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong sự nghiệp giáo dục được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Đầu tư cho giáo dục

1. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển. Đầu tư trong lĩnh vực giáo dục là hoạt động đầu tư thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện và được ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho giáo dục; ưu tiên đầu tư cho phổ cập giáo dục, phát triển giáo dục ở miền núi, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, địa bàn có khu công nghiệp. Nhà nước khuyến khích và bảo hộ các quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư cho giáo dục.

3. Ngân sách nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong tổng nguồn lực đầu tư cho giáo dục.

Theo tôi đa dạng hóa là cả trường công lập và tư thục, chứ không phải chỉ có công lập, vậy nên chúng ta chuyển sang là đúng theo khoản 2 Luật Giáo dục của Quốc hội đã ban hành rồi, đủ hết rồi.

Chúng ta nói gì cũng phải bám theo Luật, không thể nói chung chung được, nhưng vấn đề thực hiện thể chế hóa của Quốc hội và chỉ thị của Chính phủ thế nào thì lại có vấn đề, chứ chúng ta không thể nói là chưa thể chế hóa.

Điều 16 và 17 của Luật Giáo dục chính là thể chế hóa tầm nhìn và chỉ đạo của Trung ương, vấn đề là thực hiện Luật của Quốc hội đã thông qua thì từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho đến các địa phương, các Sở Giáo dục…như thế nào?

Tại sao chúng ta lại không chuyển trường công lập sang tư thục? Khi mà chiếc bánh ngân sách nhà nước đã bé và hạn hẹp, thì vấn đề xã hội hóa giáo dục là tuyệt vời và người dân sẵn sàng đóng góp.

Chúng ta không băn khoăn gì về chỉ đạo của Trung ương, Luật của Quốc hội, mà cái chính vẫn là đưa các nghị quyết vào hiện thực cuộc sống như thế nào?

Luật đã có rồi mà anh không làm thì chứng tỏ là anh làm sai nghị quyết của Đảng và sai Luật của Quốc hội, trong điều 16 và 17 có ghi rõ là: Ưu tiên, tạo điều kiện cho công lập chuyển sang tư thục, vậy ta đã có rồi.

Tùng Dương