“Người học là sản phẩm của mình, không hướng dẫn, cầm tay chỉ việc sao được!”

10/06/2018 06:52
Đỗ Thơm
(GDVN) - Bác sĩ chuyên khoa 1, Trần Thị Vân Anh - Trưởng khoa Sản bệnh viên Đa khoa Thị xã Phú Thọ nhấn mạnh đến quá trình hướng dẫn sinh viên Cao đẳng Y tế Phú Thọ.

Điều đầu tiên gây ấn tượng với chúng tôi là sự khang trang về cơ sở vật chất, sự sạch sẽ của bệnh viện Đa khoa Thị xã Phú Thọ.

Ngay từ sảnh bệnh viện, chúng tôi đã được nhân viên y tế tiếp đón và chỉ dẫn. Phong cách làm việc chuyên nghiệp, thân thiện của nhân viên bệnh viện thực sự khiến cái nóng oi ả tháng 6 như dịu bớt phần nào.

Đặc biệt, cuộc trò chuyện với vị Trưởng khoa Sản càng củng cố đánh giá của tôi về sự thân thiện, nhiệt tình của y, bác sĩ ở đây.

Được biết, ngoài làm Trưởng khoa Sản tại bệnh viên, bác sĩ Trần Thị Vân Anh còn là giáo viên kiêm chức giảng dạy về khối lâm sàng tại trường Cao đẳng Y tế Phú Thọ.

Bác sĩ Trần Thị Vân Anh. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Bác sĩ Trần Thị Vân Anh. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Hơn 11h sáng, ngay lúc chúng tôi có mặt tại bệnh viện Đa khoa Thị xã Phú Thọ, bác sĩ Vân Anh và các đồng nghiệp vẫn đang tất bật với công việc chuyên môn của mình.

Theo tìm hiểu của phóng viên, ngoài công việc chuyên môn, chị và các cán bộ làm việc ở đây còn có một nhiệm vụ quan trọng. Đó là hướng dẫn sinh viên trường Cao đăng Y tế Phú Thọ làm quen với các nghiệp vụ cần có của một điều dưỡng viên.

Trong căn phòng chăm sóc sản phụ sau sinh, bác sĩ Vân Anh chỉ cho sinh viên của mình cách hướng dẫn người lần đầu làm mẹ cách cho con bú để tránh cho bé bị sặc. Hướng dẫn người nhà chăm sóc sản phụ sau sinh.

Điều đó khiến một người “ngoại đạo” như tôi chợt nghĩ, ai bảo sinh viên thực tập là chỉ “cưỡi ngựa xem hoa”.

Bác sĩ Vân Anh tâm sự: “Mô hình bệnh viện trong trường học là một mô hình mới. Trước đây, trường cũng có gửi sinh viên ra bệnh viện. Tuy nhiên, mối giao kết không chặt chẽ như khi viện và trường "về chung một nhà".

Bây giờ, trường trực tiếp quản lý, các chỉ đạo từ trường đến bệnh viện sát sao hơn, mối quan hệ trở nên gắn kết hơn giữa nhà trường và bệnh viện".

Theo tìm hiểu của phóng viên, trước khi triển khai mô hình viện trong trường, nhiệm vụ của bệnh viện là làm theo hợp đồng ký kết. Còn bây giờ, chính các sinh viên thực tập cũng là sản phẩm của bệnh viện.

Mọi hoạt động phối kết hợp giữa viện và trường trở nên thuận lợi, thông thoáng hơn.

Bác sĩ Vân Anh hướng dẫn sinh viên điều dưỡng thực tập tại khoa Sản. (Ảnh: Đỗ Thơm)
Bác sĩ Vân Anh hướng dẫn sinh viên điều dưỡng thực tập tại khoa Sản. (Ảnh: Đỗ Thơm)

Theo bác sĩ Vân Anh: "Sau khi “về chung một nhà”, nhà trường thường xuyên tổ chức các lớp học cho trưởng khoa, các bác sĩ , điều dưỡng để chúng tôi có kỹ năng về giảng dạy truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên tốt hơn.

Làm chuyên môn tốt nhưng nếu không có kỹ năng sư phạm tốt  thì các em chưa chắc đã tiếp thu hiệu quả.

Chúng tôi bổ sung kiến thức chuyên môn cho nhà trường còn các nữ hộ sinh tại khoa được bổ sung kỹ năng sư phạm hướng dẫn tốt hơn cho các em thực tập".

Đối với bản thân bác sĩ Vân Anh, mô hình này mang lại nhiều thuận lợi cho công việc chuyên môn và giảng dạy của chị.

“Khi đi giảng dạy buộc chúng tôi phải đọc, trau dồi thêm kiến thức. Cùng với đó, muốn đứng trên bục giảng tự tin, chúng tôi cũng phải trau dồi về kỹ năng giao tiếp...Tất cả yêu cầu trên giúp mỗi người phải tự hoàn thiện mình hơn nữa", bác sĩ Vân Anh cho biết.

Đối với sinh viên ra viện thực tập, nhà trường có kế hoạch rõ ràng để nâng cao chất lượng sinh viên.

Trường cũng thường xuyên tổ chức các buổi tọa đàm với bệnh viện để lắng nghe các bác sĩ trao đổi. Tất cả vì mục tiêu đào tạo người học có chất lượng tốt nhất, ra trường có thể vững về chuyên môn, nghiệp vụ.

"Chúng tôi có mục tiêu cụ thể là sau khi thực tập tại khoa Sản, các em phải đạt được các tiêu chí cụ thể.

“Người học là sản phẩm của mình, không hướng dẫn, cầm tay chỉ việc sao được!” ảnh 3Đào tạo tín chỉ, xem xét từ một trường Cao đẳng

Chính bản thân thầy Hiệu trưởng nhà trường cũng thường xuyên trao đổi, lắng nghe tâm tư của các trưởng khoa, cán bộ nhân viên để nâng cao chất lượng.

Bên cạnh đó, sau khi “về chung một nhà”, bệnh viện cũng nhận được thêm nguồn nhân lực chất lượng là các bác sĩ đang làm việc trong trường.

Các giáo viên cũng phải trực, làm việc cùng chúng tôi, chuyên môn của họ cũng được nâng lên ngoài các kiến thức lý thuyết", bác sĩ Vân Anh nhận định.

Bac sĩ Vân Anh cho hay, chính các em ra thực tập, ngay ngày những buổi đầu, chị sẽ sắp xếp gặp gỡ, trao đổi với các bạn.

Các sinh viên sẽ được trao đổi về tinh thần làm việc, thái độ với bệnh nhân, người nhà ra sao.

Cùng với đó, kỹ năng giao tiếp với các bệnh nhân, người nhà như thế nào. Đấy là kỹ năng sống mà sách vở trong trường không dạy. Tuy nhiên với tư cách là Trưởng khoa kiếm giảng viên của sinh viên, chị phải chỉ bảo các em tận tình.

Hai nhà là một, con của mình, mình phải quan tâm hơn. Các em là sản phẩm của viện – trường. Tiêu chí cần phải đạt được là gì sau đợt thực tập, những cán bộ như bác sĩ Vân Anh phải hỗ trợ, hướng dẫn các em làm bằng được.

“Nếu các em sau khi đi thực tập, ra trường đi làm mà “lóng ngóng” không biết, không làm được việc thì chính uy tín của bản thân chúng tôi cũng bị ảnh hưởng.

Vì thế, mỗi sinh viên thực tập ở đây đều được “cầm tay chỉ việc” làm thành thạo, chúng tôi mới có thể yên tâm”, bác sĩ Vân Anh khẳng định.

Theo vị trưởng khoa Sản, mô hình này dù mới với các trường Cao đẳng Y tế nhưng nó rất thuận lợi cho nhà trường, bệnh viện, giáo viên, học sinh, sinh viên. Tất cả cùng được lợi từ việc “về chung một nhà” này.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc bệnh viện.
Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc bệnh viện.

Thạc sĩ Nguyễn Anh Vũ, Phó Giám đốc bệnh viện Đa khoa Thị xã Phú Thọ, cho biết: “Mỗi ngày số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú tại viện dao động từ 380 – 480 bệnh nhân. Số bệnh nhân nội trú đều đặn là 400. Với số lượng này, hầu hết số giường bệnh đều kín”.

Những con số này phần nào nói lên sự tin tưởng của bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào dịch vụ chăm sóc sức khỏe tại đây. Kết quả này có được chính là do sự phối hợp hiệu quả giữa trường và viện. Sự cố gắng, nỗ lực của nhân viên y tế, bác sĩ, giảng viên và chính các sinh viên thực tập ở đây.

“Mô hình này thực sự giúp mối quan hệ giữa bệnh viện và trường học gắn bó hữu cơ hơn. Việc phối hợp, điều hành trong kế hoạch giảng dạy và thực tập được điều chỉnh phù hợp, thuận lợi nhất. Đặc biệt, các sinh viên đi thực tập không có bất cứ xáo trộn gì về nơi ăn, chốn ở.

Hơn một nửa thời gian học tập của sinh viên chính là thực tập ở bệnh viện. Chính vì thế, sự gắn kết giữa hai bên là điều kiện tiên quyết để có nguồn nhân lực y tế chất lượng”, ông Vũ nhận định.

Đỗ Thơm