Người thương binh nặng lòng với giáo dục truyền thống, lịch sử dân tộc

02/08/2020 06:50
Vũ Ninh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chiến tranh đã lùi xa nhưng nhịp hành quân của người thương binh Lê Xuân Niêm chưa bao giờ đứt đoạn. Tiếng bước chân rộn ràng trên hành trình tiếp lửa thế hệ trẻ.

Thế chấp nhà, vay tiền ngân hàng mở Trung tâm giáo dục truyền thống

Gần 30 năm trước, tiếng hát khúc quân hành trên con đường binh nghiệp kéo dài 27 năm của ông Lê Xuân Niêm dừng lại.

Năm 1992, ông Niêm quyết định xin xuất ngũ để hoàn thành nguyện vọng của đời mình: Tri ân đồng đội và giáo dục thế hệ trẻ truyền thống văn hóa, lịch sử dân tộc; tình yêu quê hương, đất nước.

Rời xa mái nhà Quân đội Nhân dân Việt Nam không có nghĩa là dư âm của "tiếng súng" trong lòng ông Niêm đã tắt. Đó là âm vang nghĩa tình đồng đội, như định mệnh từ trái tim người lính cứ vang lên.

Ông day dứt khi nghĩ tới đồng đội đã hy sinh nhưng giờ vẫn còn nằm đâu đó nơi rừng hoang, suối lạnh.

Khi còn tại ngũ, ông có nhiều năm làm công tác chính sách nên trong tay có hàng nghìn thông tin về phần mộ của các liệt sĩ. Nhưng ông không biết làm thế nào để thông báo hết cho thân nhân của đồng đội được. Vả lại khi đó, phương tiện liên lạc còn khó khăn và địa điểm an táng các liệt sĩ vẫn có người coi là những thông tin không được công khai.

Sau nhiều ngày suy nghĩ, ông đã có một cách làm độc đáo: Đề xuất với một số trường học ở Hà Nội phát động phong trào “Uống nước nhớ nguồn, tiếp bước cha anh”, tổ chức cho các em học sinh gửi tin tức về phần mộ các liệt sĩ.

Kết quả là chỉ trong một ngày, ba nghìn lá thư kèm theo những thông tin về nơi an táng các liệt sĩ đã được gửi đi khắp nơi. Phong trào không những đã đáp ứng niềm trông đợi của gia đình thân nhân các liệt sĩ mà còn góp phần giáo dục thế hệ trẻ học đường. Hoạt động này được Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trực tiếp dự, động viên và khen ngợi.

Thành công bước đầu đã đưa ông Lê Xuân Niêm đến với các hoạt động ở Ban tư vấn nhân đạo và người cao tuổi, sau đó là Phòng Giáo dục truyền thống và phát triển lên thành Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử thuộc Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam.

Nhiệm vụ của Trung tâm không chỉ là cung cấp thông tin về liệt sĩ mà mở rộng và tập trung vào hoạt động tuyên truyền giáo dục truyền thống, lịch sử và tôn vinh người có công… Đây là lĩnh vực khó, ít người dám làm. Trung tâm lại phải tự lực về tài chính để tồn tại và phát triển.

Nhiều hoạt động hướng đến đối tượng là thế hệ trẻ của Trung tâm (Ảnh:NVCC)

Nhiều hoạt động hướng đến đối tượng là thế hệ trẻ của Trung tâm (Ảnh:NVCC)

Đợt dịch Covid-19 vừa qua đã ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình tài chính của Trung tâm thế nhưng điều đó không khiến ông Niêm nản chí. Cái chất của người lính Cụ Hồ toát lên khi ông nói về những khoản nợ đi vay để duy trì hoạt động trung tâm cứ nhẹ như không:

“Mấy năm trước tôi phải vay ngân hàng một tỷ đồng, vì liên tiếp các hoạt động bị âm. Năm ngoái đã trả được một nửa, nhưng “dư chấn COVID-19” lại làm tôi phải đi vay 500 triệu đồng nữa để duy trì hoạt động của trung tâm. Tôi là giám đốc, phải có trách nhiệm với nhân viên, phải tìm mọi cách để duy trì bộ máy”.

Khó khăn là thế nhưng chưa bao giờ người cựu chiến binh Lê Xuân Niêm cảm thấy sờn lòng, đối với ông Niêm được sống và vượt qua thời kỳ chiến tranh đã là một đặc ân mà những người đồng đội trao cho ông.

Ông Niêm trăn trở: “Trách nhiệm của người lính khiến tôi không thể dừng lại. Trách nhiệm đó là trách nhiệm với những người đồng đội đã nằm xuống và trách nhiệm đối với thế hệ trẻ.

Do vậy Trung tâm của tôi không chỉ có những hoạt động tri ân các gia đình thương binh, liệt sĩ mà còn có các hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, tự hào về lịch sử dân tộc với thế hệ trẻ”.

Ông Lê Xuân Niêm (Ảnh:U.N)

Ông Lê Xuân Niêm (Ảnh:U.N)

Đam mê văn hóa, truyền thống dân tộc

Hơn 2 triệu lượt người tham gia những chuyến đi về nguồn; 700 cựu chiến binh sang thăm nước bạn Lào; 550 cựu chiến binh, thanh niên xung phong, học sinh, sinh viên tiếp bước hành trình Theo dấu chân thần tốc - rước tượng Bác Hồ vào Nam...

Có bạn trẻ tham gia trải nghiệm đã thốt lên: “Mỗi bước đi đều thêm yêu Tổ quốc, kính yêu Bác và yêu mến những con người cần lao”…

Đó là những con số biết nói và các ví dụ tiêu biểu trong hàng nghìn hoạt động của Trung tâm Giáo dục truyền thống và lịch sử hơn 20 năm qua.

Trong suốt những chuyến hành trình rong ruổi khắp đất nước, nguyện vọng của ông Lê Xuân Niêm: làm thế nào để thổi ngọn lửa tự hào và tình yêu đất nước, lịch sử và văn hóa truyền thống đến các bạn trẻ.

Nghĩ là làm, đằng đẵng từng ấy năm, Trung tâm của Giám đốc Lê Xuân Niêm đã tổ chức chức các chuyến “về nguồn”: Về với các triều vua, các anh hùng dân tộc, các danh nhân văn hóa, di tích lịch sử – văn hóa cách mạng, đặc biệt là các chuyến “về nguồn với Bác Hồ” để truyền bá tư tưởng, đạo đức của Người.

Điều khiến ông Lê Xuân Niêm trăn trở là làm sao có được cách làm phù hợp để làm sống động lịch sử, tạo dấu ấn trong mỗi chuyến đi, tránh cách làm sáo mòn, đơn điệu vẫn tồn tại bấy lâu nay.

Sau nhiều tìm tòi, thử nghiệm, ông đã áp dụng các hình thức tuyên truyền mới rất có hiệu quả. Trong các chuyến đi, ông lồng ghép hoạt động với các lễ nghi như đặt hoa, tưởng niệm, kèm theo văn tế ca ngợi công đức các danh nhân, các triều đại, phù hợp với đối tượng và địa danh lịch sử.

Bên cạnh đó, ông còn biến chiếc xe chở các đoàn “về nguồn” thành “nhà văn hóa lưu động”, thành “sân khấu”. Ở đó, cán bộ Trung tâm sẽ tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, động viên mọi người cùng hăng hái tham gia kể chuyện, ca hát, tâm sự, chia sẻ, trút bầu tâm sự.

Nhất là với lớp người đã tham kháng chiến, họ được vinh danh và như sống lại với những hoài niệm, ký ức cùng đồng chí, đồng đội và bạn đồng hành. Hành trình chuyến xe như được rút ngắn, ai cũng khỏe ra.

Một lòng trăn trở với giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ (Ảnh:NVCC)

Một lòng trăn trở với giáo dục truyền thống, lịch sử cho thế hệ trẻ (Ảnh:NVCC)

Ông Lê Xuân Niêm chia sẻ: “Nhọc nhằn lắm, hoạt động chính của trung tâm là các chuyến đi về nguồn, nhưng lại không thể như cách làm của các đơn vị du lịch, vì “khách du lịch” của trung tâm là những đối tượng chính sách, thân nhân liệt sĩ, nên chúng tôi không thể nào “cắt phần trăm” từng suất ăn, từng phòng ở của mọi người được.

Chúng tôi cứ làm, không biết là sẽ còn phải làm đến bao giờ, và cũng không hình dung được là đã kéo dài đến 28 năm qua. Thực sự là nhiều lúc cũng muốn buông đấy, nhưng rồi anh chị em trong trung tâm lại động viên nhau tiếp tục.

Cán bộ nhân viên ở đây không có lương mà chỉ có phụ cấp và công tác phí nhưng mọi người vẫn làm bằng cả niềm say mê của mình.

Bởi tri ân những người đã hy sinh để có được hòa bình đâu phải chỉ là trách nhiệm của nhà nước, cũng đâu phải là chuyện ngày một ngày hai”.

Trong lòng ông vẫn luôn canh cánh một nỗi lòng với thế hệ trẻ, đôi bàn chân vẫn rộn ràng theo nhịp quân hành: “Đời mình là một khúc quân hành, đời mình là bài ca chiến sĩ…” cứ vang vọng mãi không thôi.

Vũ Ninh