Người trong cuộc nói thẳng, dạy thêm là nguyên nhân khiến đạo thầy - trò méo mó

05/02/2020 06:41
Nam Dương
(GDVN) - "Tôi cho rằng: Một trong những nguyên nhân khiến cho mối quan hệ thầy – trò ngày càng xuống cấp và mất giá trị đạo đức đó chính là việc dạy thêm trái phép".

Trong ngày mùng 3 Tết, cô giáo Vũ Hoài Phương (Nam Định) tất bật quét dọn đón học sinh đến thăm nhà. Năm nào cũng vậy, theo thông lệ cứ đến ngày 3 Tết cô Phương lại ở nhà đón hàng chục đoàn học sinh đến chúc Tết.

Hàn huyên câu chuyện đầu năm, cô Phương không ngại nói thẳng: “Tôi làm công tác chủ nhiệm cũng được 15 năm. Thật lòng mà nói tôi cảm nhận mối quan hệ thầy – trò hiện nay không được như trước.

Chỉ khoảng 5-7 năm trước mình nói học sinh nghe đều tăm tắp. Thời điểm đấy dù học sinh có cá biệt đến mấy cũng không dám cãi lại thầy cô. 

Hiện giờ làm công tác chủ nhiệm có quát, mắng học sinh vài câu có những bạn sẵn sàng cãi lại. Vì sao lại như thế?”.

Tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã “đì” con tôi!
Tôi xin cảm ơn quý thầy cô đã “đì” con tôi!

Cô Phương thở dài: “Tôi cảm nhận tình cảm thầy – trò và sự kính trọng, tôn sư trọng đạo hiện nay không còn được như ngày trước.

Mình cảm thấy học trò hiện nay có khoảng cách với mình”.

Lý giải về điều này, cô Phương cho rằng sự tiêm nhiễm của mặt trái cơ chế thị trường đã khiến mối quan hệ đạo đức, tôn sư – trọng đạo thành mối quan hệ của người mua chữ - người bán chữ. Nghề giáo hiện nay đã không còn là nghề trồng người nữa mà còn là nghề để nhiều người làm giàu, kiếm sống.

Cũng là người trong ngành, cô Phương hoàn toàn không đồng tình với việc ép buộc học sinh phải đi học thêm. Đây cũng là một trong những lý do khiến khoảng cách thầy – trò ngày càng ngăn cách:

“Chuyện dạy thêm, học thêm là một trong những lý do khiến cho khoảng cách thầy – trò ngày càng xa. Tôi nói vậy không phải vì tôi không dạy thêm nên nói cho đẹp miệng. 

Tôi nói vậy vì tôi thực sự lo lắng nghề giáo viên sẽ không còn giữ được cái mác nghề cao quý. Tôi cho rằng bất kể người giáo viên nào yêu nghề, trăn trở với nghề đều có chung cảm nhận như tôi”.

Dạy thêm trái phép là nguyên nhân khiến đạo thầy - trò xa cách (Ảnh:V.N)
Dạy thêm trái phép là nguyên nhân khiến đạo thầy - trò xa cách (Ảnh:V.N)

Về chuyện dạy thêm, học thêm cô Phương chỉ ra những vấn đề mà ngay bản thân cô cũng không đồng tình.

Thứ nhất: Có nhất thiết phải dạy thêm, học thêm hay không? Một số cấp học đặc biệt là ôn thi cuối cấp việc học thêm, dạy thêm là có cần thiết. Tuy nhiên ở một số cấp học chẳng hạn như Tiểu học hoặc lớp 6 có cần thiết phải học thêm hay không? Trong khi học sinh lớp 9 mới thi lên cấp và khối lượng kiến thức lớp 6 trong đề thi cấp 3 gần như là không có. 

Như vậy tại một số cấp học không cần thiết phải học thêm. Trong khi đó các cô đua nhau mở lớp dạy thêm cho học sinh cấp 1, cấp 2.

Thứ hai: Việc dạy thêm chỉ thực sự tốt khi nó dựa trên tinh thần tự nguyện.Tự nguyện ở đây là học sinh có quyền lựa chọn đi học thêm hoặc không đi học thêm?Tự nguyện lựa chọn môn học và giáo viên dạy thêm. Chứ không phải là ép buộc học sinh của thầy A, cô B thì phải học thêm tại nhà thầy A, cô B.

Thứ ba: Có rất nhiều hình thức ép buộc học sinh phải đi học thêm. Một trong những hình thức giáo viên,phụ huynh phản đối nhất đó chính là chỉ dạy nửa vời ở lớp sau đó mang về lớp dạy thêm để dạy phần còn lại.

Nếu sòng phẳng học sinh có lựa chọn các thầy cô dạy thêm là giáo viên của mình hay không? (Ảnh:V.N)
Nếu sòng phẳng học sinh có lựa chọn các thầy cô dạy thêm là giáo viên của mình hay không? (Ảnh:V.N)

Cô Phương bức xúc: “Tôi công tác trong ngành gần 20 năm.Tôi không lạ gì chiêu trò của các thầy cô giáo dạy thêm. Họ chỉ dạy nửa vời sau đó mang về nhà dạy nốt phần còn lại. 

Như vậy các em học sinh muốn học thì phải đến nhà cô, nhà thầy để học thêm. Nếu không học thì lại không biết.

Hình thức thứ hai là ưu tiên học sinh học thêm và trù dập học sinh không đi học thêm. Hình thức này có thể biểu hiện như lộ đề kiểm tra, đề thi cho học sinh đi học thêm hoặc nâng điểm cho học sinh ruột của giáo viên”.

Điều cô Phương cảm thấy buồn nhất là sự “đồng lõa” của một bộ phận quản lý, hiệu trưởng, giáo viên; sự bất lực, thỏa hiệp của phụ huynh và nỗi buồn,sự đè nén của học sinh.

Những đứa trẻ bị đè nén trong vòng xoáy học thêm, dạy thêm khiến người lớn cần phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình (Ảnh:N.D)
Những đứa trẻ bị đè nén trong vòng xoáy học thêm, dạy thêm khiến người lớn cần phải suy nghĩ về trách nhiệm của mình (Ảnh:N.D)

Cô Phương chia sẻ những câu chuyện thực tế: “Cách đây khoảng vài năm tại tỉnh của tôi học sinh chỉ mất khoảng 10.000 đồng cho một buổi học thêm nhưng hiện nay con số đó có thể lên đến 100.000 đồng. 

Nguồn lợi quá lớn khiến nhiều giáo viên bất chấp để dạy thêm. Sự đồng lõa của đồng nghiệp, sự bao che của hiệu trường và sự thỏa hiệp của giáo viên khiến việc ngăn chặn dạy thêm trái phép gần như bất lực.

Tôi từng chứng kiến có những học sinh vừa ra khỏi lớp học thêm đã nói thẳng: Thầy dạy chẳng ra làm sao. Hoặc cũng có những em tâm sự thẳng: Bố mẹ em bảo thôi bỏ ra mấy trăm bạc để làm vui lòng thầy cô. Số tiền đó coi như cho thầy.

Nghe học sinh nói vậy tôi cảm thấy đau lòng và tổn thương vô cùng. Không biết những giáo viên như vậy khi nghe những điều này họ nghĩ thế nào?”.

Kết thúc câu chuyện mùng 3 Tết cô Phương đúc rút 1 câu nói như là một sự chiêm nghiệm trong quãng đời gần 20 năm dạy học: “Cuộc sống vốn rất công bằng, Tôn sư và Trọng đạo là 2 vế không thể tách rời.

Khi chúng ta đối xử với học sinh dựa trên các tiêu chuẩn kim tiền thì cũng đừng mong học sinh lấy lễ nghĩa đáp lại chúng ta. Đúng thật là những điều trông thấy mà đau đớn lòng”.

Nam Dương