Nhà trường sai luật khi giữ bằng, buộc giáo viên muốn nghỉ việc báo trước 5 năm

19/07/2018 07:16
Hà Dung
(GDVN) - Luật không cho phép người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng của người lao động, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính từ 20-25 triệu.

Vụ việc một giáo viên ở Trường trung học cơ sở Chu Văn An (thuộc hệ thống giáo dục Chu Văn An, Đồng Hới, Quảng Bình) khi muốn nghỉ việc phải bồi thường đến 60 triệu đồng vì trước đó đã ký một bản hợp đồng lao động “oái ăm” với nhà trường đang khiến dư luận xôn xao.

Trong bản hợp đồng đó còn có nội dung giáo viên muốn nghỉ việc phải báo trước 60 tháng (5 năm).

Nếu không báo trước, giáo viên phải nộp phạt cho trường khoản tiền bằng 12 tháng lương cao nhất, hoàn trả cho trường toàn bộ số tiền bảo hiểm mà trường đã đóng cho giáo viên đó trong thời gian làm việc.

Khi vào làm việc, trường còn giữ luôn bằng tốt nghiệp Đại học (bản gốc) để “giữ chân”.

Nếu không thực hiện việc báo trước hoặc bồi thường tiền như yêu cầu của nhà trường thì giáo viên sẽ bị giữ luôn bằng gốc đến khi nộp đủ mới được lấy ra. 

Trước tiên cần khẳng định, việc ký kết hợp đồng với nội dung như trên và giữ bằng tốt nghiệp của giáo viên là trái quy định pháp luật. Cần phải xử lý nghiêm để đảm bảo quyền lợi của người lao động. 

Quyền và nghĩa vụ của người lao động khi nghỉ việc

Bộ Luật lao động quy định rất rõ về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động và nghĩa vụ khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Một số giáo viên trong hệ thống giáo dục Chu Văn An bị giữ văn bằng gốc. Ảnh: NP
Một số giáo viên trong hệ thống giáo dục Chu Văn An bị giữ văn bằng gốc. Ảnh: NP

Theo đó, tại điều 37 Bộ luật lao động quy định cụ thể về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động như sau:

Điều 37. Quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn, hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trước thời hạn trong những trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

b) Không được trả lương đầy đủ hoặc trả lương không đúng thời hạn đã thỏa thuận trong hợp đồng lao động;

c) Bị ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động;

d) Bản thân hoặc gia đình có hoàn cảnh khó khăn không thể tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động;

đ) Được bầu làm nhiệm vụ chuyên trách ở cơ quan dân cử hoặc được bổ nhiệm giữ chức vụ trong bộ máy nhà nước;

e) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền;

g) Người lao động bị ốm đau, tai nạn đã điều trị 90 ngày liên tục đối với người làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn và một phần tư thời hạn hợp đồng đối với người làm việc theo hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục.

Như vậy, nếu là một người lao động đang ký hợp đồng lao động có thời hạn (từ đủ 12 đến 36 tháng), hợp đồng mùa vụ hoặc hợp đồng dưới 12 tháng mà có các lý do chính đáng nêu trên thì được quyền nghỉ việc. 

Tỉnh yêu cầu huyện xử lý kỷ luật vụ chậm xét tuyển đặc cách 11 giáo viên

Kèm theo các lý do nếu trên thì khi chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động có nghĩa vụ báo trước cho người sử dụng lao động. Thời hạn báo trước được quy định rõ tại khoản 2 điều này như sau:

2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo quy định tại khoản 1 điều này, người lao động phải báo cho người sử dụng lao động biết trước:

a) Ít nhất 3 ngày làm việc đối với các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và g khoản 1 điều này;

b) Ít nhất 30 ngày nếu là hợp đồng lao động xác định thời hạn; ít nhất 03 ngày làm việc nếu là hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn dưới 12 tháng đối với các trường hợp quy định tại điểm d và điểm đ khoản 1 điều này;

c) Đối với trường hợp quy định tại điểm e khoản 1 điều này thời hạn báo trước cho người sử dụng lao động được thực hiện theo thời hạn quy định tại điều 156 của Bộ luật này.

Riêng đối với các cá nhân có ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn  (Có thời điểm bắt đầu nhưng không có thời điểm kết thúc) thì không cần lý do chính đáng được luật quy định mà chỉ cần báo trước 45 ngày thì được xem là chấm dứt hợp đồng đúng pháp luật

Cụ thể, tại khoản 3 điều này quy định:

3. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, nhưng phải báo cho người sử dụng lao động biết trước ít nhất 45 ngày, trừ trường hợp quy định tại điều 156 của Bộ luật này.

Như vậy có nghĩa, không phải cứ nghỉ việc là vi phạm hợp đồng mà luật đã quy định quyền được chấm dứt hợp đồng của người lao động.

Nếu nghỉ trái luật thì đền bù nửa tháng tiền lương và số ngày chậm báo trước

Nếu không có các lý do và không đảm bảo việc thông báo trước theo quy định tại điều 37 mà người lao động vẫn nghỉ việc thì bị xem là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật.

Giáo viên có phải bắt buộc trực trường trong thời gian nghỉ hè?

Khi đó, người lao động phải chịu các điều khoản ràng buộc do vi phạm, được quy định tại điều 43 Bộ luật lao động, cụ thể:

Điều 43. Nghĩa vụ của người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại điều 62 của Bộ luật này.

Tức là nếu không đảm bảo 1 trong 2 yếu tố: có lý do chính đáng và báo trước (3 ngày, 30 ngày hoặc 45 ngày tùy theo loại hợp đồng) thì giáo viên khi nghỉ việc phải bồi thường cho Trường ½ tháng tiền lương theo hợp đồng và số tiền tương ứng với tiền lương những ngày chậm báo trước.

Ngoài ra, nếu giáo viên đó được trường đào tạo thì phải đền bù các khoản đào tạo mà người sử dụng lao động đã chi trả cho giáo viên đó. Nhưng chi phí này phải có chứng từ chi hợp pháp.

Giữ bằng gốc bị phạt từ 20 đến 25 triệu đồng

Tại điều 20 Bộ Luật lao động quy định về những hành vi người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động, đó là: Giữ bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động” và “yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động”

Người lao động khắc khoải vì mất việc, huyện Như Thanh trả lời vô cảm!

Trường Trung học cơ sở Chu Văn An là người sử dụng lao động thì phải chịu sự điều chỉnh của Bộ luật lao động chứ không phải là ngụy biện rằng “đó là sự thỏa thuận của hai bên”.

Vì sự thỏa thuận chỉ được xem là hợp pháp khi thỏa thuận đó không trái quy định pháp luật.

Hành vi giữ bằng gốc của người lao động có thể bị xử phạt từ 20 đến 25 triệu đồng. Cụ thể theo điểm a khoản 2 điều 5 nghị định 80/2015/NĐ-CP có quy định:

Điều 5. Vi phạm quy định về giao kết hợp đồng lao động

2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau đây:

a) Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động;

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc trả lại bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ đã giữ của người lao động đối với hành vi vi phạm quy định tại đim a khoản 2 điều này;

Hà Dung