LTS: Nhằm bày tỏ nỗi niềm đồng cảm cùng sự chia sẻ trước những khó khăn, vất vả của các giáo viên dạy hợp đồng, thầy giáo Kiên Trung cho rằng, không thể để tình trạng này kéo dài hơn nữa.
Các cấp quản lý giáo dục, Phòng, Sở Giáo dục - Đào tạo và chính quyền địa phương, huyện, tỉnh cần có những biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết vấn đề, cũng như giúp cho giáo viên hiểu chính xác, đầy đủ các điều kiện trước khi ký kết, làm việc.
Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.
Sau khi đọc bài: “Những Bá Kiến trong ngành giáo dục” của thầy giáo Thanh An trên báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ngày 18/8/2017 bản thân cảm thấy thật thấm thía và thương cảm cho các giáo viên hợp đồng.
Phải là người từng trải qua quãng thời gian làm giáo viên hợp đồng, thầy giáo Thanh An mới có những phản ánh, đánh giá xác đáng đến vậy về thân phận giáo viên hợp đồng, về các mối quan hệ phức tạp, về sự ghê gớm của những Hiệu trưởng (Bá Kiến) ở nhiều nhà trường phổ thông.
Gần đây, hàng trăm giáo viên hợp đồng, trong đó nhiều người đã có thâm niên mười mấy năm công tác, còn có người từng đạt rất nhiều danh hiệu, thành tích, khen thưởng cao… ở các địa phương như tỉnh Thanh Hóa, Quảng Nam, Phú Yên…
Ký hợp đồng với nhà giáo, đừng theo kiểu 'cơm, rượu, tình cảm' |
Họ bị thanh lý hợp đồng, không được hưởng quy chế đặc cách, ưu tiên của Nhà nước khi tuyển dụng mới.
Họ phải chấp nhận làm lại từ đầu, tham gia vào thi tuyển dụng viên chức giáo viên khi địa phương có nhu cầu.
Những kỳ thi tuyển dụng viên chức bây giờ trở nên vô cùng khốc liệt, tỉ lệ chọi rất cao, vài chục giáo viên chỉ nhận được một người.
Rõ ràng, cơ hội để các giáo viên hợp đồng tiếp tục được cống hiến, phục vụ cho giáo dục địa phương là hết sức chật hẹp, mong manh.
Trước hết, các giáo viên hợp đồng chỉ còn tự trách chính mình, tốt nghiệp ra trường đã lâu, khi đó việc vào biên chế không căng thẳng, khó khăn như bây giờ, tại sao không suy nghĩ, tìm hiểu cho kỹ để có điều kiện, cơ hội được tuyển dụng vào biên chế nhà nước từ sớm.
Tiếp đến, có những vị Hiệu trưởng thật gớm ghê, thâm độc, thừa biết nhu cầu tuyển dụng của nhà trường, của địa phương như thế nào nhưng lại giấu giếm, rồi âm thầm ký hợp đồng có thời hạn với những người có nhu cầu để được quan tâm, cung phụng, quà cáp… những dịp Lễ, Tết.
Còn giáo viên hợp đồng thì luôn trong tâm trạng lo lắng, sợ hãi…khi Hiệu trưởng, Hội đồng sư phạm nhà trường đánh tiếng năm tới sẽ có giáo viên biên chế về, phải cắt giảm giáo viên hợp đồng môn nọ, môn kia.
Nên, dù cho tiền lương hợp đồng của họ chỉ được năm, bảy trăm ngàn đến một triệu mấy đi chăng nữa thì thỉnh thoảng vẫn phải đến nhà Hiệu trưởng….để tặng quà.
Hình ảnh minh họa về những nỗi vất vả của các thầy cô giáo khi muốn được ký hợp đồng (Ảnh: Tuoitre.vn) |
Ở xã hội Việt Nam nói chung, ngành giáo dục nói riêng, những mối quan hệ phức tạp, nặng về “chủ nghĩa duy tình”, lo cho người nhà trước rồi mới tới người ngoài….vẫn tiếp tục ngự trị, chi phối các vị có chức, có quyền (trong đó có hiệu trưởng) đối với việc đồng ý ký nhận hay không giáo viên hợp đồng.
Nếu không phải diện bà con, không có quan hệ tốt với Hiệu trưởng thì buộc phải đi “đường vòng” là đúng rồi.
Qua số phận của hàng trăm giáo viên bị thanh lý hợp đồng ở một số địa phương cho thấy sự mập mờ, thiếu sự rõ ràng về các quy định, chính sách của địa phương và ngành giáo dục trong với việc nhận và thanh lý giáo viên hợp đồng.
Từ đó, đã dẫn đến hàng trăm giáo viên hợp đồng ở tỉnh Quảng Nam bức xúc, gởi nhiều đơn thư, kiến nghị lên các cấp trên.
Hơn nữa, một số Hiệu trưởng, dù vô tình hay cố ý, cũng chẳng trông mong gì cho tương lai nghề nghiệp của giáo viên hợp đồng ngày một tươi sáng, tốt đẹp hơn, cứ đến đâu hay đến đó.
Những thay đổi về chủ trương, chính sách của cấp trên không cung cấp, chia sẻ, thậm chí có Hiệu trưởng còn lạm dụng sự thiếu hiểu biết, chủ quan, quá tin người của nhiều giáo viên hợp đồng để trục lợi cho mình.
Không thể để tình trạng này kéo dài hơn nữa, các cấp quản lý giáo dục, Phòng, Sở Giáo dục - Đào tạo và chính quyền địa phương, huyện, tỉnh cần nắm cụ thể số lượng giáo viên hợp đồng có thời hạn và không thời hạn ở các cơ sở giáo dục.
Từ đó, cùng với lãnh đạo các nhà trường hướng dẫn, cung cấp đầy đủ thông tin, chính sách, quy định của nhà nước liên quan đến hình thức lao động này, giúp họ hiểu chính xác, đầy đủ các điều kiện trước khi ký kết, làm việc.