Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam phản hồi nghi vấn về sách giáo khoa Ngữ văn 7

24/09/2020 06:19
Thu Giang
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 22/9, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có Công văn số 1937/NXBGDVN phản hồi phản ánh của độc giả về việc thông tin trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập hai.

Nội dung cụ thể công văn như sau:

"Ngày 24/8/2020, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam (giaoduc.net.vn) có đăng bài của tác giả Nhất Mạt Hương bàn về bức ảnh Tượng Quan Âm Thị Kính ở trang 112 trong sách giáo khoa Ngữ văn 7, tập hai hiện hành (bài viết Nghi vấn về một lỗi sai tồn tại gần 20 năm trong sách giáo khoa Ngữ văn 7).

Sau khi đối chiếu bức ảnh này với bức ảnh Tượng Quan Âm Thị Kính mà tác giả vừa chụp được tại chùa Tây Phương, tác giả đã nêu ra hai ý kiến: một là hai bức tượng hoàn toàn khác nhau; hai là, trên nhận định ấy, tác giả cho rằng phần ghi dưới bức ảnh ở sách giáo khoa: Quan Âm Thị Kính - tượng ở chùa Tây Phương là không chính xác.

Hình ảnh tượng Quan Âm Thị Kính trong sách Ngữ văn 7, tập hai (bên trái) và ảnh tượng Quan Âm Thị Kính do tác giả chụp tại chùa Tây Phương.

Hình ảnh tượng Quan Âm Thị Kính trong sách Ngữ văn 7, tập hai (bên trái) và ảnh tượng Quan Âm Thị Kính do tác giả chụp tại chùa Tây Phương.

Về việc này, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam xin phản hồi như sau:

1. Nhận xét về sự khác nhau của hai bức ảnh là hoàn toàn chính xác, vì hai bức ảnh chụp hai bức tượng khác nhau.

2. Tuy nhiên, tác giả kết luận việc chú thích dưới bức ảnh trong sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập hai) là sai, thì không đúng.

Bức ảnh tượng trong sách giáo khoa được chụp từ một cuốn sách có lai lịch rõ ràng. Đó là cuốn SZTUKA WIETNAMU (Nghệ thuật Việt Nam) do Nhà xuất bản Corvina Budapeszt và Nhà xuất bản Arkady Warszawa in tại Hungary năm 1970.

Cuốn này do Helena Devechy dịch từ tiếng pháp, lời chú và bình của Imre Patkó, phần hình do Miklós Rév phụ trách.

Ảnh in trong sách giáo khoa là hình số 112, ở trên ghi rõ: "Quan Âm Thị Kính với đứa bé. Gỗ sơn dầu. Thế kỉ XV - XVIII. Tây Phương".

Ở trang 48, có thêm lời chú thích rõ hơn cho ảnh này: "112. Quan Âm Thị Kính cùng đứa bé. Gỗ sơn dầu, chiều cao không kể đế xấp xỉ 80cm. Thế kỷ XV - XVIII. Chùa Tây Phương (Sơn Tây)".

Trong cuốn sách này cùng có ảnh Tượng Quan Âm Thị Kính (cùng đứa bé) như ảnh tác giả Nhất Mạt Hương chụp ở chùa Tây Phương hiện nay (hình số 126, chú ở trang 49), song chúng tôi không dùng vì thấy hình 112 đẹp hơn.

Cần lưu ý là chú cho hình 112 ghi niên đại là thế kỉ XV - XVIII. Còn nay vì sao bức tượng đó không còn, đó là nhiệm vụ đặt ra cho những nhà nghiên cứu lịch sử mĩ thuật.

Cũng cần lưu ý điều nữa là, có nhà nghiên cứu, như kiến trúc sư Nguyễn Trương Quý từng nhận xét là hình đứa bé trên tượng hiện nay có nét không khớp với phong cách của các bức tượng khác nói chung (xin xem thêm http://truongquy.blogspot.com/2009/05/chua-tay-phuong.html).

3. Với những thông tin trên, chúng tôi chủ trương vẫn giữ nguyên tranh tượng như cũ, chỉ cần bổ sung chú thích dưới bức tranh để tránh khỏi hiểu nhầm, bảo đảm tính chuẩn xác.

Cụ thể như sau:

Quan Âm Thị Kính, tượng chùa Tây Phương, thế kỉ XV- thế kỉ XVIII (Nguồn: Nghệ thuật Việt Nam, NXB Coóc-vi-na Bu-đa-pét và NXB Ác-ca-đi Vác-sa-va, 1970, hình 112, chú thích trang 48).

Cuối cùng, chúng tôi xin cảm ơn về sự quan tâm tới chất lượng sách giáo khoa của tác giả Nhất Mạt Hương cũng như quý tạp chí.

Chúng tôi cũng đánh giá cao tinh thần xây dựng và sự thận trọng của quý tạp chí khi mở đầu tiêu đề bài báo bằng từ "Nghi vấn" và sau đó còn nói thêm rằng đây chỉ là cách nhìn của tác giả bài báo để rộng đường dư luận chứ không phải đã khẳng định dứt điểm sự sai sót của sách giáo khoa."

Thu Giang