Nhiều thế hệ học trò nghẹn ngào khóc khi cô giáo cũ tự tử

10/10/2011 14:48
Ngọc Khánh
(GDVN) - "Nếu không có người dìu dắt chị nhiệt tình như cô Lan thì chị có thể đã bỏ học lâu rồi".
Kỳ 1:Bị trù dập, cô giáo tại Hà Nội tự tử trước ngày về hưu?
Kỳ 2: Cô giáo tại HN tự tử: Có thật phụ huynh đồng loạt từ chối?
Kỳ 3:Phòng GD vào cuộc vụ cô giáo tại HN tự tử: Di thư là sự thật

Kỳ 4: Cô giáo HN tự tử: Do trù dập hay do quản lý không khéo?
Kỳ 5: Hiệu trưởng một mực khẳng định không trù úm "cô giáo tự tử"

37 năm gắn bó với nghề “gõ đầu trẻ” là 37 năm cô giáo Nguyễn Thị Lan làm “bà đỡ” cho 37 lớp người. Làm công việc thầm lặng trên dòng sông tri thức, những lớp học trò qua sông, đến những chân trời mới, để rồi hôm nay nhìn lại, lòng đầy khắc khoải khi người lái đò năm xưa đã về với cát bụi và mang bao nỗi uất ức về chuyện trường lớp.

Chị Nguyễn Thị Thu Hằng (Bồng Lai, xã Hồng Hà) là học trò cũ của cô Lan, được cô dìu dắt trong năm học lớp 1. Gần 25 năm đã trôi qua nhưng chị vẫn không quên những kỷ niệm tuổi thơ khi kể lại cho chúng tôi.

“Cô Lan rất hiền, nói năng nhỏ nhẹ, luôn ân cần, điềm đạm, không bao giờ quát mắng hay đánh đòn học trò cả. Nếu đứa nào nghịch mà không làm bài tập là cô cho đứng nghiêm”, chị Hằng chia sẻ. Chính những điều này mà rất nhiều học sinh và phụ huynh đều yêu quý, kính trọng cô.

Trong quãng thời gian ấy, cuộc sống còn rất khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Lớp học còn là nhà đất lợp mái tranh, vì không có phòng học, cô Lan vẫn tranh thủ dạy buổi trưa cho học sinh suốt một thời gian dài. Mặc dù khó khăn như thế nhưng ai cũng vui vẻ, cố gắng vươn lên. 

Chị Hằng xúc động khi nhớ lại một buổi trưa, cô Lan hướng dẫn chị làm toán. Mặc dù đã tan học nhưng thấy chị loay hoay với bài toán ở trên lớp, cô Lan đã đến hỏi và chỉ cách thực hiện phép tính. Chị Hằng thấy được niềm tâm huyết, trăn trở với nghề ở người cô giáo của mình.
Chị Hằng khẳng định, “nếu không có người dìu dắt chị nhiệt tình như cô Lan thì chị có thể đã bỏ học lâu rồi vì ngày đó ăn còn chẳng đủ, lúc nào bụng cũng sôi, làm sao mà nghĩ được chuyện học hành”.

Tất cả những học trò đã qua tay “bà đỡ” Lan đều là người vùng Hồng Hà nên tình thân cô trò càng thắm thiết. Nhiều gia đình có 2 thế hệ là học sinh của cô Lan. Trong số nhiều thế hệ HS, giờ đã có nhiều người rất thành đạt.
Cô Lan cùng học trò nhận phần thưởng trong Lễ Bế giảng năm học 2000 - 2001. Ảnh: Ngọc Khánh
Cô Lan cùng học trò nhận phần thưởng trong Lễ Bế giảng năm học 2000 - 2001. Ảnh: Ngọc Khánh


Mặc dù bận rộn với công việc ở trường Trung học Đoàn Thị Điểm (Mỹ Đình, Hà Nội) nhưng chị Hằng vẫn đến thăm hỏi, trò chuyện cùng cô thường xuyên.

“Nhiều hôm đến thấy cô nói buồn và thất vọng vì những chuyện ở trường, thấy vậy, chị cũng động viên cô để bớt đi mệt mỏi, tư tưởng được thoải mái. Hôm biết tin cô mất, cả đêm chị không ngủ được, nằm nói chuyện với chồng về nỗi khổ tâm của cô Lan, chị thấy thương cho hoàn cảnh của cô quá”, chị Hằng chia sẻ. 

Bây giờ cũng là một người công tác trong lĩnh vực giáo dục nên chị Hằng thấu hiểu những khó khăn, áp lực đối với giáo viên. Sự ra đi của cô Lan và những bức di thư để lại, chị Hằng thấy bức xúc và không thể chấp nhận những điều đó, đặc biệt trong môi trường giáo dục.

Chúng tôi tìm đến nhà anh Nguyễn Văn Thân (ở đội 2, Hồng Hà), cựu học sinh của cô giáo Lan. Anh Thân đang làm việc trong Ban quản lý dự án hạ tầng Tả Ngạn, Hà Nội. 

Chia sẻ những năm tháng “nhất quỷ nhì ma”, anh Thân cười hiền: “ngày ấy quá nghịch”. Cô Lan dạy anh Thân năm lớp 1, lớp anh nhiều con trai nên thường mải chơi không làm bài tập. 

“Bọn anh nghịch nhưng cô Lan không bao giờ to tiếng, ghét bỏ một ai. Đứa nào có mắc lỗi nặng thì chỉ bị phạt đứng góc lớp rồi thôi”, anh Thân nhắc lại.

Trong lớp anh bây giờ có nhiều người thành đạt, công tác ở xa nhưng mỗi khi gọi điện về đều gửi lời hỏi thăm sức khỏe của cô Lan. Mặc dù cô Lan chỉ dạy lớp 1, và cũng đã cách đâyhơn 20 năm rồi nhưng anh Thân vẫn đến nhà cô chơi. Anh cảm thấy thích được tâm tình với cô về mọi lo toan trong cuộc sống.

Anh Thân cho biết: “Cô Lan thích xem bộ phim “Tấm lòng cha mẹ” phát trên kênh VOV TV lắm, khi nào anh vào nhà mà gặp cô xem bộ phim này thì thấy cô mãn nguyện lắm. Đúng hôm chiếu tập cuối cùng thì cũng là ngày cô mất” - anh Thân bùi ngùi...

Trong câu chuyện cũ của những cô cậu học trò một thời, chúng tôi cảm nhận được hình ảnh cô Lan đang “sống” lại trong những kỷ niệm, cuộc đời cô vẫn đang tiếp tục trong dòng chảy cảm xúc nơi trái tim học trò.

(Còn nữa)
Ngọc Khánh