Nhìn sâu vào "gốc phượng" để tránh tổn thương nhau

08/06/2020 06:11
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Riêng trong chuyện phượng bật gốc, để tránh sa vào tranh cãi và chỉ trích là tổn thương nhau, thiển nghĩ chúng ta cần nhìn nhận và tư duy theo một trình tự logic.

Sự cố một cây phượng bật gốc làm chết một học sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh và sau đó là việc một đốn hạ loại cây này ở nhiều nơi đã dấy lên những tranh luận trái chiều.

Theo dõi các phương tiện truyền thông và mạng xã hội những ngày qua, tôi thấy có khá nhiều ý kiến phê phán và chỉ trích đã được buông ra.

Tôi không bênh vực cho những người đã ra lệnh việc hạ đốn những cây phượng trong sự nôn nóng theo kiểu “thà đốn lầm hơn bỏ sót” nhưng tôi nghĩ, riêng trong chuyện này những ý kiến phê phán chỉ trích cũng chưa hẳn đã thuyết phục.

Tôn trọng ý kiến và quan điểm cá nhân của mọi người tuy vậy, bài viết này tôi muốn góp thêm góc nhìn khác.

Sau sự cố cây phượng đầu tiên thì mấy ngày sau chúng ta lại chứng kiến thêm hàng loạt những sự cố tương tự ở Đăk Lắk, Bình Dương,… [1]. Hay mới đây nhất là ở Trường Trung học cơ sở Trần Hưng Đạo- Biên Hòa, Đồng Nai chiều ngày 04/06/2020. Tôi xin dẫn lại nguyên văn mà báo Tuổi Trẻ đã thuật lại sự việc này như sau:

“Chiều 4-6, sau cơn mưa lớn, cây phượng vĩ trên 20 năm tuổi bất ngờ bật gốc khiến 3 nữ sinh khối 8 của Trường THCS Trần Hưng Đạo (phường Trung Dũng, TP Biên Hòa, Đồng Nai) bị sây sát.

Theo thông tin ban đầu, lúc 15h30 cùng ngày học sinh được ra chơi, một số em ngồi ăn xế tại ghế đá dưới gốc cây phượng trong sân trường thì bất ngờ cây ngã xuống, 3 nữ sinh lớp 8 vội chạy khỏi ghế đá thoát nạn kịp thời.

Tại hiện trường, cây phượng vĩ cao khoảng 15-20m, đường kính 40-50cm ngã đổ đè lên bàn và ghế đá phía dưới khiến bộ bàn ghế này sập đổ. Một sợi dây điện cũng bị đứt ngang. [2]

Cây phượng được dựng các trụ chắn ở Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh hoạ;: VOV)
Cây phượng được dựng các trụ chắn ở Trường Trung học cơ sở Lê Văn Tám, Quận 8, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh minh hoạ;: VOV)

Cũng theo tường thuật của báo Tuổi Trẻ thì Cô Đỗ Thị Cao Sang - hiệu trưởng nhà trường - xác nhận thì trước đó nhà trường đã làm đơn gửi Uỷ ban nhân dân Thành phố Biên Hòa và Phòng quản lý đô thị Thành phố Biên Hòa xin phép đốn hạ 4 cây xanh và cắt tỉa 22 cây khác, trong đó có cây phượng vĩ vừa ngã đổ.

“theo kế hoạch, chiều nay 4-6, Phòng quản lý đô thị TP Biên Hòa sẽ cử người xuống đốn hạ, cắt tỉa cây xanh trong trường. Song do trời mưa quá lớn, lực lượng chức năng chưa kịp xuống xử lý thì sự cố xảy ra.”

Thông tin trên cho chúng ta thấy điều gì? Tôi không dám tưởng tượng cảnh nếu cây phượng chưa kịp đốn hạ kia gây thêm nỗi bất hạnh cho các em học sinh ở Biên Hòa, Đồng Nai thì Ban giám hiệu và cá nhân cô hiệu trưởng ở trường này sẽ bị dư luận chỉ trích và lên án như thế nào?

Thế nên, câu chuyện hạ đốn phượng ở đây mà nhiều người bảo là “phong trào” hạ sát cây vô tội vạ trong trường học có nguyên nhân sâu xa từ tâm lý sợ trách nhiệm, sợ mất ghế của những hiệu trưởng có thể là không sai nhưng dường như vẫn đang thiếu một cái nhìn khách quan, toàn diện và nhất là đặt mình vào vị trí của “những người trong cuộc”.

Tôi đồng ý và cũng không phủ nhận ở Việt Nam, hoa phượng được xem là biểu tượng, là ký ức của tuổi học trò (đã đi vào thơ ca, nhạc, họa…).

Tuy vậy, xin hãy nhớ cho biểu tượng và ký ức ấy chỉ thuần túy mang tính cá nhân của những người đã từng “ngồi trên ghế nhà trường”.

Chúng ta nghĩ gì về ký ức (nếu có sau này) của những em học sinh đã may mắn thoát nạn trong những lần cây phượng giữa sân trường bật gốc những ngay qua?

Thế nên, phải chăng, ở đây đang có sự áp đặt và nhất là đang nhầm lẫn giữa cái ký ức của bản thân “những người đi trước” với cảm xúc của các em học sinh vẫn còn đang chạy nhảy trong sân trường hôm nay nhất là những em may mắn thoát nạn?

Ở một phương diện khác, có một thực tế là, nhiều cây phượng trong khuôn viên trường học hiện nay dù bề ngoài xanh mướt, tán rộng mát để học sinh vui đùa, hoa nở đẹp nhưng tiếc thay phần bên trong pần thân và gốc lại hư hỏng, mục ruỗng.

Những cây phượng như thế này nếu phải chờ “cái quy trình” (như bài báo đã dẫn ở trên) cắt tỉa, thăm khám, bảo dưỡng, chăm sóc; hay mua vật liệu về để chống đỡ hoặc thậm chí đốn bỏ trong bối cảnh mưa bão đang về thì có khi lại gây ra những sự bất trắc và nguy hiểm khác…

Từ đây, tôi cho rằng, nếu bình tâm để nhìn sâu vào sự mục ruỗng của những thân và gốc rễ một số cây phượng đã bị đốn bỏ thì biết đâu chúng ta sẽ hạn chế được những lời cay nghiệt với những người đề cao sự an toàn và tính mạng của các em học sinh khi đã vội vã cho hạ đốn luôn cả những cây phượng còn non tơ!?

Vì trong sự vội vã này phải chăng còn do sự chi phối của cái “quy trình” rà soát cây trong trường học hiện nay mà ra?

Đó là chưa kể đến cái cơ chế và kinh phí để thực hiện rất khác nhau giữa những trường công lập và tư thục.

Vậy nên, riêng trong chuyện phượng bật gốc này, trong bối cảnh và điều kiện cụ thể ở trường phổ thông trên cả nước hiện nay, để tránh sa vào tranh cãi và chỉ trích là tổn thương nhau, thiển nghĩ chúng ta cần nhìn nhận và tư duy theo một trình tự logic dưới đây:

Một là, mạng người là quan trọng nhất. Trong trường học, thì sự an toàn của các em học sinh phải được đặt lên hàng đầu.

Hai là, dù phượng đẹp, dù phượng có là biểu tượng, là ký ức của tuổi học trò (sau này) nhưng nếu phượng già, phượng không an toàn, có nguy cơ gẫy đổ ảnh hưởng đến tính mạng học sinh thì cũng không nên nuông chiều vào dung dưỡng phượng.

Cuối cùng, từ đây và lẽ ra vấn đề quan trọng cần bàn ở đây là: những quy định và cơ chế liên quan đến việc trồng và chăm sóc cây xanh trong khuôn viên trường học ở Việt Nam hiện nay mới là điều đáng để bàn luận.

Hay nói khác đi đó là cái tư duy “mất bò mới lo làm chuồng”.

Vì lẽ ra, những quy định cơ chế về việc những loại cây nào mới được phép trồng, cách thức trồng và quy trình chăm sóc; định kỳ “thăm khám”, bảo dưỡng ra sao?

Ai là người được quyền quyết định việc đốn bỏ những cây không an toàn. Và khi quyết định hạ đố một cây nào đó thì cần thống nhất trong nội bộ nhà trường ra sao… nên được ban hành cụ thể và rõ ràng.

Nói tóm lại, nhiều cây phượng đã bật gốc rồi, đã có một em học sinh không may ra đi vì sự cố này rồi; và cũng có nhiều em khác suýt là nạn nhân…

Vậy nên, tôi cho rằng, điều quan trọng nhất bây giờ là tìm giải pháp để hướng tới mục tiêu cao nhất “tất cả vì các em học sinh thân yêu” chớ không nên nhầm lẫn giữa ký ức cá nhân với cơ chế quản lý cây xanh trong khuôn viên trường học.

Và thay vì dùng lý trí để nhìn nhận bản chất sư việc một cách thấu đáo, toàn diện chứ không phải để cho cảm xúc cá nhân lấn át để rồi vô tình gây thương tổn cho nhau.

Tài liệu tham khảo

[1]: “Thêm một cây phượng bật gốc trong sân trường”. https://thanhnien.vn/thoi-su/them-mot-cay-phuong-bat-goc-trong-san-truong-1231680.html

[2]: “Phượng bật gốc giờ ra chơi, 3 nữ sinh ngồi ghế đá dưới gốc tháo chạy kịp”.

https://tuoitre.vn/phuong-bat-goc-gio-ra-choi-3-nu-sinh-ngoi-ghe-da-duoi-goc-thao-chay-kip-20200604174423928.htm

Nguyễn Trọng Bình