Nhóm sinh viên Bách khoa thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời

20/09/2019 06:45
AN NGUYÊN
(GDVN) - Nhóm đề xuất kết nối với doanh nghiệp để được xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí cải tiến và sớm hoàn thiện sản phẩm robot này ứng dụng vào thực tế.

Đề tài “nghiên cứu và thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời” của nhóm TNT vừa giành giải nhất cuộc thi cuộc thi IoT-AI Hackathon 2019 (cuộc thi về trí tuệ nhân tạo) dành cho học sinh, sinh viên ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Các thành viên nhóm TNT chuẩn bị cho robot trình diễn khả năng lau chùi, vệ sinh và kiểm tra các hỏng hóc của pin mặt trời.
Các thành viên nhóm TNT chuẩn bị cho robot trình diễn khả năng lau chùi, vệ sinh và kiểm tra các hỏng hóc của pin mặt trời.

Đây là sản phẩm để lại nhiều ấn tượng bởi khả năng độc đáo và tính ứng dụng trong thực tiễn cao.

Nhóm TNT gồm 5 sinh viên Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng): Võ Hoàng Nguyên Phương, Hồ Văn Cường, Lưu Thị Ngọc Lan, Nguyễn Tiến Đạt, Nguyễn Đắc Quy.

Bạn Ngọc Lan chia sẻ, năng lượng mặt trời đang là bùng nổ mạnh mẽ ở Việt Nam.

Sinh viên Bách khoa sáng chế phương tiện thủy - bộ thu gom rác

Hiện nay, có khoảng 100 dự án nhà máy điện mặt trời đang được đầu tư và xây dựng và đã phát lên hệ thống lưới điện Việt Nam tương đương khoảng 5.000MW. Một nhà máy có số lượng tấm pin lên tới 150.000-300.000.

“Các tấm pin phải luôn được kiểm soát tình trạng sức khỏe một cách chặt chẽ, đảm bảo luôn đạt công suất tối ưu, liên tục và không được gián đoạn.

Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, các tấm pin có thể xảy ra sự cố, hỏng hóc, làm giảm một phần hiệu suất nhà máy”, Lan đại diện nhóm giải thích.

Một số sự cố điển hình như, các tấm pin bị giảm hiệu suất phát do bụi bẩn bám lên bề mặt, tấm pin bị điểm nóng, bị nứt nẻ, vỡ do áp lực cơ khí….

"Từ khảo sát thực tế, các nhà máy thường kiểm tra và trắc quan bề mặt tấm pin định kì 1 tháng/1 lần. Trung bình vệ sinh bề mặt tấm pin 3 tháng/1 lần (tùy vào thời tiết).

Thời gian để hoàn thành mất tầm 25 ngày và cần tới 15-20 công nhân. Giá thành cho mỗi lần vệ sinh: 150 triệu /1 lần.

Các thành viên trong nhóm TNT gồm những sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.
Các thành viên trong nhóm TNT gồm những sinh viên Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng.

Để giảm thiểu chi phí vệ sinh, thời gian hoàn thành công việc, số lượng nhân công lao động. Đồng thời giám sát pin mặt trời hiệu quả với tần suất kín kẽ.

Từ đó, nhóm có ý tưởng nghiên cứu và thiết kế robot đa chức năng cho nhà máy điện mặt trời". bạn Nguyễn Tiến Đạt cho hay.

Với loại robot tự động này thì việc vệ sinh các tấm pin mặt trời trở nên đơn giản hơn, tiết kiệm được thời gian, công sức...

Độc đáo thiết bị nhận diện nụ cười - Spread Smiles học sinh cấp 3

Có thể điều khiển robot vệ sinh bề mặt tấm pin từ xa, cài đặt chế độ vệ sinh, cài đặt định kỳ thời gian vệ sinh, kiểm soát hành trình và trạng thái robot từ xa.

“Một đặc điểm độc đáo của robot này là nó có thể tự động nhận dạng và thông báo các dấu hiệu bất thường trên bề mặt tấm pin như:

Các vết rạn nứt, vỡ, các biến dạng vật lý, và các vết dơ bẩn bám chặt trên bề mặt tấm pin.

Với phần mềm quản lý và giám sát robot từ xa giúp vận hành thao tác quản lý robot hoạt động từ xa và giám sát dữ liệu.

Các thông báo ghi nhận từ robot để có các xử lý sớm các tình huống làm sụt giảm công suất của nhà máy”, một thành viên trong nhóm TNT lý giải.

“Robot này có tính ứng dụng thực tiễn rất cao. Do đó, nhóm có đề xuất kết nối với doanh nghiệp để được xem xét đầu tư, hỗ trợ kinh phí.

Cũng như sự hỗ trợ từ các kĩ sư, chuyên gia doanh nghiệp để thử nghiệm, cải tiến và sớm hoàn thiện sản phẩm đưa vào thực tế”, bạn Nguyễn Đắc Quy (thành viên nhóm TNT) chia sẻ.

AN NGUYÊN