Những băn khoăn về quy định quản lý dạy thêm ở Thành phố Hồ Chí Minh

24/02/2020 06:24
Ánh Dương
(GDVN) - Học sinh học thêm với số lượng đông như thế thì làm sao giáo viên có thể theo sát, kèm cặp cho từng em?

Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực chấn chỉnh tình trạng dạy thêm, học thêm trái phép trên địa bàn Thành phố. 

Thế nhưng, một số nội dung trong quy định còn bất cập khiến việc quản lý dạy thêm, học thêm chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi tờ trình xin Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh một số nội dung liên quan đến quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn thành phố. 

Theo đó, không được dạy thêm cho học sinh đã được nhà trường tổ chức học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học (trừ các trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống)... 

Giáo viên công lập không được dạy thêm trong trường, không được dạy thêm ngoài nhà trường cho học sinh đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo trường.

Không tổ chức dạy thêm, học thêm theo lớp học chính khóa, học sinh trong lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau.

Đối với dạy thêm, học thêm trong nhà trường, mỗi lớp học thêm không quá 45 em, không dạy thêm, học thêm vào các ngày chủ nhật, ngày nghỉ lễ, nghỉ tết. 

Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực quản lý dạy thêm học thêm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)
Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực quản lý dạy thêm học thêm. (Ảnh minh hoạ: TTXVN)

Quy định có gì mới?

Thực ra, một số nội dung trên đã có ở Thông tư 17 năm 2012 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định rõ các trường hợp không được dạy thêm.

Đó là, học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; học sinh tiểu học (trừ bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống).

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mình đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên.

Trước đó,thượng tuần tháng 11/2019, Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có tờ trình gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, đề nghị ban hành quy định mới để quản lý việc dạy thêm, học thêm trên địa bàn.

Trong đó có nội dung đáng chú ý là, học sinh không học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần, học không quá 18 tiết mỗi tuần. [2]

Thông tin này nhận được nhiều bình luận trái chiều của dư luận, trong đó đa số ý kiến cho rằng quy định này quá “rộng tay”. 

Bởi quy định này khiến học sinh không còn thời gian vui chơi giải trí, sinh hoạt, chưa kể nhiều em còn đi học thêm các môn bổ trợ như năng khiếu, thể thao bên ngoài nhà trường.

Với quy định này, có vẻ như Sở đang “thả nổi” khi cho phép học sinh có thể học nhiều nhất lên đến 18 tiết/tuần.

Một số bất cập

Tuy vậy, đến tờ trình thượng tuần tháng 2/2020 thì bất ngờ Sở đã bỏ nội dung, “học sinh học thêm không quá 6 tiết/môn học/tuần, học không quá 18 tiết mỗi tuần.”

Muốn dẹp nạn dạy thêm trái phép, phải xử phạt nghiêm như Nghị định 100
Muốn dẹp nạn dạy thêm trái phép, phải xử phạt nghiêm như Nghị định 100

Vậy thì, học sinh sẽ học thêm bao nhiêu tiết/tuần hay tùy thuộc vào từng trường, là câu hỏi còn đang bỏ ngỏ…

Bên cạnh đó, quy định “không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa khi chưa được sự cho phép của lãnh đạo trường”, cũng khiến nhiều người băn khoăn.

Bởi giáo viên (ở Thành phố Hồ Chí Minh) dạy thêm ngoài nhà trường đa phần đều tổ chức ở các trung tâm đã được cơ quan có thẩm quyền cấp phép, thì Hiệu trưởng có khó khăn đến mức “lắc đầu” không? 

Liệu Hiệu trưởng có đủ nhiệt tình và thời gian để đi kiểm tra hết các trung tâm không? Nếu có, bằng cách nào Hiệu trưởng phát hiện ra học sinh đang học thêm là của trường mình (vì học sinh nhiều trường cùng theo học một lớp)? 

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay ở Thành phố Hồ Chí Minh, khối trung học cơ sở và trung học phổ thông có trên 70% số trường thực hiện dạy 2 buổi/ngày.

Nhưng học sinh vẫn tham gia học thêm ở trung tâm của giáo viên dạy chính khóa rất đông, đặc biệt là lớp 9 và 12.

Không những bậc phổ thông mà bậc tiểu học giáo viên cũng bất chấp dạy thêm mặc dù nhiều học sinh đã học 2 buổi/ngày.

Giáo viên chỉ không dạy những ngày nghỉ lễ, tết còn chủ nhật thì dạy kín lịch, cả sáng chiều và tối (với các môn Toán, Lý , Hóa, Văn, Anh).

Thế nhưng, những kiểu dạy thêm trái phép như vậy chỉ bị xử lí khi phụ huynh hoặc báo chí vào cuộc phản ánh.

Ngoài ra, quy định “học sinh trong lớp học thêm phải có học lực tương đương nhau” cũng khiến giáo viên khó thực hiện được. 

Nếu giáo viên chia nhỏ lớp học ra để dạy phù hợp cho từng đối tượng học sinh theo lực học thì tốn quá nhiều thời gian, công sức.

Điều đáng nói là, quy định mỗi lớp học thêm không quá 45 học sinh cũng rất bất cập. Học sinh học thêm với số lượng đông như thế thì làm sao giáo viên có thể theo sát, kèm cặp cho từng em?

Có thể nhận thấy, ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực chấn chỉnh tình trạng dạy thêm học thêm trái phép trên địa bàn Thành phố. 

Tuy vậy, một số nội dung trong quy định còn bất cập khiến việc dạy thêm xảy ra tràn lan, nên việc quản lí dạy thêm, học thêm chưa mang lại hiệu quả thiết thực.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thanh-pho-ho-chi-minh-de-xuat-ro-trach-nhiem-quan-ly-day-them-hoc-them-post206992.gd

[2] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/de-xuat-hoc-sinh-sai-gon-khong-duoc-hoc-them-qua-18-tiet-moi-tuan-post204126.gd

[3] //thuvienphapluat.vn/van-ban/giao-duc/Thong-tu-17-2012-TT-BGDDT-day-hoc-them-139414.aspx 

Ánh Dương