Ngày 5/2/2020, ông Lê Hồng Sơn – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký tờ trình 343/Ttr-GDĐT-TC, gửi Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về dự thảo quy định quản lý dạy thêm, học thêm trên địa bàn.
Không dạy thêm đối với bậc tiểu học, học 2 buổi/ngày
Sở này yêu cầu: Học thêm phải là nhu cầu tự nguyện, được gia đình học sinh đồng ý, không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình, học sinh.
Không được dạy trước nội dung chương trình giáo dục phổ thông, không cắt giảm nội dung trong chương trình để đưa vào giờ dạy thêm.
Không được tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo lớp học chính khóa, học sinh trong cùng lớp học thêm phải có trình độ tương đương nhau, xếp lớp học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh.
Một hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (ảnh minh họa: P.L) |
Không được dạy thêm đối với học sinh tiểu học, học sinh đã học 2 buổi/ngày ở trường, trừ các trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, kỹ năng sống.
Giáo viên các đơn vị giáo dục công lập không được tổ chức dạy thêm ngoài nhà trường, nhưng vẫn có thể tham gia dạy thêm.
Không được dạy thêm ngoài nhà trường đối với học sinh mà giáo viên đang dạy chính khóa, khi chưa có sự đồng ý, cho phép của thủ trưởng cơ quan quản lý giáo viên đó.
Đề xuất trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan quản lý
Ngoài đề xuất trách nhiệm cụ thể của Sở Giáo dục và Đào tạo, và các cơ quan quản lý có liên quan như Sở Tư pháp, Thanh tra Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội, dự thảo này còn nói đến trách nhiệm của Ủy ban nhân các quận – huyện, phường – xã và thị trấn, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện và thủ trưởng, hiệu trưởng các cơ sở giáo dục.
Đề xuất học sinh Sài Gòn không được học thêm quá 18 tiết mỗi tuần |
Lãnh đạo các quận, huyện quản lý việc dạy thêm và học thêm trên địa bàn, chỉ đạo việc thanh kiểm tra hoạt động này để phát hiện ra các sai phạm để kịp thời phát hiện ra các sai phạm, xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý.
Chỉ đạo các phường – xã hoặc thị trấn có trách nhiệm giám sát hoạt động này, đảm bảo an toàn, trật tự tại các điểm hoạt động dạy thêm học thêm trên địa bàn.
Đối với Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận huyện, chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân các quận huyện trong việc quản lý dạy thêm học thêm trong và ngoài nhà trường.
Phổ biến, chỉ đạo, nhắc nhở, đôn đốc các trường, tổ chức, cá nhân liên quan thực hiện các quy định này, tổ chức hoặc phối hợp với các ban ngành có liên quan thanh, kiểm tra nội dung dạy thêm học thêm, phát hiện và xử lý vi phạm theo thẩm quyền hoặc đề nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý vi phạm.
Ủy ban nhân dân các phường – xã hoặc thị trấn cần quản lý hoạt động dạy thêm học thêm ngoài nhà trường trên địa bàn, thường xuyên giám sát hoạt động này, đảm bảo an ninh, an toàn và trật tự tại các điểm tổ chức hoạt động dạy thêm học thêm.
Hiệu trưởng và Thủ trưởng các cơ sở giáo dục: Chịu trách nhiệm về chất lượng dạy thêm học thêm, quản lý cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, kinh phí dạy thêm học thêm trong nhà trường.
Tùy tình hình thực tế thì có thể tổ chức việc dạy thêm học thêm vào các buổi khác nhau, trên nguyên tắc không gây ảnh hưởng, đan xen với các lớp học chính khóa, không tổ chức dạy thêm, học thêm vào ngày chủ nhật, nghỉ lễ, tết, đảm bảo việc lựa chọn giáo viên và môn học theo nguyện vọng của người học, lớp học thêm không quá 45 học sinh.