Những tấm gương tiêu biểu trên diễn đàn giáo dục năm con Khỉ

28/01/2017 00:29
Lê Xuân Chiến
(GDVN) - Năm 2016, ngành giáo dục xuất hiện rất nhiều tấm gương tiêu biểu, điển hình trong quản lý, dạy giảng, học tập, nghiên cứu, hoạt động xã hội.

LTS: Là người quan tâm và thường xuyên theo dõi thông tin trong lĩnh vực giáo dục, thầy giáo Lê Xuân Chiến đưa ra đề xuất 10 tấm gương tiêu biểu trên diễn đàn giáo dục năm 2016.

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Là một độc giả của Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, qua theo dõi, chọn lọc, tôi xin mạn phép được đề xuất “10 tấm gương tiêu biểu trên diễn đàn giáo dục năm 2016”.

Đề xuất này được đưa ra với thiện ý rằng, những tấm gương đó sẽ là nguồn cảm hứng, động viên lớn để ngành giáo dục nhân lên những “bông hoa thắm sắc” trong vườn hoa dạy tốt - học tốt năm 2017.

1. Bốn cô giáo mầm non ở Phú Yên: “Thà cô chết chứ không để trò chết”

Đó là 4 cô giáo ở Trường mẫu giáo An Hiệp, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên. 

Sáng ngày 13/12/2016, do trời mưa to nên chỉ có 33 cháu đến lớp học. Khoảng 12 giờ, do mưa lớn kéo dài, nước ở thượng nguồn đổ về mạnh và đột ngột, trường Trường mẫu giáo An Hiệp nhanh chóng bị ngập sâu.

Các cô phải gọi điện báo cha mẹ đến đón các cháu về. Nhưng chỉ có 20 cháu được cha mẹ đón về kịp thời. 

30 phút sau thì 13 cháu còn lại và 4 cô giáo ở lại giữ lớp không thể ra ngoài được, chỉ biết kêu cứu vì nước đã ngập hơn 1,5 mét. 

Câu chuyện các cô giáo mầm non cứu học sinh khiến nhiều người ca ngợi. (Ảnh: thanhnien.vn)
Câu chuyện các cô giáo mầm non cứu học sinh khiến nhiều người ca ngợi. (Ảnh: thanhnien.vn)

Trước tình thế nguy nan, 4 cô giáo mầm non ngâm mình trong nước lũ, đưa các cháu lên thành cửa sổ rồi lên nóc tủ để tránh dòng nước xiết. Số cháu còn lại các cô cho đứng trên vai các cô. 

Có cháu sợ hãi rớt xuống nước, cô giáo lại ngụp lặn vớt lên… Các cô cố hết sức “vật lộn” với dòng nước lũ, với tinh thần “Thà cô chết chứ không để trò chết”. 

Thủ tướng Chính phủ đã gửi thư khen ngợi các cô đã dũng cảm, bình tĩnh giữ an toàn cho cả 15 học sinh trong lúc nguy nan. 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng bằng khen, tuyên dương các cô trong toàn ngành.

Tên bốn cô giáo nói trên là: Võ Thị Thu Sương (hiệu trưởng, 49 tuổi), Nguyễn Thị Hòa (hiệu phó, 47 tuổi), Thái Thị Tuyết Hồng (giáo viên, 38 tuổi), Lê Thị Kim Hằng (giáo viên, 44 tuổi).

2. Tô Huỳnh Phúc - “công dân trẻ tiêu biểu” nhỏ tuổi nhất Thành phố Hồ Chí Minh năm 2016 

Em Tô Huỳnh Phúc - học sinh lớp 6 Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP Hồ Chí Minh là ứng cử viên nhỏ tuổi nhất được bình chọn vào danh sách 11 “Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh” năm 2016. 

“Bộ sưu tập” huy chương Vàng về Toán học là sự ghi nhận về thành tích nổi bật của em trong học tập. 

Trong năm học 2015-2016, Phúc đã giành được 5 Huy chương Vàng tại các kỳ thi Toán quốc gia và quốc tế. 

Ngoài ra, Phúc còn hoàn thành 3 chứng chỉ Tiếng Anh (Starters, Movers, Flyers) của Đại học Cambridge, chứng chỉ Key English Test và chứng chỉ Preliminary English Test (tương đương trình độ Tiếng Anh B1) và huy chương bạc môn tiếng Anh cấp quốc gia qua mạng Internet. 

3. Nhà giáo ưu tú Lê Công Cơ - Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng)

Nhà giáo Lê Công Cơ là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Hiệu trưởng Trường Đại học Duy Tân, là một trong những người tiên phong trong phong trào xã hội hóa giáo dục ở bậc đại học. 

Hơn 20 năm dưới sự chèo lái của thầy, trường Đại học Duy Tân đã trở thành một trường đại học ngoài công lập uy tín, có “thương hiệu” đặc biệt ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên nói riêng và cả nước nói chung. 

Nhà giáo Lê Công Cơ được trao tặng danh hiệu "Anh hùng lao động". (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)
Nhà giáo Lê Công Cơ được trao tặng danh hiệu "Anh hùng lao động". (Ảnh: Thethaovanhoa.vn)

Nhà trường được nhận Huân chương Lao động hạng nhì, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ. Thầy Lê Công Cơ là một trong những ứng viên sáng giá trong “20 gương công dân tiêu biểu Đà Nẵng” năm 2016.

4. Ba học sinh liên tiếp giành Huy chương Vàng trong kỳ thi Olympic quốc tế 

Đó là ba em: Đinh Thị Hương Thảo (THPT Chuyên Lê Hồng Phong - Nam Định); Vũ Xuân Trung (THPT Chuyên Thái Bình) và Phan Đức Nhật Minh (THPT Chuyên ĐH KHTN Hà Nội).

Các em vinh dự được Thủ tướng Chính phủ trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba cho thành tích hai năm liên tiếp giành Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế.

5. Trần Xuân Bách đạt huy chương Bạc cuộc thi Toán và Khoa học Quốc tế 

Em Trần Xuân Bách, học sinh lớp 6A, trường THCS Hà Nội - Amsterdam là học sinh đạt Huy chương Bạc cuộc thi Toán và Khoa học Quốc tế (IMSO) diễn ra tại Indonesia. 

Trước đó, Bách là học sinh nhỏ tuổi nhất nhưng đoạt Huy chương Vàng Olympic Toán và Khoa học quốc tế (IMSO 2015) tổ chức tại Thái Lan tháng 11/2015, Huy chương Vàng cuộc thi Kangaroo Việt Nam tháng 3/2016.

Bách lọt vào top 5 học sinh xuất sắc cuộc thi IMAS vòng II (Cuộc thi khảo sát và đánh giá năng lực Toán quốc tế đầu năm 2016) và giành Huy chương Vàng điểm tuyệt đối 300/300 cuộc thi ViOlympic cấp quốc gia.

6. Chàng trai duy nhất là thủ khoa 3 khối

Trần Bùi Xuân Dự, học sinh trường THPT Kim Sơn A, Ninh Bình là một trong những gương mặt nổi bật của kỳ thi THPT Quốc gia 2016. 

Những tấm gương tiêu biểu trên diễn đàn giáo dục năm con Khỉ ảnh 3

Đổi mới toàn diện giáo dục không khó, nếu Bộ biết lắng nghe

Với số điểm 28.35, 27.58, 26.43 lần lượt ứng với 3 khối thi A, A1, D1, Xuân Dự trở thành thủ khoa ba khối thi này của cụm thi Đại học Mỏ Địa chất. 

Xuân Dự còn giành được nhiều thành tích ấn tượng như: Huy chương Vàng cuộc thi giải toán trên internet quốc gia 2014 - 2015; Huy chương Đồng cuộc thi “Giải toán bằng máy tính cầm tay” cấp quốc gia.

Ngoài ra, còn đoạt giải Nhất môn Toán kỳ thi “Giải toán bằng máy tính cầm tay” cấp tỉnh; giải Ba môn Toán kỳ thi Học sinh giỏi cấp tỉnh và suốt 12 năm liền đạt danh hiệu Học sinh giỏi toàn diện. 

Với số điểm có được trong kỳ thi THPT quốc gia, Xuân Dự đã trúng tuyển vào trường Đại học Ngoại thương Hà Nội.

7. Cậu bé “Google” Phan Đăng Nhật Minh 

Phan Đăng Nhật Minh là học sinh lớp 11, trường THPT Hải Lăng (Quảng Trị), người đã phá kỷ lục Cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia trong suốt 16 năm với 460 điểm. 

Năm học lớp 9, em đã học xong chương trình 11, còn hiện tại em đã cơ bản tự học xong chương trình lớp 12. Minh học giỏi toàn diện các môn, đặc biệt là môn Toán với sự đam mê ngay từ nhỏ. 

Người em hâm mộ nhất là nhà bác học Isaac Newton và giáo sư Ngô Bảo Châu.

Điều đáng khâm phục ở Minh là em hoàn toàn không học thêm mà chỉ tự học, tự nghiên cứu với khát vọng khám phá tri thức và đó chính là niềm đam mê của em.

8. Thầy giáo Phạm Quốc Tuấn - tự mình vay tiền xây phòng học cho học sinh vùng cao

Thầy giáo Phạm Quốc Tuấn, hiệu trưởng trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Đăk Rông, huyện Kbang, tỉnh Gia Lai. 

Xuất phát từ lòng thương yêu học sinh, muốn các em có chỗ học hành ổn định để học cái chữ, thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, thầy Tuấn đã tự mình vay tiền (tự chịu trách nhiệm) để xây dựng phòng học cho học sinh. 

Thầy Tuấn đã vận động các phụ huynh học sinh góp ngày công, còn riêng thầy Tuấn thì vay nợ để mua nguyên vật liệu về dựng thêm phòng học, nhà ăn… cho học sinh.

Để giúp các em không phải bỏ học, hàng tuần thầy Tuấn cùng các thầy cô trong trường không quản khó nhọc, vào từng nhà học sinh để chở các em đến trường, chăm nuôi các em tại trường để các em có điều kiện học tập tốt nhất.

Thủ tướng Chính phủ đã quyết định tặng Bằng khen cho thầy giáo Phạm Quốc Tuấn, biểu dương nghĩa cử cao đẹp, tinh thần hết lòng vì học sinh thân yêu của thầy.

9. Dương Tuấn Anh - học sinh “vượt khó học giỏi” tiêu biểu của ngành Giáo dục & Đào tạo Thủ đô

Em Dương Tuấn Anh - học sinh lớp 9D trường THCS Quảng Bị, huyện Chương Mỹ (Hà Nội).

Tuấn Anh sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bố mẹ đều bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam đi-ô-xin không có khả năng lao động nặng.

Tuy nhiên, em đã không ngừng nỗ lực vươn lên trong học tập trở thành một tấm gương “vượt khó học giỏi tiêu biểu” của Thủ đô năm 2016.

Con nhà nghèo khó, cha mẹ tật nguyền nhưng thay vì mặc cảm về bản thân, em xem đó làm thử thách để phấn đấu vươn lên và em đã vượt qua, chiến thắng hoàn cảnh bằng một nghị lực phi thường. 

Nhiều năm liền em đạt danh hiệu “Học sinh giỏi toàn diện”. Em học giỏi nhiều môn, nhất là môn Sinh học. 

Năm học 2015 - 2016, em đạt giải Nhất kỳ thi Học sinh giỏi cấp huyện, giải Ba học sinh giỏi cấp Thành phố môn Sinh học. Trong gia đình, em là người con chăm chỉ, chịu khó, rất hiếu thảo với cha mẹ.

Những tấm gương tiêu biểu trên diễn đàn giáo dục năm con Khỉ ảnh 4

9 tồn tại, hạn chế và 10 thành tựu nổi bật năm 2016 của đất nước

Với những thành tích trên, Dương Tuấn Anh là một trong 10 học sinh tiêu biểu của huyện Chương Mỹ được tham dự Lễ Tuyên dương học sinh giỏi tiêu biểu của ngành GD&ĐT Thủ đô, được nhận học bổng của quỹ “Niềm tin Việt”. 

Em là một trong những tấm gương vượt khó học giỏi tiêu biểu để nhiều học sinh noi theo.

10. Nguyễn Thế Tùng - người để lại lời xin lỗi khi vô tình làm vỡ kính ô tô


Nguyễn Thế Tùng là học sinh lớp 11B1, Trường THPT Trần Nguyên Hãn, TP Hải Phòng. Do vô ý, em va vào một chiếc ô tô đỗ bên đường và làm chiếc gương ô tô bị vỡ. 

Em cố tình tìm chủ xe để xin được đền nhưng không thấy. Do vội về nhà để kịp giờ đi học nên em đã để lại mẩu giấy (dán lên xe), trên đó viết lời xin lỗi và số điện thoại của mình để chủ xe liên hệ, em xin hứa sẽ bồi thường. 

Một lời xin lỗi chân thành với thái độ trung thực, thật thà, dũng cảm của cậu trò  Nguyễn Thế Tùng đã bất ngờ nhận được sự ngưỡng mộ và mến phục của cộng đồng.

Xin lỗi là việc làm đơn giản nhưng trong trường hợp của Tùng, phải có lòng trung thực và dũng khí lớn thì mới làm được. 

Tinh thần nhận lỗi và tự chịu trách nhiệm, thứ mà đôi lúc người ta tưởng như “xa xỉ” trong xã hội xô bồ thì Tùng ứng xử rất tự nhiên, thực tâm, thực lòng. 
 
Nguyễn Thế Tùng là một trong những tấm gương học sinh ứng xử đẹp, tiêu biểu trong văn hóa học đường.

Tại lễ kỷ niệm 40 năm ngày Trường THPT Trần Nguyên Hãn, đại diện Bộ GD&ĐT đã tuyên dương em Tùng trước hàng nghìn học trò, cựu học sinh, các thầy giáo và quan khách. 

Câu chuyện đẹp về xử sự Tùng là bài học nhân văn về văn hóa ứng xử trong cuộc sống để thế hệ trẻ nhân rộng, noi theo.

Còn biết bao tấm gương như thế...

Từ giảng đường đại học nơi thị thành đến những ngôi trường heo hút vùng biên giới, hải đảo xa xôi, đâu đâu cũng có những tấm gương sáng góp phần vun đắp, tô điểm cho nền giáo dục nước nhà. 

Có những người thầy được vinh danh toàn quốc, nhưng cũng có không ít người thầy ngày đêm âm thầm cống hiến, lặng lẽ hy sinh vì học trò thân yêu. 

Có những em học sinh, sinh viên đạt giải quốc gia, quốc tế được biểu dương trong toàn ngành, song cũng có những em học sinh, sinh viên bình thường, rất nghèo hoặc cơ thể khiếm khuyết nhưng ý chí, nghị lực, tinh thần vượt khó rất phi thường, cũng xứng đáng được biểu dương như thế. 

10 tấm gương tiêu biểu trên nói trên là 10 gương mặt nổi bật trên diễn đàn giáo dục năm 2016 qua góc nhìn của một độc giả, chắc chắn không thể bao quát và chọn lọc được hết những “bông hoa” thắm sắc trong rừng hoa giáo dục trên mọi miền Tổ quốc.

Vì vậy người viết bài này rất mong được quý độc giả, quý thầy cô và các em lượng thứ.

Lê Xuân Chiến