NXB Giáo dục trả lời "lo lắng cho tương lai" khi con trẻ học sách GS.Hồ Ngọc Đại

18/12/2015 07:46
Thùy Linh (ghi)
(GDVN) - Sau khi Báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết của tác giả Trần Hương Giang về bộ sách của GS.Hồ Ngọc Đại đến nay đã nhận được câu trả lời.

LTS: Bài viết “Cho con trẻ học sách của Giáo sư Hồ Ngọc Đại, tương lai của chúng ta sẽ ra sao?” của tác giả Trần Hương Giang đăng tải ngày 28/9/2015 trên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được sự đón nhận, ủng hộ của độc giả.

Đa số ý kiến bày tỏ sự đồng tình với ý kiến của tác giả Trần Hương Giang. Họ cũng kêu gọi ngành giáo dục cần lắng nghe các góp ý đó.

Để có ý kiến đa chiều, tòa soạn đã nhiều lần liên hệ với GS. Hồ Ngọc Đại, tuy nhiên ông không có phản hồi gì với ý kiến của tác giả Trần Hương Giang. 

Ngày 5/10/2015, tòa soạn bất ngờ nhận được ý kiến của nhóm các thầy cô giáo khối tiểu học, Trường Thực nghiệm – những thầy cô đã triển khai và trực tiếp giảng dạy theo mô hình công nghệ giáo dục, sử dụng bộ sách Tiếng Việt lớp 1 – chương trình Giáo dục công nghệ do GS.Hồ Ngọc Đại biên soạn.

Đến ngày 16/12, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam nhận được công văn số 1842/CV-NXBGDVN gửi từ Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam với tư cách là nhà xuất bản bộ sách Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục của GS.Hồ Ngọc Đại với nội dung nhằm trả lời ý kiến của tác giả Trần Hương Giang. 

Để rộng đường dư luận, Tòa soạn đăng tải nguyên văn công văn này.


Về môn Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục:

1. Quan điểm xây dựng bộ sách Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục

Học sinh lần đầu tiên đến trường, học là học Cách làm việc trí óc, thực hiện bước chuyển từ tư duy kinh nghiệm sang tư duy khoa học. Học vấn nhà trường hiện đại phải là học vấn khoa học hiện đại

Học vấn nhà trường phải có nguồn gốc từ VẬT THẬT và do CÁCH làm trên VẬT THẬT mang lại. Bằng hành động (thao tác) vật chất, trên đồ vật vật chất, tự mình làm ra sản phẩm giáo dục cho chính mình thì sẽ có một trí tuệ tin cậy và bền vững. 

Học vấn nhà trường hiện đại phải là thành tựu hiện đại của khoa học tương ứng, nhưng đã trở thành hàn lâm.

Tiếng Việt lớp Một dựa trên thành tựu nghiên cứu khoa học miêu tả cấu trúc âm vị học tiếng Việt của GS.TS.NGND. Đoàn Thiện Thuật, tổng kết quá trình nghiên cứu 300 năm của nhiều nhà ngôn ngữ học, và là nền tảng cho giải pháp khoa học của cuốn Tiếng Việt lớp Một Công nghệ giáo dục (Tiếng Việt 1 CGD). 

Đó là một số quan điểm xây dựng nên bộ sách Tiếng Việt 1 CGD. 


2.Tại sao không gọi học Tiếng Việt là học Chữ Việt?

Nguồn gốc của tiếng Việt là Tiếng, không phải là chữ. Tiếng là VẬT THẬT, còn Chữ chỉ là một VẬT THAY THẾ. Việc học phải xuất phát từ khái niệm ban đầu thì mới nắm được bản chất của khái niệm.

Xin nhắc lại, Đối tượng lĩnh hội của môn Tiếng Việt 1 CGD là Tiếng, cụ thể là Cấu trúc ngữ âm của Tiếng. Chữ Việt là sản phẩm phải được hình thành, làm ra khi học Tiếng Việt. 

3.Hình thành khái niệm Cấu trúc ngữ âm của Tiếng thì phải tạm thời tách khỏi Nghĩa (nói thêm)

Tiếng Việt là các âm thanh có thật trong đời. Nó mang nghĩa. Quan niệm cổ truyền, khi dạy tiếng Việt là luôn nhằm vào mục đích dạy chữ. Người ta thường gắn với hình ảnh cụ thể để nhớ mặt chữ. 

Ví dụ: chữ an được gắn với quả na, chữ ơ gắn với quả mơ, chữa o gắn với con gà gáy o, o. 

Nhìn vào hình ảnh-trẻ đọc được chữ. Phương pháp ghi nhớ như vậy được dựa trên quy luật tâm lý của sự liên tưởng: Gắn một cái mới với một cái đã biết, đã quen thuộc cho dễ nhớ. Tuy nhiên, việc dạy như vậy dễ dẫn tới dựa dẫm, học vẹt: Nếu che tranh đi, trẻ sẽ không đọc được đó là chữ gì. 

NXB Giáo dục trả lời "lo lắng cho tương lai" khi con trẻ học sách GS.Hồ Ngọc Đại ảnh 1

"Giáo viên và học trò vật lộn với sách của GS. Hồ Ngọc Đại, chóng mặt với VNEN"

(GDVN) - Ngoài bất cập về cơ sở vật chất, sách giáo khoa, đội ngũ thì bất cập về thiết bị dạy-học cũng đang gây không ít khó khăn để triển khai mô hình VNEN.

Trong giáo dục, thành công hay không là xác định đúng Đối tượng thuần khiết (Khái niệm cần chiếm lĩnh), gạt bỏ những gì bên ngoài đối tượng và chỉ tập trung vào các mối liên hệ bên trong đối tượng, quy định đối tượng đó mà thôi. 

Đối tượng của Tiếng Việt 1 CGD là Cấu trúc ngữ âm của Tiếng Việt 1 CGD không dùng phương pháp Liên tưởng để dạy học sinh. 

CGD sử dụng phương pháp Hình thành khái niệm. Để hình thành khái niệm, các từ (vật liệu) được chọn vẫn có nghĩa, nhưng trước mắt, tạm thời loại nghĩa ra để không cản trở tới việc hình thành Khái niệm Tiếng

Hình thành khái niệm Tiếng thì chỉ quan tâm đến mối quan hệ nội tại của Cấu trúc Tiếng, phục vụ cho việc hiểu bản chất của cấu trúc tiếng. 

Ngữ nghĩa của từ dễ là “vẩn đục” ngữa âm – đối tượng Tiếng, mà không “bắt” được đối tượng, không thể có Khái niệm. Mà không hình thành được Khái niệm thì không thể có Tư duy. Mà không có Tư duy thì học để làm gì? Tư duy mới là Năng lực cơ bản của việc HỌC. 

Những người theo phương pháp lấy chữ làm đích để dạy ngay từ ban đầu, lấy liên tưởng để ghi nhớ, lấy chủ đề, chủ điểm để khoanh vùng cái cần dạy sẽ không thể hiểu được phương pháp này. 

Họ bị nhầm lẫn đối tượng. Họ bắt học sinh đi vào một mê cung không biết cái cần học là gì và phương pháp nào đạt được hiệu quả đích thực của việc học


4. Đối tượng chiếm lĩnh của môn Tiếng Việt lớp Một là Tiếng


Tiếng là đối tượng lĩnh hội của môn Tiếng Việt 1 CGD. Tiếng là một khái niệm khoa học. 

Đã là khái niệm khoa học thì có cấu trúc. Một cấu trúc được xác định bởi các thành phần cấu thành và mối liên hệ giữa các thành phần ấy, quy định bởi vị trí và chức năng của mỗi thành phần trong cấu trúc ấy

Đối tượng lĩnh hội môn Tiếng Việt lớp Một là Cấu trúc ngữ âm của Tiếng. Âm là VẬT THẬT. Muốn chiếm lĩnh âm thì trước hết phải chiếm lĩnh một cách vật chất, bằng cơ bắp (phát âm, vỗ tay, lắng nghe…). Chiếm lĩnh ngữ âm tin cậy nhất là bằng phát âm. 

Chiếm lĩnh khái niệm Tiếng bắt đầu bằng cách phát âm chuẩn sẽ giúp học sinh ở các vùng miền khác nhau thống nhất được phát âm, hạn chế được phương ngữ (Ví dụ: kỷ luật-kỹ luật). 

Đối tượng chiếm lĩnh của Tiếng Việt lớp Một không phải là nghĩa, nhưng một số nghĩa của từ lại được quan tâm đặc biệt để hướng dẫn học sinh viết đúng chính tả (Ví dụ: dải đất – giải nhất; tranh giành – để dành). 

Xác định đối tượng chiếm lĩnh là Tiếng thì đừng vội vàng quan tâm đến Nghĩa. 

Chiếm lĩnh của Tiếng lẫn Nghĩa cùng một lúc sẽ làm rối đầu học sinh, rồi sẽ “Xôi hỏng, bỏng không”. Đó là nguyên tắc quan trọng trong giáo dục. 

5. Phương pháp chiếm lĩnh Tiếng Việt lớp Một: Phương pháp làm việc trí óc. 

Muốn chiếm lĩnh (hình thành, làm ra) khái niệm khoa học thì nhất thiết phải có hành động trí có, thực thi các thao tác trí óc. 


Việc 1: Chiếm lĩnh đối tượng

Chữ Việt là chữ ghi âm, nghe thế nào, viết thế ấy. Cách chiếm lĩnh đối tượng là phân giải Tiếng (phân tích, đập vỡ, tách ra,…) thành các đơn vị nhỏ nhất là âm vị. Mỗi âm vị ghi bằng một chữ cái. 

Việc 2: Viết

Về nguyên tắc, mỗi âm vị thay thế bằng một chữ cái, nhưng trong thực tiễn, quan hệ âm/chữ không đơn giản như vậy. Một âm vị có thể ghi bằng 1, 2, 3, 4 chữ cái. Quy ước này đã có từ lâu ta nên vui vẻ tuân theo. Ví dụ:

Một âm /a/ tương ứng với một chữ cái: a

Một âm /gờ/ tương ứng với 2 chữ cái: g, gh

Một âm /cờ/ tương ứng với 3 chữ cái: c, k, q

Một âm /iê/ tương ứng với 4 chữ cái: iê, yê, ia, ya

Toàn bộ hàng ngàn vạn Tiếng tiếng Việt chỉ có một số hữu hạn các âm vị. Tiếng Việt có 37 âm vị, được ghi thành 47 chữ cái: 

- 14 nguyên âm, ghi bằng 20 chữ cái: a ă â e ê i (y) o ô ơ u ư iê (yê, ia, ya) uô (ua) ươ (ưa)

- 23 phụ âm ghi bằng 27 chữ cái: b c (k,q) ch d đ g (gh) gi h kh l m n
ng (ngh) nh p ph r s t th tr v x

Việc 3: Đọc

Đọc là thao tác “ngược” với thao tác viết: từ chữ trở về âm. 

Đọc trơn chữ ghi tiếng thanh ngang là cơ sở để đọc trơn chữ có các thanh khác. 

Việc đọc ngay từ đầu phải đi qua bốn mức độ âm thanh: To, nhỏ, nhẩm, thầm. 

Mỗi việc làm sau đều sử sụng sản phẩm của việc làm trước, bằng CÁCH đó mà ôn tập, củng cố, kiểm tra, đánh giá những việc đã làm. Ví dụ: 

Muốn đánh vần chữ huyến, trước hết phải đánh vần được chữ huyên rồi sau đó thêm vào dấu sắc (/huyên/-/sắc/-/huyến/). CÁCH làm này huấn luyện học sinh tư duy theo logic nội tại của sự vật. 

Việc 4: Viết chính tả

Viết chính tả là cơ hội để tổng luyện và kiểm tra, đánh giá các việc 1, việc 2, việc 3. 

Tóm lại: 

Thiết kế theo Quy trình bốn việc:

1.Chiếm lĩnh Đối tượng (VẬT THẬT)

2.Tìm cho nó VẬT THAY THẾ.

3.Trở về VẬT THẬT (đọc).

4.Tổng kiểm tra cả 3 việc trên, để chắc chắn có thật sản phẩm đích đáng, tức là có thêm giá trị mới, tạo ra năng lực mới. 

Sự rạch ròi của Quy trình 4 việc đảm bảo cho học sinh có được học vấn vững chắc, một trí tuệ sáng suốt, làm “cơ sở vật chất” cho lối sống trung thực, đàng hoàng. 

6.Học một biết mười (nói thêm về phương pháp)

Mỗi Mẫu được coi là CHẤT LIỆU được hình thành trên một VẬT LIỆU. Ví dụ mẫu có âm đầy và âm chính được hình thành trên vật liệu “ba”. 

Không được nhầm lẫn giữa Vật liệu và Chất liệu. 

Tất cả chỉ có 5 Mẫu (5 Chất liệu): ba – oa – an – oan – iê

Nhưng vật liệu để thay thế thì có vô vàn. 

Để củng cố chất liệu thì thay vật liệu. 

Ví dụ, với mô hình mẫu: 

 b

Học sinh học các âm vị còn lại, mỗi lần chỉ thay một thành phần của Mẫu. 
- Thay b bằng các phụ âm như c/ ch / d / đ…

- Thay a bằng các nguyên âm khác. Gặp nguyên âm e (ê, i) thì gặp luật chính tả:

Ví dụ: Âm /cờ/ đứng trước nguyên âm /e/ phải viết bằng con chữ ca (k). Một âm /cờ/ ghi bằng hai chữ c/k: ca/ ke. 

NXB Giáo dục trả lời "lo lắng cho tương lai" khi con trẻ học sách GS.Hồ Ngọc Đại ảnh 2

Học chữ mà không cần hiểu, khác nào ăn mà không cần hấp thụ?

(GDVN) - “Tách nghĩa khỏi âm” theo tôi hiểu là phát âm mà không cần biết nghĩa thì có khác nào ăn mà không hấp thu được?.

Tiết nào có Luật chính tả thì hãy chú ý đến sự xuất hiện của nó, hoặc gặp lại nó. Cứ tự nhiên như thế thôi. 

Học CÁCH học này, Học sinh thực hiện ước mơ muôn đời: Học một biết mười.
 
Học một Mẫu ba (2 âm vị b/a) thì sẽ biết thêm 35 âm vị. Cả 37 âm vị ấy có cùng CHẤT LIỆU âm vị, phần khác nhau thì ghi bằng 47 chữ cái. Sau này, với Mẫu an, học 1 biết 10, thì 150 ấy có cùng một CHẤT LIỆU: vần có âm cuối. Sau đó, còn biết thêm nhiều vần có đủ âm đệm – âm chính – âm cuối. 

 Khi viết thì căn cứ vào âm, nhưng viết đúng chính tả có khi còn phải tùy thuộc vào nghĩa. Các địa phương có thể nói khác nhau (phương ngữ), nhưng khi viết thì phải thống nhất về chính tả. 

bộ sách Tiếng Việt 1 CGD đã thành công khi giúp học sinh phát âm theo một chuẩn, nắm chắc luật chính tả, phát triển tư duy ngôn ngữ, tư duy phân tích và phê phán. 

7. Dùng vật liệu ngôn ngữ phản ảnh cuộc đời thực

Tiếng Việt phản ánh cuộc đời thực. Vật liệu ngôn ngữ ở đây là Từ dùng trong cuộc sống thực, chứ không phải là trong sách vở. 

Tiếng Việt 1 CGD đưa vào những từ có vần phù hợp với từng giai đoạn chiếm lĩnh tri thức của học sinh. 

Từ vựng trong Tiếng Việt 1 CGD được chọn lọc, thông dụng, không giáo điều, rất sống động và không thô tục. Trẻ vẫn thường gặp những từ như vậy trong cuộc sống. Tại sao ta lẩn tránh và coi nó là xấu?

Đưa vào sách các thành ngữ, tục ngữ, các câu chuyện cổ tích trung thực như nó vốn có – di sản văn hóa của dân tộc, tài sản trí tuệ của nhân dân – phù hợp với những vần học của học sinh qua từng bài, giúp trẻ quen dần với các giá trị văn hóa lâu đời này, từ từ thấm vào trẻ, mặc dù trẻ chưa cần phải hiểu ngay và chưa thể hiểu biết. 

Giáo dục lòng yêu nước được xuyên suốt toàn bộ bộ sách. Tinh ý ra thì sẽ thấy cả lịch sử bảo vệ tổ quốc, giữ gìn độc lập dân tộc, non sông gấm vóc của người Việt Nam trong đó!

8. Dùng nhiều từ địa phương nhưng kỳ vọng thống nhất phát âm trên cả nước

Từ được dùng trong sách rất sống động, được sử dụng phổ biến, rất phổ thông. Trẻ em các vùng miền khác nhau khi học cuốn này sẽ cảm thấy có mình trong đó, không xa lạ, không khó hiểu, không sách vở. Tuy nhiên, với các học theo CGD, kiên trì luyện phát âm sẽ dần dần lái phương ngữ theo một hướng phát âm chuẩn. 

Thực tế, phát âm chuẩn từng âm vị là việc có thể làm được đối với trẻ em ở các vùng miền khác nhau của đất nước. 

GS. Hồ Ngọc Đại không chủ trương dạy phương ngữ, nhưng ông rất tôn trọng từ ngữ của từng địa phương và muốn giới thiệu nó với học sinh ở mọi vùng miền để các em không bị ngỡ ngàng trong cuộc sống, khi gặp phải các tình huống người địa phương sử dụng phương ngữ mà không hiểu, và để trân trọng tiếng địa phương khác như của địa phương mình. 

Ông dùng Môn Tiếng Việt lớp Một để luyện âm và dùng luật chính tả để viết chữ ghi âm. Thực chất, ông chủ trương thống nhất ngữ âm trên toàn quốc với sự sử dụng kiên trì cách phát âm chuẩn từng âm, cách đi từ âm đến chữ thế nào. 

Ông viết: “Mỗi tiết học là một cơ hội luyện phát âm. Kiên trì luyện phát âm chuẩn từng âm trong hàng chục năm, thậm chí cả trăm năm, thì có thể làm nhòa đi phương ngữ, thống nhất ngữ âm”(Tài liệu tập huấn giáo viên dạy Tiếng Việt, NXBGDVN, trang 42). 

9. Kết quả triển khai Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục trên toàn quốc

Đến năm học 2015-2016, Tiếng Việt 1 CGD được triển khai tại 47 tỉnh thành trên cả nước với gần 600 nghìn học sinh kể cả ở vùng sâu, vùng xa. Hiệu quả của việc học Tiếng Việt 1 Công nghệ giáo dục rất tốt. 

Cuối lớp 1, học sinh đọc thông, viết thạo và không tái mù sau kì nghỉ hè. Hơn nữa, theo chuẩn của chương trình đại trà, hết lớp 1, học sinh đọc 30 tiếng/1 phút, tập chép 30 tiếng/15 phút, nhưng theo kết quả nghiên cứu hằng năm của Trung tâm CGD, học sinh lớp 1 học theo chương trình Công nghệ giáo dục đọc tối thiểu 40 tiếng/phút, viết chính tả (không phải tập chép) 40 tiếng/15 phút. 

Ngoài ra, một loạt các “sản phẩm đi kèm” khi dạy và học môn Tiếng Việt lớp 1 Công nghệ giáo dục được ghi nhận như giáo viên thực sự được đổi mới phương pháp dạy học, học sinh được học thông qua việc làm của bản thân mình, tự tin hơn, đàng hoàng hơn, có kỷ luật hơn, và tư duy ngôn ngữ, tư duy lôgic phát triển vì hiểu được quy luật cấu âm của ngôn ngữ tiếng Việt và quy tắc viết chính tả tiếng Việt. 

Thùy Linh (ghi)