Ở đây chúng tôi không có khái niệm về ngày 20/11

17/11/2019 07:55
Phan Tuyết
(GDVN) - Nếu không bằng tình yêu thương bao la với những đứa trẻ khuyết tật thì có lẽ chẳng ai lại tự chuốc những vất vả, nhọc nhằn vào mình như thế.

Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương nhưng không đi dạy ở các trường công lập như nhiều giáo viên khác, cô Đặng Thị Thúy Phượng đã chọn cho mình con đường đi gian nan, vất vả hơn đó là việc dạy và giáo dục những trẻ em khiếm thị ánh sáng.

Cô Đặng Thị Thúy Phượng Giám đốc Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng và các em học sinh (Ảnh trung tâm cung cấp)
Cô Đặng Thị Thúy Phượng Giám đốc Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng và các em học sinh (Ảnh trung tâm cung cấp)

Sau bao năm chăm lo cho những học sinh bị thiệt thòi hơn nhiều bạn cùng trang lứa, đến nay cô Phượng đã là giám đốc Trung tâm Bảo trợ khiếm thị Ánh Sáng tại thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận.

Hết lòng vì sự tiến bộ của các em

Trung tâm hiện có 30 em đến từ nhiều vùng miền trong cả nước. Em nhỏ nhất 4 tuổi, lớn nhất 25 tuổi.

Các em được dạy kèm học văn hóa tại trung tâm (Ảnh trung tâm cung cấp)
Các em được dạy kèm học văn hóa tại trung tâm (Ảnh trung tâm cung cấp)

Mỗi đứa trẻ có một hoàn cảnh khác nhau. Em mồ côi cả cha lẫn mẹ, em có mẹ mất cha, em có cha thì không còn mẹ. Gia đình những học sinh này phần lớn là khó khăn, thiếu thốn trăm bề.

Các em trong trung tâm được dạy nghề (Ảnh trung tâm cung cấp)
Các em trong trung tâm được dạy nghề (Ảnh trung tâm cung cấp)

Với phương châm giúp các em hòa nhập tốt với cộng đồng và lớn lên tự nuôi sống bản thân mình. Bởi thế, các em không chỉ được các cô dạy giáo dục hòa nhập còn chú trọng nhiều về giáo dục chuyên biệt.

Như việc được học tất cả các môn văn hóa ở trường học. Tối và một số ngày nghỉ, các em còn được nhiều thầy cô giáo về hưu quanh vùng bỏ công kèm dạy thêm văn hóa, tiếng Anh, học võ...

Các em đạt giải học sinh giỏi (Ảnh trung tâm cung cấp)
Các em đạt giải học sinh giỏi (Ảnh trung tâm cung cấp)

Ngoài ra, các cô nơi trung tâm sẽ dạy riêng cho học sinh khiếm thị về ký tự, định hướng di chuyển, kỹ năng tự phục vụ bản thân. Ngoài ra dạy nghề như làm móc khóa, làm chổi, đánh đàn, thể thao, mát xa, bấm huyệt….

Nhìn những đứa trẻ tự do di chuyển trong trung tâm, các em đùa giỡn, vui đùa với nhau và tự phục vụ mình trong tất thảy mọi việc mới thấm những công lao dạy dỗ, dìu dắt của các cô đối với các em đến thế nào.

Không chỉ lo việc học hành, nỗi lo nặng nhất vẫn là chuyện cơm áo gạo tiền hằng ngày. Để lo cho 30 em ngày hai buổi đến trường học hòa nhập chỉ tính riêng tiền xe đưa đi đón về và một số chi phí khác đã hơn 10 triệu đồng/tháng.

Ở đây chúng tôi không có khái niệm về ngày 20/11 ảnh 5
Lo các em không được học hành tử tế lại tiếp tục nghèo đói!

Tiền ăn ở, tiền sinh hoạt, tiền học phí, giấy bút, tiền thuốc thang khi bệnh hoạn…không biết bao nhiêu cho đủ.

Được biết trong 30 em chỉ có khoảng 7 em là gia đình ít khó khăn hơn nên hàng tháng có phụ giúp cho trung tâm một số tiền gọi là chi phí sinh hoạt.

Còn lại hơn 20 em gia đình khó khăn hoặc không có gia đình trung tâm phải lo toàn bộ.

Do không có nhà tài trợ cố định mà nguồn trợ giúp tự phát của một số hội từ thiện, một số Mạnh Thường Quân nên cũng khá bấp bênh.

Nếu không bằng tình yêu thương bao la với những đứa trẻ khuyết tật thì có lẽ chẳng ai lại tự chuốc những vất vả, nhọc nhằn vào mình như thế.

Không có khái niệm ngày 20/11

Khi nghe chúng tôi hỏi về ngày 20/11, cô Phượng cười nói rằng các cô nơi trung tâm không có khái niệm về ngày này.

Nhưng đám trẻ lại luôn biết bày tỏ tình cảm cho các cô vui. Cứ đến đêm ngày 19/11, các em trong trung tâm tập trung lại và đi đến từng phòng nói lời chúc các cô mạnh khỏe. Sau đó, các em hát những bài hát về thầy cô thật hay để tặng.

Lúc này, cô trò nhìn nhau vui cười và rất cảm động.

Cô Phượng cười và cho biết tiếp: “Thế là vui, là hạnh phúc rồi. Chúng tôi cũng chỉ mong cho các em học hành tiến bộ sau này đủ sức bươn chải trong xã hội để tự nuôi sống mình vậy là mọi mong ước đã thành công".

Phan Tuyết