Phụ huynh ở Sài Gòn muốn đón con quay lại Thành phố cần thủ tục gì?

05/10/2021 06:39
Phan Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nhiều phụ huynh ở Thành phố Hồ Chí Minh mong ngóng từng ngày được được đón con ở quê lên thành phố, chuẩn bị cho việc đi học.

Nghỉ hè, nhiều gia đình tại Thành phố Hồ Chí Minh đã cho con trẻ về quê với ông bà một vài tuần, để các con vui chơi, thay đổi không khí trước khi năm học mới bắt đầu.

Tuy nhiên, năm nay, do dịch Covid-19 tại thành phố diễn biến phức tạp, kéo dài, nên nhiều phụ huynh đã không kịp đón con trở lại cùng gia đình, phải học trực tuyến ở quê khi bước vào năm học mới.

Lo lắng khi con ở quê dài ngày

Lo lắng con ở quê lâu ngày sẽ bị ảnh hưởng bởi tâm lý, học trực tuyến sẽ không có sự nhắc nhở, kèm cặp của ba mẹ sẽ không hiệu quả…nhiều phụ huynh đã mong mỏi thành phố sẽ tạo điều kiện cho họ đón con về với gia đình, nhất là khi thành phố đã nới lỏng giãn cách, tính đến phương án đi học trong thời gian sắp tới.

Chị Nguyễn Thu Dịu (nhà ở thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh) có hai con trai hiện đang học trực tuyến ở thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cùng với ông bà từ trong dịp hè tới nay.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, chị Thu Dịu chia sẻ: Vợ chồng chị mong sớm đón con quay trở lại thành phố, về nhà để gia đình kèm cặp, chăm sóc cho con.

Con của chị Thu Dịu học trực tuyến tại thành phố Vũng Tàu (ảnh: NVCC)

Con của chị Thu Dịu học trực tuyến tại thành phố Vũng Tàu (ảnh: NVCC)

Chị Dịu giải thích rằng, do ông bà đã lớn tuổi, không rành về công nghệ và không kèm cặp cháu học được, nên hai con của chị phải qua nhà cô chú để học.

Đối với bé lớp 5, cứ sau mỗi buổi học thì chị Dịu phải gọi điện nhắc nhở con làm bài tập để nộp cho cô. Còn bé lớp 2 thì chị phải gọi zalo hướng dẫn cho con gần 2 tiếng mỗi ngày.

Theo chị Dịu thì việc xa con mấy tháng liền cũng ít nhiều làm ảnh hưởng đến tâm lý của trẻ. Mỗi lần gọi điện thì lúc nào các con cũng hỏi: “Khi nào ba mẹ đón con? Khi nào con được về nhà?”

Chị Dịu chỉ biết động viên con: “Sắp rồi con nhé. Ba mẹ sẽ đón con sớm”.

Theo hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, hiện chị Nguyễn Thu Dịu đã làm đơn, xin được về tỉnh để đón con và đang chờ phản hồi.

Cũng tương tự như vậy, chị Nguyễn Dương (nhà ở thành phố Thủ Đức) có con hiện đang học lớp 12 của trường trung học phổ thông Tam Phú (thành phố Thủ Đức) cũng ở quê với ông bà tại Tiền Giang từ hồi tháng 5 tới nay. Em cũng phải học trực tuyến ở quê.

Hiện chị Dương đã làm đơn, xin công ty mình đang công tác đóng dấu xác nhận để gửi cho Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh theo hướng dẫn, xin đón con về trong thời gian sớm nhất, để chuẩn bị cho việc quay trở lại học trực tiếp.

Phụ huynh muốn đón con ở quê cần làm đơn theo mẫu

Ngay sau khi Thành phố Hồ Chí Minh công bố nới lỏng giãn cách, Sở Giao thông Vận tải thành phố đã có hướng dẫn về việc tổ chức giao thông từ thành phố đi các tỉnh và ngược lại.

Theo đó, phụ huynh có nhu cầu về các tỉnh đón con lên trở lại thành phố, cần làm đơn theo mẫu có sẵn, gửi đề nghị về Sở (sgtvt@tphcm.gov.vn) nêu hoàn cảnh, thời gian, phương tiện, số lượng người kèm theo bản chụp giấy tờ tùy thân, giấy tờ liên quan và chứng minh.

Mẫu đơn đón người thân ở tỉnh về do ngành giao thông đưa ra (ảnh: Sở GTVT)

Mẫu đơn đón người thân ở tỉnh về do ngành giao thông đưa ra (ảnh: Sở GTVT)

Người điều khiển phương tiện và người đi cùng phải đáp ứng đủ các yêu cầu: Tuân thủ nguyên tắc 5K, đã khỏi Covid-19 dưới 6 tháng hoặc tiêm vắc xin ít nhất 1 mũi với loại yêu cầu cần 2 mũi vắc xin, và sau 14 ngày, có kết quả xét nghiệm âm tính còn hiệu lực.

Người dân sẽ được giải quyết yêu cầu trong vòng 48h. Khi được chấp thuận, phụ huynh cần in công văn trả lời của Sở ra, hoặc lưu bản điện tử trên thiết bị điện thoại di động khi đi trên đường để tiện cho việc kiểm tra.

Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Thành phố Hồ Chí Minh – ông Bùi Hòa An cho biết, chỉ trong vòng hơn 2 ngày qua, Sở này đã nhận được gần 7.000 đơn đề nghị đi các tỉnh để đón người thân, con cái quay trở lại thành phố.

Hiện Sở đã giai quyết, phản hồi cho gần 2.600 đơn bằng cách làm thủ công, chứ chưa chuẩn bị kịp về công nghệ.

Phan Nga