Phương pháp dạy Văn mới lạ và “kỳ tích” của những “kẻ ngoại đạo”

25/03/2021 11:24
Minh Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Từ những học sinh coi môn Ngữ Văn là “nỗi ám ảnh”, nhiều học sinh đã đạt được điểm giỏi nhờ vào những “bí kíp” của cô giáo dạy Văn - Thanh Hoài Thanh.

Hiện nay, các trung tâm, lớp luyện Văn ở Hà Nội được ví như “ma trận”. Tuy nhiên, việc các bậc phụ huynh và học sinh tìm được một lớp dạy Văn uy tín, khiến các em có thể “lột xác”, chinh phục được điểm cao trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông Quốc gia không phải chuyện dễ.

Không chỉ là cô giáo, cô Thanh luôn nỗ lực, cố gắng để làm bạn với các em. Nhiều học sinh cho biết, vào thời điểm cận kề ngày thi, cô Thanh 24/24h luôn sẵn sàng hỗ trợ học sinh.Không chỉ là cô giáo, cô Thanh luôn nỗ lực, cố gắng để làm bạn với các em. Nhiều học sinh cho biết, vào thời điểm cận kề ngày thi, cô Thanh 24/24h luôn sẵn sàng hỗ trợ học sinh.

“Kỳ tích” của những “kẻ ngoại đạo”

Môn Ngữ văn với những người có thiên hướng khối A là nỗi sợ hãi. Tuy nhiên, nếu chọn được thầy cô tâm huyết, có phương pháp giảng dạy khoa học lôi cuốn được học sinh thì điều gì cũng có thể.

Câu chuyện của Nguyễn Xuân Thanh – hiện đang là sinh viên năm thứ nhất Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ truyền cảm hứng cho các bạn thí sinh chuẩn bị bước vào kỳ thi quan trọng bậc nhất trong cuộc đời học sinh.

Xuân Thanh kể lại, lúc nhận điểm thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Thanh không dám tin vào mắt mình. Từ một học sinh coi môn Ngữ văn là nỗi “ám ảnh”, Thanh được 9,25 điểm môn Ngữ văn trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020 trong sự ngỡ ngàng của gia đình. Chỉ có Thanh mới biết, điều gì giúp mình vượt vũ môn môn Ngữ văn ngoạn mục như thế.

Cánh cửa khoa Kinh tế Quốc tế - Đại học Kinh tế Quốc dân mở ra với Thanh vô cùng thênh thang.

Thanh vốn là “kẻ ngoại đạo” đối với môn Văn. Trước đây, cậu theo học khối A và sau đó tập trung vào 3 môn: Toán học, Vật Lý, Tiếng Anh. Vì rất ghét môn Ngữ Văn nên từ khi học lớp 10, cậu đã tránh các khối thi có môn học này. “Cơ bản em học Toán và Tiếng Anh khá tốt và việc chọn môn Vật lý theo em cũng dễ học hơn môn Văn”, Thanh tâm sự.

Tuy nhiên, dù đã cố gắng và tham gia nhiều lớp học bên ngoài nhưng kết quả học tập môn Vật lý của Xuân Thanh khó có thể đạt ngưỡng an toàn để vào Đại học. Vì thế, đầu năm lớp 12, để rộng đường hơn vào cánh cửa đại học, Xuân Thanh chuyển hướng sang học Khối D (Toán học, Ngữ Văn và Tiếng Anh).

Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ hành trình từ ám ảnh đến yêu thích môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Nguyễn Xuân Thanh chia sẻ hành trình từ ám ảnh đến yêu thích môn Ngữ văn. Ảnh: NVCC

Vào tháng 4/2020, qua lời giới thiệu của bạn bè, Xuân Thanh theo học lớp dạy Văn của cô giáo Thanh Hoài Thanh. Vốn ám ảnh với môn Văn, những buổi đầu, cậu không nhập tâm được vào bài giảng.

“Có lẽ nhận thấy sự thiếu tập trung của em, trong lúc lên lớp, cô Hoài Thanh vừa nhắc nhở rất nghiêm khắc, vừa pha cả những câu chuyên trêu đùa làm giảm áp lực. Sau mấy buổi như vậy, em cảm thấy có hứng thú hơn với mỗi giờ Văn và hứng thú với cách giảng dạy của cô giáo. Cứ thế, kiến thức ngấm vào em từ sự hứng thú đó. Lâu dần, em cảm thấy môn Văn vô cùng thú vị, nó không hề nhạt nhẽo như những gì “ám thị” mình trước đó”, Xuân Thanh nói.

Vào học sau, xuất phát điểm thấp hơn các bạn cùng lớp nên Thanh luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để theo kịp các bạn. Ngày nhận điểm thi, Thanh hiểu rằng, điểm số và thành tích của mình một phần do sự nỗ lực của bản thân và phần còn lại nhờ vào phương pháp học mà cô giáo Hoài Thanh hướng dẫn thời gian học ở đây. Thanh coi việc học môn Văn của mình như “chuyện cổ tích giữa đời thường”.

Nguyễn Minh An. Ảnh: NVCC

Nguyễn Minh An. Ảnh: NVCC

Không chỉ Xuân Thanh mà nhờ phương pháp giảng dạy khoa học, tâm huyết của cô Hoài Thanh, Nguyễn Minh An – hiện đang theo học ngành Quản trị nhân lực, Viện Công nghệ Hoàng gia Melbourne – RMIT cũng đã có điểm Văn đáng tự hào trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020.

Được biết, trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2020, Minh An đạt 8,5 điểm môn Ngữ Văn.

Minh An tâm sự, em xác định ôn khối B làm bác sĩ nối nghề theo bố từ khi còn học Trung học cơ sở nên gần như không để ý môn Ngữ Văn. Khi đó, đi thi em nhớ gì viết đó, điểm chỉ được dưới 5. Ngày đầu theo lớp, An như lạc vào mê cung bởi mọi thứ gần như mới hoàn toàn. Sau 2-3 buổi, An bắt đầu hiểu và thích nghi với cách giảng dạy của cô Thanh.

“Cô Thanh dạy logic, dễ hiểu, ví dụ liên tưởng ấn tượng. Cả lớp luôn bị cuốn vào bài giảng của cô”, Minh An chia sẻ.

Bí kíp nào khiến học sinh “lột xác”?

Cô Thanh chia sẻ, bí kíp giúp nhiều học sinh “lột xác” được gói gọn trong câu: “Văn là đời”.

Cô Thanh giải thích, đối với môn Văn, nếu đặt nó ở một vị trí “cao siêu” nào đó thì học sinh sẽ rất khó tiếp thu bài giảng. Điều này dẫn đến việc học và truyền tải kiến thức rất trừu tượng, mông lung, khó hiểu. Tuy nhiên, khi đưa Văn vào cuộc sống, hướng dẫn các em gắn nó vào những câu chuyện có thực đời sống, những sự việc cụ thể thì lại rất dễ hiểu, rất dễ thấu cảm.

Vì thế, phương pháp giảng dạy của cô Hoài Thanh là luôn có ví dụ cụ thể, chân thực, đời thường để học sinh của mình có thể liên tưởng đến và so sánh. Như vậy, kiến thức của các em là kiến thức dạng tư duy chứ không phải học thuộc lòng.

“Chỉ khi các em hiểu, thấu cảm thì các em mới có thể dễ dàng nằm lòng được kiến thức. Để làm được điều đó, người dạy môn Văn ngoài kiến thức về Văn học, các tác phẩm còn phải có kiến thức sâu về xã hội, phải là người có nhiều trải nghiệm. Thậm chí, nhiều khi thầy cô còn phải đặt mình vào vị trí, độ tuổi của các em để có cách nhìn, cách giảng dạy cho phù hợp”, cô Hoài Thanh nói.

Trước đó, khi nói chuyện với chúng tôi, Xuân Thanh cũng nói rằng, cách dạy của cô Hoài Thanh rất khác biệt so với những thầy cô mà em đã từng học. Đó là những gì cô giảng trên lớp luôn đi kèm với những ví dụ minh họa, lồng ghép những câu chuyện rất thông minh vào bài giải. Khi học cô Thanh, học sinh không chỉ học được kiến thức Văn học mà còn được trau dồi kiến thức sống.

Ngoài ra, những câu chuyện mà cô chia sẻ đều chứa đựng động lực thôi thúc học trò của mình cố gắng phát huy hết khả năng. Học ở đây, học sinh được tự do thể hiện cá tính, được sống bằng cảm xúc thật, được nói dù quan điểm đó đúng hay sai.

“Hứng thú nhất là làm những bài nghị luận. Cô giúp chúng em đưa ra ý kiến, góc nhìn của mình về các vấn đề trong xã hội. Chúng em có được tư duy phản biện một cách logic. Nhờ đó, bài viết của chúng em mượt mà, trôi chảy và có cả những cảm xúc chân thật”, Xuân Thanh nói.

Còn Minh An, điều mà những học sinh luôn khâm phục cô Hoài Thanh là dù 12 giờ đêm, 2 giờ sáng, hễ học sinh “inbox” hỏi bài, cô Thanh đều trả lời. Thời điểm sát ngày thi, nhiều học sinh đến tận nhà cô Thanh để học nhóm. Và thời điểm đó, cô giáo Hoài Thanh lại 24/24 cùng ăn, cùng học với học trò.

Được biết, cô giáo Hoài Thanh được các học sinh gọi với cái tên Thanh Hoài Thanh. Cô từng là giáo viên dạy môn Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Chu Văn An, Hà Nội. Các học sinh từng theo học Văn cô Thanh còn lập cả Cộng đồng THT (viết tắt của Thanh Hoài Thanh) để thường xuyên trao đổi, cập nhật về việc học tập và cuộc sống.

Minh Anh