Quảng Ninh nên tìm Hiệu trưởng mới, đừng để Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm

30/05/2020 06:26
Hồng Thủy
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Nguyễn Văn Thắng hoàn toàn có thể đóng góp thúc đẩy Trường đại học Hạ Long phát triển bằng khơi thông cơ chế theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Ngày 18/5/2020, Phó chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh ông Đặng Huy Hậu thay Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nguyễn Văn Thắng ký Quyết định số 1588/QĐ-UBND, công nhận ông Nguyễn Văn Thắng - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh kiêm nhiệm giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long. [1]

Ở bài viết trước, chúng tôi đã phân tích cách làm của Quảng Ninh trong việc kiện toàn nhân sự Hiệu trưởng Trường đại học Hạ Long có thể làm hỏng vai trò của Hội đồng trường mà Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban chấp hành Trung ương đã chỉ ra, là cơ quan thực quyền cao nhất trường đại học, và được Quốc hội thể chế hóa trong Luật số 34/2018/QH14.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng (bên phải) trong một buổi tiếp đại diện tập đoàn TLC (Trung Quốc), ảnh: quangninh.gov.vn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng (bên phải) trong một buổi tiếp đại diện tập đoàn TLC (Trung Quốc), ảnh: quangninh.gov.vn.

Trong bài viết này, chúng tôi tiếp tục phân tích các khía cạnh pháp lý xung đột lợi ích khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm nhiệm Hiệu trưởng một trường đại học trực thuộc tỉnh, ngõ hầu có thêm góc nhìn đa chiều, góp ý với Quảng Ninh cũng như các tỉnh thành có đại học địa phương, trong việc thực hiện đúng chủ trương đường lối, nghị quyết của Đảng và pháp luật Nhà nước.

Vai trò và thẩm quyền luật định của Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh đối với 1 trường đại học trực thuộc

- Về quản lý nhà nước, Nghị định số 127/2018/NĐ-CP quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục, quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền:

Quyết định thành lập hội đồng trường, công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm Chủ tịch hội đồng trường, bổ sung, thay thế thành viên Hội đồng trường;

Công nhận, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, khen thưởng, kỷ luật đối với hiệu trưởng, phó hiệu trưởng trường trung cấp sư phạm, trường cao đẳng sư phạm, trường bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục tỉnh, trường đại học công lập trực thuộc tỉnh theo tiêu chuẩn chức danh và thủ tục do pháp luật quy định.

- Về lĩnh vực đầu tư công, Nghị định số 40/2020/NĐ-CP quy định thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp đối với chương trình, dự án thuộc cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập do địa phương quản lý:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư:

Chương trình, dự án nhóm A, B, C của cơ quan nhà nước thuộc cấp mình quản lý; chương trình, dự án nhóm A của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc tự đảm bảo chi thường xuyên;

Chương trình, dự án nhóm A, B của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc khác, trừ các đơn vị được quy định tại điểm b, c khoản này;

Đối với chương trình, dự án do Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định đầu tư:

Căn cứ chủ trương đầu tư đã được cấp có thẩm quyền quyết định, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp giao chủ đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án; thành lập Hội đồng thẩm định hoặc giao đơn vị có chức năng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án;

Chủ đầu tư căn cứ ý kiến thẩm định, hoàn thiện báo cáo nghiên cứu khả thi chương trình, dự án, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp xem xét, quyết định đầu tư chương trình, dự án;

- Đối với dự án đầu tư có sử dụng đất, Nghị định số 25/2020/NĐ-CP quy định Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm:

a) Phê duyệt danh mục dự án đầu tư có sử dụng đất;

b) Phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư, kết quả lựa chọn nhà đầu tư;

c) Phê duyệt hồ sơ mời sơ tuyển, kết quả sơ tuyển, hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu, danh sách nhà đầu tư đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật, danh sách xếp hạng nhà đầu tư hoặc ủy quyền cho người đứng đầu cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt;

- Về mặt ngân sách nhà nước, Luật Ngân sách nhà nước số 83/2015/QH13 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân các cấp:

Lập dự toán ngân sách địa phương, phương án phân bổ ngân sách cấp mình theo các nội dung quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 30 của Luật này; dự toán điều chỉnh ngân sách địa phương trong trường hợp cần thiết, trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định và báo cáo cơ quan hành chính nhà nước, cơ quan tài chính cấp trên trực tiếp.

Căn cứ vào nghị quyết của Hội đồng nhân dân cùng cấp, quyết định giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho từng cơ quan, đơn vị trực thuộc; nhiệm vụ thu, chi, mức bổ sung cho ngân sách cấp dưới và tỷ lệ phần trăm (%) phân chia giữa các cấp ngân sách ở địa phương đối với các khoản thu phân chia...

Nghị định số 163/2016/NĐ-CP quy định thẩm quyền quyết định sử dụng quỹ dự trữ tài chính, quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc ủy quyền cho giám đốc Sở Tài chính làm chủ tài khoản.

Chủ tịch tỉnh kiêm Hiệu trưởng dẫn đến cơ chế vừa đá bóng, vừa thổi còi

Luật số 34/2018/QH14 quy định Nhiệm vụ và quyền hạn của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học như sau:

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thăm khu đô thị Chạp Khê (Uông Bí) phục vụ cho định hướng phát triển Trường đại học Hạ Long giai đoạn tới (tháng 8/2019). Ảnh: Thu Chung / quangninh.gov.vn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ thăm khu đô thị Chạp Khê (Uông Bí) phục vụ cho định hướng phát triển Trường đại học Hạ Long giai đoạn tới (tháng 8/2019). Ảnh: Thu Chung / quangninh.gov.vn.

a) Là người đại diện theo pháp luật và là chủ tài khoản của cơ sở giáo dục đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có quy định khác;

b) Tổ chức thực hiện hoạt động chuyên môn, học thuật, tổ chức, nhân sự, tài chính, tài sản, hợp tác trong nước, quốc tế, hoạt động khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học;

c) Trình văn bản thuộc thẩm quyền ban hành của hội đồng trường, hội đồng đại học sau khi tổ chức lấy ý kiến của tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan trong cơ sở giáo dục đại học; ban hành quy định khác của cơ sở giáo dục đại học theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

d) Đề xuất hội đồng trường, hội đồng đại học xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý thuộc thẩm quyền của hội đồng trường, hội đồng đại học; thực hiện bổ nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm chức danh quản lý khác của cơ sở giáo dục đại học, quyết định dự án đầu tư theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

đ) Hằng năm, báo cáo trước hội đồng trường, hội đồng đại học về kết quả thực hiện nhiệm vụ của hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học và ban giám hiệu, tài chính, tài sản của cơ sở giáo dục đại học; thực hiện công khai, minh bạch thông tin; thực hiện chế độ báo cáo và chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền; thực hiện trách nhiệm giải trình trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn được giao;

e) Thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước hội đồng trường, hội đồng đại học và các bên liên quan; chịu sự giám sát của cá nhân, tổ chức có liên quan về việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn được giao.”.

Khi vừa đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp cấp trên (chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh), vừa đứng đầu đơn vị cấp dưới trực thuộc (trường đại học), vị hiệu trưởng này vừa là người trình đề án / dự án, vừa là người duyệt đề án / dự án, vừa là người có thẩm quyền giao ngân sách - vừa đứng đầu đơn vị thụ hưởng ngân sách, vừa là người trình chủ trương đầu tư - vừa quyết định chủ trương đầu tư...

Ngày 21/5/2020, Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thắng cho biết, Quảng Ninh xác định nguồn lực trong giai đoạn này để tập trung đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, ổn định mô hình hoạt động nên tỉnh xác định người lãnh đạo quản lý Trường đại học Hạ Long không chỉ đơn thuần là người quản lý mà còn phải là người có kinh nghiệm trong triển khai các dự án. [2]

Nhưng đối chiếu với các quy định của pháp luật như trên, liệu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh kiêm Hiệu trưởng có dẫn đến tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi?.

Ông Nguyễn Văn Thắng hoàn toàn có thể đóng góp thúc đẩy Trường đại học Hạ Long phát triển bằng khơi thông cơ chế theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật đã trao cho Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh chứ không phải kiêm nhiệm chức Hiệu trưởng.

Nếu có, nên chăng cũng chỉ là Hiệu trưởng danh dự.

Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ rằng, “việc Chủ tịch tỉnh kiêm nhiệm hiệu trưởng một trường đại học chỉ nên là giải pháp tình thế trước mắt. UBND tỉnh Quảng Ninh cần xem xét chỉ đạo Trường Đại học Hạ Long sớm kiện toàn nhân sự hiệu trưởng chuyên trách để tập trung vào công tác quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường".

Theo ông Phùng Xuân Nhạ, các cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học trên cả nước cần bám sát các quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định luật pháp liên quan trong chỉ đạo thành lập, công nhận hội đồng trường, hiệu trưởng, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. [3]

Tài liệu tham khảo:

[1]https://www.quangninh.gov.vn/Lists/VanBanPhapQuy/Attachments/48680//1588_signed.pdf

[2]https://tuoitre.vn/chu-tich-quang-ninh-noi-gi-khi-kiem-nhiem-hieu-truong-dh-ha-long-20200521142302594.htm

[3]https://vov.vn/chinh-tri/quoc-hoi/bo-truong-phung-xuan-nha-noi-ve-viec-chu-tich-tinh-kiem-hieu-truong-1051722.vov

Hồng Thủy