Sắp xếp cơ sở giáo dục đại học công lập nên để các trường tự quyết định

31/10/2019 06:30
Thùy Linh
(GDVN) - Trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước.

Như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, theo báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục (2013-2018) của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có đánh giá kết quả đổi mới giáo dục đại học và sau đại học. 

Theo đó, về quy mô, mạng lưới, cơ cấu ngành nghề: Đã xây dựng được mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học gồm 236 trường đại học, học viện (không tính các trường thuộc khối quốc phòng - an ninh) trong đó bao gồm 171 trường công lập, 60 trường tư thục và dân lập, 5 trường có 100% vốn nước ngoài). 

Như vậy, từ nay đến năm 2020, Việt Nam không thành lập, nâng cấp trường đại học nào nữa thì vẫn vượt mục tiêu Quyết định 37/2013/QĐ-TTg đề ra 12 trường đại học.

Số trường đại học trọng điểm quốc gia không nên vượt quá 25

Trước thực tế này, quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục theo tinh thần Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục đại học 2018 là nội dung được đặc biệt quan tâm khi Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có Dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục đại học công lập.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển nhanh chóng đề ra những yêu cầu mới cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, cũng đưa nhiều công nghệ mới làm thay đổi phương thức đào tạo và mô hình nhà trường. Giáo dục mở đang mở ra nhiều khả năng to lớn để phát triển.

Trong khi đó ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp to lớn trong đó có giáo dục.

Rõ ràng, sáp nhập cơ sở giáo dục đại học công lập sẽ là tất yếu trong tương lai để có thể hình thành những đại học lớn, đủ khả năng cạnh tranh quốc tế. 

Tuy nhiên, giáo dục đại học Việt Nam đang đối mặt với hàng loạt thách thức như đại học phi lợi nhuận hay đại học vì lợi nhuận, thể chế hoạt động…

Hơn nữa, nền đại học Việt Nam có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo.

Qua tìm hiểu về dự thảo này, trao đổi với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Dương Đức Hùng – Chủ tịch Hội đồng trường, trường Đại học Hải Phòng cho rằng:

Việc sắp xếp lại mạng lưới giáo dục đại học công lập không nên chỉ thuần túy là giải pháp hành chính rằng trường nào còn, trường nào giải thể, trường nào sáp nhập mà trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước.

Theo thầy Dương Đức Hùng, trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước. (Ảnh: Thùy Linh)
Theo thầy Dương Đức Hùng, trong bối cảnh hiện nay, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của nhà nước. (Ảnh: Thùy Linh)

Bởi lẽ theo thầy Hùng, khi thực hiện được đầy đủ cơ chế tự chủ đại học thì các trường sẽ tự khẳng định mình bằng cách phấn đấu bảo đảm chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học, tự bảo đảm về tài chính, về nhân lực, tự xây dựng thương hiệu mà tồn tại và phát triển thành đại học hay trường đại học.

Nếu trường nào không tuyển sinh được, nguồn thu không đảm bảo thì tự khắc họ sẽ tìm đến các trường đại học uy tín, lớn hơn để trở thành phân hiệu hoặc thành viên. 

“Do đó, chúng ta nên để các trường tự quyết định số phận của mình chứ không nên dùng chế tài vì theo quy luật sinh tồn, nếu trường nào không muốn bị xóa sổ thì tự khắc phải nỗ lực cố gắng và khi gặp khó khăn sẽ tìm hướng đi mới”, thầy Hùng nhấn mạnh. 


Thùy Linh