Sinh viên sư phạm học tâm lý kiểu mặt trời là phải luôn luôn sáng

17/05/2014 06:00
PGS TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam
(GDVN)- Hiểu tâm lý học sinh từng lứa tuổi, từng bậc học là yêu cầu quan trọng khi đào tạo giáo viên. Nhưng thực tế phần học này vẫn chưa có một vị trí quan trọng...

Đặc điểm của người học là một trong những cơ sở quan trọng cần dựa vào để người giáo viên có sự tương tác phù hợp với người học. 

Cuộc dạo chơi không điểm đến

Từ khảo thực tế của đề tài: “Thực trạng việc triển khai các học phần Tâm lý học” được thực hiện từ năm 2010 đến năm 2012 cho thấy, khoảng 55% sinh viên cho rằng kiến thức và kỹ năng trong môn học này đáp ứng yêu cầu của sinh viên và mong đợi của người học. 

Khảo sát những cơ sở tâm lý của người học bao gồm nhu cầu, hứng thú, vùng phát triển gần nhất... để giảng dạy cho sát đối tượng. Bên cạnh đó, những vấn đề về tâm lý người học như sự phát triển nhận thức (tư duy, tưởng tượng, trí nhớ...), sự phát triển nhân cách (tình cảm, tự ý thức, thế giới quan, định hướng giá trị...) không chỉ giúp người giáo viên có cơ sở để tiến hành những phương pháp dạy học phù hợp mà còn có những biện pháp tác động giáo dục học sinh hiệu quả. 

Tuy nhiên xuyên suốt việc khảo sát các chương trình nhằm trang bị kiến thức về tâm lý đối tượng thì thấy sự dạo chơi hết sức đáng sợ. Thực tế cho thấy khảo sát chương trình đào tạo thì các môn học Tâm lý học trang bị các kiến thức nhằm tạo ra sự hiểu biết về tâm lý người học thông qua học phần như Tâm lý học đại cương, Tâm lý học lứa tuổi sư phạm nhưng thực tế thì vấn đề lại trở thành điểm trống…

Sinh viên sư phạm học tâm lý kiểu mặt trời là phải luôn luôn sáng ảnh 1

Sinh viên sư phạm hiện nay còn mơ hồ về tâm lý học sinh. Ảnh minh họa

Môn Tâm lý học đại cương – môn học nền tảng để người giáo viên nhận thức được sự hình thành và phát triển tâm lý con người, các quy luật tâm lý của con người, các vấn đề cơ bản về tâm lý cá nhân như cảm giác tri giác, tư duy, tưởng tượng, tình cảm, ý chí... thì sinh viên sư phạm chỉ được tiếp cận trong thời gian 30 tiết. 

Cũng với thời gian là 30 tiết, môn Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm nhưng phải trang bị cho người học các tri thức liên quan sự phát triển tâm lý từng giai đoạn lứa tuổi như lứa tuổi tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, sinh viên, lý thuyết về dạy học, phẩm chất và năng lực người giáo viên,...

Vấn đề không phải đơn giản khi chương trình khung quy định tất cả khối lượng kiến thức ấy phải được triển khai trong thời gian 30 tiết. Sự khó khăn không chỉ nằm ở việc nhiều kiến thức được lướt qua hay sinh viên phải tự học để kịp tiến độ.Vấn đề khó khăn quan trọng hơn là việc dạy theo học chế tìn chỉ càng làm cho sinh viên thiệt hơn. 

Trường hợp 20 khoa khác nhau cùng học chung, giảng viên sẽ không biết ví dụ ra sao, thái độ với từng môn học sẽ chuyển tải thế nào. Vì mỗi chuyên ngành khác nhau sẽ vận dụng môn Tâm lý học Đại cương khác nhau. 

Bên cạnh đó, tùy theo cấp học mà sinh viên sẽ giảng dạy trong tương lai mà giảng viên sẽ có sự nhấn mạnh, ví dụ tương ứng... Khi sinh viên trong một lớp học có quá nhiều sự tương tác giữa giảng viên và sinh viên sẽ hạn chế, sự phản hồi hay thắc mắc từ sinh viên cũng hiếm thấy do tâm lý e ngại...

Đơn cử như khi dạy môn Tâm lý học lứa tuổi và sư phạm cho sinh viên một chuyên khoa, giảng viên phải phân tích hứng thú học tập môn học, thái độ, các bước hình thành khái niệm, các thủ thuật kích thích động cơ học tập … Nhưng thực tế thì do thời gian hạn chế và sự đa dạng của sinh viên nhiều chuyên ngành nên giảng viên rất khó phân tích và hướng dẫn thực hiện. 

Cụ thể, việc hình thành khái niệm cho học sinh tiểu học không thể giống với học sinh trung học phổ thông. Chính vì vậy, khi hai nhóm sinh viên học cùng môn này, giảng viên sẽ rất vất vả để triển khai triệt để tri thức và sự vận dụng vào trong thực tế cho họ. Đó là sự dạo chơi không điểm đến khi người học cứ lang thang. 

Những kiến thức và kỹ năng cần nhất, quan trọng nhất mà bản thân họ cứ “mơ màng” và thật tiếc khi họ không vận dụng được những cơ sở của khoa học tâm lý vào quá trình tạo ra động cơ, hứng thú  hay sự hình thành khái niệm, tri thức cho người học... 

Hoặc không có khả năng xét đoán diễn biến tâm lý của người học để có sự ứng xử, xử lý tốt các tình huống diễn ra. Vì thế, việc xử lý tiếp cận học sinh đặc biệt, cá biệt là một trong những vấn đề nan giải, thậm chí là nỗi “bàng hoàng” của không ít giáo viên trẻ. 

Nguyên nhân ở đâu?

Trách nhiệm của người soạn chương trình không hẳn có, trách nhiệm giảng dạy của giảng viên không phải không cao nhưng thực tế vẫn là thực tế... Làm sao để giúp sinh viên sư phạm có sự hiểu biết sâu sắc và khả năng ứng dụng tâm lý người học vào chính thực tiễn dạy và giáo dục học sinh? 

Điều này cần sự linh hoạt hơn của từng khoa đào tạo sinh viên, các môn chuyên ngành có sự lồng ghép ngược lại các tri thức về tâm lý người học thông qua các môn học về phương pháp dạy học, phương pháp giáo dục, giao tiếp sư phạm... Mưa dầm thấm lâu và chỉ có sự ứng dụng và sinh viên nhận thấy hiệu quả của sự ứng dụng tâm lý người học vào dạy và giáo dục học sinh thì bản thân họ mới chủ động tiếp thu, tìm hiểu và tìm đến người giảng viên khi chưa thấu đáo vấn đề...

Đổ lỗi cho cơ chế cũng không hẳn nhưng rõ ràng là có. Cái khung có thể là một nguyên nhân của vấn đề này. Không dừng lại ở đó, phía này phải làm giống phía kia vẫn là tư tưởng của một số nhà quản lý có kiểu tư duy mặt trời là phải luôn luôn sáng… Khi một nhóm cán bộ lãnh đạo mới trở thành quản lý thì việc ưu tiên ngành của mình với các môn học có liên quan là chuyện thường tình… 

Nếu như từ những năm 1995 trở về trước thì môn thi tốt nghiệp của cử nhân cao đẳng Sư phạm hay trung học sư phạm là môn tâm lý học, Giáo dục học thì bây giờ có chăng chỉ là còn là kỷ niệm… Việc tìm hiểu tâm lý người học được thực hiện thông qua kiến tập sư phạm – thực tập sư phạm (gọi theo kiểu cũ mà bây giờ là thực tập sư phạm đợt một và đợt 2) cũng chỉ là bóng mờ của giã từ dĩ vãng… 

Không dừng lại ở đó, người giảng viên không thể nhấn kiến thức, không thể nuốt kiến thức tự thân và thế là đành phải gồng mình mà dạy. Trong khi với số tiết còn ít ỏi mà nội dung phải đảm bảo tính logic, hệ thống nên cũng không thể tập trung các bài tập tìm hiểu tâm lý lứa tuổi, phác thảo chân dung tâm lý gia đình, mô tả diễn tiến tâm lý của học sinh trong nhóm bạn, phân tích hành vi ứng xử của học sinh khi xung đột… 

Cái xung đột nội tại giữa một nên là phải tải đủ chương trình với một bên là phải hình thành kỹ năng của một nhà khoa học dễ dàng lấn át một người làm công tác thực tiễn - ứng dụng… Như vậy là huề cả làng.

Đó còn chưa kể đến sinh viên học tín chỉ còn lơ mơ. Việc cố tình ép lòng chạy theo tín chỉ ở trường Sư phạm trong khi mỗi chuyên ngành cần đảm bảo tính đặc thù dẫn đến những điều tréo ngoe, khổ sở. Sao có thể tìm hiểu tâm lý của nhóm học sinh trong một môn học cụ thể khi cả lớp có đến 12 ngành khác nhau? Sao có thể tìm hiểu hứng thú hay động cơ học tập của học sinh lớp cuối cấp Trung học với môn của mình khi mà sinh viên mỗi lớp có đến nhiều nhóm? Nếu cố lắm cũng chỉ tự nói, tự nghe vì nhóm phản biện không có nhiều để nói.

Hơn thế nữa, việc tự học của sinh viên Sư phạm cũng là vấn đề đầy thách thức… Sư phạm miễn học phí nên có đến khoảng 60 – 80% sinh viên có hoàn cảnh không khá giả phải làm thêm, học thêm, phải tiết kiệm, nên thời gian không còn. Mặt khác, chính sự thiếu năng động đích thực và thiếu nhiều mối quan hệ do từ tỉnh lên thành phố chiếm đến gần 85%, nên sinh viên Sư phạm không có nhiều cơ hội tìm hiểu tâm lý học sinh thực tiễn và vì thế thách thức vẫn là thách thức…

Chất lượng đào tạo giáo viên không chỉ đánh giá qua bằng cấp sinh viên đạt được, qua chất lượng học sinh đạt từng năm dưới sự giảng dạy của giáo viên tiểu học, trung học... mà vấn đề giá trị và cốt lõi là học sinh dưới sự truyền đạt và giáo dục của giáo viên cảm thấy tự tin, hứng thú với việc học, có động cơ học tập đúng đắn, cảm thấy cân bằng và đáp ứng được áp lực đang đặt ra với sự dìu đắt của thầy cô. 

Không khó nhưng không hề dễ nếu người giáo viên không tận tâm, tận tình và không có sự hiểu biết cần thiết về tâm lý học lứa tuổi. Chính vì vậy, hiểu tâm lý người học không thể nào là cuộc dạo chơi trong nghề giáo.

PGS TS Huỳnh Văn Sơn - Phó Chủ tịch Hội Tâm lý học Việt Nam