Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất xét tuyển vào lớp 10 thường và chuyên

26/07/2021 17:09
Việt Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất phương án xét tuyển cho cả lớp 10 trung học phổ thông và lớp 10 chuyên.

Ngày 26/7/2021, ông Lê Hoài Nam – Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã ký văn bản 2119/TTr-SGDĐT, về trình phương án tuyển sinh các lớp đầu cấp năm học 2021-2022.

Theo đó, với việc tuyển sinh vào lớp 1, 6 cho năm học tới, điều chỉnh thời gian thực hiện công tác huy động trẻ ra lớp và tuyển sinh vào lớp 1, 6 kết thúc trước ngày 15/8.

Hai phương án xét tuyển mà Sở này đề xuất với việc xét tuyển vào lớp 10 như sau:

Phương án 1: Xét tuyển vào lớp 10 chuyên

Điểm xét tuyển=Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ+Điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên x 2 +điểm khuyến khích (nếu có).

Nếu học sinh có nhiều điểm khuyến khích, thì chỉ cộng điểm cao nhất vào điểm xét tuyển.

Các học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 chuyên, thì sẽ được xét tuyển vào lớp không chuyên trong trường chuyên căn cứ trên tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ +điểm khuyến khích (nếu có).

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham dự một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (ảnh minh họa: P.L)

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh tham dự một kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 (ảnh minh họa: P.L)

Xét tuyển vào lớp 10 thường: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ +Điểm ưu tiên (nếu có).

Phương án 2: Xét tuyển vào lớp 10 chuyên

Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6,7,8,9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ + Điểm trung bình môn cả năm lớp 9 của môn đăng ký thi chuyên x 2 +Điểm khuyến khích (nếu có).

Các học sinh không trúng tuyển vào lớp 10 chuyên sẽ được xét tuyển vào lớp không chuyên trong trường chuyên căn cứ trên: Tổng điểm trung bình môn cả năm lớp 6,7,8,9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ + Điểm khuyến khích (nếu có).

Xét tuyển vào lớp 10 thường: Điểm xét tuyển = Tổng điểm trung bình môn cả năm của lớp 6,7,8,9 của môn Văn, Toán, Ngoại ngữ +Điểm khuyến khích (nếu có).

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất chọn phương án 1, do phù hợp với quá trình tập trung học tập của các môn Văn, Toán, Ngoại ngữ trong suốt năm học lớp 9 của học sinh, có sự tương đồng với các môn thi như kế hoạch thi lớp 10 của các năm.

Đề tuyển sinh các năm có kiến thức đều nằm trong chương trình lớp 9, nên việc lựa chọn điểm số của năm lớp 9 để xét tuyển sẽ phản ánh đúng khả năng học tập của học sinh.

Sở Giáo dục thành phố cho rằng, việc chọn điểm trung bình môn cả năm của môn đăng ký thi chuyên, có hệ số 2 trong điểm xét tuyển vì kết quả này phản ánh được sự đam mê, quá trình trau dồi kiến thức của môn học thế mạnh của học sinh (điểm khuyến khích dành cho học sinh đạt các kết quả tại các cuộc thi quốc tế, thành phố phản ánh được sự quyết tâm đầu tư kiến thức của bộ môn chuyên ở các học sinh thi chuyên.

Kết quả tham gia của các cuộc thi này luôn là động lực cho các em lựa chọn chương trình chuyên cấp trung học phổ thông).

Hạn chế của phương án 1: Theo Sở giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh là có thể có sự đánh giá không toàn diện khi chỉ dựa trên điểm số của 3 môn trong năm lớp 9.

Về phương án 2: Sở Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, ngoài các ưu điểm của bộ môn chuyên như phương án 1, thì việc chọn điểm trung bình môn cả năm lớp 6,7,8,9 của môn Văn, Toán và Ngoại ngữ có thế mạnh thể hiện được sự toàn diện, quá trình học tập của các bộ môn này.

Tuy nhiên, hạn chế của phương án này là kiến thức thì tập trung trong chương trình lớp 9, nên các học sinh không tập trung cao trong việc học tập ở các lớp 6,7,8. Do đó, điểm số các khối này không phản ánh hết năng lực của học sinh.

Căn cứ trên điểm số của 4 năm học có thể tạo tâm lý lo lắng, ảnh hưởng đến sự ổn định trong tuyển sinh.

Việt Dũng