So sánh Chương trình giáo dục mới với Chương trình năm 1979

08/08/2017 07:10
Tiến sĩ Vũ Thu Hương
(GDVN) - Chương trình tổng thể mới chưa thực sự cân đối so với các bộ môn khác và không hợp lý đặc biệt khi hiện nay trẻ em vẫn đi học trước khi vào lớp 1 rất nhiều.

LTS: Chương trình phổ thông tổng thể mới vừa được thông qua vào ngày 28/7/2017 đã có nhiều điểm mới, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, giáo viên và phụ huynh. 

Theo đó, số lượng tiết học đã giảm bớt trong chương trình tiểu học. 

Các môn học đã có tên gọi hợp lý và rõ nghĩa hơn giúp cho các tác giả sách giáo khoa và giáo viên dễ hình dung được nhiệm vụ của mình. 

Tuy nhiên, dưới góc nhìn của một giáo viên Tiểu học, Tiến sĩ Vũ Thu Hương – giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học (Đại học sư phạm Hà Nội) thì chương trình mới vẫn còn một số điểm mà Ban soạn thảo cần làm rõ để đội ngũ thầy cô giáo trên cả nước nắm được cụ thể hơn. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả. 

Một là, về yêu cầu học bán trú (2 buổi/ngày) của cấp tiểu học với thời lượng 7 tiết/ngày, áp lực học tập của học sinh vẫn chưa giảm bớt. Thời gian các cháu dành cho giao tiếp và ứng xử xã hội vẫn bị hạn chế. Chính vì vậy, sức ép học tập vẫn đè nặng lên học sinh. 

Rõ ràng, đối với trẻ học bán trú ở trường có rất nhiều điều bất cập: các cháu ít được vận động, ít được giao tiếp với xã hội…. 

Hơn nữa, chương trình mới chưa chứng minh được rằng sẽ ưu việt hơn chương trình năm 1979 - khi học sinh chỉ đi học 1 buổi/ngày, tức là học với thời lượng chỉ bằng một nửa (22 tiết/tuần). 

Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận xét, Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa chứng minh được rằng sẽ ưu việt hơn chương trình năm 1979 (Ảnh minh họa: Nguồn Báo Tin tức)
Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận xét, Chương trình giáo dục phổ thông mới chưa chứng minh được rằng sẽ ưu việt hơn chương trình năm 1979 (Ảnh minh họa: Nguồn Báo Tin tức)

Nếu học chương trình mới, học sinh vẫn chỉ đạt được những kết quả như cũ, liệu việc tăng thời lượng học của các con có là phù hợp, đặc biệt khi điều đó sẽ mất đi rất nhiều thời gian sinh hoạt tại gia đình và cộng đồng của trẻ.

Hai là, số tiết bộ môn Tiếng Việt còn quá cao (420 tiết). Số tiết này so với tổng thời lượng chương trình là 1015 thì số tiết môn này chiếm non nửa. 

So với chương trình năm 1979 là nhiều hơn 35 tiết, so với chương trình hiện hành thì nhiều hơn 140 tiết. 

Điều này cho thấy, chương trình chưa thực sự cân đối so với các bộ môn khác và không hợp lý đặc biệt trong bối cảnh hiện nay trẻ em vẫn đi học trước khi vào lớp 1 rất nhiều. 

Bảng so sánh chương trình giáo dục phổ thông vừa được thông qua và chương trình năm 1979 (Đồ họa: Tiến sĩ Vũ Thu Hương)
Bảng so sánh chương trình giáo dục phổ thông vừa được thông qua và chương trình năm 1979 (Đồ họa: Tiến sĩ Vũ Thu Hương)

So sánh hai bảng biểu trên cho thấy: 

Thứ nhất, tổng số tiết học ở chương trình mới là 1015 tiết trong khi chương trình giáo dục phổ thông năm 1979 chỉ có 770 tiết. 

Với thời lượng gấp rưỡi nhưng chương trình mới chưa thể hiện được sự vượt trội về chất lượng cũng như hiệu quả giáo dục so với các chương trình đã thực hiện trước đây. Nhìn vào biểu đồ trên, chúng ta thấy rõ nét điều này. 

Ngoài ra, cân đối thời lượng các môn của chương trình năm 1979 cũng phù hợp hơn chương trình vừa được thông qua khi số tiết môn Tiếng Việt của chương trình mới chiếm gần ½ so với tổng thời lượng chương trình.

Mặc dù, chương trình năm 1979 được đánh giá là thiên về kiến thức và thiếu thực hành. Tuy nhiên, trong chương trình học, các cháu có 35 tiết lao động sản xuất, 35 tiết hoạt động xã hội, 35 tiết kĩ thuật phổ thông, 35 tiết họp lớp. Đó là chưa kể các cháu có cả buổi chiều để sinh hoạt tại gia đình, phường xã. 

Trong khi chương trình mới chỉ có duy nhất 105 tiết trải nghiệm mà các cháu phải học bán trú cả ngày. Như vậy, liệu chương trình mới có giải quyết được khâu yếu và thiếu về các hoạt động xã hội và thực tế của học sinh?

Thứ hai, Chương trình mới thông qua ghi rõ: Chương trình giáo dục phổ thông hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu sau: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm. 

Tuy nhiên, thời lượng cho môn học Đạo đức cấp tiểu học; Giáo dục công dân cấp Trung học cơ sở; Giáo dục Quốc phòng và An ninh cấp Trung học phổ thông chỉ có 35 tiết/năm nghĩa là 1 tiết/tuần. 

Với thời lượng như vậy, giáo viên sẽ không thể có đủ thời gian hoàn thành những mục tiêu đặt ra ở trên. 

Đặc biệt, để hình thành một thói quen, học sinh cần lặp lại hành động đó liên tục từ 30 – 40 ngày. Với thời lượng 1 tiết/tuần, chắc chắn các thói quen tốt sẽ không thể hình thành được nhất là trong bối cảnh nhiều lớp học ở thành phố có số học sinh từ 50 – 60 cháu.

Thứ ba, trẻ học bán trú, nghĩa là thời gian ngồi yên kéo dài từ 8 – 10 tiếng. Tuy nhiên, thời lượng môn Giáo dục thể chất lại chỉ có 70 tiết/năm. Thời lượng này bằng với chương trình năm 1979 trong khi chương trình đó các cháu chỉ học 1 buổi. 

Như vậy, theo chương trình mới, cả tuần, trẻ chỉ có 2 tiết được học thể chất. Điều này rất không phù hợp với yêu cầu vận động của trẻ, tích tụ nhiều ức chế, khiến trẻ dễ lười vận động, béo phì. 

Ngoài ra, trong Chương trình mới được thông qua cũng nêu: Giáo dục thể chất được thực hiện ở nhiều môn học như Giáo dục thể chất, Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Sinh học, trong đó môn học cốt lõi là Giáo dục thể chất. 

Tuy nhiên, với nhiệm vụ của các môn Đạo đức, Tự nhiên và xã hội, Khoa học, Khoa học tự nhiên, Sinh học,… đã quá nặng nề. Liệu giáo viên có còn đủ thời lượng cho các hoạt động thể chất diễn ra trong các giờ học này?

Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể đã có nhiều điểm mới, xây dựng được những nét mới thực hiện theo Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, góp phần đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nhưng chúng tôi rất hi vọng chương trình mới được thực hiện sẽ giải quyết được những bất cập còn tồn tại trong giáo dục hiện nay.

Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, ý kiến riêng của tác giả.

Tiến sĩ Vũ Thu Hương