Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư

17/09/2017 06:55
Thùy Linh
(GDVN) - Để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì Luật Giáo dục đại học sửa đổi cần quy định rõ những việc các trường được tự chủ...

LTS: Luật Giáo dục đại học được Quốc hội thông qua và ban hành năm 2012, đến nay một số nội dung của Luật này đã không còn phù hợp với yêu cầu thực tiễn. 

Được biết, Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật giáo dục đại học vào năm 2018. 

Trên tinh thần đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 với mong muốn có thêm một số góp ý để gỡ bỏ các nút thắt của giáo dục đại học hiện nay. 

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả cuộc trao đổi này. 


Phóng viên: Sắp tới, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thông qua dự án sửa đổi Luật Giáo dục đại học. Theo ông, khi sửa đổi, bổ sung văn bản Luật này, Bộ cần chú ý điều gì khi bối cảnh xã hội và thế giới thay đổi rất nhanh chóng đặc biệt là cuộc cách mạng 4.0 hiện nay? 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng:
Với cuộc cách mạng 4.0, khi sử dụng rộng rãi các thành tựu công nghệ thông tin, khi triển khai rộng các chương trình đào tạo mang tính mở (open courseware), khi tăng cường hội nhập quốc tế, khi kỹ năng tự học và học suốt đời của sinh viên ngày càng quan trọng, thì mô hình tổ chức đào tạo đại học cũng sẽ có nhiều thay đổi. 

Theo tôi trong Luật Giáo dục Đại học sửa đổi không nên phân biệt đào tạo “chính quy” và “không chính quy” nữa (hiện đang gọi là giáo dục thường xuyên, bao gồm vừa làm vừa học, học từ xa, qua mạng). Đào tạo chính quy hiện nay đã bắt đầu mang yếu tố “vừa làm vừa học”, mang yếu tố online (qua mạng) rồi. 

Và thực tế là, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã có những bước đi ban đầu để gộp chính quy và phi chính quy, bằng cách đã ban hành các quy chế mới về đào tạo đại học theo hình thức vừa học vừa làm, từ xa, qua mạng - trong đó quy định đầu vào, chương trình, kiểm tra thi cử của đào tạo chính quy và đào tạo “không chính quy” không có gì khác nhau. 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 (Ảnh: Tiến sĩ Lê Trường Tùng cung cấp)
Tiến sĩ Lê Trường Tùng – Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT, Ủy viên Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nguồn nhân lực nhiệm kỳ 2016-2020 (Ảnh: Tiến sĩ Lê Trường Tùng cung cấp)

Do đó, việc gộp các hệ đào tạo đại học lại sẽ tiến tới chỉ còn một loại bằng đại học – điều này cũng tăng trách nhiệm của nhà trường về chất lượng đầu ra, không còn tư duy theo kiểu có sản phẩm loại A (chính quy) và loại B (giáo dục thường xuyên) như trước nữa. 

Cũng cần sửa đổi lại phần về hợp tác quốc tế. Hợp tác quốc tế trong giáo dục đại học không chỉ mang tính chất  “nhập khẩu giáo dục” như văn bản hiện nay, mà cần có phạm vi rộng hơn. 

Trên cương vị là lãnh đạo Đại học FPT, theo ông những nội dung nào của Luật Giáo dục đại học hiện hành không còn phù hợp với thực tiễn đặc biệt là những nội dung về trường đại học ngoài công lập? Những nội dung ấy cần sửa đổi, bổ sung như thế nào?


Tiến sĩ Lê Trường Tùng:
Về bản chất, đại học công lập và ngoài công lập chỉ khác về việc ai là chủ đầu tư ban đầu, còn chức năng, trách nhiệm xã hội, quyền tự chủ… thì cần phải giống nhau. Điều này cũng là để đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử trường công trường tư. 

Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư ảnh 2

Sửa luật phải làm sao "cởi trói" cho giáo dục đại học

Luật Giáo dục Đại học cần sửa theo hướng này. Những gì không liên quan đến đầu tư, đến chủ đầu tư thì không cần quy định gì khác giữa đại học công lập và ngoài công lập.

Chẳng hạn theo Luật Giáo dục Đại học hiện hành, một bên thì gọi là Hội đồng trường, một bên thì gọi là Hội đồng quản trị, một bên thì hiệu trưởng là chủ tài khoản, một bên chủ tịch là chủ tài khoản... 

Ngoài ra, chủ đầu tư của đại học tư thục phải là một tổ chức (công ty, quỹ) chứ không phải các cá nhân riêng lẻ, các cá nhân sẽ là cổ đông của công ty đầu tư vào đại học chứ không phải cổ đông của trường - điều này cũng để dịch chuyển các tranh chấp cá nhân nếu có lên tầng chủ đầu tư, không phải ở tầng trường làm xấu môi trường giáo dục.
 
Nhiều chuyên gia cho rằng, cần  đi sâu vào vấn đề tự chủ khi trao đổi về việc xây dựng Luật Giáo dục Đại học sửa đổi, bổ sung lần này? Ông nghĩ sao về ý kiến này. 

Tiến sĩ Lê Trường Tùng:
Tôi đồng ý. Tự chủ đại học là một trong các yếu tố quan trọng nhất để phát triển giáo dục đại học Việt Nam hiện nay. 

Để thực hiện cơ chế tự chủ, cần tạo hành lang pháp lý minh bạch, rõ ràng để các trường đại học thực hiện quyền tự chủ của mình trong hành lang pháp lý đó, cùng với cơ chế hậu kiểm và giám sát xã hội, bỏ các quy định mang tính xin cho-phê duyệt. 

Và để tránh tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” thì Luật Giáo dục đại học sửa đổi cần gỡ bỏ những gì quy định cứng nhắc hoặc mang tính nước đôi ảnh hưởng đến việc tự chủ của các trường, đồng thời quy định rõ những việc các trường được tự chủ để văn bản dưới luật không quy định khác đi, lại biến thành cơ chế xin cho. 

Ví dụ như tự chủ trong việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Luật Giáo dục Đại học hiện hành quy định “Cơ sở giáo dục đại học tự chủ xác định chỉ tiêu tuyển sinh”, đồng thời lại thêm câu “Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực” và “Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh” – thế là thành tự chủ nửa vời. 

Thực tế cho thấy, mô hình quản trị đại học của Việt Nam hiện đang tồn tại song song Hội đồng trường và Đảng ủy cùng định hướng và giám sát toàn bộ hoạt động của trường. 

Vậy, thưa ông, mối quan hệ giữa Đảng ủy và Hội đồng trường trong một cơ sở giáo dục đại học hiện nay là như thế nào?
 
Tiến sĩ Lê Trường Tùng:
Trong một trường đại học, ngoài Hội đồng trường (với trường tư thục gọi là Hội đồng quản trị) còn có nhiều tổ chức khác nữa.

Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư ảnh 3

Hiệp hội mời dự hội thảo góp ý sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục đại học

Luật Giáo dục Đại học có Điều 13 về tổ chức Đảng, đoàn thể và tổ chức xã hội trong cơ sở giáo dục đại học, trong đó quy định các tổ chức này trong nhà trường được thành lập và hoạt động theo hiến pháp, pháp luật và điều lệ của tổ chức. 

Hội đồng trường hoạt động tập thể, quyết định theo đa số. Với trường đại học công lập, trong thành phần Hội đồng trường có hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, bí thư Đảng ủy, chủ tịch Công đoàn, bí thư Đoàn thanh niên, đại diện cơ quan chủ quản cơ sở giáo dục đại học.

Với trường tư thục, ngoài đại diện cho các chủ đầu tư, trong Hội đồng quản trị nhà trường có hiệu trưởng, đại diện cơ quan quản lý địa phương, đại diện tổ chức Đảng, đoàn thể. 

Với cơ cấu như vậy, số đảng viên tham gia Hội đồng trường không ít, và Đảng ủy thực hiện vai trò lãnh đạo của mình thông qua các đảng viên là thành viên của Hội đồng trường.

Theo quy định, nếu là đảng viên thì phải thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy định, quyết định, kết luận của tổ chức Ðảng, không được nói khác, làm trái (47/NQ-TW), các đảng viên trong Hội đồng trường có trách nhiệm thuyết minh và chuyển tải các nội dung nghị quyết của Đảng ủy trường thành nghị quyết của Hội đồng trường để hiệu trưởng tổ chức thực hiện.  

Theo quy định hiện tại, Hiệu trưởng là người đứng ra thành lập Hội đồng trường nên có ý kiến cho rằng, “hiệu trưởng sẽ tìm những người là người của mình, đưa toàn bộ bộ phận quản lý của mình vào, biến Hội đồng trường thành một bộ máy quản lý mở rộng chứ chẳng ai muốn thành lập ra một tổ chức giám sát mình, bắt mình phải giải trình”.

Ông nghĩ sao về những ý kiến này?

Tiến sĩ Lê Trường Tùng
: Một thời gian dài các trường đại học công lập không có Hội đồng trường, toàn bộ quyền lực tập trung vào hiệu trưởng và cơ quan chủ quản.

Với cơ cấu Hội đồng trường, một số quyền của cơ quan chủ quản và của hiệu trưởng thuộc về Hội đồng trường, và chắc không phải ai cũng vui vẻ khi phải chia Sẻ quyền lực. Việc hiệu trưởng muốn có Hội đồng trường hoạt động ăn ý với mình là mong muốn chính đáng. 

Sửa Luật Giáo dục đại học phải bỏ được phân biệt đối xử trường công - trường tư ảnh 4

Hiệu trưởng nhiều trường đại học không muốn chia sẻ quyền lực

Với trường công lập chưa có Hội đồng trường, hiệu trưởng được giao trách nhiệm đứng ra thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên theo các quy định chặt chẽ của Điều lệ trường đại học, chứ không phải muốn đưa ai vào thì đưa, cho nên không cần phải lo lắng về việc hiệu trưởng sẽ tìm những người là người của mình, đưa toàn bộ bộ phận quản lý của mình vào. 

Quy định hiện nay là: thành viên mặc định của Hội đồng trường là hiệu trưởng, các hiệu phó, bí thư đảng ủy, chủ tịch công đoàn, bí thư đoàn thanh niên; các thành viên bầu từ dưới lên là đại diện các khoa, viện do các khoa, viện trong trường bầu, đại diện cơ quan chủ quản do cơ quan chủ quản cử. 

Hiệu trưởng chỉ có quyền đề xuất thêm một số thành viên bên ngoài nhà trường tham gia vào hội đồng trường và phải được cơ quan cấp trên phê duyệt. 

Và cuối cùng, chủ tịch Hội đồng trường do Hội đồng trường bầu, và không được kiêm nhiệm giữ chức hiệu trưởng, hiệu phó.

Với quy định chặt chẽ như vậy thì thực ra giao cho ai đứng ra thành lập Hội đồng trường cũng được. Khi đã có Hội đồng trường thì bầu Hội đồng trường nhiệm kỳ tiếp theo là trách nhiệm của Chủ tịch Hội đồng trường, không còn là của hiệu trưởng nữa. 

Trân trọng cảm ơn ông. 

Thùy Linh