Sửa thông tư, mong Bộ bỏ xếp đạo đức nghề nghiệp nhà giáo theo hạng

19/11/2021 06:39
Nguyễn Mạnh Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Người viết nghĩ rằng hàng triệu nhà giáo trên cả nước đều mong mỏi Bộ Giáo dục, sửa thông tư 01, 02, 03, 04; trong đó có xếp hạng đạo đức.

Chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có quy định về tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp cho mỗi hạng giáo viên.

Ví dụ, trong Thông tư Số: 03/2021/TT-BGDĐT, khoản 2 Điều 3. Giáo viên trung học cơ sở hạng III - Mã số V.07.04.32 quy định:

"2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

a) Chấp hành các chủ trương, đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của ngành và địa phương về giáo dục trung học cơ sở;

b) Thường xuyên trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, giữ gìn phẩm chất, danh dự, uy tín của nhà giáo; gương mẫu trước học sinh;

c) Thương yêu, đối xử công bằng và tôn trọng nhân cách của học sinh; bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của học sinh; đoàn kết, giúp đỡ đồng nghiệp;

d) Thực hiện nghiêm túc các quy định về đạo đức nhà giáo; quy định về hành vi, ứng xử và trang phục."

Điều 4. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31

"2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng III, giáo viên trung học cơ sở hạng II phải luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo."

Điều 5. Giáo viên trung học cơ sở hạng I - Mã số V.07.04.30

"2. Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp

Ngoài các tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên trung học cơ sở hạng II, giáo viên trung học cơ sở hạng I phải là tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo.

Ảnh minh họa: Lã Tiến
Ảnh minh họa: Lã Tiến

Minh chứng nào để đánh giá, chia hạng đạo đức nhà giáo?

Trong thực tế:

Làm sao có thể phân định giữa thực hiện với luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo?

Làm sao có thể phân định giữa luôn luôn gương mẫu thực hiện các quy định về đạo đức nhà giáo với tấm gương mẫu mực về đạo đức nhà giáo và vận động, hỗ trợ đồng nghiệp thực hiện tốt các quy định về đạo đức nhà giáo?

Không ai, hay bất cứ tổ chức đoàn thể nào trong cơ sở trường học từ trước đến nay có thế chứng minh giáo viên hạng I có đạo đức cao hơn giáo viên hạng II, hạng III.

Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong các hạng không thể có bất cứ minh chứng vật chất nào có thể chứng minh; mà không có minh chứng cụ thể, vô hình trung Tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp chỉ là hình thức, quy định cho có.

Một tiêu chuẩn chỉ mang tính hình thức, không có tính khả thi, không thể áp dụng trong cuộc sống thì không nên có trong một văn bản quy phạm pháp luật.

Mặt khác, Khoản 4 Điều 4 Quyết định số 3024/QĐ-BGDĐT về quy định soạn thảo, ban hành văn bản pháp quy pháp luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo ghi rõ: Bảo đảm tính khả thi của văn bản quy phạm pháp luật.

Như vậy, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp trong thông tư 01, 02, 03, 04 hoàn toàn không có tính khả thi, trái với yêu cầu soạn thảo văn bản của Bộ.

Xếp đạo đức nghề nghiệp theo hạng, có sự “chồng chéo” về văn bản pháp luật

Quy định về đạo đức nhà giáo đã được “luật hóa” bằng Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT ngày 16 tháng 4 năm 2008.

Quy định về đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo nhằm xây dựng đội ngũ nhà giáo có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất và lương tâm nghề nghiệp trong sáng, có tính tích cực học tập, không ngừng nâng cao chuyên môn nghiệp vụ và phương pháp sư phạm, có lối sống và cách ứng xử chuẩn mực, thực sự là tấm gương cho người học noi theo.

Cho đến nay, chưa có bất cứ văn bản nào hủy bỏ Quyết định Số: 16/2008/QĐ-BGDĐT; rõ ràng xếp đạo đức nghề nghiệp theo hạng trong thông tư 01, 02, 03, 04, Bộ đang gây chồng chéo về văn bản pháp luật.

Dư luận nói gì về tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp?

Nếu bạn gõ vào Google cụm từ “Có nên xếp hạng đạo đức nhà giáo?”, sẽ có 12.400.000 kết quả trong 0,59 giây; kết quả tìm kiếm không nói lên tất cả, nhưng nói lên một điều, việc xếp hạng đạo đức giáo viên theo hạng đã thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội.

Báo Dantoc.vn có bài viết “Trong quy định mới nhất về chức danh nghề nghiệp giáo viên, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) quy định, có 3 hạng chức danh và giáo viên thứ hạng cao có tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp cao hơn thứ hạng thấp. Tuy nhiên, trên thực tế, việc xếp hạng đạo đức giáo viên đang tiếp tục “làm khó” các nhà giáo”.[1]

Báo Vietnamnet.vn có bài viết “Không chỉ khiến giáo giới "xáo động" về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp, chuyện nâng hạng, tụt hạng..., những văn bản mới của Bộ GD-ĐT còn gây bất ngờ khi ở từng hạng giáo viên lại có riêng tiêu chí về đạo đức nghề nghiệp”.[2]

Báo Dantri.com.vn có bài viết “Phân hạng đạo đức - đừng làm tổn thương nhà giáo”; "Trên đời này có nhiều thứ đáng chia lắm cho thầy cô nhưng đạo đức thì không".[3]

Báo Cand.com.vn có bài viết “Một số chuyên gia trong lĩnh vực giáo dục cũng cho rằng, việc phân chia đạo đức nhà giáo theo hạng như thông tư mới là không phù hợp và không cần thiết. Bởi lẽ, mọi giáo viên phải có chuẩn chung về đạo đức nghề nghiệp nói riêng và đạo đức nhà giáo nói chung, dù giáo viên đó ở hạng nào, già hay trẻ, trường công hay trường tư, thành thị hay nông thôn”.[4]

Tờ Nguoiduatin.vn có người viết “Nhiều người lấy làm lạ, chẳng lẽ có chuyện mang đạo đức ra đo lường chất lượng giáo viên, hay chấp nhận một nhà giáo kém đạo đức?”.[5]

Phần lớn dư luận đều cho rằng việc xếp đạo đức giáo viên theo hạng là bất hợp lý, gây tổn thương nhà giáo, phản khoa học….

Nói cách khác, tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp của giáo viên được Bộ phân theo hạng không được sự đồng thuận của xã hội, nên không có tác dụng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục.

Người viết đã trực tiếp dạy học gần 40 năm, công tác từ trường hỗn hợp đa cấp đến trường đơn cấp, đã chiêm nghiệm từ thực tế; đạo đức nghề nghiệp không phụ thuộc vào bằng cấp, trình độ, chức vụ…

Nhiều giáo viên chỉ có bằng “cấp tốc” nhưng để lại ký ức đẹp trong lòng các thế hệ học sinh, là tấm gương sáng cho học sinh noi theo; nhiều giáo viên chưa làm bất cứ chức vụ gì trong nhà trường, nhưng là “cảm hứng”, “thần tượng” của học trò để sống đẹp, sống làm người tử tế.

Và ngược lại, có những cán bộ, hiệu trưởng, hiệu phó có xếp hạng cao, bằng cấp đầy mình,... thế nhưng khi nhắc đến, học sinh và đồng nghiệp chỉ có… ký ức buồn.

Để an lòng nhà giáo, xã hội có cái nhìn chính xác, công tâm, văn bản của Bộ đi vào cuộc sống, có tác dụng giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục; người viết tin rằng hàng triệu giáo viên trên cả nước đều mong mỏi, tha thiết đề nghị Bộ, sửa thông tư 01, 02, 03, 04; xin hãy bỏ xếp đạo đức giáo viên theo hạng.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://baodantoc.vn/xep-hang-dao-duc-nha-giao-doi-dieu-ban-khoan-1636138528310.htm

[2]https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/xep-hang-giao-vien-xep-hang-ca-dao-duc-717590.html

[3] https://dantri.com.vn/blog/phan-hang-dao-duc-dung-lam-ton-thuong-nha-giao-20210323043643055.htm

[4]https://cand.com.vn/Xa-hoi/Co-nen-xep-hang-dao-duc-nha-giao-i600232/

[5] https://www.nguoiduatin.vn/xep-hang-dao-duc-cho-giao-vien-hay-chap-nhan-nha-giao-kem-dao-duc-a509496.html

Nguyễn Mạnh Cường