Tại sao giữa "đầu vào" và "đầu ra" của cấp THPT lại khác nhau?

29/04/2015 06:56
ĐỖ TẤN NGỌC
(GDVN) - Vì sao, cũng là thi cử cả, cũng những con người đó, nhưng hai kỳ thi, họ lại có cách hành xử, làm việc rất khác nhau?

LTS: Thực tế lâu nay tồn tại sự khác biệt trong thi đầu vào lớp 10 và thi tốt nghiệp của cấp học này. Thực ra, có nên thống nhất quan điểm, cách làm trong việc thi tuyển ở hai thời điểm này của giáo dục phổ thông?

Thầy giáo Đỗ Tấn Ngọc đã có những phân tích dựa trên thực tế. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Lâu nay, những kỳ thi như: tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng được xem là chuẩn đánh giá, phân loại để chọn lựa học sinh vào các trường ở bậc THPT và đại học, cao đẳng.

Đối với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, Bộ GD &ĐT cũng có ban hành quy chế tuyển sinh, các Sở GD &ĐT căn cứ vào đó triển khai, thực hiện ở địa phương, từ khâu ra đề thi, tổ chức thi, chấm thi, công bố kết quả đến phương án tuyển sinh, lấy điểm chuẩn.

Khâu tổ chức coi thi, các Sở GD&ĐT thường giao cho các trường THPT công lập tự lo liệu và tự chịu trách nhiệm về kết quả, chất lượng học sinh đầu vào của trường mình.

Từng tham gia công tác coi thi, thanh tra thi nhiều lần ở các kỳ thi tuyển sinh vào 10, tôi nhận thấy cách thức tổ chức thi ở đây có “nhiều điểm” rất khác với kỳ thi tốt nghiệp THPT ( những năm qua).

Tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng được xem là chuẩn đánh giá, phân loại để chọn lựa học sinh
Tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng được xem là chuẩn đánh giá, phân loại để chọn lựa học sinh

Nếu ở kỳ thi tốt nghiệp THPT có các biểu hiện “bất thường” như Ban đại diện cha mẹ học sinh, lãnh đạo, thường trực Hội đồng coi thi, nhất là sở tại, rất nhiệt tình, đon đả, nhẹ nhàng, chiều chuộng, hậu hĩnh, “cơm bưng nước rót”, thậm chí có chút… phong bì ( bồi dưỡng thêm) cho giám thị, cán bộ làm nhiệm vụ thanh tra thi nơi khác đến làm nhiệm vụ... trên mức bình thường, thì trong kỳ thi tuyển vào lớp 10 lại hoàn toàn không có chuyện ấy, giáo viên phản ánh: “có nơi còn thê thảm lắm, miếng nước lọc uống cho đỡ khát trong mấy ngày thi cũng chẳng có”.

Các vị lãnh đạo, thường trực Hội đồng coi thi, nếu trong coi thi tốt nghiệp THPT ngọt ngào, nhẹ nhàng, mềm yếu, co ro, năn nỉ bao nhiêu, thì trong tuyển sinh vào lớp 10 lại bất cần, dõng dạc, mạnh mẽ, dứt khoát trong nói và làm bấy nhiêu, thường xuyên, thay nhau đi xuống phòng và “đe” giám thị phải thực hiện nghiêm túc quy chế thi.

Trong trường hợp, thi tuyển sinh vào 10, phát hiện ra hiện tượng một số giáo viên trường mình “thông đồng” nhau để giúp “mấy gà” gửi gắm, hiệu trưởng, chủ tịch hội đồng thi, đến giờ “G” vẫn kiên quyết xáo trộn lại giám thị coi thi, cho tất cả giám thị có môn thi ra ngoài làm giám thị ngoài, ít có cơ hội tiếp cận và giúp đỡ “gà” được.

Còn thi tốt nghiệp THPT thì ôi thôi, đồng nghiệp, anh chị em giáo viên có “nhu cầu gửi gà”, “tiếp sức cho mấy con gà” thì vô tư, thoải mái, chẳng nề hà, mong gì được nấy.

Vì sao, cũng là thi cử cả, cũng những con người đó, nhưng hai kỳ thi, họ lại có cách hành xử, làm việc rất khác nhau? Kỳ tuyển sinh vào lớp 10, các trường, các lãnh đạo, thường trực, giáo viên sở tại hội đồng coi thi làm chặt chẽ, nghiêm túc, thực hiện đúng quy chế đến vậy, không phải họ vì giáo dục, vì đất nước này mà cái chính là họ lo cho lợi ích thiết thực, thiết thân của họ.

Họ cần lựa chọn cho trường mình số học sinh có chất lượng tốt nhất để dạy dỗ, quản lý cho dễ, cho có kết quả cao nhất, chứ không bao giờ mong muốn những “hạt gạo dưới sàng” lọt vào trường mình.  

Nhưng đến kỳ thi tốt nghiệp THPT hằng năm thì lãnh đạo nhà trường, các cấp quản lý giáo dục và một số giáo viên lại mong muốn sự buông lỏng, dễ dãi, thỏa hiệp, đồng thời tìm mọi cách; thậm chí, kể cả tiêu cực, “mua chuộc” giám thị, hội đồng coi thi để được đỗ cao, đỗ 100% để được vinh danh, thành tích, để được khen nọ kia.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, thái độ, tính nghiêm túc trong thi cử của học sinh thi vào lớp 10 là rất tốt. Thực tế cho thấy, đến giờ, buổi vào thi, phần em nào nấy làm, ít có chuyện sử dụng tài liệu, trao đổi bài, quay cóp bài nhau vì các em hiểu được đây là kỳ thi tuyển có tính phân loại, đậu, hỏng, giữa vào trường này với vào trường kia.

Thái độ, tính nghiêm túc trong thi cử của học sinh thi vào lớp 10 rất tốt
Thái độ, tính nghiêm túc trong thi cử của học sinh thi vào lớp 10 rất tốt

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng, thái độ, tính nghiêm túc trong thi cử của học sinh thi vào lớp 10 là rất tốt. Thực tế cho thấy, đến giờ, buổi vào thi, phần em nào nấy làm, ít có chuyện sử dụng tài liệu, trao đổi bài, quay cóp bài nhau vì các em hiểu được đây là kỳ thi tuyển có tính phân loại, đậu, hỏng, giữa vào trường này với vào trường kia.

Thậm chí, khi thấy có biểu hiện tiêu cực, thầy cô chỉ bài, giải bài cho “gà” trong phòng, nhiều học sinh mạnh dạn tố cáo ngay. Còn kỳ thi tốt nghiệp THPT  không có tính cạnh tranh, đủ điểm là được công nhận đỗ tốt nghiệp, vì thế, nếu, hội đồng thi và giám thị coi thi buông lỏng, dễ dãi khi coi thi là học sinh lao nhao, lộn xộn, thiếu nghiêm túc.

Hy vọng, tại kỳ thi THPT quốc gia sắp tới, với hai mục tiêu, vừa để công nhận tốt nghiệp vừa để xét tuyển ĐH, có tính chất cạnh tranh rõ ràng về điểm số, ngành nghề, trường, lớp… thì  bản thân từng thí sinh trong phòng thi, làm bài sẽ rất dè dặt, thận trọng, không dễ gì để cho bạn bè, thí sinh khác coi bài của mình. Sự “tự giữ, tự tạo khoảng cách” trong thí sinh cũng rất quan trọng, tạo ra một tín hiệu tích cực về một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế.

Mong sao, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia sắp tới, nhất là các cụm thi ở địa phương, mỗi học sinh, mỗi thầy cô giáo, thường trực hội đồng coi thi có chung nhận thức và hành động như trong thi tuyển sinh vào lớp 10 và tuyển sinh đại học, cao đẳng ( những năm trước)  để mọi kỳ thi phản ánh đúng thực chất, đúng quy chế, không có những khác biệt đáng buồn như lâu nay.

ĐỖ TẤN NGỌC