Thạc sĩ Phan Thế Hoài: có những Tiến sĩ dạy tôi, trình độ không hơn gì Cử nhân

26/07/2021 06:35
Thạc sĩ Phan Thế Hoài
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thông tư về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ có thể khiến cơ sở đào tạo mất uy tín, vị thế của người có học vị bị hạ thấp.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã ký ban hành Thông tư về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ 15/8/2021 và thay thế Thông tư số 08/2017/TT-BGDĐT ngày 4/4/2017 của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư này dấy lên những cuộc tranh luận nảy lửa trong giới nghiên cứu khoa học bởi quy định nới lỏng về yêu cầu ngoại ngữ và công trình khoa học được phép công bố trên các tạp chí trong nước.

Lo ngại dán nhãn Tiến sĩ

Chia sẻ với người viết về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ, một Tiến sĩ (đề nghị không nêu tên) hiện đang công tác ở Trường Đại học Tây Nguyên cho biết, thầy rất lo ngại với Thông tư này bởi những lí do như sau.

Thứ nhất, Quy chế chấp nhận nghiên cứu sinh là tác giả bài báo đăng trên các tạp chí khoa học trong nước khiến nghiên cứu sinh có thể đăng bài kém chất lượng. Đó là, việc phản biện bài báo của các nhà khoa học có thể dễ dãi bởi do quen biết, cũng có thể ban biên tập của tòa soạn sắp xếp gửi gắm người quen, tệ hại hơn nữa là chi tiền để được đăng bài.

Thứ hai, riêng lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn vốn dĩ trước giờ khó có công bố quốc tế, nay nghiên cứu sinh chỉ cần đăng bài ở tạp chí trong nước thì không thể làm tăng xếp hạng cho các trường đại học chuyên ngành ở Việt Nam. Kéo theo đó, nghiên cứu sinh cũng thiếu vắng sự giao lưu trên các diễn đàn quốc tế thì sẽ lạc lõng, tụt hậu.

Thứ ba, hạ chuẩn với nghiên cứu sinh sẽ cho ra những Tiến sĩ dán nhãn. Ai cũng biết rằng, người có học vị Tiến sĩ là làm nhiệm vụ đào tạo hoặc nghiên cứu khoa học. Thế nhưng, những Tiến sĩ giấy này chỉ có thể làm quản lí, khó làm nghiên cứu khoa học, gây lãng phí rất lớn cho ngân sách Nhà nước. Minh chứng là, có những Tiến sĩ nhiều năm liền không hề có bài báo khoa học nào đăng tải trên các tạp chí, cho dù là tạp chí trong nước.

Thứ tư, nếu những Tiến sĩ dán nhãn này làm công tác giảng dạy ở trường đại học thì rất nguy hại vì khó đáp ứng được yêu cầu chuyên môn, việc đào tạo sinh viên, kể cả học viên cao học sẽ kém chất lượng. Bên cạnh đó, theo quy định hiện hành, những vị trí như hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng phòng, trưởng khoa, phó khoa đều phải có học vị Tiến sĩ, dẫn đến việc chạy đua bằng cấp làm “đẹp” hồ sơ để được bổ nhiệm.

Thứ năm, quy chế mới chấp nhận nghiên cứu sinh có chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 (B2) theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam cũng là một bước thụt lùi. Bởi chứng chỉ ngoại ngữ Bậc 4 dễ hơn nhiều (ở khâu thi cử) so với các tổ chức quốc tế như Hội đồng Anh, Cambridge, IIG... Thực tế, có những người có chứng chỉ B2 nhưng không biết tóm tắt một bài báo khoa học, không đọc “thủng” cho dù chỉ là 1 trang giấy.

Tiến sĩ giấy. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Vương Thuỷ)

Tiến sĩ giấy. (Ảnh chỉ mang tính minh hoạ, nguồn: Vương Thuỷ)

Tiến sĩ “giấy” gây mất uy tín cơ sở đào tạo, vị thế người có học vị bị hạ thấp

Năm 2013, tôi trúng tuyển viên chức và nhận công tác một trường trung học phổ thông ở Thành phố Hồ Chí Minh. Sau một năm giảng dạy, tôi xin phép hiệu trưởng và Sở Giáo dục đi học cao học chuyên ngành.

Hiệu trưởng căn dặn tôi rằng, ở thành phố này có một trường đại học tư thục, có đào tạo sau đại học ngành Ngữ văn. Tuy nhiên, hiệu trưởng khuyên tôi không nên học trường này, vì đầu vào dễ dãi, trình độ giảng viên Tiến sĩ ở mức thấp so với những trường có bề dày xung quanh, lấy xong bằng Thạc sĩ sẽ bị xem thường.

Quả đúng như vậy! Nhiều giáo viên sau khi lấy được bằng Thạc sĩ ở cơ sở này thì chất lượng chuyên môn cũng chẳng cải thiện được là bao, thậm chí có người còn giấu luôn trường mình từng học khi được ai đó hỏi tới.

Tôi không chọn học ngành Ngữ văn mà quyết tâm thi vào ngành Ngôn ngữ học của một trường đại học (xin không nêu tên) ở thành phố này và trúng tuyển năm đó.

Thực lòng mà nói, một số thầy cô có học vị Tiến sĩ dạy lớp tôi không nhận được sự tôn trọng của học viên cũng bởi trình độ chẳng hơn gì người có bằng Cử nhân. Tôi quan niệm, “thầy là quý nhưng chân lý còn quý hơn thầy”, nên chẳng đặng đừng tôi phải nói ra thực trạng đào tạo cao học ở cơ sở này.

Tôi còn nhớ, một Tiến sĩ Ngôn ngữ học (vốn là Cử nhân tiếng Anh học lên) dạy học phần Ngôn ngữ so sánh và đối chiếu có những tiết lên lớp rất “bất thường”.

Cô nói, các anh các chị ít nhiều cũng phải biết tóm tắt luận văn bằng tiếng Anh (bài báo khoa học mới cần tóm tắt tiếng Anh - tác giả nhấn mạnh) để mai mốt còn bảo vệ. Rồi, làm luận văn có gì mà lo, kiếm cái đề tài nào có nhiều người làm, cắt của người này một ít, người kia một ít là xong, dễ lắm.

Tiếp đến, vào tiết dạy cô chiếu một đoạn văn bằng tiếng Anh, tôi dịch đại ý: “có một cô gái ngã từ trên cầu xuống sông nhưng không ai dám nhảy xuống cứu cô ta. Bỗng nhiên có một ông già nhảy vèo xuống sông bơi lại và cứu sống cô. Lập tức, các nhà báo vây quanh ông già hỏi, “thưa cụ động lực nào giúp cụ có đủ dũng cảm để cứu cô gái”? Ông già quắc mắt lên quát, “tiên sư thằng nào nó đẩy tao xuống”.

Và cô yêu cầu cả lớp so sánh đoạn văn bằng tiếng Anh với… tiếng Việt! Cả lớp ú ớ, không hiểu so sánh cái gì? Tôi liền hỏi cô và cô cũng… không có câu trả lời. Thế rồi cô bảo tôi dịch đoạn văn sang tiếng Việt cho cả lớp nghe và kết thúc bài học.

Có thể nhiều bạn đọc cho rằng tôi bịa chuyện để hạ thấp uy tín của Tiến sĩ, nhưng tôi cam kết bằng danh dự và lòng tự trọng của mình, đây là sự thật mười mươi, không hề thêm bớt.

Đến ngày bảo vệ luận văn, tôi càng bất ngờ hơn khi có vị Tiến sĩ nhận xét luận văn của một học viên như cái máy: luận văn có 3 chương, dài 100 trang; đề tài có đóng góp về mặt lí luận và thực tiễn; trang số… viết sai (mấy) lỗi chính tả; phần kết luận còn sơ sài; chú ý sắp xếp lại tài liệu tham khảo theo đúng alphabet.

Trên đây là những câu chuyện nhỏ để minh chứng rằng, hậu quả của việc đào tạo Tiến sĩ dán nhãn hữu danh vô thực thì sẽ gây nên nhiều hệ lụy khôn lường.

Thay lời kết

Ngày 6/5/2021, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam làm việc với Bộ Giáo dục và Đào tạo về những vấn đề tồn đọng, cấp bách cần giải quyết, các đề xuất, kiến nghị của ngành.

Giáo dục và Đào tạo là lĩnh vực liên quan tới toàn dân, mọi gia đình, luôn nhận được sự quan tâm, theo dõi của cả nước. Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu “học thật, thi thật, nhân tài thật”. Thế nhưng, chỉ 2 tháng sau Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ Tiến sĩ theo quan điểm của cá nhân người viết, là đang đi ngược lại với yêu cầu nêu trên của Thủ tướng.

Được biết, Văn phòng Chính phủ đã ra văn bản truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam xung quanh quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ mới được Bộ Giáo dục và Đào ban hành.

Theo đó, Phó Thủ tướng chỉ đạo, “Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu các ý kiến góp ý trên tinh thần cầu thị, nghiêm túc, có hình thức phù hợp để trao đổi ý kiến thật sự khoa học và tiếp thu các ý kiến xác đáng nhằm nâng cao chất lượng và tiếp cận với chuẩn mực quốc tế trong đào tạo Tiến sĩ. Đối với những ngành đặc thù thì cần có quy định cho phù hợp”.

Thiết nghĩ, chất lượng Tiến sĩ góp phần khẳng định chất lượng giáo dục của nước nhà. Vậy nên, nếu việc đào tạo nghiên cứu sinh dễ dãi thì sẽ làm giảm chất lượng đầu ra Tiến sĩ, giảm chất lượng Phó Giáo sư, Giáo sư ở Việt Nam chỉ ở nay mai.

Tài liệu tham khảo:

[1] //tuoitre.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-nganh-giao-duc-phai-hoc-that-thi-that-nhan-tai-that-20210506194216744.htm

[2] //tuoitre.vn/pho-thu-tuong-vu-duc-dam-yeu-cau-bo-gd-dt-trao-doi-them-ve-quy-che-dao-tao-tien-si-20210716094004611.htm

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thạc sĩ Phan Thế Hoài