Tháng 11 và mong ước của thầy cô

07/11/2018 07:08
Nguyễn Cao
(GDVN) - Đừng hô hào nghề giáo cao quý từ năm này sang năm khác nhưng mỗi năm chỉ một ngày bước vào nhà trường rồi mọi thứ lại trở vào quên lãng, hư vô.

LTS: Sắp đến ngày Nhà giáo Việt Nam, thầy giáo Nguyễn Cao đưa ra kiến nghị các nhà trường cần tổ chức các hoạt động kỷ niệm một cách gọn nhẹ, tránh phản cảm.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Có lẽ, trong thâm tâm của hàng triệu thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục luôn có một tâm trạng bâng khuâng khi bước vào tháng 11 của năm.

Bởi, từ lâu trong ngành thường có nhiều hoạt động chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam.

Và cũng từ lâu, nhiều lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành, phụ huynh, học sinh cũng hướng về ngày tri ân thầy cô giáo.

Tháng 11, tiết trời đã bước vào chớm Đông nên thường se se lạnh nhưng lòng thầy cô thường ấm hơn rất nhiều vì nhà trường thường phát động tháng học tập.

Thầy cô đăng ký tiết dạy tốt, học trò phấn đấu điểm 10 tặng thầy cô.

Nên tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam một cách đơn giản, gọn nhẹ. Ảnh: Laodongthudo.vn
Nên tổ chức các hoạt động kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam một cách đơn giản, gọn nhẹ. Ảnh: Laodongthudo.vn

Niềm vui của người thầy sẽ được nhân lên khi học trò của mình siêng năng trong học tập, biết lắng nghe những lời hay, ý đẹp.

Tháng 11, mỗi ngày chào cờ đầu tuần, các trường thường giáo dục, hướng học sinh tới việc tri ân thầy cô giáo.

Vì thế, phần nhiều học sinh học tập cũng tích cực hơn trong học tập, lễ phép hơn trong ứng xử với những thầy cô đang trực tiếp giảng dạy mình.

Tháng 11, phong trào Đoàn – Đội, Công đoàn của nhà trường cũng sôi nổi hơn, thường tổ chức các phong trào thể thao, văn nghệ, trò chơi cho giáo viên, tạo sự hứng khởi cho giáo viên và giúp cho các em học sinh có một sân chơi bổ ích, lành mạnh để các em phấn chấn đến trường.

Tháng 11 và mong ước của thầy cô ảnh 2Ngày 20/11 sẽ tuyên dương 63 thầy cô giáo đang dạy học sinh khuyết tật 

Tháng 11, các tổ chức đoàn thể của địa phương cũng quan tâm đến thầy cô nhiều hơn.

Nhất là lãnh đạo địa phương cũng dành nhiều tình cảm cho giáo viên.

Và, trọng điểm của tháng 11 là ngày 20/11, các trường rực rỡ cờ hoa, lãnh đạo ngành, địa phương đến trường trong tâm thế vui tươi, tay bắt mặt mừng.

Những bài phát biểu chí tình của lãnh đạo, phụ huynh, những lời chúc hoa mỹ dành tặng thầy cô giáo.

Sau buổi lễ, nhiều trường tổ chức liên hoan linh đình, nhạc mở vang vang sang cả khu vực lân cận của các nhà dân...

Hàng loạt những hoạt động như vậy, đó là tấm lòng của toàn xã hội dành cho thầy cô và rõ ràng là đa phần thầy cô vui lắm.

Nhưng, làm sao để tháng 11 đến rồi đi trong một niềm vui trọn vẹn nhất, không để lại những lời thị phi cho dư luận?

Bởi, thực tế nhiều trường còn tổ chức các hoạt động hình thức, quá lố nên các hoạt động giáo dục trong tháng 11 tăng thêm nhiều trăn trở, nghĩ suy cho người thầy.

Chúng ta chưa quên, những năm trước đây, cũng vào tháng 11 nên các trường tổ chức nhiều trò chơi cho học trò nhưng đâu đó lại tổ chức những trò chơi phản cảm, không phù hợp với văn hóa học đường nên dẫn đến việc dư luận ngao ngán cho các hoạt động vui chơi của nhà trường.

Tháng 11 và mong ước của thầy cô ảnh 3Nghề giáo và những hạnh phúc giản đơn

Vì thế, khi tổ chức các hoạt động phong trào vui chơi cho học trò, giáo viên thì các thầy cô làm công tác Đoàn- Đội, Công đoàn cần thận trọng và bàn bạc thấu đáo nên tổ chức những trò chơi gì phù hợp để những trò chơi phải thực sự là trò chơi lành mạnh, không chỉ để giải trí mà phải có tính giáo dục bởi nhà trường luôn phải là môi trường học tập, vui chơi trong sáng và bổ ích.

Khi phát động các hoạt động giảng dạy, học tập của nhà trường cần hướng vào chiều sâu.

Không cần phô trương, phát động cho có phong trào bằng việc giảng dạy, dự giờ hình thức, khoa trương rồi đâu lại vào đấy.

Các thầy cô giáo, nhà trường cũng đừng nên nhận những món quà thiên về vật chất của phụ huynh, học sinh, thậm chí là nhận phong bì thì… kì lắm.

Đạo đức, lương tâm của người thầy sẽ bị thách thức trước những đồng tiền.

Tháng 11 và mong ước của thầy cô ảnh 4Quà tặng của thầy cả đời là những nụ cười

Phụ huynh có thể tặng được cho thầy cô nhưng phía sau những đồng tiền đó sẽ tiềm ẩn vô vàn những thị phi, ác ý.

Liên hoan sau buổi lễ của các nhà trường là điều mà thường xảy ra.

Tuy nhiên, các nhà trường, lãnh đạo địa phương cần tổ chức nhẹ nhàng, nhanh gọn. Tránh ồn ào quá mức, tránh lê thê từ sáng sang chiều.

Tránh tiếng Karaoke ồn ào, chát chúa, náo nhiệt quá mức làm ảnh hưởng đến khu vực xung quanh.

Hình ảnh người thầy sẽ đẹp hơn khi vẫn giữ được nét mặt bình thản, tỉnh táo, không vẹo xiêu, bỗ bã vì men rượu bia sau buổi tiệc của nhà trường.

Tháng 11 đang đến rồi nó sẽ qua đi như bao tháng năm khác mà thôi.

Phần lớn các thầy cô trước đây và cả bây giờ vẫn luôn nêu cao được tấm gương sáng trước học trò, vẫn trọng về nhân cách, vẫn yêu thương học trò.

Vì thế, thầy cô hãy luôn giữ trọn một tấm lòng bao dung và thanh thản với nghề nghiệp của mình đang theo đuổi để nêu cao đạo đức của người thầy trước mọi người.

Những lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục cũng cần thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Đừng hô hào nghề giáo cao quý từ năm này sang năm khác nhưng mỗi năm chỉ một ngày bước vào nhà trường rồi mọi thứ lại trở vào quên lãng, hư vô.

Tháng 11 có nhiều cảm xúc, nhiều ước mơ và cả nhiều trăn trở.

Có lẽ từ đầu năm học đến nay, ngành giáo dục đã có rất nhiều những sự kiện, những vụ việc chưa vui, chưa làm yên tâm dư luận.

Vì thế, điều quan trọng hơn cả và cũng là hy vọng của giáo giới chúng tôi là làm sao tháng 11 này đừng có thêm một sự việc nào “nóng” nữa.

Chỉ thế thôi là thầy cô đã mãn nguyện lắm rồi.                  

Nguyễn Cao