Thầy Bí thư Đoàn trường vùng cao cùng những ước mong vì học sinh thân yêu

18/10/2019 07:11
Công Tiến
(GDVN) - Thầy Trần Xuân Tuấn (Điện Biên) mong Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho các em học sinh dân tộc thiểu số vùng cao.

Thầy Trần Xuân Tuấn (sinh năm 1988) hiện đang là Bí thư Đoàn, giáo viên dạy môn Toán của Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

“Về chuyên môn, thầy Tuấn là một thầy giáo trẻ toàn diện tất cả các mặt, có chuyên môn tốt và đã đạt tới danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh và nhiều năm liền tham gia ôn thi đội học sinh giỏi cấp tỉnh và đều đạt giải.

Đặc biệt, thầy Tuấn luôn tích cực giúp đỡ đồng nghiệp trong việc phát triển chuyên môn. Thầy Tuấn hiện được nhà trường chọn gửi đào tạo các lớp về phát triển năng lực giáo viên chuyên môn phù hợp với chương trình sách giáo khoa mới của Bộ.

Trong quan hệ với đồng nghiệp thầy Tuấn là một người thẳng tính, sống có trách nhiệm và đoàn kết, được đồng nghiệp rất quý mến.

Với học sinh, thầy Tuấn là một Bí thư Đoàn trường rất gương mẫu, sát sao với học sinh, có nhiều sáng kiến giáo dục kỹ năng sống cho các em học sinh của trường.

Thật vinh dự cho thầy Tuấn cũng như trường khi năm 2019 thầy Tuấn được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen và được tuyên dương là 392 Đảng viên trẻ tiêu biểu toàn quốc”, thầy Vũ Trung Hoàn, Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên nhận xét.

Thầy giáo trẻ Trần Xuân Tuấn là một giáo viên trẻ có trình độ, tâm huyết với nghề, năng động với nhiều hoạt động vì học sinh thân yêu. Ảnh: XT.
Thầy giáo trẻ Trần Xuân Tuấn là một giáo viên trẻ có trình độ, tâm huyết với nghề, năng động với nhiều hoạt động vì học sinh thân yêu. Ảnh: XT.

Thầy giáo trẻ tâm huyết, năng động với nhiều hoạt động vì học sinh thân yêu

“Mình có ước mơ làm giáo viên từ nhỏ, vì từ nhỏ gia đình rất khó khăn nhưng may mắn là luôn nhận được sự giúp đỡ của các thầy cô để có thể tiếp tục học tập.

Đặc biệt là người đã khiến mình có thể mạnh mẽ vượt lên tất cả là cô giáo Phong dạy thời tiểu học (Trường tiểu học Trọng Quan, Đông Hưng, Thái Bình).

Từ niềm yêu thích với nghề giáo và suy nghĩ muốn được làm một giáo viên để có thể tiếp tục giúp đỡ các học trò có hoàn cảnh khó khăn nên mình quyết định thi vào trường Sư Phạm...”, thầy Tuấn chia sẻ.

Với phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống lành mạnh, giản dị, khiêm tốn, chuyên môn vững, gương mẫu đi đầu trong mọi công tác, quan hệ mật thiết với đồng nghiệp, gần gũi với học sinh và người dân nơi cư trú... thầy Tuấn được tín nhiệm làm Bí thư Đoàn Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên.

Học sinh của điểm trường nơi đây có đến 95% là người dân tộc thiểu số. Do là trường Dân tộc nội trú nên các em học sinh nơi đây đều ở những địa bàn xã đặc biệt khó khăn, đa số gia đình các em đều là hộ nghèo, nhiều em có hoàn cảnh gia đình vô cùng đặc biệt (bố mẹ mất sớm, bố mẹ đi tù, nghiện ngập…).

Bên cạnh đó, các em còn nhút nhát, nhận thức đôi khi còn chưa tốt.

“Mình luôn mong Nhà nước sẽ tiếp tục tạo điều kiện, hỗ trợ cho các em học sinh vùng cao. Mong quy mô các trường dân tộc nội trú tiếp tục được phát triển, mở rộng để có thêm nhiều em học sinh dân tộc được học tập trong môi trường này”, thầy Tuấn chia sẻ.

Công tác Đoàn trường là một công tác rất vất vả và mất nhiều thời gian. “Vừa làm công tác Đoàn vừa đi dạy nên mình luôn phải bố trí thời gian một cách hợp lí nhất để vừa đảm bảo chuyên môn, vừa thực hiện tốt công tác Đoàn.

Số tiết dạy chính của mình theo chế độ thì không nhiều, nhưng mình dành nhiều thời gian để ôn các đội tuyển học sinh giỏi, ôn thi trung học phổ thông Quốc gia.

Khi các tiết học kết thúc mình dành nhiều thời gian hơn trong việc tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể cho các em học sinh, từ văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, vệ sinh môi trường.

Do đặc thù của trường nội trú, các em học sinh ăn, ở, sinh hoạt tại trường nên với các em trường là nhà. Do đó, việc tổ chức các hoạt động vui chơi, giải trí cho các em sau mỗi buổi học là rất quan trọng”, thầy Tuấn chia sẻ thêm.

Nhiều hoạt động ý nghĩa giúp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được thầy Tuấn cùng Ban Chấp hành đoàn trường, học sinh thực hiện. Ảnh: XT.
Nhiều hoạt động ý nghĩa giúp giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được thầy Tuấn cùng Ban Chấp hành đoàn trường, học sinh thực hiện. Ảnh: XT.

Hàng năm, thầy cùng Ban Chấp hành Đoàn trường đã tổ chức các hội thi, hội thao vào dịp 26/3, thi bóng đá, bóng chuyền, kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, các trò chơi dân gian… thu hút được sự tham gia của đông đảo đoàn viên, thanh niên trong nhà trường.

Tổ chức các hoạt động giáo dục truyền thống cho học sinh nhà trường như: Tổ chức mặc trang phục dân tộc vào thứ 2 và thứ 6 hàng tuần, tổ chức Hội thi “Gói bánh chưng, giã bánh giày”, tổ chức ngày tết dân tộc…

Thường xuyên tổ chức các buổi ngoại khóa với các trò chơi dân gian, tết dân tộc, các buổi ngoại khóa “Vui để học”.

Chương trình ngoại khóa đầu tuần với các chủ đề như: Phòng chống ma túy, An toàn giao thông, Bạo lực học đường, Giới tính và sức khỏe sinh sản…

Đa dạng mô hình, hoạt động giáo dục học sinh

Thầy Tuấn cùng Ban chấp hành Đoàn trường, học sinh chung tay xây dựng mô hình “Vườn rau của em”, trong đó mỗi lớp đều có diện tích vườn rau từ 400-500m2.

Bên cạnh việc trồng các loại rau như: cải ngọt, cải ngồng, cải cúc, cải bẹ, cải bắp, su hào... các em học sinh còn chủ động trồng thêm các loại củ, quả khác như: mướp, bí, su su, đỗ… để đảm bảo dinh dưỡng cho các bữa ăn.

Trong những năm qua, công tác trồng rau xanh của nhà trường đã không ngừng được cải thiện về số lượng và chất lượng, sản lượng rau xanh thu được trung bình là 8 tấn/năm học.

Tính riêng trong năm học 2018 - 2019, sản lượng rau xanh thu được là 8,16 tấn (trị giá số tiền 81.600.000 đồng).

Số tiền trên được chi trả cho các lớp để bổ sung vào nguồn quỹ hoạt động của lớp và thưởng cho học sinh cuối năm.

Tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện tổ chức các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, tham quan các điểm di tích lịch sử...

Tổ chức cho đoàn viên, thanh niên tổng vệ sinh Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện và thắp hương tưởng nhớ các vị anh hùng liệt sĩ nhân dịp kỉ niệm các ngày lễ lớn, tổ chức các hoạt động thiện nguyện, hiến máu tình nguyện...

Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên với hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ảnh: XT.
Học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông, tỉnh Điện Biên với hoạt động đền ơn đáp nghĩa. Ảnh: XT.

Tiêu biểu năm học 2018 - 2019 đoàn trường đã phát động đoàn viên thanh niên nhà trường tham gia ủng gia đình em Lò Văn Nam - học sinh lớp 10A3 bị cháy nhà số tiền 10.870.000 đồng đồng thời kêu gọi các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường ủng hộ được 8.540.000 đồng.

Thực hiện tốt chương trình “khi tôi 18” cho học sinh khối 12 với các hoạt động phong phú, đa dạng như: Tổ chức chương trình “Lá thư tri ân”, thực hiện công trình kỉ niệm nhà trường, tổ chức lễ tri ân trưởng thành “khi tôi 18” cho học sinh khối 12... đã để lại dấu ấn tốt đẹp và được Chi bộ Đảng nhà trường đánh giá cao.

Là một giáo viên giỏi chuyên môn

Năm học 2017 - 2018, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh do thầy Tuấn phụ trách đạt 02 giải (trong đó 01 giải Ba Toán 11 và 01 giải khuyến khích Toán 11).

Năm học 2018 - 2019, đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh do thầy phụ trách đạt 05 giải (trong đó 01 giải Ba Toán 11, 02 giải khuyến khích Toán 11, 01 giải Ba Toán 12 và 01 giải Khuyến khích Toán 12).

Chất lượng bộ môn Toán lớp 12C1 do thầy đảm nhận có tỷ lệ học sinh đạt điểm Khá, Giỏi: 25/32 (78,2%), trung bình: 7/32 (21,8%), không có học sinh yếu, kém.

Trong nhiều năm học gần đây thầy Tuấn đều có sáng kiến được Hội đồng chấm sáng kiến Ngành Giáo dục và Đào tạo, Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông xếp loại Đạt, mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giáo dục, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của nhà trường.

Tiêu biểu, năm học 2017 - 2018 thầy đã thực hiện sáng kiến “Một số biện pháp nhằm khơi dậy và phát huy niềm tự hào về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông” đã được Hội đồng sáng kiến Sở Giáo dục và Đào tạo Điện Biên công nhận.

Sáng kiến đã đưa ra một số biện pháp khơi dậy và phát huy niềm tự hào về truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc cho học sinh Trường phổ thông dân tộc nội trú trung học phổ thông huyện Điện Biên Đông, các biện pháp đó đã được áp dụng thực tế tại nhà trường và phát huy hiệu quả thiết thực, các biện pháp có thể áp dụng rộng rãi tại các trường trung học phổ thông trên toàn tỉnh.

Công Tiến