Thay đổi tình hình dạy, học môn Lịch sử: Nói dễ, làm khó!

10/08/2011 23:51
(GDVN) - Thảm họa môn Lịch sử: Căn nguyên gốc bệnh và cách chữa trị? Việc "thay da đổi thịt" cách dạy và học môn Lịch sử nói dễ, làm khó?

(GDVN) - Thảm họa môn Lịch sử: Căn nguyên gốc bệnh và cách chữa trị? Việc "thay da đổi thịt" cách dạy và học môn Lịch sử liệu có phải việc nói dễ làm khó? Đó là những thông tin được đăng tải trên các báo ngày hôm nay.

Thời gian gần đây, từ kết quả thi tuyển sinh ĐH môn Lịch sử rất thấp, dư luận đặc biệt quan tâm đến tình hình dạy học môn Lịch sử trong nhà trường phổ thông.

Dạy - học môn Lịch sử: Cần "thay da đổi thịt".

Đó là thông điệp được đăng tải trên Tuần Việt Nam.

Từ việc phân tích nguyên nhân, những căn bệnh “nội tại” làm ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục môn Lịch sử trong suốt thời gian qua, tác giả bài viết đặt vấn đề cần phải “thay da đổi thịt” cách dạy và học môn học này.

Theo Tuần Việt Nam: Kết quả điểm thi môn Lịch sử tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay đã bộc lộ rõ những căn bệnh "nội tại" từ lâu lắm rồi của giáo dục phổ thông. Cụ thể đó là:

Thứ nhất, mục tiêu của môn học nặng về tái hiện thông tin, buộc ghi nhớ gượng ép, máy móc. Học môn Lịch sử từ tiểu học lên tận... đại học, một yêu cầu "cốt tử" là sự nhớ thông tin. Đó là sức ép rất lớn đối với người học, chưa kể đến sự mâu thuẫn, tranh cãi về những vấn đề sự chưa thống nhất của các nhà sử học. Tại sao phải nhớ thuộc lòng những thông tin chi tiết về số liệu, thời gian và diễn biến của lịch sử?

Trong khi, những thông tin đó tràn ngập trên internet, sách, báo và tạp chí khác. Vì thế, cần xem xét lại mục tiêu của môn học này? Thuộc lòng những thông tin của lịch sử hay là lịch sử giúp con người làm chủ được quy luật vận động của tự nhiên, xã hội và tư duy?

Thứ hai, nội dung dạy học môn Lịch sử chưa phù hợp. Chương trình môn Lịch sử của các bậc học trùng lắp, chồng lấn nhiều nội dung, bậc học cao hơn buộc người học nhớ thông tin nhiều hơn. 

Thứ ba, phương pháp và đánh giá giáo dục lạc hậu. Về phương pháp dạy học môn Lịch sử, xin dẫn theo lời của Giáo sư Đinh Xuân Lâm trên báo Tuổi Trẻ ngày 01.8.2011 như sau: "Lâu nay chúng ta vẫn sử dụng phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt. Cả Bộ Giáo dục lẫn người dạy sử đều quan niệm sử là môn học thuộc lòng. Thầy vào lớp không có không gian sáng tạo, hoàn toàn phụ thuộc SGK, đến câu hỏi trên lớp cũng được ấn định sẵn trong SGK.

Kiến thức được truyền thụ theo lối từ trên xuống dưới. Học sinh tiếp thu cũng bị động nên không chút hào hứng. Nói tóm lại, dạy và học sử trên lớp là công việc thụ động cả hai chiều".

Còn phần đánh giá giáo dục đối với môn Lịch sử thể hiện bằng công tác kiểm tra trên lớp, kiểm tra định kỳ, thi học kỳ cũng lạc hậu tương xứng với phương pháp dạy học. Những câu hỏi yêu cầu luôn luôn là thuộc lòng, ghi nhớ máy móc theo kiểu "tra tấn thông tin" vô tình làm cho học sinh "tụng kinh" lịch sử trong thời đại văn minh số của thế kỷ XXI.

a
Mục tiêu của môn học nặng về tái hiện thông tin, buộc ghi nhớ gượng ép, máy móc thế thì làm sao tạo được động lực cho học sinh yêu môn Lịch sử?

Theo Tuần Việt Nam: cần có một sự thay đổi toàn diện từ mục tiêu dạy học, nội dung dạy học, phương pháp và cách đánh giá về môn học này. Bệnh ở đâu thì chữa ở đó, đó chính là điểm cốt yếu nếu muốn chấn hưng nền giáo dục nước nhà.

Trước hết, cần thay đổi mục tiêu dạy học môn Lịch sử. Môn Lịch sử chỉ trở nên hấp hẫn khi học sinh nhận biết được quá khứ đang tồn tại trong hiện tại và còn hiện diện trong tương lai. Môn Lịch sử có sứ mệnh là giải đáp "trầm tích lịch sử". Đối với từng bậc học, mỗi trình độ khác nhau, chúng ta giúp người học hiểu được từng "lát cắt trầm tích" khác nhau phù hợp với khả năng nhận thức của các em.

Thứ hai: Nội dung sách giáo khoa phải thay đổi cách tiếp cận cho từng đối tượng người học. Thay vì học sinh trung học cơ sở phải học giai đoạn, thời kỳ lịch sử thì chúng ta nên giúp các em biết được những nhân vật lịch sử: Ví dụ lịch sử Việt Nam, chúng ta nên dạy về nhân vật lịch sử Hùng Vương, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Huệ, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Phạm Văn Đồng, Lê Duẩn ...

Thứ ba: Thay đổi phương pháp giảng dạy theo lối áp đặt.
Cả Bộ Giáo dục lẫn người dạy sử đều quan niệm sử là môn học thuộc lòng. Thầy vào lớp không có không gian sáng tạo, hoàn toàn phụ thuộc SGK, đến câu hỏi trên lớp cũng được ấn định sẵn trong SGK.

Kiến thức được truyền thụ theo lối từ trên xuống dưới. Học sinh tiếp thu cũng bị động nên không chút hào hứng. Nói tóm lại, dạy và học sử trên lớp là công việc thụ động cả hai chiều.

Về đổi mới phương pháp dạy học, chúng ta đã bàn luận nhiều về quan điểm lấy người học làm trung tâm. Tuy nhiên, quan điểm này vẫn còn ì ạch đối với bộ môn Lịch sử. Cần có sự thay đổi mạnh mẽ về phương pháp dạy học, trước hết, yêu cầu trình độ của giáo viên phải không ngừng nâng cao, kế đến là biết vận dụng linh hoạt nhiều phương pháp dạy học trong tiết dạy. Về lâu dài, cần nâng cao chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, nơi đào tạo giáo viên dạy lịch sử.

Thay đổi chất lượng dạy, học môn Lịch sử, “nói dễ làm khó”

Tiếp tục thông tin về việc thay đổi chất lượng dạy, học môn Sử, trên báo điện tử Tầm nhìn đặt vấn đề: Đã có rất nhiều ý kiến bàn luận, song để thay đổi tình hình dạy và học môn Sử trong nhà trường không thể là chuyện một sớm một chiều.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy học môn Sử đã được đề xuất, song thiết nghĩ việc hiện thực hóa không hề đơn giản. Tờ báo này nhận định. Cụ thể như sau:

Thứ nhất: Phương án đổi mới chương trình, SGK môn Sử theo hướng tinh giản, chú trọng các sự kiện lớn, chủ đạo. Đây là một ý tưởng đúng, song vấn đề là thực hiện ra sao, khi mà lịch sử là một chuỗi liên tiếp các sự kiện theo dòng thời gian, nếu bỏ sự kiện này thì không thể hiểu được sự kiện khác, tiếp theo. Việc tăng giờ học môn Sử cũng rất khó, vì tăng Sử thì phải giảm môn khác, vậy giảm môn nào? Vả lại, tăng tiết kéo theo việc phải viết lại khung chương trình, tuyển thêm giáo viên…rất khó khăn, tốn kém.

Thứ hai: Việc thay đổi yêu cầu môn học theo hướng từ thuộc lòng, nhớ các sự kiện và con số sang yêu cầu hiểu và đánh giá sự kiện, nắm bắt được quy luật, bài học lịch sử, Nhưng vấn đề đặt ra là: nếu như không nhớ các sự kiện, con số thì làm sao đánh giá được sự kiện, hiểu được bài học lịch sử? 

Thứ ba: Ý tưởng đem môn Sử vào các môn thi ĐH cũng vậy, sẽ làm tăng thêm gánh nặng học tập cho học sinh. Học sinh buộc phải học để thi đậu ĐH, nhưng nếu không theo ngành Sử, thì sau khi thi đậu, các em buộc phải “quên” Sử để học các môn khác.

Quỹ thời gian của HS là hằng số, chương trình vốn đã rất nặng, các em lại còn học thêm, vui chơi, làm việc nhà... Nếu chúng ta yêu cầu các em tập trung môn Sử, thì buộc phải bớt thời gian của các môn khác, mà môn nào cũng quan trọng cả, xét trong yêu cầu giáo dục phổ thông. Một số giáo viên Lịch sử không ép buộc học sinh học cũng xuất phát từ lí do này.

Thứ 4: Nâng cao thu nhập cho giáo viên, trong đó có giáo viên Lịch sử đang là bài toán khó. Điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, đời sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, việc huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục còn nhiều hạn chế. Nhà nước và ngành giáo dục không thể đặt ra một cơ chế đặc thù cho giáo viên môn Sử, hoặc bất cứ môn nào khác.

Những vấn đề nói trên đã tồn tại trong thời gian dài và không thể giải quyết trong ngày một ngày hai. Do đó, thiết nghĩ, để nâng cao chất lượng dạy học môn Sử trong nhà trường, cần chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Cần đối xử với môn Sử một cách bình thường, bình đẳng với tất cả các môn học khác. Tình trạng học lệch quá mức, sự phân biệt môn “chính”, môn “phụ” trong nhà trường phổ thông về lâu dài sẽ dẫn đến những hậu quả làm suy giảm chất lượng giáo dục, chất lượng con người.

Như vậy, theo đánh giá của người viết, vấn đề không chỉ ở môn Lịch sử, mà còn ở nhiều môn học khác, và cần đặt môn Sử trong hệ thống các môn học ở trường phổ thông để có một cái nhìn toàn diện hơn, và tìm kiếm những giải pháp mang tính tổng thể.        

“Mưa“ điểm O môn Sử “gốc bệnh“ từ đề thi

GS.Đỗ Thanh Bình
GS.Đỗ Thanh Bình
 Trao đối với phóng viên báo Pháp luật VN, GS.TS.Đỗ Thanh Bình - Chủ nhiệm khoa Lịch sử, ĐH Sư phạm Hà Nội khẳng định: “Mưa điểm 0” không phải do học sinh dốt Sử đi, không phải do giáo viên dạy tồi đi mà là vì đề thi đã làm khó thí sinh.

Theo Gs. Bình: “ Khi xem đề thi ĐH môn Lịch sử năm nay và đáp án, nhiều thầy cô dạy phổ thông và cả ĐH đã sửng sốt, ngỡ ngàng. Năm 2010, điểm thi môn Lịch sử rất khá do đề ra chuẩn. Năm nay, khi điểm tụt thấp thì tôi nghĩ vấn đề cũng là ở đề thi”.

Trên tinh thần bài phỏng vấn có thể rút ra được một vài vấn đề như sau:

Hiểu đúng đề thì điểm thấp, điểm cao do “ăn may”

“Lâu nay chấm theo “ba chung” là không có thảo luận. Ngay công văn của Bộ cũng yêu cầu là chấm theo đáp án của Bộ. Chúng tôi rất muốn sửa để cứu các thí sinh nhưng không được sửa.

Tuy đề Lịch sử năm nay có nhiều “sạn” nhưng thực tế vẫn có nhiều em đạt điểm cao. Tôi cho rằng những thí sinh hiểu đúng đề thì điểm thấp. Còn “ăn may” thì sẽ điểm cao”. GS. Bình cho biết.

“Các em đã trượt oan”.

Theo chia sẻ của Gs. Bình: Khi chấm những bài bị điểm 0 nhưng đúng với quan điểm của mình, tôi băn khoăn và cảm thấy tiếc vì các em trượt oan.

Cách chọn người ra đề, người phản biện có vấn đề.

Giải thích lý do vì sao đề thi năm nay lại có nhiều “sạn”, theo Gs. Bình có hai lý do: Người phản biện không đủ trình độ để nhận thức cái sai của đề. Thứ hai, người phản biện không đủ trình độ để bác lại ý kiến của người ra đề. Quy trình ra đề của mình thì đúng, rất chặt chẽ nhưng vấn đề chọn ai cho đúng thì cần phải xem xét.

Hải Hà (tổng hợp)