Thi công chức, Hà Nội kiếm đâu ra những người yêu nghề như thế?

10/04/2019 06:24
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Cuộc thi minh bạch, tin rằng thầy cô giáo cũng thỏa mãn; dù có trượt, những năm tháng thanh xuân của mình các thầy cô sẽ coi như đóng góp xây dựng Thủ đô.

LTS: Liên quan đến câu chuyện thi viên chức giáo viên tại Hà Nội, thầy giáo Sơn Quang Huyến mong rằng các kỳ thi tuyển như thế này cần được đảm bảo sự công bằng, minh bạch và tính nhân văn.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Làm cái gì, muốn thành công cũng cần có đam mê, đặc biệt nghề giáo, cần lòng yêu nghề, hi sinh cao nhất. 

Thế nhưng lòng yêu nghề, hi sinh vì học trò không kiểm tra được, hay thi chọn được, cái đó là báu vật, chỉ có thể nổi lên, sàng lọc qua thời gian công tác. 

Trong cơ chế thị trường, tiền nào của nấy; thế nhưng đi vào giáo dục có những cái vượt ra ngoài quy luật; nổi lên cái “không quy luật” đó là tiền lương của giáo viên dạy hợp đồng ở Mỹ Đức - Hà Nội. 

Trong bài “Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải” của tác giả Vũ Ninh có viết:

Tâm sự về những khó khăn của giáo viên hợp đồng, chị Phương Anh không giấu được sự buồn tủi:

"Những giáo viên hợp đồng như chúng tôi thực sự quá khổ sở. Bản thân tôi sau khi ra trường về dạy hợp đồng ở đây đã 10 năm.

Từ nhà đến trường cũng phải mất 15 km. Thế nhưng bao nhiêu năm nay chỉ được hưởng đúng mức lương cơ bản ngoài ra không được bất kỳ một chế độ nào.

Như mức lương của tôi bây giờ tính theo lương cơ bản là khoảng hơn 1,2 triệu đồng một chút.

Những giáo viên hợp đồng chịu thiệt thòi đủ đường, bảo hiểm không được đóng.

Thậm chí chế độ thai sản như chúng tôi chỉ được nghỉ 3 tháng thay vì 6 tháng".

Giáo viên tại Sóc Sơn (Hà Nội) sợ thi viên chức vì không biết vì sao mình trượt. Ảnh: Tienphong.vn
Giáo viên tại Sóc Sơn (Hà Nội) sợ thi viên chức vì không biết vì sao mình trượt. Ảnh: Tienphong.vn

Rất nhiều bạn bè của người viết đã thốt lên “không tin được dù đó là sự thật”!

Tất cả những bạn đọc mà người viết thăm dò, không ai đi làm với mức thu nhập như thế, dù đó là làm thầy, làm cô! 

Có người lại phản biện “Đi dạy mà lương như thế vẫn dạy chỉ có ba trường hợp; một là đi dạy cho vui, kinh tế gia đình có người khác lo; hai là quá yêu nghề; ba là chờ thời”.

Người viết tin rằng, các giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức, Sóc Sơn, Hà Nội; chủ yếu là “quá yêu nghề; chờ thời”. 

Họ chờ thời để được vào biên chế, được thi đỗ công chức, được những người “cầm cân nảy mực” là “học trò cũ” của ngành giáo dục, nhìn thấy sự hi sinh của họ. 

Thời gian chờ đợi là thời gian dài nhất, đáng ghét nhất, hằn lên các gương mặt phờ phạc của thầy cô giáo. 

Thi công chức, Hà Nội kiếm đâu ra những người yêu nghề như thế? ảnh 2Lỗi của Ủy ban nhân dân huyện Sóc Sơn, sao đổ lên đầu giáo viên hợp đồng?

Nhân văn ơi, chắc nhà ngươi đi xa lắm, ngươi đang dạo chơi ở miền núi Sơn La, Hòa Bình… nơi các nhà quan chức, nơi các nhà đại gia; nhà ngươi không nghe thấy tiếng kêu xé lòng ngay Thủ đô văn hiến, hay nhà ngươi không nghe tiếng của dân nghèo?!

Thi công chức, đặc biệt là công chức ngành giáo dục, đã để lại “tiếng lành” ở khắp mọi nơi, người ta không gọi thi công chức mà chuyển sang động từ dân giã hơn "chạy công chức"! 

Trong bài “Gần 300 giáo viên Sóc Sơn nguy cơ mất việc: Sợ thi viên chức vì sao?” báo Tiền phong có viết “không phải vì không đủ năng lực mà điều họ lo nhất chính là họ đã từng thi trượt mà không hiểu vì sao”.

“Bản thân cô Hiền từng đoạt giải 3 trong kỳ thi giáo viên dạy giỏi cấp huyện.

Năm 2013, toàn thành phố phải rà soát toàn bộ giáo viên dạy ngoại ngữ theo chuẩn năng lực ngôn ngữ của khung tham chiếu châu Âu, cả huyện Sóc Sơn chỉ có duy nhất một giáo viên tiểu học đạt yêu cầu là cô Hiền.

Cô đã 2 lần được chọn đi thi cô giáo tài năng duyên dáng, nhiều năm liền là chiến sĩ thi đua, nhưng 2 lần thi viên chức cô đều không đỗ.

Năm gần đây nhất cô Hiền dự thi tuyển viên chức vào trường trung học phổ thông.

Cô có rất nhiều lợi thế như bằng đại học loại giỏi được cộng 10 điểm; điểm soạn giáo án, giảng dạy đều đạt cao nhất, nhưng đến vòng phỏng vấn thì điểm lại thấp và bị trượt”.

Thi công chức, Hà Nội kiếm đâu ra những người yêu nghề như thế? ảnh 3Giáo viên hợp đồng ở Mỹ Đức bị ép ký cam kết trước khi sa thải

“Là giáo viên dạy giỏi nhiều năm ở huyện Sóc Sơn, cô Nguyễn Hương Trà, giáo viên môn Giáo dục Công dân - Trường Trung học cơ sở Trung Giã, được ghi nhận là 1 trong 10 công dân tiêu biểu của Thủ đô, nhưng chừng đó những thành tích không đủ để cô được đặc cách sẽ rất đáng tiếc cho không chỉ ngành giáo dục vì cơ chế mà gạt những giáo viên có chuyên môn, tâm huyết, nhiều năm cống hiến, học sinh mất cơ hội được học giáo viên giỏi”.

Tôi biết, trả lời giúp các cô, điểm các vòng thi “không giấy trắng, mực đen” như phỏng vấn, dạy thực tế … bao nhiêu là phụ thuộc … lương tâm giám khảo; điểm vòng này không có gì đối chứng, không phúc khảo, không kiện cáo.

Vì thế, thi hay chạy công chức?  

Tuổi thanh xuân đã và đang qua đi không bao giờ trở lại, các thầy cô giáo hợp đồng ở Thủ đô chắc có lẽ đang nói: Giá mà …!

Giải pháp nào cho các thầy cô giáo Mỹ Đức, Sóc Sơn… Hà Nội? 

Luật là luật, thế nhưng luật cũng do con người soạn thảo, nhằm đảm bảo công bằng xã hội. Với những giáo viên đã cống hiến, hy sinh như thế cần một cơ chế riêng cho họ. 

Có giáo viên hợp đồng được chào mời “chạy viên chức" với giá vài trăm triệu đồng

Có thể cộng điểm cho thời gian hợp đồng; cộng điểm cho thành tích thi đua; đặc cách cho những giáo viên dạy giỏi các cấp, giáo viên đạt chiến sĩ thi đua. 

Mục đích cuộc thi cũng chỉ là chọn được giáo viên giỏi cho ngành giáo dục, họ đã công tác, đã được công nhận, cần gì thi, tốn thêm tiền thuế của dân!

Minh bạch hóa cuộc thi, phỏng vấn, dạy trên lớp có quyền ghi âm, quay phim… miễn tác nghiệp không gây mất trật tự. 

Cuộc thi minh bạch, tin rằng thầy cô giáo cũng thỏa mãn; dù có trượt, những năm tháng thanh xuân của mình các thầy cô sẽ coi như đóng góp xây dựng Thủ đô.

Nhân văn ơi, xin em trở về Thủ đô, đừng vui chơi nơi miền xa tổ quốc; xin em hãy lau những dòng nước mắt đang chảy dài trên gương mặt hốc hác của hàng trăm giáo viên, đang bên kia bờ dốc thanh xuân; đang ước mơ là công chức ngành giáo dục. 

Nhân văn nhất, tuyển thẳng giáo viên hợp đồng, đã hàng chục năm hưởng đồng lương “bèo bọt”, vẫn cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giáo dục. 

Tài liệu tham khảo: 

https://www.tienphong.vn/giao-duc/gan-300-giao-vien-soc-son-nguy-co-mat-viec-so-thi-vien-chuc-vi-sao-1397782.tpo

https://www.tienphong.vn/giao-duc/300-giao-vien-thanh-oai-sap-mat-viec-can-loi-giai-thich-ro-rang-1307266.tpo

http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Giao-vien-hop-dong-o-My-Duc-bi-ep-ky-cam-ket-truoc-khi-sa-thai-post197167.gd

Sơn Quang Huyến