Thi ĐH, CĐ và đổi mới công nhận tốt nghiệp THPT sau 2015 có gì mới?

29/10/2013 07:43
Xuân Trung
(GDVN) - Thi và đổi mới công tác thi cử lâu nay luôn là vấn đề thời sự được cả xã hội quan tâm, học sinh và phụ huynh hàng năm luôn trông chờ vào một kỳ thi mà theo đó con em họ không phải mệt mỏi, lo lắng, áp lực, nhưng để có một kỳ thi nhẹ nhàng, gọn nhẹ, ít tốn kém không hề đơn giản.
Bộ GD&ĐT, trực tiếp là Ban soạn thảo chương trình đổi mới sau 2015 đã có những định hướng đề xuất đổi mới thi ĐH, CĐ, công nhận tốt nghiệp THPT trong thời gian tới. Nói như Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, sau 2015 các kỳ thi đánh giá học sinh sẽ cố gắng hướng tới mục tiêu gọn nhẹ, đơn giản và ít tốn kém.
Xét trong bối cảnh của đất nước hiện nay thì việc đổi mới công tác thi, công nhận tốt nghiệp THPT sau 2015 sẽ tập trung vào những mục tiêu: đề thi không chỉ tập trung vào việc xem học sinh học cái gì, mà quan trọng hơn là kiểm tra học sinh đó học như thế nào, có biết vận dụng không, thực hiện đánh giá theo chuẩn năng lực. Định hướng này buộc đề thi không chỉ kiểm tra trí nhớ mà phải yêu cầu vận dụng tổng hợp, thực hành, kiểm tra năng lực sáng tạo.
Đổi mới kỳ thi ĐH, CĐ đang được xã hội trông chờ, có thể các trường ĐH dựa vào kết quả phổ thông để làm căn cứ tuyển sinh. Ảnh minh họa Xuân Trung
Đổi mới kỳ thi ĐH, CĐ đang được xã hội trông chờ, có thể các trường ĐH dựa vào kết quả phổ thông để làm căn cứ tuyển sinh. Ảnh minh họa Xuân Trung
Việc thi, công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp kết  quả đánh giá trong quá trình giáo dục về phẩm chất và năng lực của học sinh và kết quả đánh giá cuối cấp học. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cũng cho biết, với việc đánh giá kết quả học tập, học xong tới đâu kiểm tra tới đó. Đối với kỳ thi cuối cùng (thi tốt nghiệp) đề thi sẽ yêu cầu vận dụng tổng hợp kiến thức, kỹ năng của nhiều lĩnh vực, môn học để giải quyết vấn đề chung theo 2 lĩnh vực lớn là khoa học xã hội và khoa học tự nhiên, hoặc cũng có thể chỉ thi 2 môn Toán và Ngữ văn. Điểm mới nhất trong lần đổi mới kỳ này theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển là tuyển sinh ĐH, CĐ, các trường có thể tuyển sinh theo hướng dựa vào kết quả công nhận thi tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra thi thêm một vài môn theo yêu cầu chuyên ngành đào tạo của mỗi trường. Theo đánh giá của Ban chỉ đạo đổi mới, việc đổi mới sẽ khắc phục được những hạn chế về kiểm tra, đánh giá và thi cử hiện nay. Kiểm tra đánh giá thực chất hơn, công bằng, khách quan và trung thực hơn, giảm bớt sự cồng kềnh, tốn kém của một kỳ thi, tác động tích cực trở lại việc dạy học. Cũng thừa nhận, giáo dục phổ thông nước ta khoa học đánh giá còn lạc hậu, trình độ tổ chức đánh giá và quản lý, sử dụng kết quả còn thấp, năng lực giáo viên và cán bộ nghiên cứu về đánh giá còn hạn chế, có một thói quen và tâm lý còn ứng thí, trọng bằng cấp còn nặng nề. Theo PGS. TS. Đỗ Ngọc Thống -Thường trực Ban chỉ đạo Đề án Đổi mới chương trình, SGK phổ thông sau 2015, đổi mới thi và công nhận tốt nghiệp THPT là việc làm cần thiết đối với sự nghiệp giáo dục: “Việc thi - công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ cần kết hợp đánh giá quá trình và kết quả thi, kiểm tra kết thúc (để tốt nghiệp), kết quả thi, kiểm tra đầu vào (để tuyển sinh)” ông Thống nói. TS. Nguyễn Thị Lan Phương (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cũng đề xuất thêm phương án, có thể  tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia và công nhận tốt nghiệp THPT trên cơ sở kết hợp cả kết quả học tập quá trình và kết quả thi. Theo đó, các môn học cả bắt buộc và tự chọn thuộc chương trình THPT mới được dự kiến thiết kế theo cách cho kết thúc tại những thời điểm khác nhau (lớp 10, 11, hoặc 12), đánh giá quá trình học tập môn học do giáo viên bộ môn chịu trách nhiệm, kết quả tổng kết môn học sẽ do hiệu trưởng và giáo viên môn học quyết định. Với việc đánh giá kết quả thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi này có thể được tổ chức thành 2 đợt trong một năm, khoảng tháng 3 và tháng 5 (làm được điều này vì quá trình học tập theo hướng năng lực, vì vậy kết quả thi không quá phụ thuộc vào nội dung học tập cụ thể). TS. Lan Phương cũng kiến nghị phương án tuyển sinh ĐH, CĐ trong thời gian tới: Không tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học mà giao quyền cho các trường đại học tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh và chịu trách nhiệm về công tác tuyển sinh của mình. Lúc đó trách nhiệm của Bộ GD&ĐT chỉ là giám sát chất lượng tuyển sinh ở ba khâu: Quyết định chỉ tiêu tuyển sinh của mỗi trường nhằm điều tiết số lượng sinh viên theo các ngành. Ban hành quy chế tuyển sinh (Quy trình, chính sách, điều kiện và năng lực  tuyển sinh...) và xây dựng ngân hàng câu hỏi đo lường một số năng lực chung, chuyên biệt đã quy định ở chương trình giáo dục phổ thông và phù hợp với các nhóm ngành đào tạo giáo dục đại học. Hiện nay xu hướng chung trên thế giới việc đánh giá thường được biểu hiện bằng 2 dạng: Định lượng bằng cách cho điểm như 8/10 điểm. Định tính (bằng việc nêu nhận xét, bình giá giá theo kiểu “kết quả học tập này là do...”). Để đánh giá học sinh các nước sử dụng một số phương pháp khá quen thuộc như: Vấn đáp, quan sát, kiểm tra, thi viết, đánh giá sản phẩm thông qua hồ sơ tự đánh giá, lấy ý kiến chuyên gia.
Xuân Trung