Thực nghiệm một vài tiết thì kiểm tra, đánh giá nói lên được điều gì?

13/05/2018 07:17
Thùy Linh
(GDVN) - Tổng Chủ biên cho rằng, việc tập huấn rất quan trọng vì ở Việt Nam giáo viên có thói quen chỉ quan tâm đến sách giáo khoa mà không quan tâm đến chương trình.

Vừa qua, Ban phát triển các chương trình môn học báo cáo kết quả thực nghiệm và khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lý về dự thảo các chương trình môn học trong chương trình giáo dục phổ thông mới.

Kết quả được Ban xây dựng đưa ra sau 1 tháng thực nghiệm chương trình các môn học tại một số trường phổ thông thuộc 6 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương gồm Lào Cai, Hà Nội, Bình Định, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Cần Thơ - đại diện cho 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước.

Mỗi vùng chọn 1 tỉnh, mỗi tỉnh chọn 3 trường tiểu học, 3 trường trung học cơ sở và 2 trường trung học phổ thông đại diện cho các địa bàn phát triển khác nhau để thực nghiệm.

Cấp tiểu học dạy 147 tiết, cấp trung học cơ sở dạy 129 tiết, cấp trung học phổ thông dạy 96 tiết, tổng cộng thời gian dạy thực nghiệm có 372 tiết. Mỗi bài được dạy từ 1 - 2 lượt.
 
Nội dung bài dạy thực nghiệm có hai loại: Bài học là nội dung mới, không có trong chương trình hiện hành; Bài học là nội dung có trong chương trình, sách giáo khoa hiện hành nhưng được thực hiện theo phương pháp dạy học mới.

Tổng cộng đã có hơn 6.200 tiết học thực nghiệm được tiến hành.

Số giáo viên thực hiện các bài học thực nghiệm là 528 giáo viên tiểu học, 602 giáo viên trung học cơ sở và 352 giáo viên trung học phổ thông, tổng cộng 1.482 người.
 
“Các trường học được lựa chọn tham gia thực nghiệm chương trình mới có điều kiện cơ sở vật chất, thuộc địa bàn kinh tế xã hội khác nhau.

Cách chọn mẫu này nhằm đánh giá được chính xác nhất chương trình môn học đã phù hợp, gây hứng thú cho học sinh và vừa sức giảng dạy của giáo viên ở các vùng miền khác nhau hay chưa”,Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết nói.

Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thông tin, các trường học được lựa chọn tham gia thực nghiệm chương trình mới có điều kiện cơ sở vật chất, thuộc địa bàn kinh tế xã hội khác nhau. (Ảnh: Thùy Linh)
Tổng Chủ biên chương trình giáo dục phổ thông tổng thể - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thông tin, các trường học được lựa chọn tham gia thực nghiệm chương trình mới có điều kiện cơ sở vật chất, thuộc địa bàn kinh tế xã hội khác nhau. (Ảnh: Thùy Linh)

Sau khi dạy khảo sát, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng thực hiện khảo sát ý kiến giáo viên, cán bộ quản lí.
 
Nội dung khảo sát là 6 tiêu chí đánh giá chương trình môn học quy định tại Thông tư số 14/TT-BGDĐT; đối tượng khảo sát là tất cả giáo viên và cán bộ quản lí các trường tham gia thực nghiệm; hình thức khảo sát thông qua online và phỏng vấn sâu.
 
Một điểm mới nữa là không tổ chức kiểm tra, đánh giá đầu ra của học sinh. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết lí giải:
 
“Một số môn như môn Ngữ văn cũng đã được xây dựng đề thi để đưa ra thực nghiệm. Có trường nói hay, có trường nói chưa phù hợp.
 
Một số môn cho rằng dạy một vài tiết mà đưa ra kiểm tra, đánh giá thì cũng khó nói lên điều gì.

Hiện tại, các môn đều xây dựng đề kiểm tra, đánh giá, ít nhất mỗi một cấp làm 1 đề. Các đề này sẽ được trình ra hội đồng thẩm định để đánh giá”.
 
Cô giáo Bùi Thị Hồng Hạnh - Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học số 1 Võ Lao, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai nhận xét:

Qua thực nghiệm cho thấy, học sinh hứng thú với chương trình mới. Nhiều nội dung kiến thức mới mẻ nhưng nhiều tiết nặng với học sinh. Nhà trường cũng đã góp ý với ban soạn thảo về điều này.

Để chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng vào giảng dạy đại trà hiệu quả, thầy Đặng Tấn Anh - Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Diệu, tỉnh Bình Định nêu ý kiến, cần tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường.

Bên cạnh đó là tăng cường tập huấn cho giáo viên các môn học dạy theo chương trình mới.

Để chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng vào giảng dạy đại trà hiệu quả, thầy Đặng Tấn Anh - Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Diệu, tỉnh Bình Định nêu ý kiến, cần tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường. (Ảnh: Thùy Linh)
Để chương trình giáo dục phổ thông được áp dụng vào giảng dạy đại trà hiệu quả, thầy Đặng Tấn Anh - Phó Hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Diệu, tỉnh Bình Định nêu ý kiến, cần tăng cường về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cho các trường. (Ảnh: Thùy Linh)

Dự kiến, chương trình mới sẽ được triển khai từ năm học 2019-2020, bắt đầu với lớp Một.

Theo Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết: “Để kịp tiến độ chúng tôi đang phải hoàn thiện chương trình và làm rất gấp rút. Thậm chí, 3 giờ sáng chúng tôi vẫn còn gửi mail cho nhau là bình thường.

Sau khi hoàn thiện, chương trình sẽ được Hội đồng thẩm định nghiên cứu ít nhất phải 15 ngày. Tôi nghĩ việc thông qua cũng không dễ dàng, nếu nhanh cũng phải một tháng. Nếu chỉ có một môn học chưa được thông qua thì cũng phải chờ”. 

Khi đã được Hội đồng thẩm định thông qua, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ký quyết định ban hành.

Sau đó là tổ chức tập huấn chương trình cho giáo viên cả nước. 

“Việc tập huấn rất quan trọng vì ở Việt Nam giáo viên có thói quen chỉ quan tâm đến sách giáo khoa mà không quan tâm đến chương trình.

Bên cạnh đó là tập huấn cho người viết sách giáo khoa. Người viết sách có tâm huyết nhưng có thể không sát với giáo dục phổ thông nên cần tập huấn.

Chúng tôi đang biên soạn tài liệu tập huấn. Sau đó, các tổ chức, cá nhân viết sách và gửi Hội đồng thẩm định sách xem xét.

Hiện chúng tôi đang tập trung vào lớp một để thực hiện đúng lộ trình là thực hiện từ năm 2019, chậm nhất là năm 2020 phải triển khai chương trình mới”, ông Thuyết nói. 

Thùy Linh