LTS: Xung quanh vấn đề thực nghiệm chương trình giáo dục phổ thông mới, nhà giáo Nguyễn Trọng Bình từ Cần Thơ gửi tới Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết, nêu 3 vấn đề tác giả cho là bất cập trong việc thực nghiệm này, xin gửi tới Tổng chủ biên - Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết.
Để đảm bảo thông tin khách quan và đa chiều nhằm làm rõ các vấn đề quan trọng liên quan tới giáo dục nước nhà, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam xin giới thiệu bài viết này, và mong muốn nhận được chia sẻ từ Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và Ban phát triển chương trình.
Văn phong, nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả. Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt. Xin mời quý bạn đọc theo dõi.
Được biết mới đây Ban soạn thảo và phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới đã tiến hành tổ chức thực nghiệm các môn học.
Cũng theo báo cáo của Ban phát triển chương trình thì việc thực nghiệm chương trình phổ thông mới lần này là... “không thất bại”.
Các con số thống kê về kết quả khảo sát từ các thầy cô giáo và cán bộ quản lý (thông qua việc phát 3000 phiếu online) nhìn chung đều rất... “đẹp” (chỉ có 0,37% số ý kiến không đồng ý với chương trình các môn học).
Ảnh minh họa, nguồn: Thủy Nguyên / Báo Nhân Dân. |
Tuy vậy, cá nhân tôi xin được mạo muội gửi đến Ban soạn thảo và phát triển chương trình giáo dục phổ thông mới và cá nhân Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết – Tổng Chủ biên chương trình tổng thể mới 3 vấn đề dưới đây.
3 vấn đề này tôi đặt ra sau khi theo dõi và tìm hiểu tất cả những vấn đề trên cùng với những gì đã quan sát được từ thực tế đã và đang diễn ra thời gian gần đây, liên quan đến hoạt động dạy và học của các thày cô giáo ở các trường phổ thông.
Vấn đề thứ nhất: Chương trình thực nghiệm có quan tâm đến vấn đề “dạy người” cho học sinh phổ thông không? Những môn học, bài học nào được thiết kế để đảm nhiệm vấn đề này? Kết quả dạy thực nghiệm cụ thể ra sao?
Sở dĩ tôi phải đặt ra vấn đề trên là vì thời gian qua, như tất cả chúng ta đều biết giáo dục phổ thông đã và đang đối mặt với nạn bạo lực học đường (cả về tinh thần lẫn thể chất) gây nhiều bức xúc trong dư luận và xã hội.
Mới đây nhất là hàng loạt những vấn đề mà các cơ quan truyền thống đã phản ánh.
Và theo nhiều chuyên gia giáo dục đã lý giải, một trong những nguyên nhân của vấn nạn này là do thời gian qua chương trình dạy và học ở phổ thông của chúng ta được thiết kế thiên về “dạy chữ” (nhồi nhét kiến thức phục vụ việc thi cử) mà ít hoặc quên (hoặc qua loa, chung chung) việc “dạy người” cho các em học sinh.
Thế nhưng, qua theo dõi báo cáo của Ban soạn thảo và phát triển chương trình mới cũng như cá nhân Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết tôi không thấy ai đề cập đến vấn đề này?
Và gần như tất cả chỉ là một con số thống kê rất “đẹp” được Ban soạn thảo và phát triển chương trình công bố bằng biểu đồ thống kê một cách rất chung chung về “phẩm chất chủ yếu và năng lực cốt lõi” (tiêu chí 3).
Thành bại của chương trình mới, xin đừng vội đá trách nhiệm xuống các thày cô |
Từ những lý do trên tôi cho rằng, phải chăng Ban soạn thảo và phát triển chương trình đã thiếu sót hoặc không quan tâm gì về vấn đề trên khi tổ chức thực nghiệm chương trình môn học mới?
Nếu vậy, sau này khi chương trình mới này chính thức được phê duyệt thì các nhà biên soạn sách giáo khoa mới sẽ xử lý vấn đề này như thế nào?
Và liệu rằng khi các bộ sách giáo khoa mới được chính thức ban hành và đưa vào dạy và học đại trà thì có góp phần khắc phục vấn nạn bạo lực học đường như hiện nay?
Vấn đề thứ hai: Giáo viên dạy thực nghiệm bằng “phương pháp mới”, vậy xin hỏi đó là phương pháp gì?
Trong phát biểu liên quan đến kết quả tổ chức thực nghiệm chương trình mới, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói rằng:
“Điểm mới của lần này là Ban phát triển các chương trình môn học chỉ thực nghiệm chương trình, tập trung vào hai dạng: dạng nội dung kiến thức cũ nhưng phương pháp dạy học mới và nội dung kiến thức/môn học mới, phương pháp mới”. [1]
Từ đây xin hỏi Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các công sự “phương pháp dạy học mới” trong lần thực nghiệm vừa qua là phương pháp gì?
Đó là “phương pháp tư duy” hay “phương pháp cơ học”? Phương pháp mới trong lần thực nghiệm này có khác gì với các phương pháp đã và đang được các giáo viên áp dụng trong chương trình hiện hành?
Và nhất là nó có khác gì với “phương pháp” theo mô hình VNEN (vừa triển khai không lâu nhưng có địa phương đã chính thức “khai tử”) hiện nay?
Ngoài ra, với các “môn học tích hợp” (được ban biên soạn thiết kế) thì Ban soạn thảo và phát triển chương trình đã tổ chức dạy thực nghiệm bằng những “phương pháp mới” nào? Có thể gọi tên những “phương pháp mới” ấy ra được không?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình tổng thể giới thiệu chương trình mới, ảnh: VTV.vn. |
Đặt ra những câu hỏi trên, ngoài việc tôi muốn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết giải thích và làm sáng tỏ hơn những điều ông cho là điểm “mới” hay “phương pháp dạy học mới” trong lần thực nghiệm chương trình lần này một cách cụ thể và khoa học hơn thì qua đây, tôi cũng muốn liên hệ với vấn đề thứ 3 dưới đây:
Vấn đề thứ ba: Cở sở nào để Ban soạn thảo và phát triển chương trình khẳng định có những bài học giáo viên dạy “rất thành công” hay việc thực nghiệm chương trình lần này “không có thất bại”?
Báo Điện tử VietnamNet ngày 03/05/2018 khi tường thuật lại vấn đề này có dẫn lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết rằng:
“Thực tế cho thấy giờ dạy chỉ thành công khi giáo viên nắm vững nội dung chương trình và vận dụng được phương pháp dạy học mới để tổ chức hoạt động học tập của học sinh.
Ví dụ, bài dạy thực nghiệm Lịch sử và Sử học, một chủ đề mới được coi là khô và khó trong chương trình Lịch sử lớp 10, dạy ở Trường Trung học phổ thông số 2 thành phố Lào Cai được đánh giá là rất thành công”, Giáo sư Thuyết cho hay.
"Ngay cả trường hợp giáo viên dạy lần đầu không thành công, nếu cán bộ chỉ đạo hoặc tổ chuyên môn phát hiện được vấn đề, kịp thời góp ý, hướng dẫn giáo viên thiết kế lại các hoạt động học tập, thì ở lượt dạy thứ 2, giờ dạy rất thành công.” [2]
Trước đó, theo tường thuật của báo Tuổi trẻ, số ra ngày 23/4/2018 thì, “Về đợt dạy thực nghiệm vừa diễn ra, Giáo sư Phạm Hồng Tung - chủ biên môn lịch sử - khẳng định:
"Không có khái niệm thất bại. Khi triển khai dạy thực nghiệm, có những giáo viên dạy thành công, cũng có những người dạy lần đầu không thành công.
Những yêu cầu vô lý, bất khả thi cho người viết sách giáo khoa mới |
Nhưng như thế không có nghĩa là thất bại.
Bởi mục tiêu của đợt thực nghiệm không phải để chấm điểm giáo viên dạy đạt hay không đạt, mà để kiểm tra tính thực tiễn của chương trình, khả năng đáp ứng của giáo viên, học sinh như thế nào". [3].
Trước hết, xin được hỏi chúng tôi phải hiểu như thế nào đây về hai khái niệm “không thất bại” và “rất thành công” mà các vị trong ban soạn thảo và phát triển chương trình đã phát biểu ở trên?
Việc dạy thực nghiệm “rất thành công” hay “không thất bại” ấy là đang nói về “phương pháp dạy học mới” hay nội dung chương trình/kiến thức mới hay là về phương diện nào khác?
Và cở sở lý luận và thực tiễn nào để đưa ra những nhận định đánh giá ấy, vì theo tôi được biết việc thực nghiệm chương trình lần này chỉ tổ chức cho các thầy cô giáo dạy chứ không có kiểm tra, đánh giá khả năng tiếp thu và vận dụng từ phía học sinh?
Ban phát triển chương trình có thể nào công khai các tiêu chí đánh giá một bài học hay một tiết dạy được xem là “rất thành công” hoặc “không thất bại” từ hai phía người dạy thực nghiệm (giáo viên) và người học thực nghiệm (học sinh) được không?
Theo báo Tuổi trẻ, khi đánh giá về kết quả tổng quan của đợt thực nghiệm vừa qua, Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết có nói:
“Chúng tôi không thể tô hồng kết quả thực nghiệm mà phải thấy được cả thành công lẫn không thành công” [4].
Tuy nhiên, với những gì đã công bố cá nhân tôi thấy Ban soạn thảo và phát triển chương trình chỉ cho công bố những mặt “thành công” (một cách rất chung chung) mà hoàn toàn không đề cập hay có một báo cáo cụ thể nào về những mặt “không thành công”.
Tại sao lại như vậy? Với cách làm như thế này thì liệu có thể tin kết quả của lần thực nghiệm vừa qua không bị “không tô hồng” như lời Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khẳng định?
Thay lời kết
Hẳn tất cả chúng ta đều đã biết, mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới lần này được Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự xây dựng nhằm hướng đến việc hình thành và phát triển 5 phẩm chất chủ yếu cho thế hệ trẻ Việt Nam trong tương lai.
Mong quý thầy làm chương trình, sách giáo khoa mới trung thực, trách nhiệm |
Và 1 trong 5 phẩm chất ấy được xác định là tính “Trung thực” của mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Nhắc lại điều này tôi muốn nói rằng, khi đặt ra những vấn đề trên với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và các cộng sự tôi hoàn toàn không có ý “vạch lá tìm sâu”;
Mà trên hết, tôi muốn tất cả chúng ta hôm nay - thế hệ “những người lớn”, những người đi trước - đã và đang trực hoặc gián tiếp tham gia vào công việc “trồng người” cho đất nước và dân tộc hãy luôn tự vấn bản thân về đức tính trên.
Vì nếu chúng ta không trung thực trong cách nghĩ, cách làm thì rất khó mà thuyết phục người khác đặc biệt là thế hệ con em của chúng ta tin, nghe và làm theo những gì chúng ta rao giảng, dạy bảo chúng.
Nói các khác, nếu chúng ta không tử tế, không tự biết “trồng mình” trước và “trồng” cho thật vững chắc thì làm sao mà tính chuyện “trồng người” khác cho được.
Thật lòng bản thân tôi cũng rất muốn tin và cũng cầu mong cho lần đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông mới lần này dưới sự “cầm trịch” của Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thành công rực rỡ để tất cả chúng ta không còn mất niềm tin về nền giáo dục nước nhà trong tương lai.
Hay ít ra, là số tiền 77 triệu USD của Nhà nước và nhân dân dành cho công cuộc đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông lần này không bị hoang phí trong hoàn cảnh đất nước ngập đầu vì nợ công!
Tuy nhiên, trước khi tin, tôi buộc phải “hoài nghi” vì với tôi “hoài nghi” vốn là một yếu tố quan trọng trên hành trình khám phá và đi tìm chân lý trong khoa học và cuộc sống của con người.
Nói như các nhà hiền triết trên thế giới thì “hoài nghi là cha đẻ của phát minh” hay “hoài nghi không phải là kết thúc mà là khởi đầu của tri thức" [5].
Chú thích nguồn tham khảo:
[1]: “Thực nghiệm chương trình giáo dcụ phổ thông mới: giáo viên nói gì?” Xem tại: https://tuoitre.vn/thuc-nghiem-chuong-trinh-pho-thong-moi-giao-vien-noi-gi-20180504085031649.htm
[2]: “Thực nghiệm chương trình mới: càng lên cao giáo viên càng ngại đổi mới”. Xem tại: http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/cong-bo-ket-qua-thu-nghiem-chuong-trinh-mon-hoc-pho-thong-moi-446949.html
[3], [4]: “Thực nghiệm chương trình phổ thông mới: không có thất bại”. Xem tại: https://tuoitre.vn/thuc-nghiem-chuong-trinh-pho-thong-moi-khong-that-bai-20180423073824517.htm
[5]: Vai trò của hoài nghi trong khoa học. Xem tại: http://dantri.com.vn/khoa-hoc/vai-tro-cua-hoai-nghi-trong-khoa-hoc-1354566993.htm